Y Học Cổ Truyền Phòng Bệnh Trúng Phong (Kỳ I)

Kỳ I: Các thể trúng phong theo y học cổ truyền

Bệnh tai biến mạch máu não, Đông y gọi là trúng phong (bởi loại bệnh này phát nhanh, thế bệnh rất mạnh, biến hóa khôn lường giống như gió trong tự nhiên nên y học cổ đại gọi là trúng phong) hay còn gọi là: thiên khô, bạc quyết, bạo quyết, thốt trúng, bán thân bất toại, thường gặp ở người độ tuổi 40 trở lên, đôi khi gặp ở lứa tuổi ít hơn và đang có xu hướng gia tăng.

Bá tử nhân.
Đây là một chứng bệnh phát sinh cấp, đột ngột và rất nặng người bệnh đột nhiên hôn mê, ngã lăn bất tỉnh (đột quỵ) miệng mắt méo lệch (khẩu nhãn oa tà) hoặc bán thân bất toại (một nửa người không theo ý muốn) tứ chi không cử động được, nói khó, nói ngọng, rối loạn ngôn ngữ.

Theo y học cổ truyền (YHCT) trúng phong có 2 thể:

Trúng phong kinh lạc và trúng phong tạng phủ.

Trúng phong kinh lạc (TPKL):

Triệu chứng: Người bệnh vẫn tỉnh táo đột nhiên nửa người không vận động được theo ý muốn (bán thân bất toại) hoặc một nửa mặt miệng, mắt méo lệch (khẩu nhãn oa tà). TPKL chia ra các thể:

Phong đàm vào lạc mạch: Người bệnh da dẻ tay chân tê dại, đột nhiên phát sinh mặt miệng méo lệch, nói không lưu loát, khoé miệng chảy nước dãi, cứng lưỡi, khó nói, nặng thì bán thân bất toại hoặc chân tay co quắp, khớp đau nhức, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù sác.

Phong dương nhiễu ở trên: Bệnh nhân chóng mặt nhức đầu, ù tai hoa mắt, đột nhiên phát sinh miệng mắt méo lệch, cứng lưỡi khó nói hoặc tay chân nặng nề, nặng thì bán thân bất toại, chất lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch huyền.

Âm hư phong động: Triệu chứng: Người bệnh hay chóng mặt, ù tai, eo lưng buốt đau. Đột nhiên phát sinh miệng mắt méo lệch nói khó. Nặng thì bán thân bất toại. Chất lưỡi đỏ; rêu lưỡi nhớt. Mạch huyền, tế, sác.

Trúng phong tạng phủ (TPTP)

Triệu chứng: Đột nhiên người bệnh ngã lăn hôn mê bất tỉnh, hàm răng cắn chặt, cấm khẩu, không há miệng được, hai tay nắm chặt, đại tiểu tiện bí, thân người và tay chân cứng. Có 2 chứng

Chứng bế chia 3 thể nhỏ.

Chứng đàm nhiệt phủ thực (dương bế).

Chứng đàm hỏa ứ bế (dương bế, nặng hơn đàm nhiệt).

Đàm trọc ứ bế (âm bế).

Chứng thoát: Âm kiệt dương vong.

Triệu chứng: Người bệnh đột nhiên ngã lăn mê man bất tỉnh, mắt nhắm, miệng há, mũi thở nhẹ, đại tiểu tiện không tự chủ, tay chân lạnh, bàn tay xoè ra, ra nhiều mồ hôi, thân mình và tay chân mềm nhũn, lưỡi liệt không cử động. Mạch tế, nhược hoặc vi.

Nguyên nhân của trúng phong:

Theo YHCT phần nhiều do chính khí hư từ bên trong, tình chí uất kết khiến cho can phong nội động (nội nhân). Hoặc do ảnh hưởng khí hậu thời tiết 4 mùa đột ngột thay đổi nhất là về mùa lạnh: hàn tà, phong hàn kết hợp; cảm lạnh, tắm bị nhiễm lạnh, say rượu, lao lực, cố gắng quá sức (ngoại nhân). 3 tình huống chính: Tình chí bị tổn thương (sinh hoạt không điều độ); Ăn uống thất đều (ham ăn nhiều chất bổ béo, uống nhiều rượu...); Do nguyên nhân khác (phòng dục quá độ...).

Về phương pháp điều trị:

Các triệu chứng báo trước các bệnh trúng phong còn gọi là tiền triệu trúng phong (TTTP).

Theo YHCT, các tiền triệu chung của bệnh trúng phong là:

Bất thần thấy sẩm tối mặt, hoa mắt, ngón tay tê dại, chân tay rã rời, hoặc da thịt máy động, co giật. Tự nhiên nhiều đờm, hay quên có lúc lưỡi tê khó nói hay tự nhiên thấy nảy đom đóm mắt, tê bì chân tay, ù tai, chóng mặt, buồn nôn, lú lẫn (dấu hiệu có thể xuất hiện vài giờ có khi một vài ngày trước) đó chính là triệu chứng báo trước của bệnh trúng phong.

YHCT phân thành 2 thể tiền triệu sau:

Do can thận âm hư

Sinh địa.

Nếu do can thận âm hư (can phong nội động tung hoành lên trên).

Triệu chứng: Đột nhiên thấy đầu choáng mắt hoa, đầu nặng chân nhẹ, có lúc loạng choạng muốn ngã, tai ù, thậm chí nghễnh ngãng, ngủ ít, hay quên, ngũ tâm phiền nhiệt (3 tâm điểm: 2 lòng bàn tay, 2 lòng bàn chân, giữa ngực (huyệt đản trung - chiên trung sinh nhiệt), tê tay chân, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch huyền tế hoặc huyền hoạt.

Pháp trị: Tư dưỡng can thận, bình can thanh nhiệt.

Bài thuốc: Kiến Linh thang gia giảm: Sinh địa 15g, bá tử nhân 12g, hoài sơn 30g, sinh giả thạch 30g (sắc trước), bạch thược (tẩm giấm thanh sao) 12g, mẫu lệ 30g (sắc trước), ngưu tất 12g, long cốt (sắc trước) 30g, sắc uống mỗi ngày 1 thang. Uống ấm chia đều 4 lần ngày uống 3 lần tối uống 1 lần.

Khí hư đàm trệ

Triệu chứng: Bất thần thấy huyễn vựng (huyễn: hoa mắt, vựng: chóng mặt) hay nói lắp, nói ngọng, đoản khí (làm việc nặng, leo cao hay thở dốc) tay chân nặng nề đau mỏi, chán ăn, ngực bụng đầy tức, mệt mỏi, chất lưỡi nhợt, rêu trắng dính, mạch hư huyền mà hoạt.

Pháp trị: Kiện tỳ hòa vị, ích khí hóa đờm

Bài thuốc: Thập vị ôn đởm thang gia giảm

Bán hạ 12g, phục linh 15g, trần bì 10g, đương quy 12g, viễn chí 6g, xương bồ 9g, cam thảo 6g, trúc nhự 10g, chỉ thực 10g, đảng sâm 12g, hoàng kỳ 20g.

Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, uống ấm chia đều 5 lần ngày 4 lần tối 1 lần.

Lương y Lê Minh Vân

Từ khóa » Chứng Trúng Phong