Xung Quanh Việc Học Sinh Ngất Xỉu Hàng Loạt ở Cần Giờ (TP HCM)
Có thể bạn quan tâm
1. Sáng ngày 5/11 vừa qua, khi đang tiến hành nghi thức chào cờ trong sân Trường THPT An Nghĩa, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TP HCM thì bất ngờ một học sinh nữ là em Huỳnh Thị Ngọc Trâm, lớp 10A8 ngã ra, ngất xỉu. Ngay sau khi Ngọc Trâm được đưa về nhà thì tiếp theo, em Phạm Thị Ánh Phương, học sinh lớp 10A2 rồi đến em Bùi Thị Kim Trang, lớp 10A8 cũng gặp phải hiện tượng tương tự.
Theo Ban giám hiệu nhà trường, số học sinh ngất xỉu trong ngày 5/11 là 51 em. Đến ngày 6/11, lại thêm một số học sinh nữ của trường tự nhiên ngất xỉu, nâng tổng số lên hơn 60 em và trong buổi sáng ngày 8/11, có thêm 4 nữ sinh của trường bị ngất. Tình trạng này đã xảy ra từ nhiều tháng nay, thoạt đầu chỉ là một vài trường hợp lẻ tẻ nhưng đến tháng 10 và đầu tháng 11 trở thành phổ biến. Các học sinh bị ngất xỉu đều là nữ sinh của cả 3 khối lớp. Tất cả đều có những biểu hiện như mệt mỏi, khó thở, tay chân co cứng, lạnh, một số em khóc nức nở rồi sau đó rơi vào trạng thái như ngủ mê...
Nhận được tin báo, Phòng khám đa khoa khu vực An Nghĩa đã cử bác sĩ đến trường để hỗ trợ các thầy cô giáo chăm sóc cho học sinh. Theo nhận định ban đầu, đa số các em ngất xỉu là do tâm lý, do suy nhược cơ thể, một số do hạ canxi huyết. Đây là triệu chứng dạng dây chuyền (hiệu ứng domino), hay còn gọi là triệu chứng "lây lan cảm xúc" - nghĩa là khi một người bị thì nhiều người xung quanh cũng bị theo.
Theo một bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy, thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chẳng hạn như không ăn sáng hoặc bữa sáng không đủ năng lượng cần thiết, suy nhược cơ thể, bệnh lý tim mạch, hạ huyết áp, rối loạn thần kinh thực vật (cường giao cảm, phó giao cảm)…
Kết luận bước đầu của đoàn công tác, gồm Phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế TP HCM - Trung tâm Y tế dự phòng TP, Bệnh viện Tâm thần TP, Trung tâm Dinh dưỡng TP, Phòng Y tế huyện Cần Giờ và Bệnh viện Đa khoa huyện Cần Giờ, thì hiện tượng học sinh ngất xỉu hàng loạt là do "Hội chứng rối loạn phân ly tập thể". Khảo sát chế độ dinh dưỡng của học sinh Trường THPT An Nghĩa, đoàn công tác cho biết, có đến 50% trong tổng số học sinh bị ngất xỉu vừa qua không được đáp ứng đủ năng lượng cần thiết cho bữa ăn sáng. Theo đó, bữa ăn sáng của mỗi học sinh trung bình chỉ có từ 200 đến 300Kcal (Kilocalo), trong lúc yêu cầu thực tế phải ở mức 600 đến 700Kcal.
Một học sinh ngất xỉu được người nhà đưa về. |
2. Rối loạn phân ly (RLPL) là một dạng ám thị, một hội chứng của sự quá tải về tâm lý, có liên quan đến các chấn thương tâm lý. Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trần Thái, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần học, Đại học Y Dược TP HCM, giải thích: "RLPL thường xuất hiện trong độ tuổi từ 15 đến 17. Nó khác hẳn với những bệnh truyền nhiễm hay ngộ độc tập thể. Biểu hiện đặc trưng của RLPL là tạo ra một phản ứng dây chuyền khiến nhiều người cùng bị như nhau". Thí dụ học sinh A tiếp thu môn Toán rất chậm vì năng lực của A hạn chế, hoặc A nhận thấy cách giảng bài của thầy, cô rất khó hiểu, dẫn đến việc A sợ môn Toán, tinh thần căng thẳng, chán nản mỗi khi đến giờ học Toán thì đó chính là lúc chấn thương tâm lý xảy ra. Nếu A còn gặp phải tình trạng cha mẹ la mắng, thầy, cô phạt hoặc phê bình thì lúc vào lớp, A chỉ luôn nghĩ làm cách nào để thoát khỏi môn học.
Sự căng thẳng, lo sợ trong việc học môn Toán dẫn đến tình trạng một lúc nào đó, lượng máu lên não của học sinh A giảm đột ngột, các mạch máu ngoại vi co lại, hậu quả là nước da A xanh tái, tay chân lạnh, mệt, khó thở, lơ mơ tri giác, cơ bắp co cứng. Khi các bạn ngồi cạnh A nhìn thấy hiện tượng này, thì do sợ hãi hoặc hoảng hốt, cơ thể các em sẽ diễn ra các phản ứng giống như A. Trường hợp có em cũng chán nản vì phải học môn Toán, thì khi thấy A ngất xỉu, em này phát sinh hiệu ứng dây chuyền - nghĩa là cũng… xỉu!
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trần Thái cho rằng: "RLPL thường có diễn biến tuần tự, khởi đầu là những cơn cứng cơ, co giật và sau đó là hôn mê, rất giống với người lên cơn động kinh. Tuy nhiên, người bệnh động kinh có thể lên cơn ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào rồi khi tỉnh lại, họ không hề nhớ những chuyện đã xảy ra. Còn RLPL thì người bị chỉ lên cơn ngất xỉu khi biết có người ở xung quanh, càng biết có nhiều người chứng kiến thì rối loạn càng có xu hướng kéo dài hơn, đối tượng cũng xỉu từ từ trong tình trạng an toàn chứ không ngã vật ra, không cắn lưỡi hay tiểu tiện ra quần". Như thế, số nữ sinh bị RLPL hoàn toàn nhận thức được những gì đang diễn ra, và hiện tượng này thường rơi vào các lớp cuối cấp, năm đầu thi đại học, xảy ra vào đầu giờ kiểm tra bài học cũ.
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trần Thái cho biết: "Những em ngất xỉu thường ở cùng nhóm hoặc cùng lớp, có nhân cách dễ bị lệ thuộc vào các tác động bên ngoài. Những em này khi gặp khó khăn thì dồn nén trong lòng, không chịu tâm sự với ai để được chia sẻ. Dồn nén quá mức dẫn đến sốc".
Một nữ sinh bị ngất xỉu đang được theo dõi. |
Cũng cần nói thêm về chứng rối loạn thần kinh thực vật (cường giao cảm, phó giao cảm) vì đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến RLPL. Gặp trường hợp này, người bị RLPL có nhịp tim nhanh, thậm chí co thắt cả mạch vành khiến người ấy đau ngực (giống như nhồi máu cơ tim), tạo ra hiện tượng hồi hộp, đánh trống ngực, đôi khi có cảm giác hẫng người hoặc hôn mê. Đặc biệt, các cơn rối loạn này không liên quan gì đến sự gắng sức của người ấy. Nó xuất hiện không theo quy luật nào cả và thường kết thúc đột ngột khiến người ngoài tưởng rằng họ giả bộ.
Với rối loạn thần kinh thực vật mà phó giao cảm chiếm ưu thế, thì người ấy bị co thắt phế quản làm khó thở. Một số biểu hiện ở đường tiêu hóa gây co thắt ruột rất dữ dội. Điển hình của rối loạn này là sáng ngày 8/11/2012, 28 học sinh của Trường tiểu học Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đồng loạt bị đau đầu, đau bụng, buồn nôn. Nhà trường đã cùng các phụ huynh đưa các em đến khám tại Trung tâm y tế huyện.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Vân, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo, thì số học sinh ấy không phải bị ngộ độc thực phẩm mà do tâm lý, thấy bạn bệnh nên sợ và bệnh theo. Tất cả 28 em đều có những triệu chứng giống nhau nhưng hoàn toàn không phải là bệnh lý thực thể. Chỉ 3 giờ sau khi nhập viện, 21 em đã xuất viện rồi đến 15h chiều thứ bảy, những em còn lại cũng đã về nhà.
Về phương diện sức khỏe, RLPL ít gây nguy hiểm đến tính mạng. Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trần Thái nói: "Điều trị không khó lắm, chủ yếu là điều trị tâm lý. Việc phòng ngừa cũng vậy bởi lẽ RLPL gồm 4 yếu tố là di truyền, môi trường gia đình, môi trường giáo dục và môi trường xã hội nên hoàn toàn có thể tác động, điều chỉnh 3 yếu tố sau. Chẳng hạn, cha mẹ, thầy cô giáo có thể tạo cho các em học sinh một chế độ học tập, sinh hoạt, vui chơi phù hợp với sức lực; thường xuyên gần gũi để động viên các em trong những kỳ học căng thẳng, nhất là với những em bẩm sinh có nhân cách thụ động, dễ bị lệ thuộc vào các biến đổi bên ngoài hoặc sinh ra trong những gia đình từng có người mắc bệnh tâm thần".
3. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Tại sao RLPL lại hay xảy ra với giới nữ, không riêng gì học sinh mà rất nhiều nữ công nhân ở các khu công nghiệp cũng bị? Theo ý kiến của những chuyên gia tâm thần, tâm lý xã hội, thì đa số phái nữ nhạy cảm hơn phái nam - nhất là những vấn đề liên quan đến "hội chứng sợ".
Bác sĩ Võ Hoàng Lân, chuyên khoa tâm thần đã làm một thí nghiệm nhỏ: Ông kể cho 10 người - gồm 5 nam, 5 nữ, tất cả đều ở độ tuổi 18 - 20, nghe về một tai nạn giao thông chết người với những mô tả về tình trạng thương tích của nạn nhân rất chi tiết. Kể xong, ông hỏi từng người thì 4 cô gái cho biết là "sợ", 1 cô thấy "ghê ghê", còn phía 5 thanh niên, chỉ 2 người "có cảm giác hơi sợ" mà thôi. Vì vậy, khi nhìn thấy bạn mình đột nhiên lăn ra, mắt nhắm nghiền, tay chân co cứng, không nói được, một số em nữ sinh lập tức bị stress theo kiểu "xã hội hóa", dẫn đến xỉu tập thể. Các chuyên gia cho rằng trường hợp đầu tiên xảy ra do cơ thể phản ứng thật, nhưng các trường hợp ngất xỉu sau đó là do bắt chước một cách vô thức.
Như vậy, có thể tạm kết luận rằng tất cả những học sinh ở Trường THPT An Nghĩa, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ bị ngất xỉu hàng loạt là do "Hội chứng rối loạn phân ly tập thể" mà nguồn gốc phát xuất từ việc không đủ năng lượng trong bữa ăn sáng. Bác sĩ Nguyễn Thị Nga Hương - Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng thuộc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cho biết, ngoài một số em ngất xỉu có thể trạng gầy còm, 4 học sinh bị ngất xỉu phải nằm ở phòng y tế có biểu hiện thiếu máu, mặt xanh xao. Khi được hỏi, một số em cho biết bữa sáng chỉ ăn mì gói, hoặc nhịn đói.
Mỗi gói mì chỉ cung cấp khoảng 300Kcal, trong khi cơ thể cần 700Kcal nên sau một đêm ngủ, cơ thể rất cần được bổ sung thêm năng lượng để bắt đầu một ngày lao động học tập trong lúc các em không ăn sáng - hoặc ăn không đủ, nhưng vẫn phải vận động trí óc để học và làm bài nên ngất xỉu lại càng dễ xảy ra hơn, chứ hoàn toàn không phải là do "ma ám", "cậu nhập", "bà về"…, như lời đồn. Do vậy các em cần ăn đủ trước khi đến trường.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng cần nên có những nghiên cứu tỉ mỉ về tâm lý của những em này để có một phác đồ xử trí chung cho những trường hợp ngất xỉu tập thể bởi lẽ theo bác sĩ Vũ Kim Hoàn - Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Tâm thần TPHCM thì: "Quá trình khảo sát cho thấy, một số em có biểu hiện rối loạn tâm thần, một số em có tiền sử bệnh động kinh, một số khác có rối loạn tâm lý. Cũng không loại trừ nguyên nhân học sinh khi thấy bạn mình bị ngất, được mọi người quan tâm nên mình cũng muốn được như vậy…"
Từ khóa » Hiện Tượng Xỉu Hàng Loạt
-
Làm Gì Khi Học Sinh Ngất Xỉu Hàng Loạt? - Báo Tuổi Trẻ
-
Giải Mã Việc Ngất Hàng Loạt Của Nữ Sinh
-
Histerie - Chứng Bệnh Gây Ngất Hàng Loạt - VnExpress Sức Khỏe
-
Nữ Sinh Ngất Xỉu Hàng Loạt, Bệnh Gì ? - Báo Người Lao động - NLD
-
Ngất Xỉu Hàng Loạt - Căn Bệnh Kì Lạ đang Lan Tràn ở Khắp Nơi
-
60 Học Sinh Ngất Xỉu Tại Trường: Hội Chứng Tâm Lý Dây Chuyền Có ...
-
Vì Sao Có Hội Chứng Ngất Xỉu Dây Chuyền? - Báo Thanh Niên
-
Bí ẩn Hiện Tượng Học Sinh Ngất Xỉu Hàng Loạt
-
Nữ Sinh Lại Ngất Xỉu Hàng Loạt - Bác Sĩ Gia đình
-
Hàng Loạt Vụ Nữ Sinh Mắc 'bệnh Lạ' Ngất Xỉu, Tấn Công Người Khác
-
Nữ Sinh Lại Ngất Xỉu Hàng Loạt | Báo Dân Trí
-
Lộ Nguyên Nhân Vụ Công Nhân 'ngất Xỉu Dây Chuyền' Tại Quảng Nam
-
Rối Loạn Phân Ly Tập Thể – Wikipedia Tiếng Việt