Xuất Khẩu Gạo Cán Mốc 1 Tỷ USD, Dự Báo Sẽ Còn Nhiều đột Phá

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuy giảm về giá trị, nhưng giá gạo của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao hơn so các với các nước.

Chẳng hạn, gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan trong tháng 4 ở mức 410 - 412 USD/tấn, gạo 5% tấm của Ấn Độ ở mức 361 – 365 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với tháng trước.

Trong khi đó, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam sau khi tăng lên mức 425 USD/tấn vào giữa tháng 4, thì sang đầu tháng 5/2022 đã giảm trở lại mức 415 USD/tấn, tương đương mức trung bình tháng 3.

GIẢM DẦN XUẤT KHẨU GẠO PHẨM CẤP THẤP

Philippines tiếp tục đứng đầu là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 44,7% trong tổng lượng và chiếm 42,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước.

Trong quý 1/2022, xuất khẩu gạo sang Philippine đạt 672.136 tấn, kim ngạch 311,08 triệu USD, giá trung bình 462,8 USD/tấn, tăng mạnh 63,3% về lượng, tăng 41,4% về kim ngạch. Gạo xuất khẩu sang Philippines và Indonesia chủ yếu là gạo trắng phẩm cấp thường, độ tấm từ 20-25%, cạnh tranh chủ yếu bằng giá.

Ngoài Philippines, gạo Việt Nam còn được xuất khẩu sang các thị trường quan trọng khác trong ASEAN như Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei.

Đề cập về mặt chiến lược, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay, ngành gạo của Việt Nam đang giảm dần sản xuất và xuất khẩu các loại gạo trắng thường, bởi không thể cạnh tranh về giá với các nước chuyên sản xuất gạo giá rẻ như Myanmar, Pakistan và Ấn Độ.

Những năm về trước, lúa chất lượng cao chỉ chiếm từ 35 đến 40% trong cơ cấu sản xuất lúa gạo thì đến năm 2020 con số này đã đạt từ 75 đến 80%. Hiện nhiều địa phương tại Việt Nam đã chú trọng đến cơ cấu giống. Các giống đặc sản, lúa thơm được đưa vào canh tác ngày càng nhiều đã giúp khẳng định thương hiệu gạo Việt ở nhiều thị trường “khó tính”.

Điều này lý giải vì sao giá gạo Việt Nam cao hơn một số nước xuất khẩu truyền thống, nhưng người tiêu dùng thế giới vẫn chọn ký hợp đồng nhập khẩu gạo Việt.

Như tại Bắc Âu, nhu cầu nhập khẩu của khu vực lên đến 1,8 triệu tấn gạo xay xát khi họ không tự túc được gạo, mà chỉ đáp ứng được khoảng 60%. Triển vọng đến năm 2030, nhập khẩu gạo của EU sẽ tăng khoảng 250.000 tấn. Đây là lý do thời gian qua, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Bắc Âu giữ được tốc độ tăng trưởng tương đối tốt.

"Những năm gần đây, dòng gạo thơm, gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25, Jasmine… đã đi được vào một số thị trường lớn EU, giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 sang thị trường EU sẽ đạt tối thiểu 60.000 tấn, đặc biệt là tại các thị trường truyền thống như Đức, Italia, Ba Lan…"

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng xuất khẩu gạo chất lượng cao với giá cao.

Tập đoàn Tân Long vừa xuất khẩu được hơn 100 tấn gạo mang chính thương hiệu của mình vào thị trường Nhật Bản, không chỉ làm tăng trị giá lên 20%, mà còn giúp khẳng định chất lượng, thương hiệu gạo tại thị trường khó tính.

Với Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, trước đây xuất khẩu nhiều gạo trắng, phẩm cấp thấp, hiện nay doanh nghiệp cũng chuyển dịch mạnh, tăng cường mặt hàng gạo thơm chất lượng cao, chủ động tìm kiếm thêm thị trường mới. Hiện tỷ trọng xuất khẩu 2 loại gạo trên là 50:50.

Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty đã xuất khẩu một lượng lớn gạo chất lượng cao sang thị trường EU với giá 1.000 USD/tấn. So với các thị trường khác thì giá gạo xuất khẩu sang thị trường EU đang rất cao và nhu cầu nhập khẩu từ thị trường này còn rất lớn.

THỊ TRƯỜNG SẼ SÔI ĐỘNG VÀO GIỮA NĂM

Nhận định về triển vọng xuất khẩu gạo thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết thị trường xuất khẩu gạo rất sôi động vào giữa năm, với nhu cầu mạnh hơn từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka. Xuất khẩu sang EU dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 nhờ ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam.

“Từ tháng 5 sẽ là thời điểm xuất khẩu gạo nhộn nhịp hơn và giá lúa gạo sẽ tiếp tục có xu hướng tăng. Chính vì vậy, doanh nghiệp trong nước cần đảm đảm nguồn hàng, lưu ý các thông tin về container, cước vận tải biển để chủ động giao hàng và ký kết các hợp đồng mới”, ông Nguyễn Quốc Toản lưu ý.

"Mục tiêu xuất khẩu gạo của cả nước cũng đã được điều chỉnh, đến năm 2030, dự kiến chỉ còn khoảng 4 triệu tấn. Do đó, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo, ngành gạo cần rà soát lại nhu cầu nhập khẩu của từng thị trường, xác định những thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thường với giá rẻ, thị trường tiêu thụ gạo cao cấp, gạo thơm…"

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ đạt khoảng 6-6,2 triệu tấn. Quý 2/2022 là thời điểm thị trường gạo thế giới sẽ đẩy mạnh việc mua hàng và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những tín hiệu tích cực về giá bán và lượng đơn hàng, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang đứng trước một số khó khăn do sự vươn lên của các đối thủ cạnh tranh.

Do vậy, ông Nguyễn Ngọc Nam khuyến cáo: “Các doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam nên tập trung sản xuất các dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp để xuất khẩu vào các thị trường khó tính vì dư địa tại các thị trường này là rất lớn. Cùng với đó, cần tập trung xây dựng thương hiệu bởi cùng chất lượng gạo nhưng loại có thương hiệu tốt có thể sẽ bán được với giá cao hơn từ 10 đến 20%”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica, gạo trắng phẩm cấp.

Ngành sản xuất lúa gạo đang được thúc đẩy tái cơ cấu theo hướng đẩy mạnh giá trị, phát triển bền vững với việc tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt Nam, do đó, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu và ngành hàng lúa gạo Việt Nam, đồng thời tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh.

Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút nguồn lực về tài chính, ứng dụng khoa học - công nghệ, hướng đến xây dựng ngành lúa gạo Việt Nam phát triển hiện đại, bền vững với các chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao, như: SRP, GlobalGAP, VietGAP…

Từ khóa » Thị Trường Xuất Khẩu Gạo