Xung đột Nga - Ukraine Và Khủng Hoảng Di Cư ở Châu Âu | Thế Giới

Người di cư tại khu vực biên giới Serbia - Croatia gần làng Berkasovo của Serbia ngày 22/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau khi Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky ban bố tình trạng khẩn cấp trên lãnh thổ Ukraine, dòng người tị nạn bắt đầu rời khỏi đất nước này. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết có ít nhất 1 triệu người đã chạy khỏi Ukraine trong vòng 7 ngày kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại quốc gia này. Cũng theo UNHCR, với tốc độ hiện tại, làn sóng di cư rời khỏi Ukraine có thể trở thành cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất thế kỷ này.

Một lượng lớn người di cư dự kiến sẽ đến 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), điều này làm gia tăng thêm làn sóng di cư mà các nước thành viên EU đang chứng kiến. Những người tị nạn yêu cầu hỗ trợ nhân đạo tăng cao vượt xa so với ước tính ban đầu, điều này đang gây căng thẳng đáng kể cho các chính phủ và hàng chục cơ quan cứu trợ đang được huy động để giúp đỡ họ.

Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan, Maciej Wasik cho biết, Ba Lan đã chuẩn bị nơi tạm trú cho 1 triệu người tị nạn từ Ukraine, trong khi đó các nước láng giềng khác của Ukraine như Hungary, Czechia và Slovakia cho biết họ cũng đang chuẩn bị đón những người tị nạn. Các nhà lãnh đạo đã tuyên bố công khai rằng người tị nạn từ Ukraine được chào đón và các quốc gia đang chuẩn bị tiếp nhận người tị nạn ở biên giới của họ với đội ngũ tình nguyện viên phân phát thực phẩm, nước uống, quần áo và thuốc men. Slovakia và Ba Lan cho biết, những người tị nạn chạy khỏi cuộc chiến ở Ukraine sẽ được phép nhập cảnh vào quốc gia của họ ngay cả khi không có hộ chiếu hoặc các giấy tờ thông hành hợp lệ khác. Các quốc gia EU khác như Ireland đã thông báo dỡ bỏ ngay lập tức các yêu cầu về thị thực đối với những người dân đến từ Ukraine.

Ba Lan hiện là nơi sinh sống của hàng nghìn người Ukraine - 130.000 người trong số này đã đến đây sinh sống kể từ năm 2015 khi lực lượng quân đội Nga sáp nhập Crimea, vùng đất phía Nam Ukraine. Trong cùng năm đó, Ba Lan cũng nhận được số lượng lớn đơn xin cư trú dài hạn từ người dân Ukraine. Quốc gia Đông Âu này là điểm đến đầu tiên của dòng người tị nạn bởi có biên giới đất liền dài 530km với Ukraine, cũng như nhiều mối quan hệ lịch sử, văn hóa và kinh tế với nhau.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, Ukraine là một trong 10 quốc gia có mức độ di cư cao nhất và tỉ lệ này vẫn đang tiếp tục tăng. Khoảng 5-8 triệu người Ukraine được cho là đã rời khỏi đất nước để đến những nơi có mức sống tốt hơn trong vài năm qua.

Số lượng người Ukraine nhập cư ở Mỹ, Canada, Tây Âu, Trung Âu và Australia đã tăng từ 0,7 lên 1,6 triệu người, làm tăng tỷ lệ người Ukraine ra nước ngoài từ 13% lên 27%.

Các nước Trung Âu đã chào đón hàng nghìn người Ukraine di cư trong thời gian vừa qua, trong đó có 262.000 người di cư được tiếp nhận ở Đức; 236.000 người đã di cư tới Ý và 209.000 người tới Ba Lan.

Việc di cư của người dân rời quê hương do những lo ngại về an toàn đã khiến các thành viên EU rơi vào cuộc khủng hoảng di cư từ năm 2015 và gần đây vào năm 2021 khi công dân Afghanistan rời khỏi đất nước của họ sau khi lực lượng Taliban tái kiểm soát quốc gia này.

Theo số liệu của Frontex - Cơ quan Biên giới và Bờ biển EU, số lượng người tị nạn và di cư vào EU đã tăng từ 200.000 người vào năm 2014 lên hơn 1 triệu người vào năm 2015, phần lớn người di cư qua đường biển.

Dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Tị nạn của Liên minh châu Âu (EUAA) cho thấy số lượng người nộp đơn xin bảo hộ quốc tế ở EU đã lên tới 617.800 - ít hơn so với năm 2015, nhưng nhiều hơn so với năm 2020.

Cũng theo EUAA, công dân Afghanistan đã nộp nhiều đơn xin bảo vệ quốc tế nhất vào năm 2021 là 97.800 đơn. Cùng với những người Syria - những người phải rời khỏi quê hương do xung đột chính trị, họ chiếm tới 1/3 tổng số đơn xin tị nạn được nộp tại EU trong năm 2021.

Mặc dù, 27 quốc gia trong khối EU đang tích cực đối phó với những thiệt hại về mặt kinh tế và xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra, Liên minh này còn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng di cư do xung đột ở Ukraine, cũng như các lệnh trừng phạt mà Ủy ban EU đã tuyên bố áp dụng đối với Nga.

Trên khắp châu Âu, giao thông công cộng và liên lạc qua điện thoại miễn phí được cung cấp cho những người tị nạn Ukraine. EU đề xuất kích hoạt Chỉ thị Bảo vệ Tạm thời được đưa ra vào năm 1990 để quản lý các phong trào di cư quy mô lớn trong cuộc khủng hoảng Balkan. Theo kế hoạch này, những người tị nạn Ukraine sẽ được bảo vệ tạm thời tới 3 năm tại các nước EU mà không cần phải xin tị nạn, họ được cấp giấy phép cư trú, được tiếp cận với giáo dục, nhà ở và được tham gia vào thị trường lao động.

EU cũng đang đề xuất đơn giản hóa việc kiểm soát biên giới và các điều kiện nhập cảnh cho những người tị nạn từ Ukraine. Họ có thể di chuyển trong vòng 90 ngày qua các nước EU mà không cần thị thực và nhiều người có thể chuyển đến sống cùng gia đình, người thân ở các quốc gia EU khác. Trên khắp châu Âu, công chúng và các chính trị gia đang tiến hành các cuộc vận động để thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ những người dân đang chạy khỏi Ukraine.

Cách thức hoạt động của chế độ bảo vệ người tị nạn quốc tế, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng là: các quốc gia luôn mở cửa biên giới cho những người chạy trốn chiến tranh và xung đột. Việc kiểm soát danh tính và bảo mật nếu không thực sự cần thiết có thể bỏ qua; những người tị nạn không bị phạt nếu không có giấy tờ tùy thân và giấy thông hành hợp lệ. Người tị nạn có thể đoàn tụ với các thành viên gia đình ở các quốc gia khác. Các cộng đồng và các nhà lãnh đạo cùng chào đón những người tị nạn với sự hào phóng và đoàn kết.

Tuy nhiên, đây không phải là cách mà chế độ bảo hộ quốc tế vận hành ở châu Âu, đặc biệt là ở những quốc gia hiện đang mở cửa cho người tị nạn từ Ukraine. Các bài diễn thuyết công khai ở Ba Lan, Hungary, Slovakia và Romania thường bị vấy bẩn bởi những luận điệu phân biệt chủng tộc và bài ngoại về người tị nạn và người di cư, đặc biệt là những người đến từ các nước Trung Đông và châu Phi.

Vào cuối năm 2021, nhiều người di cư và người xin tị nạn đã không nhận được sự hỗ trợ, hầu hết trong số họ đến từ Iraq và Afghanistan, họ bị mắc kẹt ở biên giới Belarus với Ba Lan và Lithuania. Điều này đã gây ra sự phẫn nộ trên khắp châu Âu. Belarus và Ba Lan cáo buộc lẫn nhau gây căng thẳng biên giới. Ba Lan cáo buộc Belarus để cho các đoàn người di cư tự do di chuyển đến biên giới để đáp trả việc các nước Liên minh châu Âu trừng phạt nước này. Hàng nghìn người bị mắc kẹt trong các khu rừng giữa hai quốc gia trong điều kiện tồi tệ, không có thức ăn, nơi ở, thuốc men; ít nhất 19 người trong số đó đã chết trong nhiệt độ giá lạnh mùa đông. Ba Lan đã cử binh sĩ đến biên giới, dựng hàng rào bằng dây thép gai và xây dựng bức tường dài 186km để ngăn những người xin tị nạn xâm nhập từ Belarus. Quốc gia này cũng thông qua luật cho phép trục xuất bất kỳ ai vượt biên bất hợp pháp và cấm họ nhập cảnh.

Trong bối cảnh khủng hoảng di cư hiện nay ở châu Âu, các tiêu chuẩn kép và nạn phân biệt chủng tộc đang trở nên rõ ràng. Ngày càng có nhiều trường hợp người di cư hay sinh viên đến từ châu Phi, Trung Đông và châu Á đang phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, bị cản trở và thậm chí bạo lực khi cố gắng chạy khỏi Ukraine. Nhiều người mô tả rằng, họ bị ngăn cản lên tàu và xe buýt ở các thị trấn Ukraine trong khi công dân nước này được ưu tiên, nhiều người khác nói họ bị lính biên phòng Ukraine kéo sang một bên và chặn lại khi cố gắng đi qua biên giới sang nước láng giềng. Cũng có nhiều sinh viên châu Phi bị từ chối nhập cảnh vào Ba Lan, mặc dù Đại sứ Ba Lan tại Liên hợp quốc đã phát biểu tại cuộc họp Đại hội đồng vào ngày 28/2 vừa qua khẳng định rằng tình trạng phân biệt chủng tộc và tôn giáo tại biên giới Ba Lan là hoàn toàn dối trá.

Một số nhà lãnh đạo các quốc gia châu Phi, đặc biệt là Tổng thống Nigeria, Muhammadu Buhari đã chỉ trích mạnh mẽ nạn phân biệt đối xử ở biên giới Ukraine, ông khẳng định tất cả mọi người đều có quyền vượt qua biên giới quốc tế để chạy trốn khỏi cuộc xung đột và tìm kiếm sự an toàn. Liên minh châu Phi kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới thể hiện sự đồng cảm và ủng hộ bình đẳng đối với tất cả những người tị nạn bất kể danh tính, chủng tộc của họ.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Antonio Guterres chia sẻ rằng, ông cảm thấy biết ơn lòng nhân ái, sự hào phóng và đoàn kết của các quốc gia láng giềng của Ukraine đang nỗ lực hỗ trợ người tị nạn. Ông cũng khẳng định điều quan trọng là sự đoàn kết này cần được mở rộng mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, tôn giáo hay sắc tộc. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn nhấn mạnh rằng, các quốc gia tiếp nhận người tị nạn cần tiếp tục chào đón tất cả những người đang chạy khỏi xung đột, tìm kiếm sự an toàn, bất kể quốc tịch hay chủng tộc của họ.

Cuộc khủng hoảng người tị nạn Ukriane không chỉ mang đến cho các quốc gia châu Âu một cơ hội quan trọng để thể hiện sự hào phóng, các giá trị nhân đạo và cam kết của mình đối với chế độ bảo vệ người tị nạn toàn cầu, mà nó cũng là một thời điểm quan trọng để các quốc gia trả lời câu hỏi rằng: Liệu các dân tộc châu Âu có thể vượt qua sự phân biệt chủng tộc và thù hằn và chấp nhận tinh thần phổ quát của Công ước Liên hợp quốc về vị thế của người tị nạn năm 1951 hay không?

Hồng Nhung biên dịch

Từ khóa » Toàn Cảnh Khủng Hoảng Di Cư