Xuất Khẩu Gỗ Tăng Trưởng Nhưng Còn Nhiều Lo Ngại - Hải Quan Online

Những nhóm hàng xuất khẩu tăng trưởng trăm triệu USD
Xuất khẩu tăng mạnh nhưng phụ thuộc vào khu vực FDI tăng
Gần 500 lô hàng xuất khẩu qua cảng Cát Lái trong những ngày đầu năm
Mục tiêu XK gỗ và sản phẩm gỗ đạt 17,5-18 tỷ USD trong năm 2022 khá khả quan	Ảnh: Nguyễn Thanh
Mục tiêu XK gỗ và sản phẩm gỗ đạt 17,5-18 tỷ USD trong năm 2022 khá khả quan Ảnh: Nguyễn Thanh

Lập đỉnh ngay đầu năm

Mở đầu năm 2022 dù hoạt động XK gỗ và sản phẩm gỗ bị gián đoạn do bắt đầu tuần nghỉ tết Nguyên đán nhưng trị giá XK mặt hàng này vẫn tăng mạnh. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trị giá XK gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 1/2022 đạt 1,55 tỷ USD, tăng 14,3% so với tháng 1/2021. Trong đó, trị giá XK sản phẩm gỗ đạt 1,15 tỷ USD, tăng 6% so với tháng 1/2021. Trị giá XK gỗ và sản phẩm gỗ tới hầu hết các thị trường chính đều tăng trong tháng đầu tiên năm 2022. Trong đó, dẫn đầu là thị trường Hoa Kỳ đạt 928,2 triệu USD, tăng 12,8%; tiếp theo là thị trường Nhật Bản đạt 153 triệu USD, tăng 16,3%; thị trường Trung Quốc đạt 134,4 triệu USD, tăng 27%...

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) hồ hởi chia sẻ: “Trong lịch sử XK gỗ và sản phẩm gỗ, đây là lần thứ 3 kim ngạch XK vượt mốc 1,5 tỷ USD/tháng. Trước đó, XK gỗ đã đạt kim ngạch XK 1,512 tỷ USD vào tháng 3/2021 và đạt 1,55 tỷ USD vào tháng 6/2021”.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, năm 2022 có nhiều thuận lợi để ngành gỗ tăng trưởng bứt phá, nhờ kinh tế toàn cầu dần phục hồi tăng trưởng sau đại dịch Covid-19, ngành xây dựng tại nhiều thị trường hoạt động mạnh thúc đẩy nhu cầu về đồ nội thất tăng. Bên cạnh đó, sự chủ động về công nghệ sản xuất, đa dạng hoá thị trường XK, đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm XK nhờ việc tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của các DN Việt Nam sẽ tạo động lực thúc đẩy XK gỗ và sản phẩm gỗ.

Chủ tịch Viforest cho biết, năm 2022, mục tiêu XK toàn ngành đặt ra từ 17,5-18 tỷ USD hoàn toàn có thể đạt được. Trong đó, 5 nhóm sản phẩm XK chủ lực như: ghế ngồi sẽ đạt 4,1 tỷ USD; đồ gỗ, đồ nội thất sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD; dăm gỗ đạt khoảng 2,1 tỷ USD; viên nén đạt khoảng 0,6 tỷ USD; gỗ dán đạt khoảng 1,3 tỷ USD. Đặc biệt, các nhóm sản phẩm đang có sức hút lớn là dăm gỗ và viên nén, vật liệu công nghiệp (đồ gỗ nội thất- ngoại thất) có sự dịch chuyển sản xuất rất mạnh từ quốc tế về Việt Nam. Nhóm hàng vật liệu công nghiệp tập trung sản xuất cho thị trường Mỹ, trong khi thị trường Nhật có nhu cầu lớn về dăm gỗ và viên nén.

Áp lực chi phí gia tăng

Ngay khi bước vào giai đoạn phục hồi sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, các DN hội viên Viforest đã cho biết đơn hàng mới dồi dào. Tuy nhiên, tình trạng chi phí logistics, giá container và nguyên vật liệu đang giữ ở mức cao cũng như thiếu chủ động nguồn cung gỗ nguyên liệu vẫn là câu chuyện làm “đau đầu” các thương nhân ngành gỗ.

Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Lâm sản Bình Định (FPA), trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 100 DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ XK. Trong đó, do thiếu nguồn cung nguyên liệu trong nước nên các DN khá bị động, phải phụ thuộc đến 80% vào nguồn cung nguyên liệu NK. DN không có lựa chọn nào khác, phải chấp nhận rủi ro liên quan đến chứng nhận chất lượng và xuất xứ. “Đó là chưa kể đến hàng loạt vấn đề khác như: các nước XK gỗ nguyên liệu gần đây phải chịu nhiều ràng buộc bởi các quy định về bảo vệ môi trường; nguồn cung giảm; giá gỗ nguyên liệu liên tục tăng vì khan hiếm nguyên liệu và cước vận tải, logistics tăng…”, ông Thiện nói.

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends thông tin, cước phí vận chuyển đối với một container 40 feet đã tăng từ 1.500 USD vào tháng 7/2019 lên tới gần 8.500 USD vào tháng 7/2021, tăng gần 6 lần trong vòng 5 năm. Đáng chú ý, bên cạnh giá cước vận chuyển tăng, dịch Covid-19 cũng tạo ra sự khan hiếm nguồn cung gỗ tại một số quốc gia cung gỗ chính cho Việt Nam, đặc biệt là đối với các nguồn cung rủi ro thấp như Mỹ và các nước châu Âu.

Một công ty chuyên làm đồ ngoài trời tại Bình Định cho biết hiện đang có DN chào gỗ NK với mức giá 215 USD/m3 gỗ bạch đàn xẻ, trong khi mức giá cao nhất trước đó mà công ty mua chỉ là 172-175 USD/m3. Trong khi đó, một DN tại Bình Dương chia sẻ giá gỗ NK cùng với cước phí vận chuyển tăng cao làm lợi nhuận của DN giảm từ 7-8% xuống còn 3-4%.

Nhằm giảm rủi ro về logistics, ông Đỗ Xuân Lập đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Giao thông vận tải tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, tăng cường thu hút đầu tư vào hạ tầng cơ sở cảng biển, đội tàu, dịch vụ cung cấp container, không để tình trạng lệ thuộc của lĩnh vực này quá lớn vào một số quốc gia trong khu vực.

Bên cạnh đó, Chính phủ nên kiên định với mục tiêu giảm rủi ro trong nguồn cung gỗ nhiệt đới NK và trong gian lận thương mại. Ngành gỗ nên được coi là một trong những ngành ưu tiên để thực hiện triệt để mục tiêu này, không chỉ bởi ý nghĩa về mặt kinh tế ngành mang lại, mà còn có ý nghĩa về xã hội và môi trường của ngành. “Kiến nghị các cơ quan tham tán tại các thị trường chính (Mỹ, EU, Anh…) NK đồ gỗ từ Việt Nam tiếp tục theo sát, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình đầu NK, thị trường, khách hàng cho DN XK trong nước để giảm thiểu các nguy cơ rủi ro đang tiềm ẩn”, Chủ tịch Viforest nhấn mạnh.

Từ khóa » Giá Dăm Gỗ Xuất Khẩu 2022