Xôi Phú Thượng - Món đặc Sản Thân Quen, ấm Lòng Của Người Hà ...

Nằm trên địa bàn quận Tây Hồ có bề dày truyền thống lịch sử, mang đậm bản sắc văn hóa của Hà Nội, với nhiều làng nghề truyền thống như: Chè sen Quảng An, hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên… Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng cũng đang khẳng định được giá trị, thương hiệu, là một trong những địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng.

Làng Phú Thượng hay còn gọi làng Phú Gia, tọa lạc ven sông Hồng với lượng phù sa màu mỡ, bồi đắp nên những bãi nương dâu hay những cánh đồng lúa chín vàng óng ả. Người dân nơi đây cũng có nghề truyền thống nấu xôi đã trở thành thương hiệu. Làng Phú Thượng thuộc quận Tây Hồ thành phố Hà Nội xưa kia được biết đến là nơi tồn tại phát triển của bốn loại món ăn ngon nổi tiếng đất Hà thành là bánh trôi, bánh đa kê, rượu nếp và đặc biệt là xôi Phú Thượng.

Ngày 30/12/2016, Phú Thượng được UBND thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống” theo quyết định số 7286/QD-UBND.

Năm 2019, Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Xôi Phú Thượng. Đây là cơ hội để sản phẩm của làng nghề ngày càng phát triển đa dạng, chất lượng dịch vụ được củng cố và nâng cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Hội thi nấu xôi lần thứ 3 - Xuân Canh Tý ở làng nghề Phú Thượng
Hội thi nấu xôi lần thứ 3 - Xuân Canh Tý ở làng nghề Phú Thượng

Người dân Phú Thượng cho biết, muốn nấu xôi ngon, quan trọng là phải có được nguyên liệu chuẩn. Gạo nếp phải chuẩn gạo nếp cái hoa vàng, đỗ hay lạc cũng được lựa chọn kĩ lưỡng. Sau đó đến giai đoạn chế biến cũng cần chuẩn xác và kinh nghiệm của người thổi xôi. Đầu tiên phải vo thật sạch gạo, sau đó ngâm khoảng 3 tiếng, rồi mang ra đãi. Sau khi đãi xong lại bỏ vào ngâm. Phải đãi từ hai đến ba lần sao cho nước thật trong và không còn vương chút bụi nào.

Khi thổi được khoảng nửa tiếng, bỏ ra rổ, lấy đũa đảo đều để thoát hơi, sau đó để yên tầm ba tiếng, vẩy qua nước, bóp đều rồi để đó tầm 3 đến 4 giờ sáng hôm sau dậy đồ lại một lần nữa sau đó phân loại đem đi bán. Phải đồ xôi qua hai lửa để xôi đạt được độ rền, dẻo. Lửa phải vừa đủ độ nóng, căn sao cho đủ thời gian thì mới có xôi ngon.

Bà Nguyễn Thị Loan - Phó chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng, tự hào khoe: “Làng nghề nấu xôi Phú Thượng đã được TP. Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2016. Trên địa bàn phường hiện có khoảng 600 hộ làm nghề nấu xôi, nhiều gia đình có 5 - 6 thế hệ nối tiếp nhau theo nghề nấu xôi, bán xôi và cho thu nhập bình quân khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng”.

Đặc biệt, từ khi xôi Phú Thượng được công nhận là làng nghề truyền thống, đã có 3 nghệ nhân được vinh danh. Năm 2019, bà Loan và một nghệ nhân nấu xôi vinh dự được mang xôi đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội để phục vụ hàng nghìn phóng viên trong nước và quốc tế. “Tôi và nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đã trực tiếp nấu và cung cấp gần 600 suất ăn/ngày tại hội nghị. Đây là vinh dự rất lớn đối với chúng tôi”, bà Loan chia sẻ.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (phải) và bà Nguyễn Thị Loan, Phó chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng, phục vụ thực khách tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2019 tại Hà Nội
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (phải) và bà Nguyễn Thị Loan, Phó chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng, phục vụ thực khách tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2019 tại Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Tuyến, nghệ nhân nấu xôi đầu tiên của phường Phú Thượng cho hay, bà làm nghề từ khi còn là thiếu nữ và đến nay đã có 40 năm gắn bó với nghề. Năm nay đã 58 tuổi, nhưng đều đặn hằng ngày, bà vẫn dậy từ 2 giờ sáng để nấu xôi và tự mang bán ở khu vực Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bà Tuyến cho hay, bà yêu nghề vì những khách hàng thân thuộc là những thế hệ học sinh chỉ đợi ăn “xôi của bà Tuyến”. “Xôi Phú Thượng được khách yêu thích vì dẻo lâu, hương thơm, màu sắc đẹp. Hạt xôi căng mọng và bóng, dù để từ sáng đến chiều vẫn ngon, không bị khô, bị cứng”, bà Tuyến chia sẻ.

Nói về bí quyết làng nghề, bà Tuyến cho hay, để có xôi ngon, người nấu xôi Phú Thượng phải chọn kỹ nguyên liệu từ gạo nếp, đến đỗ xanh, lạc, gấc… Mỗi loại xôi cần kỹ thuật riêng về ngâm gạo, trộn nguyên liệu, điều chỉnh lửa khi nấu...; thậm chí vo gạo cũng cần kỹ thuật để gạo không bị vỡ. Những dụng cụ truyền thống để nấu xôi, ủ xôi cũng là “gia truyền” và được giữ bí quyết cho tới tận bây giờ.

Trao đổi với phóng viên ông Hoàng Gia Lượng - Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng cho biết: Từ rất lâu, người dân Phú Thượng đã có nhiều sản phẩm được chế biến từ gạo nếp cái hoa vàng như các loại bánh, chè, xôi… Tuy nhiên, chỉ có xôi là có sức sống lâu bền hơn cả bởi quá trình chế biến không quá phức tạp, cầu kỳ và khách hàng cũng dễ cảm nhận hương vị thật thơm, dẻo của gạo nếp, giá thành hợp lý nên được đông đảo các tầng lớp người tiêu dùng chấp nhận. Đây là những điều kiện cần và đủ để làng nghề tồn tại và phát triển bền vững, như sự nối dài của truyền thuyết Lang Liêu vọng về đất Tổ.

Cùng với sự thăng trầm của lịch sử, mỗi làng nghề cũng trải qua những giai đoạn khó khăn. Nhưng thực tế đã khẳng định dù trong hoàn cảnh nào thì người dân ở làng nghề nấu xôi Phú Thượng vẫn luôn biết vượt qua mọi khó khăn trở ngại, tự tin tìm ra những con đường đi phù hợp. Tổ tiên đã nuôi dưỡng và truyền lại ngọn lửa nghề “nấu xôi” cho bao lớp người dân ở Phú Thượng để hàng ngày, người Hà Nội vẫn luôn được thưởng thức món quà quê thân quen.

Xôi Phú Thượng - món đặc sản thân quen, ấm lòng của người Hà Thành - Ảnh 1
Xôi Phú Thượng trở thành món đặc sản của đất Hà Thành.
Xôi Phú Thượng trở thành món đặc sản của đất Hà Thành.

Đặc biệt, quá trình đô thị hóa đã chuyển dần ruộng đất của Phú Thượng thành những ngôi nhà cao tầng, sản xuất nông nghiệp cũng không còn nữa thì nghề “nấu xôi” giúp người dân nơi đây tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và làm giàu.

Theo ông Hoàng Gia Lượng, hiện nay Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng có 329 thành viên, được hỗ trợ tạo điều kiện về nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, áp dụng khoa học kỹ thuật phát triển sản phẩm làng nghề. Hội còn hỗ trợ giúp đỡ cho 215 hội viên được sử dụng điện một giá để sản xuất.

Cũng theo ông Lượng, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục triển khai các chủ trương của chính quyền các cấp về việc xây dựng làng nghề trở thành ngành kinh tế của địa phương, nâng cao chất lượng, công tác xúc tiến quảng bá làng nghề và thu hút khách hàng, tạo thêm nhiều sản phẩm đa dạng. Thường xuyên kiểm soát chất lượng sản phẩm tại các hộ gia đình nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động làng nghề, kiểm tra nhắc nhở các hội viên chú trọng đảm bảo vệ sinh môi trường.

Sơn Thủy (Tổng hợp)

Từ khóa » Cách đồ Xôi Của Làng Phú Thượng