XỬ LÝ ĐỐI VỚI HÀNH VI TỐ CÁO SAI SỰ THẬT
Có thể bạn quan tâm
Tổ xác minh giải quyết tố cáo thông báo quyền, nghĩa vụ của người tố cáo tại phiên làm việc với người tố cáo (Ảnh: Công Chiến)
Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của pháp luật báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Về pháp lý thì quyền tố cáo của công dân được quy định tại Điều 30, Hiến pháp năm 2013 “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Việc tố cáo được thực hiện trọng phạm vi, trình tự, thủ tục, nội dung theo Luật Tố cáo 2018 và Nghị định số 31/2019/NĐ-CP, ngày 04/10/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và một số biện pháp thi hành Luật Tố cáo. Theo đó công dân khi thực hiện quyền tố cáo cần xác định rõ các quyền và nghĩa vụ của mình theo Điều 9, Luật Tố cáo. Công dân được hưởng các quyền như được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo; được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, người tố cáo cũng phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, đặc biệt là nghĩa vụ trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo; hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra (khoản 2 Điều 9 Luật Tố cáo năm 2018). Luật Tố cáo cũng nghiêm cấm nhiều hành vi đối với người tố cáo, như: Cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo; mua chuộc, hối lộ, đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo; lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; gây rối an ninh, trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo.
Về chế tài áp dụng đối với người có hành vi cố tình tố cáo sai sự thật, Khoản 3, Điều 30, Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Nghiêm cấm việc… lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”; Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định cụ thể, chi tiết tội vu khống: “1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền...”. Luật Tố cáo năm 2018 quy định: “Người tố cáo...vi quy định tại Điều 8 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Như vậy, hệ thống pháp luật hiện hành đã có quy định về chế tài xử lý người tố cáo sai sự thật trong khuôn khổ pháp lý chặt chẽ.
Thực tiễn công tác giải quyết tố cáo từ trước đến nay, cho thấy vẫn còn sự việc tố cáo khi chưa rõ hành vi vi phạm, chỉ nghe thông tin rồi phát sinh tố cáo; tố cáo khi không rõ quy định của pháp luật hoặc tố cáo khi không đạt mục đích từ việc giải quyết khiếu nại; tố cáo các nội dung không đúng sự thật, bịa đặt nội dung tố cáo vì động cơ cá nhân. Mặc dù pháp luật đã có quy định về chế tài xử lý đối với người tố cáo vi phạm pháp luật tố cáo, tuy nhiên, chưa có văn bản hướng dẫn thi hành, các biện pháp xử lý chưa đủ sức răn đe, do đó, hành vi tố cáo sai khó xử lý, tình trạng đơn tố cáo sai sự thật, tố cáo vượt cấp ngày càng gia tăng, tính chất ngày càng phức tạp hơn. Thực tế, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nội dung tố cáo của công dân thường không chú trọng đến việc xử lý người tố cáo có hành vi tố cáo sai sự thật, bỏ qua trách nhiệm pháp lý của người tố cáo. Do vậy, vô hình chung không có sức răn đe đối với người tố cáo vi phạm pháp luật về tố cáo. Đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm, Điều 23, Nghị định số 31/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã có quy định chế tài xử lý: “Cán bộ, công chức, viên chức biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo…thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Tuy nhiên, đối với chủ thể tố cáo là người dân thì pháp luật chưa có chế tài xử lý hành chính, do vậy, gây khó khăn cho cơ quan hành chính trong việc xử lý.
Việc tố cáo sai sự thật không chỉ gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội và người bị tố cáo mà còn lãng phí thời gian, công sức, tài sản của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Để hạn chế tình trạng trên trong thời gian tới, chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng pháp luật về tố cáo đến cá nhân, tổ chức và toàn thể nhân dân, đặc biệt là các hành vi nghiêm cấm và quy định xử lý các hành vi tố cáo sai sự thật. Chính phủ sớm xem xét ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, trong đó, quy định xử lý về hành vi cố ý tố cáo sai sự thật. Trường hợp cố ý tố cáo sai sự thật có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan chức năng để điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với công chức, viên chức có hành vi tố cáo sai sự thật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định. Đối với người dân có hành vi cố ý tố cáo sai sự thật, trước mắt yêu cầu Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức kiểm điểm trước Nhân dân nơi cư trú để chấn chỉnh, răn đe. Có như vậy, sẽ hạn chế được tình trạng đơn tố cáo sai sự thật, kéo dài, vượt cấp, phức tạp như thực tiễn thi hành pháp luật tố cáo thời gian qua./.
Hoàng Ngọc Cư (Công an tỉnh)
Từ khóa » Nói Sai Sự Thật Phạt Bao Nhiêu
-
Bị Hàng Xóm đặt điều Nói Xấu Có Kiện được Không? - LuatVietnam
-
Hành Vi Vu Khống Nói Sai Sự Thật Phải Chịu Trách Nhiệm Gì ? Có Phải ...
-
Bịa đặt, Xuyên Tạc, Loan Truyền Thông Tin Sai Sự Thật Có Phạm Tội Vu ...
-
Đặt điều Nói Xấu Người Khác Vi Phạm Quyền Gì? Mức Xử Phạt?
-
Viết Báo Sai Sự Thật Bị Xử Phạt Bao Nhiêu Tiền Theo Quy định Pháp Luật?
-
Chế Tài đối Với Các Hành Vi đưa Thông Tin Sai Sự Thật Trên Không Gian ...
-
Nói Sai Sự Thật Trên Mạng Xã Hội Sẽ Bị Xử Lý Như Thế Nào?
-
Người đưa Thông Tin Sai Sự Thật Về Covid-19 Thì Bị Xử Lý Như Thế Nào?
-
Hàng Xóm Nói Sai Sự Thật Xử Phạt Thế Nào 2022?
-
Bịa đặt, Nói Xấu Người Khác Bị Xử Lý Thế Nào? - Thư Viện Pháp Luật
-
Xử Phạt đối Tượng đưa Thông Tin Sai Sự Thật Trên Mạng Xã Hội
-
Hành Vi Vi Lợi Dụng Mạng Xã Hội để Cung Cấp, Chia Sẻ Thông Tin Giả ...
-
Đăng Thông Tin Sai Sự Thật Người Khác Chết Trên Các Trang Truyền ...
-
Xử Lý Hành Vi đăng Tải Thông Tin Sai Sự Thật, Thông Tin Xuyên Tạc Về ...