Xử Lý Các Khoản Nợ Một Cách Khoa Học Cùng Phương Pháp Quả Cầu ...

Khi đối mặt với các khoản vay chi tiêu, phương pháp vẫn được đa số áp dụng là trả đều đặn theo kỳ hạn của từng khoản vay. Cách làm này đôi khi khiến chúng ta choáng ngợp khi ngày qua tháng lại đều ngập trong “deadline” nối tiếp của các khoản nợ. Hãy tham khảo phương pháp Quả cầu tuyết (Debt Snowball) giúp “giảm áp lực, tăng động lực” trong việc giải phóng những khoản vay nợ này nhé.

Phương pháp Quả cầu tuyết là gì?

Quả cầu tuyết là một phương pháp được phát triển bởi Dave Ramsey – một tác giả chuyên viết về tài chính cá nhân đồng thời là một phát thanh viên truyền hình nổi tiếng. Theo phương pháp Quả cầu tuyết, những khoản nợ của bạn được ẩn dụ như hình ảnh các quả cầu tuyết nhỏ. Những quả cầu tuyết nhỏ này khi lăn từ trên cao xuống sẽ cuộn dần thành một quả cầu lớn. Tương tự như vậy, trong việc trả nợ, nếu bạn bắt đầu thanh toán theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, số tiền hoàn thành trả nợ sẽ tăng dần theo thời gian, đồng nghĩa với việc số lượng các khoản nợ giảm dần.

Lấy ví dụ: Bạn có một khoản nợ 15 triệu cần trả thẻ tín dụng, một khoản nợ lớn hơn 30 triệu vay mua xe máy và một khoản nợ 500 triệu vay mua nhà. Như vậy, khoản nợ nhỏ nhất bạn cần ưu tiên thanh toán là khoản 15 triệu trả thẻ tín dụng, tiếp đó là khoản 30 triệu vay mua xe máy, rồi cuối cùng là khoản 500 triệu vay mua nhà.

Mấu chốt của phương pháp Quả cầu tuyết chính là cảm giác vui sướng, thỏa mãn khi chinh phục từng cột mốc, tạo “đòn bẩy” để bạn tiến lên phía trước. Nếu là một người đang xoay sở trong nhiều khoản nợ lớn bé khác nhau, phương pháp Quả cầu tuyết sẽ cho bạn một định hướng trả nợ chủ động, tích cực hơn.

Áp dụng phương pháp Quả cầu tuyết ra sao?

Bạn có thể ghi nhớ phiên bản ngắn gọn của phương pháp Quả cầu tuyết theo 4 bước đơn giản như sau:

Bước 1: Liệt kê tất cả các khoản nợ từ nhỏ nhất đến lớn nhất dựa theo tổng tiền (không tính lãi suất), chia nhỏ số tiền tối thiểu mà bạn phải trả hàng tháng.

Bước 2: Số tiền để dành hàng tháng sẽ được ưu tiên trả cho các khoản nợ nhỏ hoặc mang tính cấp bách, đồng thời trả mức tối thiểu cho các khoản nợ còn lại.

Bước 3: Khi trả dứt một món nợ, bạn cộng dồn số tiền đã trả cho mục đó vào mục nhỏ nhất tiếp theo.

Bước 4: Lần lượt làm như vậy cho đến khi thanh toán tất cả các khoản nợ.

Nếu đã hoàn thành món nợ nhỏ nhất mà vẫn còn dư dả chút ít, bạn cũng có thể trả dần một phần tiền của các khoản nợ trong “danh sách chờ” để giảm bớt gánh nặng cho quá trình tiếp theo.

Vẫn trong ví dụ trên, nếu tháng vừa rồi bạn nhận được tiền thưởng cuối năm 20 triệu. Bạn lấy ra 15 triệu để thanh toán thẻ tín dụng ngân hàng và còn dư 5 triệu. Thay vì chi tiêu cho những việc không cần thiết, hãy lấy 5 triệu này để trả bớt một phần của khoản nợ vay mua xe máy 30 triệu. Như vậy, số tiền bạn cần thanh toán cho khoản nợ mua xe máy chỉ còn 25 triệu mà thôi.

Được ví von với hình ảnh “tích tiểu thành đại”, phương pháp Quả cầu tuyết giúp các khoản nợ được xử lý dần đều một cách khoa học, đều đặn. Việc duy trì trả nợ theo phương pháp Quả cầu tuyết sẽ giúp bạn kiểm soát được tiến trình trả nợ của mình mà không bị rơi vào thế bị động khi phải loay hoay với quá nhiều “deadline” nợ nần không hồi kết.

Một vài lưu ý khi áp dụng phương pháp Quả cầu tuyết

Mặc dù là phương pháp giải quyết nợ chủ động và khá dễ áp dụng, Quả cầu tuyết được cho là không phù hợp nếu bạn đang ngập trong những món nợ gấp hoặc muốn rút ngắn tối đa khoản tiền lãi cần trả theo tháng.

Chìa khóa để thực hiện phương pháp trả nợ quả cầu tuyết thành công là lập kế hoạch quản lý tài chính thực tế, bao gồm việc trả nợ và các khoản thu, chi trong tháng để tránh tình trạng bội chi tín dụng.

Trải qua một năm 2021 đầy khó khăn, 2022 là năm cần được vun đắp bởi những ước vọng và nguồn năng lượng tràn đầy. Hy vọng phương pháp chia sẻ trên đây có thể trở thành “chìa khóa” giúp bạn vượt qua các khoản nợ một cách chủ động, khoa học nhất, xây dựng một khởi đầu mới tốt đẹp trước thềm năm mới.

>>> Xem thêm:

  • Có bao giờ bạn tự hỏi mình đang gánh nợ quá nhiều?

  • Những sai lầm thường gặp trong quản lý tài chính cá nhân

  • 4 lý do khiến bạn mãi tiết kiệm mà không thành công

Từ khóa » Cách Trả Nợ 100 Triệu