Xử Trí Vết Thương Trầy Xước, Vết Cắt Và Vết Khâu Da | BvNTP
Có thể bạn quan tâm
Làm sạch vết thương như thế nào?
Cách tốt nhất để làm sạch vết cắt, vết trầy xước hoặc vết thương xuyên da (ví dụ như một vết thương do cào xước) là sử dụng nước lạnh. Bạn có thể làm sạch vết thương dưới vòi nước chảy hoặc đổ đầy nước lạnh vào bồn tắm và dùng ca xối nước lên vết thương.
Sử dụng xà phòng và khăn mềm để làm sạch vùng da xung quanh vết thương. Cố gắng giữ xà phòng không vấy vào vết thương vì xà phòng có thể gây kích ứng. Sử dụng nhíp đã được sát trùng trước bằng cồn để loại bỏ tất cả bụi bẩn còn dính lại trong vết thương sau khi rửa.
Bạn nên sử dụng thêm một dung dịch sát khuẩn khác mạnh hơn (như Oxy già hoặc Iodine), tuy nhiên cần lưu ý rằng những thứ này có thể kích ứng vết thương (gây rát, đau)
Những gì cần biết về chảy máu?
Chảy máu giúp làm sạch vết thương. Hầu hết các vết cắt hoặc vết xước nhỏ sẽ ngừng chảy máu trong một thời gian ngắn. Vết thương trên mặt, đầu hoặc miệng đôi khi sẽ bị chảy máu rất nhiều vì các khu vực này có rất nhiều mạch máu.
Để cầm máu, cần dùng vải sạch, khăn giấy hoặc gạc ép chặt lên vết cắt. Nếu máu thấm qua gạc hoặc vải bạn đang dùng để ép vết cắt, không được buông ra. Chỉ cần dùng thêm gạc hoặc vải chèn tiếp lên trên trong 20 đến 30 phút.
Nếu vết thương của bạn nằm trên cánh tay hoặc chân, nâng vết thương cao hơn ngực của bạn cũng sẽ giúp làm chậm chảy máu.
Có nên sử dụng băng vết thương?
Để thoáng vết thương (không băng vết thương) sẽ giúp vết thương khô và mau lành. Nếu vết thương không nằm ở những vị trí dễ bị nhiễm bẩn hoặc thường xuyên cọ xát với quần áo, bạn không cần phải băng nó lại.
Nếu vết thương nằm ở vị trí dễ bị nhiễm bẩn (như bàn tay, bàn chân) hoặc bị kích ứng bởi quần áo (như đầu gối của bạn), bạn cần băng vết thương với băng dính (Band-Aid chẳng hạn) hoặc bằng gạc vô trùng và băng keo. Thay băng mỗi ngày để giữ cho vết thương sạch và khô.
Một số vết thương, chẳng hạn như các vết trầy xước trên một diện tích da rộng, cần được giữ ẩm và sạch để giúp giảm sẹo và mau lành. Lọai băng thường được sử dụng cho trường hợp này được gọi là băng chống thấm hoặc bán thấm.
Có nên sử dụng thuốc mỡ kháng sinh không?
Thuốc mỡ kháng sinh giúp lành vết thương bằng cách chống nhiễm trùng và giữ vết thương sạch và ẩm. Băng vết thương cũng có tác dụng khá tương tự. Nếu bạn có vết khâu, bác sĩ sẽ cho bạn biết có cần sử dụng thuốc mỡ kháng sinh hay không. Hầu hết các vết cắt nhỏ và vết trầy xước sẽ lành tốt mà không cần thuốc mỡ kháng sinh, tuy nhiên mỡ kháng sinh có thể giúp vết thương nhanh lành hơn và giúp giảm sẹo.
Nên làm gì về “mày” vết thương?
Không cần làm gì cả. “Đóng mày” là cách cơ thể tự băng vết thương. Chúng hình thành để bảo vệ vết thương khỏi bụi bẩn. Tốt nhất là để yên và không gỡ các mày vết thương. Chúng sẽ tự bong ra khi đủ thời gian.
Khi nào tôi nên khám bác sĩ?
Nên xử trí tại khoa cấp cứu hoặc khám bác sĩ nếu rơi vào các trường hợp sau đây:
- Vết thương nham nhở.
- Vết thương vùng mặt.
- Các mép vết cắt hở ra.
- Vết thương bị nhiễm bẩn và chất bẩn không tự trôi ra ngoài được.
- Sưng tấy vết thương.
- Vết thương tiết dịch mủ xám, đặc.
- Sốt hơn 38 °C (>100 °F).
- Mất cảm giác khu vực xung quanh vết thương.
- Cử động giới hạn.
- Các vệt đỏ sọc hình thành gần vết thương.
- Vết thương dạng xuyên thấu hoặc vết cắt sâu và bạn chưa chích ngừa uốn ván trong vòng 5 năm vừa qua.
- Vết cắt chảy máu nhiều, thấm ướt băng hoặc máu không ngừng chảy sau 20 phút chèn ép trực tiếp.
Làm thế nào để chăm sóc các mũi khâu?
Thông thường, bạn có thể rửa vùng da đã được khâu sau 1-3 ngày. Rửa sạch bụi bẩn và lớp mày xung quanh các mũi khâu giúp giảm tạo sẹo. Nếu vết thương tiết dịch vàng trong, bạn có thể cần băng lại.
Bác sĩ có thể yêu cầu bạn rửa sạch vết thương bằng nước và băng lại trong 24 giờ đầu. Lưu ý rằng bạn phải làm khô vết thương sau khi rửa. Ngoài ra, bạn cũng có thể nâng vết thương cao hơn ngực trong vài ngày đầu để giúp giảm sưng, giảm đau và mau lành.
Mặt khác, bạn còn có thể được yêu cầu sử dụng một lượng nhỏ thuốc mỡ kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng. Thuốc mỡ cũng giúp ngăn hình thành lớp vảy dày và làm giảm kích thước vết sẹo.
Các mũi khâu thường được cắt chỉ sau 3-14 ngày, tùy thuộc vào vị trí vết cắt. Những vùng da di động, chẳng hạn như khu vực phía trên hoặc xung quanh các khớp, đòi hỏi nhiều thời gian để lành hơn.
Có cần tiêm ngừa uốn ván không?
Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng nặng mà bạn có thể mắc phải sau khi bị thương. Bệnh này còn được gọi là “chứng cứng quai hàm” vì cứng hàm là triệu chứng thường gặp nhất.
Với vết thương còn sạch và nhỏ, bạn sẽ phải tiêm ngừa uốn ván nếu thuộc một trong hai trường hợp dưới đây :
- Tiêm ngừa uốn ván ≤ 2 lần kể từ khi chào đời.
- Chưa tiêm ngừa mũi uốn ván nào trong vòng 10 năm qua.
Với vết thương nghiêm trọng hơn, bạn sẽ phải tiêm ngừa uốn ván nếu thuộc một trong hai trường hợp dưới đây:
- Tiêm ngừa uốn ván ≤ 2 lần kể từ khi chào đời.
- Chưa tiêm ngừa mũi uốn ván nào trong vòng 5 năm qua.
Cách tốt nhất để tránh nhiễm trùng uốn ván là trao đổi với bác sĩ gia đình hoặc kiểm tra lại sổ chủng ngừa cá nhân để chắc chắn rằng các mũi tiêm ngừa của bạn theo đúng thời gian.
Xem thêm: Chăm sóc vết thương hở thế nào cho đúng cách?
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp
Từ khóa » Những Vết Thương ở Chân
-
Bị Trầy Xước Nên Làm Gì? Cách Xử Lý Vết Thương Ngoài Da - Hello Bacsi
-
Cách Xử Lý Vết Thương Cho Từng Trường Hợp Khoa Học Nhất | Medlatec
-
Vết Thương Hở: Phân Loại, Cách điều Trị Và Các Biến Chứng | Vinmec
-
Sơ Cứu Vết Thương: Những điều Cần Biết | Vinmec
-
Xử Trí Vết Thương Trầy Xước Da
-
Rách Tai - Chấn Thương; Ngộ độc - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Xử Trí Vết Thương Trầy Xước, Ngã Xe - VnExpress Sức Khỏe
-
Chăm Sóc Vết Thương Hở Thế Nào Cho đúng Cách | BvNTP
-
7 Mẹo Chăm Sóc Vết Thương Hở Hiệu Quả Tại Nhà - Dizigone
-
Vết Cắt, Vết Xước, Vết Sẹo ... Thói Quen Tốt để Tăng Tốc độ Phục Hồi
-
Chế độ Dinh Dưỡng Giúp Vết Thương Hở Nhanh Lành
-
Sơ Cứu Vết Thương ở Lòng Bàn Chân Và Những điều Cần Biết
-
Phát Hiện Tiểu đường Vì Vết Trầy ở Chân Tay Lâu Lành
-
Một Số Lưu ý Khi Tự Chăm Sóc Vết Thương Hở Tại Nhà