​Xử Trí Và đề Phòng Hóc Dị Vật đường Thở - Tuổi Trẻ Online

Dị vật đường thở là do những chất vô cơ hay hữu cơ lọt vào đường thở, gặp nhiều nhất là hạt đậu phộng, hạt dưa, bắp, vỏ tôm, mảnh đồ nhựa, kim, cặp tóc, vỏ bọc của viên thuốc, thậm chí là đồng tiền xu. Dị vật đường thở thường gặp nhiều ở trẻ em, nhất là ở trẻ nhỏ tuổi và gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.

Biểu hiện khi bị dị vật rơi vào đường thở

Khi bị dị vật đường thở, trẻ đang ăn hoặc chơi tự nhiên bị ho sặc sụa, khó thở, tím tái, vã mồ hôi, thậm chí tiểu và đại tiện ra quần.

Nếu dị vật vào thanh quản sẽ gây khó thở, khàn tiếng, ho, thở rít, bứt rứt, vật vã do đường thở bị bít tắc; vào khí quản (thường là dị vật tương đối lớn, lọt qua thanh quản) sẽ gây khó thở từng cơn; vào phế quản (thường là phế quản bên phải) gây khó thở, giống như viêm phế quản hay viêm phổi nên dễ chẩn đoán nhầm. Một số trường hợp dị vật quá lớn sẽ gây ngạt thở và tử vong tức thì.

Xử trí khi bị dị vật đường thở

Khi bị dị vật rơi vào đường thở với những biểu hiện như đã nêu ở trên, mọi người phải hết sức bình tĩnh và có thể áp dụng theo nghiệm pháp J. Heimlich như sau:

– Đối với nạn nhân còn tỉnh: có thể để nạn nhân ở tư thế đứng hay tư thế ngồi trên ghế dựa, người cấp cứu đứng sau nạn nhân, hai cánh tay ôm vòng trước ngực nạn nhân. Một bàn tay nắm lại, bàn tay kia nắm lấy cổ tay của bàn tay nắm. Nắm tay để vào bụng nạn nhân trên rốn dưới xương ức.

Bằng một động tác giật đưa người từ dưới lên, nhằm đẩy cơ hoành tống không khí trong phổi, khí quản, phế quản, hy vọng dị vật bật lên miệng. Mỗi động tác cần mạnh, dứt khoát, làm đi làm lại 10 lần. Cần theo dõi miệng nạn nhân, nếu dị vật xuất hiện thì nhanh chóng lấy ra.

– Nếu nạn nhân bất tỉnh: đặt nạn nhân ở tư thế nằm, người cấp cứu quỳ trên người nạn nhân. Đặt bàn tay trên bụng nạn nhân, giữa rốn và xương ức, bàn tay kia đặt trên bàn tay này, làm động tác đẩy mạnh và nhanh lên phía trên, làm đi làm lại 10 lần, cần theo dõi miệng nạn nhân, nếu dị vật xuất hiện thì nhanh chóng lấy ra.

Ngoài ra, đối với những trẻ nhỏ cần áp dụng biện pháp vỗ lưng và ép ngực như sau:

+ Vỗ lưng: người sơ cứu ngồi hoặc đứng, chân đưa ra phía trước. Đặt trẻ nằm sấp dọc theo mặt trước cẳng tay của người sơ cứu trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp rồi vỗ 5 lần (lực vừa phải) vào lưng của trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai. Nếu dị vật chưa thoát ra thì lập tức dùng biện pháp ép ngực.

+ Ép ngực: Lật trẻ nằm ngửa dọc theo cẳng tay trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp, dùng 2 ngón trỏ và giữa của bàn tay kia ấn vào điểm giao nhau giữa xương ức và đường nối hai núm vú 5 lần (lực ấn vừa phải). Nên làm luân phiên 2 biện pháp vỗ lưng và ép ngực cho đến khi dị vật đường thở được tống ra ngoài.

Lưu ý: sau khi làm mọi thao tác như trên mà dị vật không bắn ra được thì cần khẩn trương đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để các bác sĩ tiến hành lấy dị vật, tránh các biến chứng nguy hiểm. Trường hợp trẻ không khó thở thì đưa ngay đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và có thể tiến hành soi gắp dị vật.

Phòng dị vật đường thở như thế nào?

– Trẻ thường bị sặc trong khi bú sữa, ăn bột hoặc uống thuốc, vì thế nên đặt trẻ trong tư thế ngồi khi cho bú và không được để trẻ nằm ôm bình bú một mình. Không được dỗ trẻ đang khóc bằng việc ấn bình sữa vào miệng, rất dễ gây sặc.

– Không cho trẻ cầm các loại đồ chơi, các vật nhỏ dễ khiến trẻ bỏ vào miệng ngậm. Tập cho trẻ thói quen không được ngậm bất cứ thứ gì trong miệng. Không nên để cho trẻ ăn thức ăn dễ hóc như: hạt na, lạc, quất, hồng bì, hạt bí, hạt dưa… Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây nên hóc, không nên hoảng hốt, la hét, mắng trẻ vì làm như vậy trẻ sợ hãi dễ bị hóc. Khi trẻ đang khóc hoặc cười lớn thì không nên đút thức ăn, hoặc cho uống thuốc, không để trẻ vừa ăn vừa chơi.

– Nếu bị hóc hoặc nghi bị hóc vào đường thở, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Từ khóa » Thức ăn Rơi Vào Phổi