Xu Hướng Biến đổi Cơ Cấu Xã Hội Việt Nam - Tạp Chí Cộng Sản

TCCSĐT - Ngày 22 tháng 6 năm 2010, Ban chủ nhiệm Chương trình “Nghiên cứu khoa học lý luận - chính trị giai đoạn 2006-2010” (mã số KX.04/06-10) đã tổ chức nghiệm thu cấp nhà nước Đề tài “Xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam” (mã số KX.04.14/06-10), do GS, TS. Tạ Ngọc Tấn làm chủ nhiệm.

Có thể nói, sau gần 25 năm thực hiện đổi mới dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, cùng với những thành tựu to lớn về kinh tế – xã hội, xã hội Việt Nam cũng đã diễn ra một quá trình biến đổi toàn diện vô cùng lớn lao cả ở tầm vĩ mô và vi mô, cả về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội… Tuy nhiên, cùng với những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, những biến đổi mạnh mẽ của xã hội thời gian qua cũng đang đặt ra nhiều vấn đề, thách thức gay gắt. Đó là, sự mất cân đối về cơ cấu của nền kinh tế, cơ cấu giai cấp, cơ cấu dân cư, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu dân tộc, tôn giáo…; sự phân hoá giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa giàu và nghèo trong phát triển; sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp, các giới, các nhóm xã hội…; đặc biệt, sự phân hoá giàu nghèo, sự phân tầng xã hội ngày càng trở nên gay gắt. Bên cạnh đó là sự xuất hiện những vấn đề mới như: dân số tăng, việc làm và di cư tự do; sự tăng nhanh của giai cấp công nhân và sự giảm sút nguồn lực lao động ở nông thôn; các tệ nạn xã hội; sự bất bình đẳng giới và nguy cơ khủng hoảng gia đình; sự thay đổi chuẩn mực đạo đức và lối sống ở lớp trẻ…

Những thành tựu của công cuộc đổi mới cũng như những vấn đề bức xúc đang đặt ra hiện nay thực chất vừa là kết quả của sự biến đổi cơ cấu xã hội; đồng thời, vừa là tác nhân thúc đẩy sự biến đổi mạnh mẽ hơn nữa cơ cấu xã hội. Cơ cấu xã hội là một nhân tố luôn luôn biến đổi. Đó là do, trong quá trình vận động và phát triển của các xã hội, những biến đổi ở mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đều tác động mạnh mẽ, thúc đẩy sự biến đổi của cơ cấu xã hội và đến lượt nó, sự biến đổi cơ cấu xã hội lại tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đã có nhiều công trình đề cập đến vấn đế biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam, tuy nhiên, do xuất phát từ góc nhìn của chuyên môn hẹp, các cách tiếp cận và phương pháp không thống nhất, thời gian nghiên cứu lại không liên tục, nên mặc dù các nghiên cứu về biến đổi cơ cấu xã hội ở từng khía cạnh thì nhiều, song bức tranh tổng thể biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam đến nay vẫn còn bỏ trống. Khắc phục nhược điểm này, Đề tài khoa học “Xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam” do GS, TS. Tạ Ngọc Tấn làm chủ nhiệm đã khá thành công trong việc tạo ra một bức tranh tổng thể về biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam trong giai đoạn đổi mới, thể hiện trên 5 lát cắt quan trọng nhất, đó là cơ cấu xã hội - giai cấp, cơ cấu xã hội - nghề nghiệp, cơ cấu xã hội - dân số, cơ cấu xã hội - dân tộc và cơ cấu xã hội - tôn giáo.

Trên cơ sở phân tích các nhân tố cơ bản tác động đến sự biến đổi cơ cấu xã hội ở Việt Nam trong 25 năm đổi mới, Đề tài đã làm nổi bật sự biến đổi mạnh mẽ của cơ cấu xã hội Việt Nam trong 25 năm đổi mới.

Đối với cơ cấu xã hội - giai cấp: Từ cơ cấu “hai giai, một tầng” ở giai đoạn bao cấp, sang giai đoạn đổi mới cơ cấu này còn được bổ sung thêm nhiều tầng lớp và nhóm xã hội mới: đó là đội ngũ các nhà doanh nghiệp, những tiểu thương, tiểu chủ (kể cả các chủ trang trại lớn), những người lao động làm thuê, những người Việt Nam lao động ở nước ngoài, v.v... Ngoài sự xuất hiện thêm nhiều giai tầng mới thì ngay trong các giai cấp, tầng lớp cơ bản như công nhân, nông dân, trí thức cũng có sự phân hóa và biến đổi mạnh mẽ.

Cơ cấu xã hội - nghề nghiệp: Nếu xem xét cơ cấu nghề nghiệp theo nhóm ngành kinh tế, thì sự biến đổi cơ cấu đó trong giai đoạn đang có sự chuyển dịch tích cực từ nông, lâm, ngư nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, từ các ngành có năng suất thấp sang ngành có năng suất cao hơn. Còn xem xét cơ cấu nghề nghiệp theo thành phần kinh tế thì tỷ lệ lao động thuộc kinh tế nhà nước giảm xuống, trong khi tỷ lệ lao động ngoài nhà nước và khu vực đầu tư nước ngoài tăng lên; theo khu vực thì tỷ lệ lao động ở thành thị tăng lên, trong khi lao động ở nông thôn giảm xuống, v.v...

Cơ cấu xã hội - dân số: Đáng chú ý là tỷ lệ trẻ em trong các nhóm tuổi (từ 0 đến 14 tuổi) giảm mạnh, trong khi các nhóm tuổi từ 25 đến 49 và 65 trở lên đang tăng lên khá rõ ràng - điều góp phần vào sự chuyển đổi từ tỷ số phụ thuộc sang “cơ cấu dân số vàng”. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, cơ cấu dân số theo giới tính thì dần cân bằng nhưng tình trạng mất cân bằng giới tính ở trẻ sơ sinh tăng lên; tỷ lệ dân số đô thị thấp nhưng đang tăng lên, báo hiệu tích tụ dân số vào đô thị ngày càng mạnh, v.v...

Cơ cấu xã hội - dân tộc: Trong bối cảnh của công cuộc đổi mới, thành phần tộc người có xu hướng tăng lên (có thể vượt qua con số 54 dân tộc - do ý thức tộc người tăng lên, do chính sách ưu đãi của Nhà nước...), sự phân bố về địa lý giữa các dân tộc thay đổi mạnh (do di dân tự do từ Bắc và Nam, do phát triển các khu công nghiệp...), đặc biệt là sự biến đổi cơ cấu dân số giữa các tộc người (tỷ lệ sinh ở các dân tộc thiểu số miền núi cao hơn ở người Kinh và ở đồng bằng).

Cơ cấu xã hội - tôn giáo: Ngoài các tôn giáo chính là Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Cao Đài và Hoà Hảo, trong giai đoạn đổi mới còn xuất hiện thêm nhiều tôn giáo mới (từ 50 - 60), trong đó có tôn giáo tách ra từ Phật giáo, có tôn giáo là được phục sinh từ các lễ hội dân gian và cũng có tôn giáo mới được du nhập từ bên ngoài vào. Đó là chưa kể trong nội bộ các tôn giáo cũng có sự thay đổi không chỉ ở số lượng các tín đồ, mà còn ở phương diện tổ chức và nhiều phương diện khác nữa.

Những biến đổi đó đã tác động cả tích cực và tiêu cực đến quá trình phát triển đất nước, cụ thể trên các mặt: kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội.

Ở chiều tích cực: Về mặt kinh tế: sự biến đổi cơ cấu xã hội đó đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước, qua đó góp phần nâng cao đời sống mọi mặt của đại đa số các tầng lớp nhân dân.

Về mặt chính trị, sự biến đổi cơ cấu xã hội (như tự do hoá các ngành nghề, nhiều tầng lớp xã hội mới xuất hiện...) đã góp phần nâng cao địa vị cũng như ý thức dân chủ của người dân. Như vậy, mô hình cơ cấu xã hội ở giai đoạn mới này, về cơ bản, là có lợi cho sự ổn định xã hội và phát triển đất nước về lâu, về dài.

Về mặt văn hóa: Việc giao lưu ngày càng gia tăng giữa các tộc người trong nước, cũng như giữa trong nước và nước ngoài, sự phục sinh của nhiều tín ngưỡng dân gian, sự du nhập và nảy sinh nhiều tôn giáo mới... đang làm cho văn hóa Việt Nam ngày thêm đa dạng và phong phú - mà đa dạng và phong phú chính là một nguyên nhân không thể thiếu để phát triển.

Ở chiều tác động tiêu cực: Sự tác động tiêu cực của biến đổi cơ cấu xã hội ở giai đoạn này có nhiều, song có thể quy lại mấy biểu hiện cơ bản sau:

Biến đổi cơ cấu xã hội đang làm gia tăng sự bất bình đẳng của xã hội: đó là bất bình đẳng giữa nông thôn và đô thị, giữa miền xuôi và miền núi, giữa người có thu nhập cao và người thu nhập thấp, giữa lao động trí óc và lao động chân tay.

Biến đổi cơ cấu xã hội đang làm gia tăng mâu thuẫn và xung đột - dù mới ở mức độ cục bộ - song cũng đã tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn đối với sự ổn định và phát triển của xã hội: đó là mâu thuẫn giữa chủ và thợ, giữa thế hệ già và thế hệ trẻ, giữa chủ đầu tư và những người nông dân mất đất, là xung đột giữa một số tổ chức tôn giáo và chính quyền địa phương, giữa các bộ phận tộc người di dân tự do và cư dân địa phương.

Ngoài ra, trong cơ cấu xã hội mới xuất hiện các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương, sự quá tải ở các khu công nghiệp và các thành phố lớn, sự mất dần bản sắc ở không ít tộc người thiểu số, sự lai căng, mất gốc ở một số nhóm người, nhất là ở thế hệ trẻ, v.v...

Rõ ràng, cả hai mặt tích cực và tiêu cực đã, đang và sẽ còn tồn tại trong quá trình biến đổi cơ cấu xã hội ở mô hình đổi mới. Đây không chỉ là vấn đề thực tiễn, mà còn là vấn đề lý luận, đòi hỏi phải giải quyết.

Trên cơ sở phân tích bối cảnh trong nước và thế giới giai đoạn 2011-2020, Ban chủ nhiệm Đề tài đã đưa ra những dự báo xu hướng biến đổi cơ cấu ở xã hội Việt Nam. Đây là cơ sở rất quan trọng cho việc định hướng các chính sách cho quá trình phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Trong giai đoạn này, xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội sẽ diễn ra nhanh hơn và gay gắt hơn ở cả 5 lĩnh vực cơ bản đã được nghiên cứu.

Ban chủ nhiệm Đề tài đã đưa ra 8 nhóm giải pháp cơ bản nhằm tạo ra sự biến đổi tích cực cơ cấu ở xã hội Việt Nam trong giai đoạn từ 2011 – 2020, bao gồm từ việc chủ động tổ chức, quản lý quá trình vận động, biến đổi, hướng tới hình thành một cơ cấu xã hội tối ưu, trên cơ sở chủ động quản lý quá trình biến đổi các thành tố, các mối quan hệ của cơ cấu xã hội một cách hợp lý, đến việc hạn chế thấp nhất những khả năng ảnh hưởng tiêu cực, phát huy cao độ vai trò tích cực của các thành tố, các mối quan hệ của cơ cấu xã hội đó trong đời sống xã hội.

Với những kết quả nghiên cứu đã đạt được Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá xuất sắc. Trong phần kết luận, Chủ tịch Hội đồng, GS, TS. Vũ Minh Giang nêu rõ: “Trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo đổi mới toàn diện đất nước, Đề tài nghiên cứu xu hướng biến đổi của xã hội Việt Nam trong thời kỳ đổi mới do GS, TS. Tạ Ngọc Tấn làm chủ nhiệm, dựa trên cách tiếp cận mới về cơ cấu xã hội đã thành công trong việc đánh giá thực trạng, phân tích những tác động, đưa ra dự báo và đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy sự biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam theo xu hướng tích cực, làm cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối và chiến lược phát triển đất nước nhanh, bền vững trong những năm tới”./.

Từ khóa » Cơ Cấu Xã Hội Tôn Giáo Là Gì