Ý Nghĩa Các Biểu Tượng Trang Trí Tại Đình, Chùa, Lăng, Miếu Ở ...
Có thể bạn quan tâm
Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014
Ý Nghĩa Các Biểu Tượng Trang Trí Tại Đình, Chùa, Lăng, Miếu Ở TP.Hồ Chí Minh
Giải Thích Ý Nghĩa Các Biểu Tượng Trang Trí Tại Đình, Chùa, Lăng, Miếu Ở TP.Hồ Chí Minh . Lời Tựa Đất nước Việt Nam có một vị trí địa lý chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, vị trí chiến lược ấy thể hiện là cầu nối giữa khu vực Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, đây là một trạm dừng chân, một ngã tư đường trong những chuyến hải trình từ thời cổ đại mang theo nó là những đoàn thương nhân, truyền đạo, những nền văn minh trong khu vực và trên thế giới. Chính bởi vị thế chiến lược này, nên từ rất sớm sự giao lưu văn hóa đã diễn ra ở đây một cách mạnh mẽ và liên tục trong suốt hàng nghìn năm lịch sử. Từ hai nền văn minh lớn trong khu vực đó là Ấn Độ và Trung Quốc, nền văn minh Việt Nam có cơ hội hấp thu, tiếp nhận và bản địa hóa những yếu tố văn minh ngoại nhập góp phần làm đa dạng và phong phú cho nền văn minh vật chất và tinh thần to lớn của chính mình . Văn minh vật chất của người Việt rất đa dạng và phong phú, ẩn trong đó là cái hồn, cái tinh hoa của cả một nền văn hóa trong sự giao lưu, tiếp nhận, đan xen và bản địa hóa. Trong khuôn khổ giới hạn của bài viết này người viết xin trình bày một mảng nhỏ trong nền văn minh vật chất to lớn của người Việt đó là những biểu tượng trang trí trong các đình, chùa, lăng miếu tại khu vực TP. Hồ Chí Minh. Những biểu tượng này vừa có giá trị thẩm mỹ to lớn lại vừa mang trong mình những tinh hoa và ý nghĩa triết lý thâm sâu mà cổ nhân muốn truyền đạt lại cho hậu thế thông qua những tác phẩm có tính nghệ thuật cao, được tạo tác công phu, cầu kỳ, tỷ mỷ từ đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân nước Việt trong suốt chặng đường lịch sử đầy biến động, hào hùng của dân tộc. Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng biểu tượng là sản phẩm của quá trình tư duy trừu tượng đã được khái quát, cô đọng ở mức độ cao nhất. Chính vì thế, biểu tượng mang ý nghĩa to lớn trong việc truyền tải thông tin, ý tưởng của các thế hệ tiền nhân đi trước, do đó việc giải mã các biểu tượng này cũng cần phải có một tư duy mang tính trừu tượng nhất định. Mặt khác các biểu tượng trong quá trình giao lưu, đan xen văn hóa có sự tác động qua lại, tính dân tộc đã làm bản địa hóa, tạo nên những biến đổi về hình thức làm cho các biểu tượng này càng thêm phần phức tạp, khó hiểu, khó tiếp cận . Các biểu tượng trang trí trong các đình, chùa, lăng, miếu ở Việt Nam nói chung có lịch sử hình thành và phát triển từ rất lâu, khó có thể biết được thời gian chính xác hình thành các biểu tượng này, cố nhiên các biểu tượng trong diễn trình lịch sử có sự giao lưu và biến đổi theo từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử nên ít nhiều cũng có những thay đổi về mặt hình dáng hay cách thể hiện hình thức của biểu tượng ấy. Tuy nhiên, vể cơ bản thì nội dung ẩn chứa bên trong những biểu tượng đó là không thay đổi . Theo dòng chảy của lịch sử cộng với những biến động có tính chính trị - xã hội của đất nước, vùng đất phương Nam trù phú dần được khai phá, mở mang thêm trù phú, tốt tươi. Những lưu dân của vùng Thuận – Quảng đã mang theo hành trang là cả một nền văn hóa vật chất và tinh thần to lớn của người Việt vào miền đất mới! Chính tại nơi đây, trong công cuộc khai hoang lập ấp đầy khó khăn của mình những lưu dân Việt đã xây dựng những đình, chùa, lăng miếu phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng truyền thống. Những ngôi đình, ngôi chùa hay lăng miếu này, ban đầu được xây dựng đơn sơ, giản dị nhưng dần dà cùng với đời sống vật chất no đủ của người dân vùng đất mới thì những công trình này ngày càng to lớn và được hoàn thiện về mọi mặt. Nhưng dù là một ngôi đình, ngôi chùa nhỏ bé lẩn khuất sau những hàng cây, rặng tre của miền quê sông nước yên ả hay tới những ngôi đình, những tòa đại bửu sát uy nghi tráng lệ của một vùng đô hội “trên bến dưới thuyền” thì những biểu tượng trang trí trong những công trình kiến trúc này là không thể thiếu. Những biểu tượng ấy có thể xem là một phần tinh hoa trong văn hóa truyền thống của người Việt mang đậm chất tư duy trừu tượng của những triết lý nhân sinh ! Nghệ thuật điêu khắc, trang trí biểu tượng trong những công trình kiến trúc cổ của Việt Nam nói chung cũng như tại khu vực Nam bộ nói riêng phần lớn tập trung vào những motip hoa văn, phù điêu thuộc những chủ đề cơ bản bao gồm: thiên nhiên, các loài cây cỏ hoa trái và các loài linh thú, động vật dưới nước hay trên cạn. Những khung cảnh thiên nhiên sóng nước bao la, những loài cây, danh mộc tượng trưng cho sự thanh cao thuần khiết chính trực của con người như Tùng, Trúc, Cúc, Mai…….dây lá hóa rồng, những loài linh thú của bộ tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) hay đến những loài động vật dân dã như cá chép, chim muông, sóc, dơi…v….v….Tất cả những biểu tượng đó đều được bàn tay khéo léo của những nghệ nhân tạo tác thành những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao, làm tôn thêm vẻ tráng lệ, đường bệ của tổng thể kiến trúc cũng như mang những ý nghĩa triết lý thâm sâu của tiền nhân đi trước. Chính vì thế, việc nghiên cứu và giải thích các biểu tượng, phù điêu trang trí trong hệ thống đình, chùa, lăng miếu đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm về nguồn cội, cũng như hiểu được, thẩm thấu được cái tinh hoa ẩn tàng, những giá trị văn minh vật chất và tinh thần to lớn của người Việt . I/ Các Biểu Tượng Trang Trí Hình Linh Thú Và Động Vật Thường Thấy Trong Đình, Chùa, Lăng Miếu Tại Khu vực Thành Phố Hồ Chí Minh a/ Trang Trí Đề Tài Tứ Linh Bộ Tứ Linh bao gồm: Long, Lân, Quy, Phụng vốn là bốn linh vật linh thiêng trong truyền thống văn hóa của người Việt. Trong bốn linh vật kể trên thì hai linh vật đầu gồm Long, Lân là những sản phẩm do trí tưởng tượng của con người được hình thành, tạo tác nên từ việc lắp ghép những bộ phận khác nhau của những loài động vật khác nhau. Hai linh vật sau là “Quy” và “Phụng” vốn là những con vật có thật được thêm vào để trở thành bộ tứ linh với những ý nghĩa triết học sâu sắc. Nếu như trong xã hội phong kiến phương Bắc thì bộ tứ linh dường như là sản phẩm, biểu tượng chỉ giành riêng cho chính quyền phong kiến thì ở Việt Nam lại có sự khác biệt tương đối rõ rệt ở chỗ chính quyền phong kiến Việt Nam không chỉ độc chiếm việc sử dụng trang trí tứ linh cho riêng bản thân mình mà những motip trang trí này còn được sử dụng rộng rãi trong hệ thống các kiến trúc dân gian như đình, chùa, lăng miếu…..Và theo một lẽ tự nhiên, những linh vật này tồn tại và bám rễ rất sâu trong hệ thống văn hóa – tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Những linh vật này được thổi vào mình cái luồng khí linh thiêng nghìn năm của văn hóa, đất nước, dân tộc Việt Nam. Cũng do ăn sâu vào tiềm thức người Việt nên “tứ linh” đã theo hành trang của những lưu dân xứ Thuận – Quảng vào khai phá vùng đất Nam bộ trù phú để rồi được thể hiện sống động trong những công trình “tín ngưỡng – tôn giáo” dân gian như đình, chùa, lăng miếu với những phong thái mang dáng dấp của vùng Nam bộ trù phú, tốt tươi. Trong tứ linh đứng đầu là “Long” tức là con rồng, chúng ta thấy rằng con rồng đã gắn bó từ buổi đầu với nền văn minh sông nước của người Việt, hình ảnh những con Giao Long trên chuôi gươm đồng trong nền văn hóa Đông Sơn cách nay hơn 2500 năm được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng là tiền thân của hình ảnh con rồng sau này. Mặt khác, nguồn gốc của người Việt với truyền thuyết “con rồng cháu tiên” đầy tự hào cũng cho thấy mối liên hệ mật thiết của hình tượng con rồng trong tâm thức người Việt. Hình ảnh con rồng được tưởng tượng từ sự lắp ghép nhiều bộ phận khác nhau của nhiều loài thú khác như: mặt cá sấu, tai thú, trán lạc đà, mũi sư tử, móng chim ưng... và là một loài có sức mạnh vô song thường được biểu trưng cho hình ảnh của Vua trong chế độ phong kiến. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên hình tượng con rồng cũng phát triển mạnh mẽ trong nghệ thuật, kiến trúc dân gian chứ không chỉ là của riêng giai cấp phong kiến! Có chăng sự khác biệt chỉ là ở chỗ con rồng tượng trưng cho Vua thì có năm móng còn con rồng trong kiến trúc nghệ thuật dân gian chỉ có ba hoặc bốn móng. Hình tượng rồng được tạo tác rất nhiều trong các công trình tín ngưỡng – tôn giáo dân gian của Việt Nam mà tiêu biểu có thể thấy trong các công trình kiến trúc đình chùa trên cả nước nói chung và khu vực tp. Hồ Chí Minh nói riêng. Trong các ngôi đình tại khu vực tp.HCM, hình tượng con rồng thường được thể hiện trước nhất trên nóc của ngôi đình với motip “Lưỡng Long Triều Nhật” hay “Lưỡng Long Tranh Châu” ở vào vị trí quan trọng và tôn nghiêm nhất như vậy chắc hẳn hình tượng rồng phải mang một ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc nào đó ? Trước hết, chúng ta nhận thấy rằng ngôi đình làng dù ở Bắc bộ, Trung bộ, hay Nam bộ thì đều có ba chức năng chính đó là: chức năng hành chính, chức năng tín ngưỡng và chức năng văn hóa. Ba chức năng này thống nhất với nhau trong một chỉnh thể của ngôi đình. Như thế ở chức năng đầu tiên là chức năng hành chính thì phải chăng hình tượng con rồng ở vị trí quan trọng nhất chính là biểu tượng cho chính quyền phong kiến ở mỗi làng quê nước Việt ? Ở chức năng thứ hai là chức năng tín ngưỡng – văn hóa thì hình ảnh con rồng tượng trưng cho nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Chữ “Long” tại các đình chùa là chữ Hán, tuy nhiên theo những nhà ngôn ngữ cổ Đông Nam Á thì chữ long là vốn có phiên âm từ âm cổ “klong” hoặc “krong” vốn có nghĩa là sông nước, tới đây liệu rằng chúng ta đã có thể phần nào hình dung hay mường tượng về mối dây liên hệ giữa hình tượng con rồng với những đồng ruộng lúa nước vốn là cái nôi của nền văn minh người Việt. Mặt khác, đối với nền văn minh nông nghiệp lúa nước thì nguồn nước đóng một vai trò quan trọng quyết định tới mùa vụ nông nghiệp và phải chăng, việc đặt hình tượng cặp lưỡng long trên đỉnh nóc ngôi đình cũng mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa mùa màng tốt tươi. Motip lưỡng long triều nhật hay lưỡng long triều nguyệt được thể hiện ở dạng cặp đôi như thế có rất nhiều khả năng sẽ có một con đực và một con cái biểu tượng cho lối tư duy lưỡng nguyên có âm có dương của cư dân nông nghiệp. Nhờ có âm có dương mà sản sinh ra mọi thứ và mùa màng bội thu, đây là hình thức tín ngưỡng phồn thực rất phổ biến trong các nền văn minh nông nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều nơi trên thế giới trong đó đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra trong các ban thờ, hay các bức bao lam trong điện thờ tại những ngôi đình khu vực tp.HCM cũng có chạm nổi hay chạm lộng hình ảnh rồng có giá trị thẩm mỹ cao, được sơn son thiết vàng hết sức cầu kỳ tinh xảo. Trong kiến trúc chùa, hình tượng rồng cũng được thể hiện rất nhiều tuy nhiên hình tượng rồng trong chùa hoàn toàn không hề có ý thể hiện quan niệm “Vương quyền” của chế độ phong kiến mà đó là sự hộ trì và khuất phục trước sức mạnh của Phật pháp. Trong các ngôi chùa thường có bức tượng “Cửu long” thể hiện chín con rồng phun nước tắm cho đức phật lúc ngài đản sinh. Hình tượng rồng cũng được điêu khắc trên những bệ tượng ngồi của đức phật, điều đó thể hiện sự khuất phục của loài mãnh thú trước sức mạnh Phật pháp vô biên . Linh vật thứ hai trong bộ tứ linh là “Lân”. Lân thực chất có tên gọi đầy đủ là kỳ lân trong đó “Kỳ” là con đực còn “Lân” là con cái. Cặp kỳ lân cũng thường được trang trí trong các công trình kiến trúc như đình, chùa, lăng miếu với nhiệm vụ bảo vệ cũng như mang đến những điềm may mắn. Theo truyền thuyết thì kỳ lân cũng thường báo hiệu cho sự xuất hiện của một hiền nhân ! Là một con vật của trí tưởng tượng, kỳ lân cũng có hình dạng của sự lắp ghép các bộ phận khác nhau của nhiều loài thú chẳng hạn như: có sừngnai,taichó,tránlạc đà,mắtquỷ, thânngựa, chânhươu,đuôibò. Tuy nhiên, trong cách thể hiện, kỳ lân cũng có ít nhiều những biến đổi tùy theo từng vùng miền. Tại các công trình kiến trúc cổ ở tp.HCM, thì hình ảnh kỳ lân và các biến thể của nó như Long Mã là rất thường thấy vừa có tác dụng tăng thêm phần uy nghi, lại vừa mang trong mình những ý nghĩa thâm sâu của các bậc tiền nhân đi trước. Long Mã là một trong những biến thể về hình dáng của kỳ lân, với đầu rồng mình ngựa, toàn thân có vảy rồng chạy trên sóng nước hình dáng vô cùng dũng mãnh thường được thể hiện trong các bức bình phong tiền hay hậu của lăng mộ các vị võ tướng . Vì sao Long Mã lại hay được thể hiện trong các lăng mộ ? có lẽ bởi vì “Long” là rồng, rồng thì phải bay lên biểu thị cho trục tung còn “Mã” là ngựa, ngựa chạy trên mặt đất tức là trục hoành . Như vậy Long Mã là hình ảnh biểu trưng cho sự tung hoành của đấng nam nhi trong thiên hạ, cũng vì lẽ đó mà trong lăng mộ các bậc võ tướng như Tả Quân Lê Văn Duyệt , hay Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu, Bình Giang Quận Công Võ Di Nguy….. đều có bức bình phong với phù điêu Long Mã cõng Hà Đồ như biểu trưng cho chí khí cũng như sự tận trung báo quốc của các vị danh tướng này . Linh vật thứ 3 trong bộ tứ linh là “Quy” quy là rùa. Rùa là linh vật xuất hiện trong hầu hết các đình, chùa, lăng, miếu tại Việt Nam. Với dáng vẻ vững chắc được tạo nên bởi bốn chân xòe rộng theo chiều ngang và chiếc mai cứng tạo nên sự vững chắc cho toàn bộ thân thể. Rùa thường tượng chưng cho sự vững chắc lâu bền, đồng thời rùa cũng là loài vật có tuổi thọ rất lâu nên cũng mang hàm ý biểu trưng cho sự trường thọ. Trong các đình, chùa, lăng miếu rùa thường đi với hạc trong motip hạc đứng trên lưng rùa. Hạc cũng là con vật rất linh thiêng và thanh cao được nhận thấy dễ dàng ngay trong hình dáng của chúng với chiếc cổ và chân dài, toàn bộ cơ thể thanh mảnh toát lên sự quý phái thanh lịch. Hạc đứng trên lưng rùa có ý nghĩa trước hết ở mặt hình tượng rất sâu sắc, cái thanh mảnh của hạc đứng trên cái vững chắc của rùa tạo nên sự trường tồn của cái tao nhã, thanh cao. Mặt khác hạc là linh vật mang dương khí, còn rùa là linh vật thuộc hành thủy đại diện cho hướng Bắc và mang âm khí, như thế phải chăng motip hạc trên lưng rùa biểu trưng cho sự giao hòa âm dương ? Bên cạnh đó rùa luôn luôn biểu hiện cho tính chịu đựng nhẫn nhịn cả đời mang vác nặng mà chả chút lầm than : “thương thay thân phận con rùa, xuống sông đội đá lên chùa đội bia” đức hạnh nhẫn nhịn là một đức tính vô cùng quý trong đạo phật ! con rùa có lẽ cũng là biểu tượng của đức tính này . Linh vật thứ tư trong “Tứ Linh” thường được trang trí tại đình, chùa, lăng, miếu là “Phụng” phụng là chim phụng. Theo một số quan điểm thì phụng là chim cái còn loan là chim đực. Chim phụng có hình dáng đẹp đẽ và to lớn với từng bộ phận trên cơ thể mang những ý nghĩa biểu trưng cao : “đầu đội công lý và đức hạnh, mắt tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, lưng cõng bầu trời, cánh là gió, đuôi là tinh tú, lông là cây cỏ, chân là đất. Như vậy nó tượng trưng cho bầu trời, khi nó bay hoặc múa (phụng vũ) là tượng trưng cho sự hoạt động của vũ trụ”[1]chim phụng thường được trang trí trong những bức bao lam tại các ngôi cổ tự tại tp.HCM hay trên các bờ dốc mái của những đình, chùa, lăng miếu. Chim phụng cũng tượng trưng cho hình tượng của thánh nhân và sự đức hạnh . B/ Biểu Tượng Một Số Loài Vật Khác Ngoài bộ tứ linh được trang trí như đã trình bày, trong phần lớn các đình, chùa, lăng miếu tại khu vực tp.HCM nói riêng và cả nước nói chung thì bên cạnh đó những loài thú khác cũng được tạo tác khéo léo trong các công trình kiến trúc này với những đường nét và nghệ thuật tạo hình vô cùng đặc sắc góp phần hình thành nên sự uy nghiêm, kính cẩn cho toàn bộ kiến trúc. Trong số những loài vật đó, đầu tiên phải kể đến là hình ảnh con hổ . Hổ là một loài mãnh thú được mệnh danh là chúa tể sơn lâm có sức mạnh làm kinh sợ muôn loài. Trong các ngôi đình ở Nam Bộ nói chung và khu vực tp.HCM nói riêng thì hình ảnh hổ xuất hiện rất nhiều trong các bức bình phong và được dân gian tôn kính gọi với cái tên là “ông hổ” Theo quan niệm dân gian thì “ông hổ” có khả năng tiêu trừ tà ma bảo vệ cho đình chùa, miếu võ. Ngoài ra hình ảnh ông hổ được tạo tác to lớn, đầy vẻ dũng mãnh cũng làm cho toàn bộ khung cảnh của nơi thờ tự thêm phần uy nghi tôn nghiêm. Những ngôi đình nổi tiếng tại tp.HCM như : đình Thông Tây Hội (quận Gò Vấp), đình Hạnh Thông (quận Gò Vấp), đình Bình Đông (quận 8), đình Phú Nhuận (quận Phú Nhuận)…… đều có những bức bình phong thể hiện ông hổ trong tư thế uy dũng, tráng kiện. Hình tượng con ngựa cũng là motip rất thường thấy trong các ngôi đình cổ ở Nam bộ. Cặp ngựa thường được chưng phía trước khám thờ thần trong chính điện với kích thước như ngựa thật. Con ngựa biểu trưng cho sự dũng mãnh, tận tụy và trung thành, nên thường có câu : “khuyển mã trung thành”mặt khác con ngựa cũng là loài động vật ăn cỏ, tính thường hiền lành toát lên vẻ thanh cao. Ngựa gắn với chiến trận, đao binh và là vật cưỡi không thể thiếu của các vị danh tướng. Quan điểm dương sao âm vậy chính là tiền đề cho việc trưng bày cặp ngựa trong chính điện của những ngôi đình hay lăng miếu với mục đích làm vật cưỡi cho những vị : “sinh vi tướng tử vi thần”! Hình tượng con cá “Ngư” cũng được thể hiện một cách sống động trong hầu hết những chi tiết chạm khắc trang trí tại các công trình kiến trúc cổ. “Ngư” đồng âm với « dư » có nghĩa là dư giả sung túc, hình ảnh con cá thường được thể hiện trong các motip hoa văn sóng nước tạo nên sự hòa hợp trước hết về mặt cảm quan. Ngoài ra ở khu vực nam bộ nói chung thì con cá đã trở nên rất thân thiện với con người bởi môi trường sông nước đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân nơi đây . Hình ảnh của những chú dơi cũng thường thấy tại những motip trang trí trong những công trình kiến trúc đình, chùa, miếu võ. Đây là motip trang trí ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa bởi lẽ trong tiếng Hán con dơi đồng âm với chữ « Phúc ». Trang trí con dơi cũng nhằm mục đích mong muốn phúc đức, (phúc đáo). Trong các bức bao lam chạm khắc tại chùa Giác Viên hay Giác Lâm có rất nhiều các biểu tượng hình con dơi cũng với ý nghĩa như đã nêu ở trên . Một motip rất thường thấy trong các bức bao lam hay trang trí chạm nổi tại các ban thờ, khám thờ ở Nam Bộ đó là motip bá điểu và sóc nho. Phải chăng do môi trường thiên nhiên trù phú, giàu có của vùng đồng bằng Nam Bộ mà những con vật trên được tạo tác với một dáng vẻ rất thản nhiên mặc sức vui đùa, leo trèo và bay lượn. Không có một sự gò bó nào trong từng đường nét thể hiện và điều ấy dường như cũng phản ánh tính cách của con người Nam Bộ ưa phóng khoáng tự do ? II/ Các Biểu Tượng Trang Trí Thiên Nhiên Tại Đình, Chùa, Lăng Miếu ở Tp.HCM Môi trường thiên nhiên luôn có những tác động to lớn tới mọi hoạt động sống của con người, từ rât sớm con người đã khéo léo thể hiện một cách sinh động môi trường thiên nhiên thông qua các hoạt động có tính nghệ thuật của mình. Trong nền mỹ thuật tôn giáo-tín ngưỡng tại Việt Nam, hình ảnh thiên nhiên luôn được khéo léo lồng ghép trong từng họa tiết tạo nên nét độc đáo, mỹ thuật trong toàn thể kiến trúc. Không chỉ dừng lại ở đấy, các hình ảnh thiên nhiên được tạo tác ngoài tính chất nghệ thuật còn mang trong mình những triết lý uyên thâm sâu sắc mà tiền nhân đã biểu tượng hóa, nghệ thuật hóa thành những biểu tượng có giá trị nhân văn cao đẹp làm nền tảng cho những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Một trong các biểu tượng trang trí có tính thiên nhiên tại các đình, chùa, lăng miếu ở khu vực tp.HCM nói riêng cũng như cả nước nói chung là những biểu tượng cây cối, hoa lá tượng trương cho mùa cũng như những phẩm chất đạo đức thanh cao của con người như : Tùng, Trúc, Cúc, Mai........ Cây tùng vốn là loài cây thân mộc, thường to lớn (cao từ 15-20m) mọc ở xứ hàn, trên những sườn non cao, sức sống mạnh mẽ bền bỉ, bốn mùa cây đều xanh tốt, vương lên trên đất đồi núi khô cằn, sỏi đá tượng trưng cho ý chí mạnh mẽ, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách của cuộc đời. Cây Tùng thường mọc ở những nơi rừng sâu núi thẳm, rêu phong trầm mặc tượng trưng cho sự ẩn cư, thoát tục của bậc thánh nhân trong thiên hạ. Trong trang trí đình, chùa, miếu võ cây tùng thường được tạo tác thật nghệ thuật trong motip Tùng-Hạc quen thuộc, cách thể hiện sự phối hợp giữa hai loại động thực vật có giá trị biểu trưng cho sự thanh cao này đem đến nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, motip này thường được thể hiện bằng cách chạm khắc trên bộ khung sườn của kiến trúc hay trên những bộ vì kèo gỗ bằng danh mộc thường thấy. Bên cạnh cây Tùng mạnh mẽ, uy nghiêm, tượng trưng cho dáng dấp của người quân tử thì hình ảnh cây Trúc lại mang một dáng vẻ cũng rất thanh cao, biểu hiện sự nho nhã của bậc nho sinh. Cây trúc vốn rỗng ruột và luôn mọc thẳng thể hiện sự chí công vô tư, không để bụng, không luồn cúi cầu danh lợi, đây là bản chất của người quân tử. Xét về mặt mỹ thuật, toàn bộ cây trúc từ gốc, thân, lá đều mọc một cách hài hòa, cân xứng dáng hình thanh thoát biểu trưng cho sự thanh cao, thuần khiết. Mặt khác, cây trúc cũng thường mọc rất nhiều ở khu vực Á Đông nó cũng phù hợp và từ lâu đã trở thành biểu tượng của nghệ thuật trang trí, chạm khắc tại rất nhiều quốc gia thuộc xứ sở huyền bí này. Hoa Cúc là một motip quen thuộc thường thấy trong nghệ thuật trang trí tại phần lớn đình, chùa. Hoa cúc có màu vàng biểu thị cho sự đài các, kiêu sa, vương giả, phú quý. Hoa cúc là biểu tượng của mùa thu, nó phảng phất một chút buồn nhè nhẹ, thanh cao ở độ giữa thu trong cái tiết trời se lạnh, khiến người ta bâng khuâng, xao xuyến, trầm lắng. Hình ảnh hoa cúc thường được khéo léo tạo tác khá nhiều trong những ngôi đình, chùa tại tp.hcm nói riêng cũng như cả nước nói chung, tại đó hoa cúc thường được thể hiện với môtip dây lá hòa quyện vào nhau trong những bức bao lam, vì kèo (thường là bộ Cúc-Trĩ) hay trong những bức tranh giàu cảm xúc về mùa thu. Hoa cúc cũng thường được chạm khắc trong tư thế khai hoa thể hiện sự viên mãn, tràn đầy, ấm no hạnh phúc. Bên cạnh hoa cúc thì trong trang trí mỹ thuật tại hệ thống đình, chùa, lăng miếu hoa mai cũng luôn được thể hiện một cách thanh lịch tao nhã gợi nên sắc xuân tươi vui ngập tràn. Cây mai với thân hình rắn chắc, phong sương, hấp thu sinh khí của trời đất đơm hoa vào mùa xuân là mùa mà trời đất giao hòa, vạn vật tốt tươi, có hai loại mai, mai trắng (bạch mai) tượng trưng cho sự trong trắng, thuần khiết nơi chốn tâm linh, mai vàng (màu vàng thuộc hành thổ, tượng trưng cho sự phú quý, anh lành). Hoa mai thường có nhiều cánh đan xen vào nhau với mùi hương thoang thoảng thể hiện sự trang nhã, thanh tịnh. Trong trang trí mỹ thuật hình ảnh cây mai thường được tạo tác với dáng vẻ xù xì ở phần thân gốc, cành thường khẳng khiu thể hiện dáng già nua trầm mặc, đặc biệt trong các motip chạm khắc trong các bao lam, cửa võng cây mai thường được tạo dáng « hóa rồng » để tăng thêm phần trang trọng cũng như tính mỹ thuật của tác phẩm. Bên cạnh đó, hoa mai cũng thường được phối trí thể hiện trong bộ mai điểu truyền thống làm tăng tính nghệ thuật, nho nhã cho toàn bộ kiến trúc. Hoa đào cũng là biểu tượng của mùa xuân ở những vùng hàn đới, hoa đào từ lâu đã đi vào thơ ca, nghệ thuật không chỉ ở việt nam mà rất nhiều quốc gia khác ở khu vực châu á như : trung quốc, nhật bản, triều tiên…… hoa đào với sắc đỏ, điểm xuyến trong cái tiết trời se lạnh đầu xuân của vùng hàn đới tạo nên bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp, hữu tình. Cũng giống như hoa mai, cây hoa đào thường khẳng khiu, xù xì thể hiện sự trường thọ nhưng cũng nhất bậc thanh cao. Hoa đào còn tượng trưng cho vẻ đẹp hiều hậu, nhân từ của người phụ nữ Á đông (người phụ nữ đẹp có đôi má đào hồng hây hây) trong điêu khắc trang trí, toàn thể cây hoa đào cũng thường được mô tả một cách sinh động với dáng vẻ « hóa long » hoặc phối hợp với môtip dây lá cầu kỳ, mang tính nghệ thuật cao. Tuy nhiên mô thức này thường được sử dụng trong những ngôi đình, chùa có niền đại khá muộn. Bên cạnh bốn loài hoa đặc sắc nói trên, trong trang trí mỹ thuật tại các công trình kiến trúc cổ ở tp.hcm nói riêng cũng như cả nước nói chung còn có một số loài hoa trái, dây lá, thực vật khác cũng thường được sử dụng trong trang trí với tính nhân văn, biểu trưng cho sự thanh cao, thoát tục của chốn linh thiêng như : Hoa sen, hoa mẫu đơn, bầu hồ lô, quả lựu, nho, các hoa văn motip dây lá hóa rồng........ cũng đều được tạo tác hết sức cầu kỳ cho thấy trình độ mỹ thuật của người thợ thủ công đương thời cũng như những quan niệm nhân sinh quan có tính triết học sâu sắc. Hoa sen vốn rất quen thuộc với người Việt, là một loài hoa được biết đến trong các tôn giáo lớn của nhân loại như : Phật giáo, Hindu giáo, hoa sen mang trong minh một tinh thần nhân văn sâu sắc. Hoa sen mang một nét đẹp giản dị và thuần khiết, mùi hương thoang thoảng thật nhẹ mọc lên từ ao hồ, sình lầy song hoa sen luôn toát lên vẻ thanh cao, thoát tục nó biểu trưng cho sự gìn giữ, tu dưỡng phẩm hạnh giữa đời thường còn nhiều ô tạp của bậc chính nhân. Hoa sen được trang trí rất nhiều trong những ngôi chùa dù lớn hay nhỏ trong cả nước bởi loài hoa này thường gắn với rất nhiều phật tích. Đức Thế tôn sinh ra và bước đi lần đầu tiên trên 7 bông hoa sen, Padmasambhava hay bồ tác Liên hoa sinh cũng sinh ra từ bông hoa sen, rõ ràng hoa sen có ý nghĩa và vị trí rất quan trọng trong đạo phật. Trong trang trí mỹ thuật, hoa sen thường được tạo tác làm bệ ngồi cho đức phật, chư phật trong tư thế tọa thiền kiết già. Hoa sen cũng thường được trang trí trong các bức tranh treo ở chính điện, nhà trai hay giảng đường. Trong những chi tiết kết cấu của bộ khung sườn, hoa sen cũng thường được tạo tác khéo léo trên những bộ vì kèo bằng gỗ với phương pháp chạm thủng mang đến những tác phẩm nghệ thuật thật ý nghĩa. Những viên gạch mộc mạc tại sân chùa vốn yên ả, tĩnh lặng cũng thường được in chìm hình hoa sen làm cho tha nhân, hành giả đến chùa cảm nhận được sự yên ả, tĩnh lặng, vi diệu từ sâu thẳm trong tâm hồn khiến con người thanh thản hơn, gạn đục khơi trong hơn để hướng tới cái chân lý uyên thâm, mầu nhiệm của phật pháp. Hoa mẫu đơn cũng là một loài hoa thường được tạo tác trong các công trình kiến trúc mỹ thuật, mẫu đơn là một loài hoa có nguồn gốc từ phương Bắc (Trung quốc) hoa có nhiều cánh, sắc hồng hoặc đỏ, có kính thước khá lớn được cấu thành từ nhiều cánh hoa. Hoa mẫu đơn có một vẻ đẹp sang trọng, viên mãn và quý phái. Ngoài vẻ đẹp thẩm mỹ vốn có của mình, hoa mẫu đơn còn có nhiều dược tính phục vụ vào việc chữa bệnh cho con người. Hoa mẫu đơn thường được trang trí trong các bao lam, cửa võng hay tại các ban thờ bằng gỗ với phương pháp chạm thủng hoặc chìm truyền thống tại các công trình kiến trúc như đình, chùa. Hoa mẫu đơn thể hiện sự sang trọng, quý phái, vương giả. Bên cạnh đó, trong đời sống vợ chồng nó còn thể hiện sự đầm ấm, hạnh phúc lứa đôi. Nói chung, việc tạo tác hoa mẫu đơn trong các đồ án trang trí mỹ thuật tại các công trình kiến trúc có tính tôn giáo-tín ngưỡng trước hết góp phần tạo nên vẻ đẹp trong lĩnh vực thẩm mỹ cũng như làm tăng thêm sự trang nhã, sang trọng, giá trị cho toàn thể kiến trúc đồng thời qua đó gửi gắm ước mong về sự hạnh phúc, viên mãn, an lành đầy đủ tới thế giới tâm linh truyền thống của người Việt, đó là bản sắc văn hóa, là những gì tinh hoa, thanh lịch của dòng chảy văn hóa Việt Nam trong sự giao lưu, chọn lọc, tiếp thu với các nên văn hóa trong khu vực và trên thế giới. Tại vùng Nam bộ trù phú, được thiên nhiên ưu đãi, đất đai phù sa, tươi tốt, cây trái xum xuê trĩu quả, cuộc sống người dân sung túc, an vui. Sự thể hiện các lọai cây trái như bầu, nho, lựu…… vào các họa tiết trang trí mỹ thuật trong các công trình kiến trúc phần nào thể hiện cái triết lý về sự đầy đủ, ấm no trong cuộc sống từ đó con người ta cảm thấy thoải mái hơn, lạc quan hơn, đường đạo dường như cũng thênh thang rộng mở hơn. Ngoài ra các loài hoa trái được tạo tác hết sức cầu kỳ với kỹ thuật chế tác tinh xảo góp phần tạo nên vẻ đẹp thẩm mỹ trong các cấu kiện kiến trúc đình, chùa, lăng miếu. Các môtip cây trái trên thường được tạo tác trong các bức bao lam, cửa võng hay tại các mặt diềm của các ban thờ theo dạng dây lá, hoa trái. Đặc biệt trong các trang trí dạng ô hộc tiêu biểu cho lối kiến trúc triều Nguyễn thì bên trong các ô hộc này thường trang trí cây lá kết hợp với hoa trái thật cầu kỳ và tinh xảo. Văn hóa Việt Nam từ rất sớm đã luôn hòa nhập, gần gũi, thích ứng với thiên nhiên, phát triển trên nền tảng thiên nhiên nên sẽ không có gì là khó hiểu khi trong các họa tiết trang trí truyền thống của người Việt tại các công trình kiến trúc xuất hiện các biểu tượng có tính thiên nhiên như : mây, nước, sóng, gió, tia chớp, mặt trời, mặt trăng, lưỡng nghi……. Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp lúa nước nên các yếu tố thiên nhiên luôn chiếm một vị trí thật quan trọng, quyết định cuộc sống của cư dân nơi đây từ thời tiền sơ sử. Trong các đồ án trang trí trên mặt trống đồng Đông Sơn hay Ngọc Lũ, chúng ta thấy xuất hiện các họa tiết chèo thuyền, các mái nhà có mái dạng thuyền, liên quan mật thiết tới môi trường sông nước. Truyền thống ấy được lưu truyền, gìn giữ trong suốt dòng chảy của lịch sử và luôn được khéo léo tạo tác, thể hiện trong các tác phẩm nghệ thuật trang trí tại đình, chùa, lăng tẩm. Việc tạo tác các đồ án trang trí này mang lại những giá trị mỹ thuật to lớn góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng nghệ thuật kiến trúc của Việt Nam. Các hiện tượng thiên nhiên trong cuộc sống con người đã được quan sát và khéo léo thể hiện trong các biểu tượng, thể hiện tính lưỡng nguyên, tuần hoàn của thiên nhiên, vũ trụ, trong đó tiêu biểu là biểu tượng « lưỡng nghi » . Lưỡng nghi là khởi nguyên của vạn vật, được miêu tả là một vòng tròn có hình chữ S ở giữa chia đôi hình tròn thành hai phần, mang tính chất đối lập nhau. Trong mỗi phần đối lập ấy lại có một chấm nhỏ thể hiện tính chất của phần đối lập kia. Hình tượng lưỡng nghi từ lâu đã có ý nghĩa triết học sâu sắc, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh vô lượng. Từ đấy có thể thấy rằng lưỡng nghi là nguồn cội, là khởi phát cho mọi hoạt động sinh sống và phát triển của vạn vật trên trái đất này. Lưỡng nghi phù hợp với lối tư duy lưỡng nguyên của người Việt, mọi sự vật trong vũ trụ đều có âm, có dương, động thực vật có giống đực, giống cái, con người thì có nam, nữ. Khi âm dương giao hòa, cân bằng thì vạn vật nảy sinh, phát triển mặt khác khi âm dương bị mất cân bằng thì sẽ gây nên sự xáo trộn, diệt vong. Tư duy ấy quan hệ chặt chẽ với tín ngưỡng phồn thực của người Việt, tín ngưỡng phồn thực ấy đã được khéo léo thể hiện trong các họa tiết trang trí mỹ thuật hay tổng thể kiến trúc trong các công trình tín ngưỡng-tôn giáo truyền thống của dân tộc. Trong các công trình kiến trúc cổ tại Việt Nam nói chung và khu vực tp.HCM nói riêng thì tín ngưỡng dân gian luôn được khéo léo lồng ghép và thể hiện rất tài tình trong từng chi tiết, đường nét, cấu kiện. Một trong những tín ngưỡng dân gian nổi bật nhất của nền văn minh nông nghiệp lúa nước đó là tín ngưỡng phồn thực. Với lối tư duy lưỡng nguyên, phân tách rạch ròi giữa âm và dương giữa đực và cái của cư dân nông nghiệp với ước mong có sự giao hòa, sinh sôi và phát triển như đã trình bày ở trên, nên sẽ không lấy gì làm khó hiểu nếu chúng ta bắt gặp hình ảnh điêu khắc các cặp đôi nam nữ trong những tư thế chọc ghẹo nhau được thể hiện sinh động trong các ngôi đình cổ mà đặc biệt là ở khu vực Bắc bộ. Ở Nam bộ, lối tư duy lưỡng nguyên trên dường như cũng vẫn được duy trì trong từng đường nét, kết cấu vật chất của những ngôi đình, chùa, lăng miếu tại đây mà cụ thể là một số chi tiết như : Hình tượng ông nhật, bà nguyệt trên nóc mái điện tại những lăng mộ hay những ngôi đình tại tp.HCM phải chăng cũng liên quan đến lối tư duy lưỡng nguyên biểu thị cho âm, dương như đã nói ở trên. Hình ảnh ông Nhật bà Nguyệt cũng là những yếu tố văn hóa hình thành trong quá trình giao lưu với văn hóa Hán ở phương Bắc. Xét ở khía cạnh kết cấu, toàn bộ hệ thống cột của các công trình kiến trúc cổ phần lớn đều được đặt trên những tán đá vuông hoặc tròn, điều đó phần nào khiến chúng ta liên tưởng đến hình tượng Yoni-Linga (tượng trưng cho thần Shiva) của văn hóa Ấn Độ cũng mang ý nghĩa thể hiện sự giao hòa âm dương. Hình ảnh trên phải chăng là tượng trưng cho sự vận hành của vũ trụ ? Tuy nhiên đây mới chỉ là ý kiến cá nhân của người viết có tính chất gợi mở, đoán định. Các biều tượng như đã nói vốn là sản phẩm đỉnh cao của tư duy trừu tượng, nó mang trong mình những triết lý tôn giáo, nhân sinh sâu sắc đặc biệt là trong Phật giáo, các tư thế bắt ấn trong mỗi bức tượng ẩn chứa rất nhiều các ý nghĩa trừu tượng, thâm sâu và bên cạnh đó còn ẩn chứa một sức mạnh vô hình của chư thiên, vũ trụ trong niền tin tôn giáo này. Các tư thế bắt ấn thực chất là sự phối kết hợp về hình dáng giữa các ngón tay của bàn tay và giữa hai bàn tay với nhau trong sự tương quan với những tư thế nhất định của cơ thể. Mỗi tư thế bắt ấn thể hiện những ý nghĩa và tác dụng khác nhau chẳng hạn như “Thí nguyện ấn” thể hiện cho sự nhân từ, bố thí của đạo phật. Vô úy ấn với bàn tay phải mở rộng và lòng bàn tay hướng ra bên ngoài, các ngón tay duỗi thẳng và để ngang vai biểu trưng cho sự không lo sợ bởi một niềm tin vững chắc vào đạo phật. Định ấn với hai chân khoanh lại, chân phải đặt trên đùi trái, chân trái cũng tương tự đặt lên đùi phải, hai bàn chân ngửa lên, hai bàn tay lồng vào nhau sao cho hai ngón tay cái chạm nhau. Định ấn thể hiện sự tập trung của người tu tập nhằm hướng đến con đường giác ngộ . Chuyển pháp luân ấn cũng là một thế ấn quan trọng, thế ấn này với bàn tay phải đặt ngang ngực, hướng lòng bàn tay ra ngoài, ngón trỏ và ngón cái tạo hình vòng tròn, bàn tay trái tiếp xúc với bàn tay phải tại vị trí ngón cái của bàn tay phải, lòng bàn tay trái hướng vào phía ngực. Đây là thế ấn có tính chất lịch sử, ghi lại truyền thuyết lần thuyết pháp đầu tiên của đức Phật . Các thế bắt ấn, tướng tọa, đi, nằm của các vị Phật thể hiện nội dung triết lý thâm sâu cũng như những hảo tướng thần kỳ của bậc thánh thật không dễ gì hiểu trọn và diễn tả hết được, trong bài viết nhỏ này, người viết chưa có đủ điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ những cao tăng trí tuệ để lĩnh hội, chuyển hóa, thấu hiểu những kiến thức vi diệu ấy ! Đây cũng là một thiếu sót lớn mà chắc chắn rằng tác giả sẽ phải bổ sung trong một bài viết khác có tính chất chuyên khảo hơn, rất mong quý độc giả cảm thông cho tài hèn, lực mọn này mà rộng lòng lượng thứ. Tóm lại, những họa tiết, hoa văn, biểu tượng trang trí trong các công trình kiến trúc cổ của người Việt tại tp.hcm được thể hiện một cách khéo léo trong dòng chảy của nền mỹ thuật kiến trúc Việt Nam, trong đó có tiếp thu, giao lưu mang tính chọn lọc với mỹ thuật của các nền văn hóa khác trong khu vực và trên thế giới tạo nên nét đẹp thẩm mỹ thật đặc sắc mà ẩn chứa trong nó là những gì tinh hoa, chắt lọc, thâm sâu mà các thế hệ tiền nhân đi trước đã dầy công tạo dựng, gửi gấm cho hậu thế muôn đời. [1] http://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%A9_linh1 nhận xét:
- Thanhlúc 20:06 21 tháng 2, 2019
cảm ơn bạn, bài viết của bạn thật bổ ích. bạn có thể tham khảo thêm tại đây hồ lô hòa hợp vòng tay phong thủy bảo liên hoa
Trả lờiXóaTrả lời- Trả lời
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM BLOG
Hôm nay tôi bất chợt nảy ra một ý tưởng mới đó là biến Blog của mình thành một Tạp Pí Lù với nhiều vấn đề sẽ được trình bày từ tâm tư, tình cảm, thơ văn cho đến các vấn đề về khoa học mà tôi vốn quan tâm mà trong đó đặc biệt là ngành Khảo Cổ Học, lịch sử, văn hóa học mà tôi đang theo đuổi . Rất mong độc giả thường xuyên ghé thăm Blog và cho những ý kiến đóng góp để Blog ngày một hoàn thiện và tiến bộ hơn . Mọi thắc mắc và các vấn đề khác cần liên lạc mong độc giả chuyển đến địa chỉ Email : mrthongdoco@gmail.comTổng số lượt xem trang
Người theo dõi
Lưu trữ Blog
- ► 2013 (7)
- ► tháng 8 (6)
- ► tháng 7 (1)
- ► 2012 (7)
- ► tháng 11 (1)
- ► tháng 8 (1)
- ► tháng 6 (2)
- ► tháng 4 (1)
- ► tháng 1 (2)
- ► 2011 (9)
- ► tháng 12 (1)
- ► tháng 9 (1)
- ► tháng 6 (1)
- ► tháng 4 (1)
- ► tháng 2 (1)
- ► tháng 1 (4)
- ► 2010 (8)
- ► tháng 10 (7)
- ► tháng 7 (1)
Giới thiệu về tôi
thongdocos Khoa học càng tìm hiểu càng lý thú, một vấn đề được giải quyết thì nó lại phát sinh ra 10 vấn đề khác, cứ như thế người làm công tác nghiên cứu cứ miệt mài, miệt mài với công việc của mình cho đến hết cuộc đời và họ sẽ đắm chìm trong một giấc ngủ thật sâu................. Xem hồ sơ hoàn chỉnh của tôiTừ khóa » Hoa Văn đình đền Chùa ý Nghĩa
-
Ý Nghĩa Hình Tượng Các Con Vật Trên Kiến Trúc đền, Chùa, Lăng Tẩm ...
-
Tổng Hợp Những Mẫu Hoa Văn Đình Chùa Đẹp
-
Văn Hóa đình, đền, Chùa, Miếu Trong đời Sống Tinh Thần Của Người ...
-
Phân Biệt ý Nghĩa Của Đình Đền Chùa Miếu
-
Thế Nào Thì Gọi Là đình, đền, Chùa, Miếu, Phủ?
-
Cách Phân Biệt Chùa, Đình, Đền, Miếu, Nghè, Điện, Phủ, Quán, Am
-
Giải Thích ý Nghĩa Các Loài Thực Vật, động Vật được đặt Và Trang Trí ...
-
1668 - Ý Nghĩa Linh Vật Rồng & Chiếu Thư Trong đình Chùa, Miếu Mạo...
-
Những điều Có Thể Bạn Chua Biết Về: đình, đền, Chùa, Miếu, Phủ
-
Ý Nghĩa Hình Tượng Các Con Vật Trên Kiến Trúc đền Theo Tín Ngưỡng ...
-
Hoa Văn Xi Măng Trang Trí Nhà Thờ Họ, đình, Chùa, Miếu.
-
Nét Cổ Kính Không Gian Tâm Linh Làng Quê Việt Nam - Di Tích Lịch Sử ...
-
Trang Trí Trong Kiến Trúc Truyền Thống - MyThuatMS