Xóa Bỏ Bất Bình đẳng Giới - Báo Bình Phước

Thực tế, phụ nữ chiếm gần một nửa lực lượng lao động trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng và tác động tiêu cực đến đời sống phụ nữ trên nhiều lĩnh vực như: việc làm, thu nhập, sức khỏe, quan hệ trong gia đình, xã hội, cơ hội phát triển... Rất nhiều lao động nữ trong các ngành nghề dịch vụ rơi vào tình trạng bị thất nghiệp, giảm giờ làm đột ngột. Sự chênh lệch thị trường lao động giữa nam giới và phụ nữ càng thêm khoảng cách còn bắt nguồn từ trách nhiệm mà họ phải gánh vác, như phải lo toan việc nhà, chăm sóc gia đình, con cái nhiều gấp đôi so với nam giới. Kéo theo các yếu tố bạo lực về thể xác, tâm lý, kinh tế... đối với phụ nữ cũng gia tăng mạnh.

Ở Bình Phước, đại dịch không chỉ tạo ra gánh nặng kép cho phụ nữ mà còn kéo thêm áp lực cho trẻ em, nhất là trẻ em gái. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ ngày 19-6-2020 đến nay, toàn tỉnh có 67 trẻ em bị xâm hại, trong đó chủ yếu bị xâm hại tình dục. Nhiều trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần do phải học trực tuyến dài ngày. Nguồn nuôi dưỡng trẻ cũng bị suy giảm do cha, mẹ hoặc chính trẻ phải điều trị, cách ly để phòng, chống lây nhiễm Covid-19… Và đã có nhiều lao động trẻ em gái đang phải nhọc nhằn mưu sinh với nỗi lo cơm áo, gạo tiền.

Những “mảng tối” nêu trên cho thấy, bạo lực giới, bất bình đẳng giới không còn là vấn đề của mỗi cá nhân mà là của toàn xã hội. Trong đó, những chính sách, chủ trương hiệu quả, phù hợp sẽ đóng vai trò là “kim chỉ nam” dẫn lối cho mọi hành động, đảm bảo tất cả phụ nữ và trẻ em đều có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm tới việc phòng, chống bạo lực gia đình, thông qua nhiều văn bản pháp luật, như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật Dân sự... Đặc biệt, sự ra đời của Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, nhất là với phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình chưa được quan tâm đúng mức, cần tăng cường hơn nữa để nâng cao hiểu biết, làm thay đổi nhận thức về vấn đề bình đẳng giới đối với mọi tầng lớp nhân dân.

Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021, diễn ra từ ngày 15-11 đến 15-12 với chủ đề: “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”. Mong rằng, những thông điệp trong tháng hành động sẽ là lời hiệu triệu các tầng lớp nhân dân chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Nhất là trong các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, phụ nữ, trẻ em phải luôn là đối tượng được ưu tiên hàng đầu.

Từ khóa » Xóa Bỏ Bất Bình đẳng Giới Trong Gia đình