Xin Cho Biết ý Nghĩa Chữ Kinh Trong Đạo Phật - Thư Viện Hoa Sen
TRẢ LỜI: Kinh: Nghĩa đen là sợi tơ thẳng, xuyên suốt. Sách Phật gọi là kinh, vì chúng có tác dụng xuyên suốt lời dạy của Phật, giữ vững không để mất đạo lý của Phật dạy, trên thì phù hợp với đạo lý, dưới thì phù hợp với trình độ người nghe.
Kinh Phật sở dĩ gọi là khế kinh, vì chúng khế hợp với đạo lý do Phật dạy, đồng thời cũng khế hợp với căn cơ người nghe.
Kinh Phật thường bắt đầu bằng các chữ "Như thị ngã văn" (như vậy tôi nghe). Tôi ở đây, chỉ ông A Nan, người trực tiếp nghe lời Phật và thuật lại. Câu ấy xác nhận lời trong kinh chính là lời Phật nói.
Ba tạng kinh điển gồm có: Kinh tạng, ghi lại những lời Phật dạy; Luật tạng, ghi lại những giới luật làm khuôn phép sinh hoạt và tu học cho tu sĩ; Luận tạng, gồm các bộ luận do các luận sư, đệ tử Phật trình bày, giải thích một cách có hệ thống và theo chiều sâu giáo lý đạo Phật.
Các bài thuyết pháp của đức Phật được sưu tập lại là Kinh. Toàn bộ Kinh Phật hợp lại thành Tạng Kinh (S. Sutrapitaka).
Đó là sơ qua về nghĩa chữ KINH. Muốn biết thêm chi tiết xin đọc thêm hai bài giảng về ý nghĩa chữ KINH của Tỳ kheo Thích Nhật Từ và Thích Hằng Trường:
Ý Nghĩa của Chữ "Kinh" Thích Nhật Từ
Trong suốt cuộc đời hoằng pháp, đức Phật không hề viết sách. Tất cả kim ngôn hay lời dạy của Ngài được truyền thừa lại nhờ vào truyền thống tụng đọc thuộc lòng, của các vị đệ tử Ngài, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, về sau mới được ghi chép lại thành dạng văn bản, gọi là Kinh.
Các nhà Phật học truyền thống Trung Quốc giải thích rằng Kinh là "khế hợp." Khế ở đây bao gồm hai phạm trù khế lý và khế cơ. Khế lý là nội dung ý nghĩa của những lời giảng dạy phải được đặt trên nền tảng Trung đạo, không thiên lệch vào sự chấp mắc nào. Khế cơ là sự thể hợp với từng căn cơ đối tượng. Khế lý và khế cơ có giá trị xuyên suốt thời gian và không gian. Theo nghĩa này, Kinh là chân lý siêu tuyệt của các chân lý mặc ước và công ước.
Tác giả của Luận Phật Địa còn đi xa hơn, khi giải thích: "Khế là phù hợp với tinh thần giáo lý mầu nhiệm của các đức Phật trong ba thời, đồng thời còn đáp ứng một cách sát sao với sự lãnh hội của đương cơ tiếp nhận giáo pháp ấy." Theo đó, sự khế lý mà thiếu khế cơ hay khế cơ mà không khế lý thì chẳng được gọi là Kinh.
Các nhà chú sớ Kinh điển của Trung Quốc không dừng lại tại đó, còn đi sâu vào việc khai thác sự đa dạng về ý nghĩa của Kinh. Theo các nhà sớ giải, Kinh gồm có năm nghĩa: (1) pháp bổn, (2) vi phát hay xuất sanh, (3) tuyền dũng, (4) thằng mặc, (5) kết man, (6) hiển thị. Các cách định nghĩa chữ Kinh như vừa nêu tuy có phần phong phú, đa dạng, nhưng đã đi quá ý nghĩa từ nguyên của chữ Kinh trong Phật giáo, thời kỳ nguyên thủy.
Trong đạo Phật, ý nghĩa chữ Kinh ban đầu rất đơn giản. Kinh, tiếng Sanskrit viết là sūtra, và tiếng Pali viết là sutta, chỉ có nghĩa chính là những lời giảng dạy của đức Phật về đạo đức, chân lý và giải thoát. Nó liên hệ đến sự nghe, nghe những lời dạy của đức Phật. Nói cách khác, Kinh là những lời dạy của Phật hay của các vị Bồ-tát, A-la-hán. Trong ý nghĩa rộng hơn, chữ Kinh còn ám chỉ cho (1) các thể loại văn học Phật giáo, hay (2) Tạng Kinh (Sutta Piṭaka), hay chỉ chung cho (3) Ba kho tàng văn học Phật giáo (Kinh, Luật, Luận). Kinh là sách ghi chép những lời dạy về chánh pháp, những phương thức hành trì hay các pháp môn được đức Phật và các vị thánh đệ tử của ngài giảng dạy.
Các vị thánh đệ tử đầu tiên của đức Phật là nhóm năm anh em Kiều-trần-như, mười vị đệ tử lớn và 1250 vị tỳ-kheo đều có nhiều cuộc đối đáp về đạo lý và con đường tu tập với các người theo Bà-la-môn giáo và các tôn giáo bấy giờ. Các pháp thoại mang tính cách xiển dương và truyền bá đạo pháp như vậy, có giá trị tương đương với lời Phật dạy trong nhiều trường hợp cụ thể. Nên các pháp thoại đó cũng được xem là kinh, tức một dạng khác của lời Phật dạy. Các bài Kinh loại này có mặt khắp trong các Kinh điển Phật giáo của Nguyên Thuỷ và Đại thừa.
Như vậy, "Kinh" chỉ chung cho các lời dạy đạo lý hoặc là các pháp thoại do đức Phật nói cho các hàng đệ tử hoặc người khác, hoặc các pháp thoại của các vị thánh tăng đối đáp với nhau hay đối với người ngoại đạo. Ý nghĩa ban đầu của Kinh chỉ đơn giản có thế, dù dưới dạng truyền khẩu hay được biên tập thành văn bản về sau.
Mặt khác, “Kinh” là một khái niệm bao quát, chỉ chung các lời dạy của Phật về đạo đức (dhamma) hay con đường tu tập và những phép tắc (vinaya) liên hệ đến đời sống của cộng đồng tu sĩ sống dưới sự bảo hộ và hướng dẫn của Phật. Nó hoàn toàn không mang các ý nghĩa như "pháp bổn," "vi phát," "dũng tuyền," "kết man," "xuất sanh," " hiển thị " hay ý nghĩa "khế cơ" như các nhà sớ giải Trung Quốc đã phát triển về sau. Nói như vậy không có nghĩa phủ định tính chất khế cơ trong lời Phật dạy. Chỉ có con người ứng dụng kinh, giảng dạy Kinh có khế cơ hay không mà thôi. Nói cách khác tính khế cơ tùy thuộc rất nhiều vào vị pháp sư qua sự trình bày pháp thoại đến với quần chúng thính giả hơn là bản thân của pháp thoại đó được biểu hiện dưới hình thức lời nói hay văn tự. Văn tự hay ngôn ngữ có giới hạn, không thể làm chức năng xứng hợp như chính con người của đức Phật và các vị đệ tử thánh của Ngài. Ý nghĩa thâm sâu của Kinh nếu không được vị pháp sư trình bày một cách sáng sủa, chính xác và hợp đối tượng thì người nghe có thể rơi vào các tình trạng ngộ nhận, thoái thất đạo tâm và như vậy là mất hết khế cơ. Đặc tính khế cơ tùy thuộc rất nhiều vào người giảng đạo và người nghe. Thuyết giảng pháp thoại mà không nắm bắt được đối tượng nghe pháp sẽ có thể dẫn đến tình trạng làm suy thoái đức tin chánh pháp của người nghe. Ngược lại thuyết pháp phù hợp đối tượng, làm cho đối tượng thấm nhuần lợi ích và an lạc thì sự thuyết pháp đó đã thành tựu ý nghĩa khế cơ rồi. Như vậy lợi ích hay tác hại của một buổi pháp thoại đối với người nghe tùy thuộc rất nhiều vào phương tiện giảng dạy và phong cách trình bày của vị pháp sư, chứ không phải là bản thân của Kinh điển văn tự.
Nói tóm lại, chữ Kinh trong Phật giáo được dùng để chỉ cho lời Phật dạy dưới hình thức văn tự hay truyền khẩu, có giá trị hướng thượng, phát triển đạo đức, nuôi lớn thiền định, phát sanh trí tuệ, giúp cho người đọc tụng đạt được an lạc và hạnh phúc. Kinh điển là ngón tay để chỉ cho chúng sanh thấy được mặt trăng, là chiếc bè để đưa người sang sông giải thoát. Bản thân Kinh điển không phải là mặt trăng và cũng không phải là bờ giải thoát. Mặt trăng ở đây ám chỉ cho chân tâm, Phật tánh và Niết-bàn. Người đọc tụng và thọ trì cần nương vào lời Kinh để nhận ra được chân tâm, Phật tánh của mình, cũng như nương vào ngón tay để thấy được mặt trăng và nương vào thuyền để sang được bờ bên kia. Sau khi thấy được trăng cần phải biết quên ngón tay. Sau khi qua được bờ rồi, nên thả thuyền xuống sông để nó có thể giúp được nhiều người khác muốn sang sông. Đừng có thái độ chấp thủ và tôn thờ ngón tay đã giúp ta thấy được mặt trăng, cũng như chiếc bè đã giúp ta qua được bờ bên kia!
Tỳ Kheo Thích Nhật Từ http://www.thuvienhoasen.org/kinhtunghangngay-ynghiatungkinh.htm
Ý nghĩa của chữ Kinh Thích Hằng Trường
Nếu các bạn nghĩ rằng kinh là những cuốn sách giấy trắng mực đen thì bạn lầm rồi đấy. Kinh có muôn vàn hình thức sai biệt. Trong thành kiến của ta kinh chỉ là sách là chữ. Nhưng bạn có tin rằng kinh còn có hình thức là âm thanh, là hình ảnh, vật chất, hiện tượng. Thí dd như trong đời này kinh được viết trong băng cassette hoặc CD, tồn tại trong mạng lưới internet, hoặc diễn đạt bằng radio, phim ảnh. Trong đời sống của ta cũng đầy dẫy những hiện tượng đáng gọi là kinh. Bởi vậy ta phải nắm lấy nội dung của kinh để hiểu sự biểu hiện của nó trong thế giới quanh ta. Kinh (sutra) có rất nhiều nghĩa. Xin nêu ra mười nghĩa chính:
Dũng tuyền: Nghĩa là suối phun nước có mạch ngầm dưới đất. Chân lý chứa đựng trong kinh như nước suối tuôn trào, gội sạch mọi phiền não cấu bẩn, khiến ta thân tâm thanh tịnh. Suối nước chảy trên mặt đất thì có thể cạn, còn suối nước có mạch ngầm dưới đất thì tương đối bất tận. Hình ảnh suối chảy róc rách, gợi lên cho ta cảm giác tươi mát, dễ chịu. Có người trong lòng bực bội chuyện gia đình, mới vặn máy nghe nhạc, xem TV cho khuây khỏa. Nhưng càng nghe càng thêm bực dọc, bởi vì xem TV chỉ tạm tránh né phải đối diện với thực tại, chớ không giải quyết vấn đề nội tại trong lòng. Chừng khi nghe băng giảng kinh, thì tự nhiên lòng an định, phiền não biến mất. Lời kinh chính là nước suối mát, dội sạch lửa nóng nảy.
Xuất sinh:Cũng như mặt trời, lúc nào cũng tỏa ra ánh sáng, lúc nào cũng phát ra năng lượng, kinh cũng vậy: Nó lúc nào cũng tỏa ánh hào quang, lúc nào cũng làm phát sinh đủ mọi công đức, đủ mọi pháp lành, bởi vì chân lý trong kinh có thể làm ta thức tỉnh, phát tâm bồ đề, rồi theo đó thực hành. Tam thế chư Phật đều từ chân lý trong kinh mà đắc giác ngộ. Nhiều người chỉ nghe một câu kinh mà cả đời thay đổi, bỏ ác làm lành. Ngài Huệ Năng nghe một câu kệ trong kinh Kim Cang, rồi không biết bao nhiêu hạt giống bồ đề của ngài đã gieo trồng trong vô số kiếp trước đột nhiên sống lại, khiến ngài giác ngộ. Đó chính là tác dụng làm xuất sinh pháp lành của kinh.
Hiển thị: Hiển là làm lộ ra, thị là chỉ cho thấy. Giống như mặt trăng, ngôi sao sáng hay ngọn đăng tháp có thể rọi sáng bóng đêm hiển bày mọi cảnh tượng. Kinh cũng là mặt trăng hay ngọn hải đăng, làm hiển thị những định luật, chân lý của vũ trụ mà bình thường ta khó thấy rõ trong màn đêm vô minh của tâm trí. Nhở kinh ta mới biết được những cảnh giới vô hình như những buổi thuyết pháp của Phật trên cung trời Đâu Suất. Hoặc kinh diễn bày những triết lý trừu tượng giải thích về chân lý. Câu chuyện sau đây nói về sức mạnh khi chân lý hiển thị: Có vị thầy sau nhiều năm nghiên cứu tham thiền vất vả, vẫn không sao chứng ngộ. Anh ta mới đắp y, trãi tọa cụ trịnh trọng đảnh lễ thầy mình, hỏi rằng: Thưa thầy, con tu đã lâu mà vẫn chưa biết làm sao giải thoát, xin thầy chỉ bảo! Vị thầy hỏi ngược lại: Vậy chớ ai trói buộc con, mà con đòi giải thoát hở? Giống như điện chớp lóe sáng giữa đêm đen, chỉ chớp nhoáng, thầy kia lập tức thấy rõ, thấu suốt đường tu và tâm mình. Anh ta không còn mù mờ nữa. Sức mạnh của kinh và của chân lý thì như thế: Chỉ ra bến giác, thoát vô minh, sửa vận mạng.
Thằng mặc:Nghĩa là dây dọi hay thước đo. Thằng mặc ở đây mang hai ý nghĩa: Một, Là phương tiện đo đạc: Không có dây dọi thì chẳng sao xây nhà cho thẳng. Không có thước, côm ba, thì chẳng sao vẽ hình cho đúng được. Hai, Là đơn vị đo lường tiêu chuẩn: Như các hệ thống đo lường trong toán học, vật lý hay hoá học; các đơn vị đo đạc trừu tượng dùng trong khoa kinh tế học, tâm lý học, xã hội học, đều là thằng mặc. Kinh là phương tiện đo đạc, và chân lý trong kinh là tiêu chuẩn do đạc để ta theo đó tu hành. Những chân lý trong kinh là những tiêu chuẩn của thiện nghiệp, đạo đức, công hạnh tu tập, quá trình tu chứng, và quả vị. Thí dụ như kinh dạy rằng: Con đường giải thoát là giới định huệ. Nếu bạn không tu giới định huệ mà được giải thoát, thì chuyện đó thật ly kỳ lắm đó!
Quán xuyến: Nghĩa là xâu kết lại với nhau. Như vòng hoa xâu kết mấy cánh hoa rời rạc lại với nhau.Chân lý trong kinh xâu kết mọi sự lý, mọi hiện tượng lại với nhau trong một quan hệ nhân quả. Thí dụ như kinh có thể giải thích cho thấy mối quan hệ giữa việc ăn trộm và cuộc sống nghèo hèn, mà ta vẫn cứ tưởng chúng là hai việc hoàn toàn không có liên quan gì nhau. Giống như trẻ em chắp nối mấy miếng puzzles lại với nhau, hay bác thợ nề đắp mấy viên gạch rời rạc lại thành bức tường, kinh xâu kết những chuyện mà ta cảm thấy rời rạc không liên quan gì với nhau thành ra một bức hình toàn diện của vạn pháp (tổng tướng), trong đó mọi thành phần (biệt tướng) thì quan hệ mật thiết, không thể phân chia, tách rời. Tất cả những biến đổi của mỗi thành phần, dù tốt hay xấu, hoặc trở nên tương đồng (đồng tướng), hoặc trở nên khác biệt (dị tướng), hoặc sinh ra (thành tướng), hoặc chết mất (hoại tướng); tất cả mọi chu kỳ và biến thiên của mọi hiện tượng trong vũ trụ và pháp giới đều bao hàm trong một đại thể. Kinh là lăng kính mà qua đó ta có thể thấy đại thể ấy. Cũng có nghĩa rằng kinh là lăng kính giúp ta đạt được cái nhìn như thị: Thấy vạn pháp bằng chân lý, không bị ảnh hưởng bởi thành kiến, ngã kiến hay phiền não.
Nhiếp trì: Nghĩa là nắm giữ, giữ gìn, không để cho biến mất hay hư hoại. Cũng giống như sức hút của trái đất, hay trọng lực, nhiếp trì tất cả mọi vật trên mặt đất, kinh nhiếp trì tất cả mọi chân lý. Kinh là một thứ hoàn toàn thanh tịnh, không phát sinh từ tham sân si, với năng lực vô song duy trì tâm thức của người tu trên con đường thanh tịnh và trí huệ. Mỗi một ý trong kinh là một hạt giống bất diệt trong tâm thức của người tu. Hạt giống ấy một khi đã gieo xuống thì bất diệt, từ từ lớn mạnh, tạo ảnh huởng khiến ta hướng vào đường lành, tránh ngõ ác.
Thường: Nghĩa là thường hằng bất diệt. Ví như hư không: Chẳng sao phá huỷ được nó. Cũng vậy, chân lý trong kinh chẳng ai có thể huỷ hoại được. Ta có thể huỷ báng, chê bai, thiêu đốt kinh sách, cấm cản phát hành, nhưng không sao thay đổi được những đạo lý trong kinh. Vào thời Đường, có vua Võ Tông (814-846) là một người tín đồ Đạo Giáo kiền thành. Tin tưởng rằng trừ khử Phật giáo sẽ đem lại trường sinh bất lão, đồng thời cũng muốn cân bằng lại thế lực trên mặt chính trị và kinh tế mà Phật giáo đang có ảnh hưởng sâu đậm, Võ Tông đã hạ lệnh diệt Phật: hơn 4,600 chùa bị hủy phá; 40,000 đền miếu đốt rụi; khoảng 260,500 chư tăng ni bị bắt hoàn tục, và hàng trăm ngàn kinh điển, tài liệu về Phật pháp bị thiêu đốt. Tuy thành công trên mặt chính trị và kinh tế, Võ Tông chẳng diệt được ảnh hưởng văn hóa của Phật giáo. Nhất là chân lý nhân quả thì thể hiện trong sinh hoạt, ghi chép trong đời sống và tâm thức của mỗi người, thì làm sao xóa được? Chỉ mấy tháng sau khi tiến hành diệt Phật, chính Võ Tông vì uống thuốc trường sinh mà nhuốm bịnh chết. Phải chăng chân lý ‘ác giả ác báo’ thị hiện? Chân lý nhân quả này, không cần sách vở biên ra mới tồn tại, bởi vì nó vĩnh viễn khắc sâu trong cuộc sống của ta.
Pháp:Pháp ở đây có nghĩa là lý tất nhiên, lẽ đương nhiên. Kinh bao hàm những lý lẽ không sao phủ định được, mà ta gọi là chân lý. Hai ngàn năm trước Phật dạy rằng: Không nên cất giữ vũ khí trong nhà vì nó sẽ dễ đưa tới nghiệp sát. Hai ngàn năm sau, bây giờ ở Mỹ người ta mới thống kê cho thấy khả năng sát nhân đã tăng lên gấp 3 lần trong những gia đình nào trong nhà có giữ súng ống.
Điển: Có nghĩa là tập hợp những nghĩa lý tốt lành, không chút tà vạy. Điển là thứ ta có thể tin cậy để dựa vào, để nghiên cứu, để tìm hiểu, vì nó không có bóng dáng của lòng ích kỷ, thiên vị hay quan niệm lệch lạc. Khi những sách vở nói về một triết thuyết, học thuyết, hay quan điểm của một cá nhân thì nó chưa phải là điển. Khi nào những gì được trình bày trong sách vở ấy hoàn toàn vắng bặt dấu vết của lòng truy cầu danh vọng, cảnh giới hẹp hòi nhỏ bé của bản ngã thì nó sẽ thành kinh điển. Dân tộc nào cũng có vô số tục ngữ; chúng là kết quả của sự quan sát và kinh nghiệm những việc xảy ra ở đời. Phần lớn những tục ngữ ấy là một thứ điển chứa đựng chân lý sống, công chính và hiển nhiên, như:
Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó thoát. Đánh chết, cái nết chẳng chừa. Không có lửa, sao có khói. Bởi tin nên mắc, bởi chắc nên nhầm. Đức năng thắng số. Thuốc chữa bệnh, chẳng chữa được mệnh. Cây già, lá úa.
Kinh: Nghĩa là con đường. Trong danh từ Hán Việt, chữ này đồng âm với chữ kinh của kinh điển. Con đường thì có to nhỏ, dài ngắn khác nhau. Những đạo lý trong kinh điển dạy cũng giống như con đường, hay nói đúng hơn là bản đồ để ta theo đó tu hành giải thoát sinh tử. Ngoại đạo là con đường dẫn ta đi ra khỏi Đạo, hướng ngoại, rời bỏ chân lý và chân tâm. Hồi đời nhà Minh có ngài Đức Thanh Hám Sơn. Có một thời gian ngài ẩn cư, tu thiền. Khi không biết cảnh giới và phương thức tu trì của mình đúng hay sai chẳng có thiện tri thức ở gần kề chỉ dạy, ngài đã dùng kinh Lăng Nghiêm để kiểm chứng cảnh giới của mình. Nhờ đó ngài mới thấu triệt thiền cảnh, xác quyết đường tu.
Thích Hằng Trường http://www.hnpv.orgTừ khóa » Khế Kinh Là Gì
-
KHẾ KINH - Vườn Hoa Phật Giáo
-
Tự điển - Khế Kinh Nhị Nghĩa - .vn
-
Khế Kinh - Pháp Thí Hội
-
12 Bộ Kinh Là Những Kinh Gì? | Giác Ngộ Online
-
Đạo Vào đời (Engaged Buddhism) - VMDD TECH
-
Khế Kinh Nghĩa Là Gì?
-
NHƯ HUYỄN - KINH Và KHẾ KINH. Biết Phật, Hiểu Phật, Tin Phật ...
-
Ý Nghĩa Của Kinh Và Tụng Kinh
-
Mình đọc Kinh điến, Thấy Có Từ "khế Kinh" Mà Không Hiểu Nó Là Kinh ...
-
Khế (Lá Và Quả) Là Gì? Công Dụng, Dược Lực Học Và Tương Tác Thuốc
-
Hiểu Rõ Kinh Phật Là Gì Và ý Nghĩa, ứng Dụng Của Kinh Phật
-
Tắm Lá Khế Cho Bé Có Tốt Như Lời đồn? Cách Tắm Lá Khế để Tối ưu ...
-
Công Dụng Bất Ngờ Của Cây Khế | Vinmec