Xuất Khẩu Nông Sản Vững Vàng Vượt Khó - Báo Nhân Dân

Gian nan tỏ mặt “anh hào”...

Trong 5 tháng đầu năm 2016, sản xuất nông nghiệp nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, cả về khách quan lẫn chủ quan. Hiện tượng thời tiết cực đoan En Ni-nô ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều vùng nông nghiệp trọng điểm, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm sản lượng lúa vụ đông xuân tại đồng bằng sông Cửu Long giảm 1,13 triệu tấn. Nước biển xâm nhập sâu hơn thông thường trung bình hằng năm từ 10 đến 25 km cũng khiến sản lượng tôm sú giảm 12%, tôm thẻ giảm 14%. Ngoài ra, hạn hán còn làm một số diện tích cây cà-phê chết khô, năng suất kém, năng suất trái cây có múi và dừa, hạt tiêu đều giảm mạnh.

Trong năm 2016, thị trường ngành hàng nông nghiệp Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức không nhỏ khi các nước nhập khẩu lớn từ châu Âu cảnh báo về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu; In-đô-nê-xi-a yêu cầu về kiểm dịch thực vật; Trung Quốc quy định nghiêm ngặt hơn đối với mặt hàng cao-su tự nhiên nhập khẩu, thay đổi công thức cao-su hỗn hợp. Hơn thế, thị trường quốc tế chịu những tác động mạnh khi các nước xuất khẩu lớn phá giá đồng tiền. Một yếu tố khác gây bất lợi cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam là việc hàng loạt ngân hàng trung ương các quốc gia đã có xu hướng giảm giá nội tệ để tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa. Thí dụ đồng Real của Bra-xin giảm 42% so với đồng USD, đồng Peso của Cô-lôm-bi-a giảm 37%, đồng Rupee của Ấn Độ giảm 5%, đồng Rupiah của In-đô-nê-xi-a giảm13%, đồng Baht của Thái-lan giảm 5%, trong khi VND chỉ giảm 3% so với đồng USD. Điều này làm cho giá hàng nông sản Việt Nam cao hơn các nước, giảm khả năng cạnh tranh.

Những biến động này có ảnh ưởng lớn tới sản xuất và trao đổi thương mại nông sản Việt Nam cả trong nước và xuất khẩu. Dù đã tích cực khắc phục khó khăn trong sản xuất và thị trường, tốc độ tăng trưởng GDP và đóng góp của cả ngành nông nghiệp vào GDP cả nước đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010.

Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm 2016 vẫn vượt qua được những thách thức lớn để về đích với con số 12,18 tỷ USD, tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 6,05 tỷ USD, tăng 6,6% so cùng kỳ năm 2015. Nếu chỉ nhìn vào những con số nêu trên thì, sự tăng trưởng là không lớn. Nhưng với những ai đã chứng kiến những đại họa mà ngành nông nghiệp Việt Nam phải gánh chịu từ suốt năm 2015 đến gần hết nửa đầu năm 2016 thì mới hiểu thành quả này là một kỳ tích.

Đáng chú ý, một số mặt hàng, ngành hàng nông sản còn đạt được sự tăng trưởng ngoạn mục, đơn cử là mặt hàng rau quả xuất khẩu. Cả năm 2015, xuất khẩu rau quả đạt 1,8 tỷ USD; 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt gần 900 triệu USD, là điểm sáng trong bối cảnh hàng loạt nông sản gặp khó khăn trong xuất khẩu. Đặc biệt, trái cây của Việt Nam đã thỏa mãn điều kiện nhập khẩu của nhiều nước và vào được những thị trường có quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm như Mỹ hiện đã nhập bốn loại trái cây của Việt Nam gồm: thanh long, chôm chôm, nhãn, vải thiều. 5 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu gần 2.000 tấn trái cây sang Mỹ, bằng 200% so cùng kỳ năm 2015.

Lựa chọn mặt hàng mũi nhọn, thu hút doanh nghiệp

Hiện, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế và cả cộng đồng doanh nghiệp đều cho rằng nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu nông sản trước hết cần đặc biệt chú ý đến công tác phát triển thị trường các ngành hàng nông nghiệp Việt Nam. Trước hết, cần tiếp tục phát triển kinh doanh với các đối tác truyền thống có nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại, với lúa gạo như Phi-li-pin, In-đô-nê-xi-a; hồ tiêu, hạt điều với thị trường EU; thủy sản với thị trường Mỹ. Cùng với đó, mở rộng kinh doanh tại các thị trường tiềm năng có nhu cầu tiêu thụ như thị trường châu Phi và EU (lúa gạo), cao-su (Ấn Độ, Ma-lai-xi-a, Mỹ),... Thêm nữa, cần đẩy mạnh hơn việc thực hiện cơ cấu ngành, linh hoạt hơn trong các chính sách về tỷ giá, thắt chặt hơn quản lý về buôn lậu và gian lận thương mại, các sản phẩm chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, kiểm soát tốt hơn trong khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng đầu ra các sản phẩm rau quả, các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.

Trong năm 2016 và các năm tiếp theo, lựa chọn và tập trung đầu tư, định hướng cho một số ngành nông sản xuất khẩu chủ lực vẫn đang tăng trưởng “nóng” như thủy sản và rau quả... Được xem là một trong những ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam với khả năng xuất khẩu đạt 6,7 tỷ USD trong năm 2015 và trong 5 tháng đầu năm 2016 đạt 2,43 tỷ USD, tăng 1,1% so cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, trên thực tế ngành nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ở nước ta vẫn còn khá nhiều rào cản. Trong đó, có thể kể đến cơ sở hạ tầng còn yếu kém, đặc biệt là hệ thống thủy lợi cấp thoát nước cho nuôi trồng thủy sản, gây những khó khăn về kiểm soát dịch bệnh. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc người nuôi trồng thủy sản phải sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.

Phân tích cụ thể về một ngành hàng quan trọng trong lĩnh vực thủy sản là nuôi tôm, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang cho rằng, về chế biến xuất khẩu tôm đã xuất hiện một số DN chế biến làm ăn gian lận như đưa tạp chất vào tôm, gian dối về kích cỡ, cân thiếu trọng lượng, hạ giá bán, làm ảnh hưởng xấu đến mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam, làm tăng chi phí: Hiện, Nhật Bản đã đưa các sản phẩm xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào lấy mẫu và kiểm soát kháng sinh và vi sinh. Vì vậy, để bảo đảm sự tăng trưởng ổn định và giữ được thương hiệu cho ngành hàng xuất khẩu này, theo ông Quang: Đề nghị mô hình kiểm soát trước thu hoạch: cơ quan quản lý nhà nước lấy mẫu tôm nuôi kiểm tra nếu tôm đạt và không nhiễm kháng sinh thì mới cấp giấy phép cho cơ sở nuôi và cho phép thu hoạch. Các nhà máy khi cấp phép hoạt động phải cam kết có chứng nhận quốc tế như BAP trong thời gian quy định để không ảnh hưởng đến các nhà máy làm ăn chân chính và đến thương hiệu chung của tôm Việt Nam.

Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn, sự tăng trưởng ngoạn mục của ngành xuất khẩu rau quả như đã nêu trên cũng là một điểm sáng thú vị. Sự tăng trưởng này một phần là do đến từ việc đàm phán mở cửa được nhiều thị trường mới, tương đối dễ tính như Đông Âu, EU và Đông - Nam Á và các thị trường khó tính, khắt khe như: Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a... Đây là một dấu hiệu tốt nhưng chúng ta còn nhiều việc phải làm nếu để duy trì được mức tăng trưởng cao này. Bởi khi các các hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới được ký kết, các dòng thuế đều giảm xuống đến 95% nhưng nước nào cũng có những động tác nâng rào cản kỹ thuật lên để cố gắng bảo vệ sản xuất trong nước. Do đó, công tác kiểm dịch phải luôn cập nhật, thích ứng và giải quyết rào cản kỹ thuật của nhiều thị trường khác nhau.

Một vấn đề khác không kém phần quan trọng: Muốn tăng trưởng xuất khẩu nông sản bền vững chúng ta phải xây dựng cho được hạt nhân quan trọng là cộng đồng doanh nghiệp. Trong trung hạn và dài hạn của quá trình tái cơ cấu các ngành hàng, chúng ta phải đưa được những nhân tố mới vào quá trình sản xuất và phải thu hút được doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp. Và doanh nghiệp sẽ dẫn dắt nông dân, đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngành hàng nông sản Việt Nam...

Các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản

Thắt chặt hơn quản lý về chống buôn lậu và gian lận thương mại các sản phẩm chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, về vệ sinh ATTP, chất lượng đầu ra của sản phẩm như rau quả, các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản. Đẩy mạnh đàm phán, đấu tranh về các vấn đề rào cản kỹ thuật để bảo đảm tiêu chuẩn ở mức độ hợp lý, tạo điều kiện phát triển thương mại công bằng. Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đã thâm nhập vào các thị trường lớn, phát triển lúa gạo, thủy sản, rau quả. Đồng thời có những chính sách hợp lý về thị trường, vừa phát triển thị trường nội địa vừa tiếp cận với các tập đoàn đa quốc gia, chuỗi siêu thị lớn và hệ thống bán lẻ tại các thị trường quan trọng của khu vực và thế giới.

(Vụ Kinh tế - Văn phòng Quốc hội)

Từ khóa » Thị Trường Xuất Khẩu Nông Sản Của Việt Nam 2015