Ý Nghĩa Tên Gọi Và Lịch Sử Của B'lao - Địa Điểm Bảo Lộc

Mục lục hiện 1 B’lao là ở đâu? 2 Lịch Sử Của B’lao- Bảo Lộc 2.1 Nhưng Blao có nghĩa là gì? 3 Ý Nghĩa Cái Tên B’lao 3.1 B’lao là ở đâu ? 3.2 Lịch Sử B’Lao 3.3 Theo một số tài liệu, thì B’lao có 2 ý nghĩa khác nhau.

B’lao là ở đâu?

Với người Bảo Lộc, B’lao chính là Bảo Lộc, B’lao cũng là một Phường trung tâm của Thành Phố Bảo Lộc. Với người Đại Lào như mình  thì mỗi lần nói về  đi B’lao  thì sẽ nghĩ ngay về khu vực nằm trên con đường B’lao Sre. Nhưng hiểu đúng nhất thì B’lao chính là tên của Bảo Lộc cũ, tức là bao gồm Bảo Lộc và cả Bảo Lâm ngày nay.

Lịch sử và ý nghĩa của cái tên B’lao rất hay, dưới đây là 2 bài viết mình đọc được trong khi tìm hiểu về cái tên của vùng đất mà mình được sinh ra. Mỗi bài viết đều có giải thích về lịch sử và ý nghĩa tương đối khác nhau, tuy nhiên 2 bài viết dưới đều rất hay, giải thích rõ ràng, sử dụng các tư liệu khó kiếm về vùng đất này. Hãy đọc kỹ để hiểu thêm về vùng đất này hơn

Lịch Sử Của B’lao- Bảo Lộc

Blao là tên gọi cũ của vùng đất phía nam tỉnh Lâm Đồng.

Theo bản đồ trong Đại Nam Nhất Thống Chí, xuất bản dưới triều Nguyễn thì phần đất phía nam Lâm Đồng ngày nay thuộc tỉnh Bình Thuận. Cả một vùng rộng lớn chỉ thấy ghi là Di Dinh Thổ Phủ, có 20 buôn, phía tây có sông Dã Dương. “Tây hữu Dã Dương giang bất thâm nhi quảng, trung đa ngạc như” nghĩa là: Phía tây có sông Dã Dương, không sâu mà rộng, có nhiều cá sấu. Trong sách này cũng cho biết, hai bên bờ sông có cư dân sinh sống và phía nam sông có người Hoa thỉnh thoảng đến buôn bán. Như vậy, phần đất phía nam của tỉnh Lâm Đồng ngày nay, hồi đó thuộc Di Dinh Thổ Phủ, còn Blao có lẽ chỉ là một buôn, trong số các buôn làng người bản địa.

Năm 1899, dưới thời toàn quyền Paul Doumer, thành lập tỉnh Haut Donnai( tiếng Pháp có nghĩa là Đồng Nai Thượng – tỉnh nằm trên Cao của Đồng Nai); có hai trạm hành chính, một ở Tánh Linh, thuộc tỉnh Bình Thuận hiện nay và một trên cao nguyên Lang Bian, có lẽ là tại Đà Lạt, chưa thấy có địa danh Blao. Khi tỉnh Haut Donnai giải thể năm 1905, một phần của tỉnh này, trong đó có vùng Bảo Lộc ngày nay, trực thuộc tỉnh Bình Thuận, nhưng không thấy có tư liệu nào nói đất đó có tên là gì.

bao loc

Khi người Pháp lập lại tỉnh Haut Donnai (ngày 31 tháng 10 năm 1920), sau này đổi là Đồng Nai Thượng, vùng này được gọi là Đại lý hành chính Blao – một đơn vị hành chánh tương đương với cấp huyện bây giờ, có địa giới rất rộng, được bao bọc bởi sông Dà Rgna ở phía nam và phía tây, sông Đồng Nai ở phía bắc và tây bắc tức bao gồm huyện Tân Phú, một phần huyện Định Quán của tỉnh Đồng Nai, một phần huyện Hoài Đức, một phần huyện Tánh Linh của tỉnh Bình Thuận và các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng ngày nay.

Lịch sử Bảo Lộc

Nhưng Blao có nghĩa là gì?

Trước khi người Pháp đặt chân lên vùng nam Tây Nguyên, phần rừng núi thuộc thượng nguồn sông Là Ngà và sông Đồng Nai có người Mạ sinh sống. Người Mạ sống ở phía ven núi Spung sang đến phía nam suối Đạ Mri và vùng đèo Bảo Lộc tự gọi mình là người Mạ Blao, để phân biệt với người Mạ sống dọc sông lớn Đồng Nai mà họ gọi là sông Đà Đờng. Như vậy, Blao là tên một vùng đất của người Mạ bản địa.

Có người cho Blao là đám mây bay thấp, là vùng gió thổi, là vùng đất giữa ba con sông, là bông hoa trên đồng cỏ… nhưng có lẽ chỉ là các cách nói căn cứ trên một số đặc biệt của vùng đất, còn với người Mạ bản địa, chữ Blao có nghĩa là cái bàu nước, đầm nước. Trong vùng của người Kơ Ho và người Mạ ngày nay, vẫn còn nhiều địa danh gắn với bàu nước, ở xã Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm) có buôn B’Nao; buôn ở chỗ bàu nước, buôn Lao Lùng; buôn ở đầm hình cái tô, ở xã Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc; người Kơ Ho có buôn Nau Sri; buôn ở ruộng lầy, tất cả các tên ấy đều có gốc từ chữ: lao, nau, t’lau hay t’lao, nghĩa là cái bàu nước, tùy theo phương ngữ từng vùng của tiếng Kơ Ho.

doi bat up 1

Nhiều người cho rằng  B’lao là đám mây bay thấp

Trong số các bài hát truyền miệng ở buôn M’rong Sre Kang có chuyện kể về nguồn gốc người Mạ Blao: Ngày xa xưa, người Mạ sống ven sông mẹ Đạ Đờng, lâu dần sinh sôi nảy nở thành nhiều buôn, núi đồi phát rẫy mãi trở thành cằn cỗi, lúa con không lên được, lúa mẹ chỉ có ít hạt mẩy, lại hay bị con sâu, con khỉ, con heo cắn phá. Người Mạ phải đi lên núi tìm lá trou, lá piếp làm rau, tìm xà bu làm bột, tìm củ mài củ chụp làm cơm, lại phải tìm bắt cá ở suối, con thỏ con mang ở rừng. Cứ phải đi hết núi này sang núi nọ để kiếm cái ăn, vì vậy, già làng K’Tiêu Dam Prưng dẫn con cháu đi tìm đất mới.

K’Tiêu cúng Giàng, xin Giàng cho đất, Giàng bảo phải đi đến vùng đất là nơi hội tụ của ba con nước lớn, nơi rừng đầu nguồn có con cọp trắng, ở nơi đó có cây đa Giàng ở, dấu hiệu nhận biết là chim chóc tụ về mỗi khi đêm xuống.

Sau nhiều ngày băng rừng lội suối, K’Tiêu tìm được vùng rừng phía tây nơi ba con nước Đạ Bin, Đạ Giam, Đạ Rgna gặp nhau, đó là nơi sinh sống của một con cọp trắng, Trên ngọn con nước nhỏ trong vùng, K’Tiêu tìm được một cây đa ở ven  bàu nước, chim chóc tập trung về đông đúc, mỗi khi mặt trời gần xuống đến đỉnh ngọn núi phía xa và ông cho lập buôn mới ngay ở đấy. Từ đó, buôn của K’Tiêu được gọi là buôn Blao. Sau này Blao thành một buôn lớn, tách ra thành nhiều buôn nhỏ nhưng vẫn mang tên buôn gốc ngày xưa.

Cạnh bếp lửa nổ tí tách, trong ngôi nhà sàn dài hơn một tiếng chiêng ngân, bên ché rượu cần đã nhạt nước và lũ cháu chắt ngồi vòng quanh, già làng K’Kiêu Dam Pùi ở buôn Kon Hin Đăng kể rằng: Khi buôn Blao đã đông người,  già làng có hai người con, người con nhỏ K’Tẻh  bắt vợ người Kơ Ho, về sau dẫn con cái tìm đất mới để phát rẫy, vì rẫy ở núi xa không tiện đường về nên làm nhà ở luôn tại đó, rồi lập thành buôn mới, buôn Blao Kon Tẻh; buôn Blao của người con tên K’Tẻh. Người con lớn ở lại buôn cũ, từ đó buôn được gọi là Blao Kon Hin; buôn Blao của người con tên K’Hin.

Sau này, các buôn gốc Blao còn chia thành nhiều buôn khác nữa  như Blao Kon Hin Đăng, Blao Kon Hin Đạ, Blao S’re ở phía trên đèo Blao, buôn Blao Đạ Mrẻh ở khoảng giữa đèo, buôn Blao Klong Trou, Blao Klong Ner, Blao Klong Krồ phía chân đèo trên lưu vực sông Đạ Huoai và trở thành một tộc hùng mạnh, vùng cư trú trải dài suốt phía nam cao nguyên Mạ, giáp với người Kơ Ho. Vì vậy, người Mạ Blao có nhiều tập quán và cả một số phương ngữ tương tự  người Kơ Ho, nên có người cho rằng đây là nhóm Mạ lai Kơ Ho hay nhẹ nhàng  hơn là “gần gũi với người Kơ Ho hơn cả”.

Từ tên của một bộ tộc lớn của người Mạ bản địa, người Pháp dùng Blao để đặt tên cho vùng đất mới và thấy khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây trà, nên hàng chục đồn điền đã mọc lên, biến Blao một thời thành vương quốc của trà. Dần dà người Kinh đến lập nghiệp, ngày càng đông vui, hình thành lên làng mạc, phố xá. Đến nay, nhiều người đã là thế hệ thứ tư, thứ năm, đã là cư dân bản địa của đất Blao  rồi.

Nguồn : http://baolamdong.vn/hosotulieu/201209/blao-theo-dong-lich-su-2439393/

Ý Nghĩa Cái Tên B’lao

B’lao là ở đâu ?

Thực ra, B’lao là tên gọi cũ của Bảo Lộc. Trong ký ức của nhiều người dân, thì B’Lao, cho đến nay vẫn hiện hữu trong tâm trí họ như một địa danh có nhiều huyền thoại, từ năm 1920 tên gọi này bao gồm từ Bảo Lâm, Bảo Lộc kéo dài đến tận một phần của huyện Định Quán, rộng đến 281.186 ha.

Có hướng dẫn viên du lịch kể lại rằng, nhiều du khách, cả Tây lẫn Ta luôn thắc mắc khi được giới thiệu về văn hóa trà ở vùng nam Tây Nguyên, B’lao thực ra có nghĩa là gì? Họ cho rằng, từ B’lao đâu có “giống tiếng Việt”. Bởi vì theo họ, hình như hầu hết các địa danh ở Việt Nam đều có phát âm cùng với nghĩa Hán Việt hoặc cho dù có nguồn gốc từ ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số thì tên gọi thường cũng bị Việt Ngữ hóa theo thời gian như Đắc Lắc, Gia Lai…

Dù thế nào, thì B’lao vẫn luôn tồn tại với hình ảnh về một vùng cảnh vật thơ mộng, thời tiết dễ chịu, với sương núi lãng đãng, với màu xanh của núi rừng, màu xanh của đồi trà chập chùng trải dài, làm con người thấy mình hòa lẫn vào thiên nhiên, thoảng đâu đây trong gió núi, mùi hương ngan ngát, nồng nồng của hoa trà bay về quanh quẩn trên những nhánh cây, bụi cỏ. Nhìn về phía dưới xa xa là thành phố Bảo Lộc với những mái ngói đỏ thấp thoáng trong màu xanh của cây rừng, đó đây là những đồi trà xanh ngắt, rồi cứ mỗi chiều về, những đám mây núi nhiều hình thù cứ lũ lượt tụ về quanh đỉnh Sapung. Và hơn thế, B’lao nay đã trở thành một thương hiệu trà được ưa chuộng trên khắp đất nước Việt Nam ta.

doi bat up dai lao bao loc 2

Blao với sương mù lãng đãng, các đồi trà, đồi caffe trập trùng

Lịch Sử B’Lao

Chuyện tách nhập B’Lao từ thời toàn quyền Paul Doumer năm 1899, đến thời Hoàng Triều Cương Thổ rồi chế độ trước và đến nay. Nay, cái tên B’lao chỉ còn gắn với một phường trong Thành phố Bảo Lộc, tuy nhiên, người ta vẫn quen gọi Bảo Lộc là B’lao với nhiều suy tư và nhung nhớ về những ngày tháng cũ đã gắn liền với xứ này từ những năm 1958 trở về trước. Bởi lẽ, hai chữ Bảo Lộc mới xuất hiện từ năm 1958, khi tỉnh Lâm Đồng thay tên Đồng Nai Thượng. Lúc đó tỉnh Lâm Đồng chỉ có hai huyện là Di Linh và Bảo Lộc. Trung tâm Bảo Lộc được chọn làm tỉnh lỵ. Địa giới của huyện kéo dài đến dưới chân đèo Chuối, bọc theo thượng nguồn sông Đồng Nai. Dẫu thế nào, thì tiếng B’lao vẫn luôn nằm trong tâm thức của rất nhiều người, thậm chí đã trở thành một thương hiệu, như thương hiệu trà B’lao chẳng hạn.

Sau này, khi dân cư kéo về nơi đây ngày càng đông, người ta thường lấy sông suối làm tên gọi của làng như: Đạ Lào( Đại Lào), Đạ Nghịch, Đạ Tẻh, Đạ Tồn…(Đạ nghĩa là con suối).

Sau năm 1954, cuộc di dân lớn trong lịch sử Nam Tiến, những cư dân mới này đã lấy tên cũ của quê mình ghép lại đặt tên nơi ở mới, như Tân Bùi (Bùi Chu mới), Tân Phát (Phát Diệm mới), Tân Thanh (Thanh Hóa mới)…

Và, những năm mới giải phóng, Bảo Lộc tiếp nhận thêm số lượng di dân lớn thứ hai gọi là dân đi Kinh tế mới từ Bắc và Trung vào. Họ cũng đặt tên làng mới như làng Gia Viễn, làng Đức Phổ… Những làng, xã được đặt tên mới này không những mang theo hoài niệm quê hương còn mang theo phong tục tập quán vùng miền. Vì vậy âm sắc đặc trưng B’Lao là âm sắc pha trộn. Một ít người cho rằng âm sắc B’Lao được hình thành từ sự kết hợp giữa âm Huế và âm Phan Thiết. Tuy nhiên, theo anh Ninh Thế Hùng – người đã dành nhiều thời gian ghi chép B’Lao xưa, cho rằng âm sắc B’Lao là giọng Bắc. Vì từ sau 54, dân lập nghiệp từ đàng ngoài vào chiếm đa số…

Cũng như nhiều địa danh khác, cái tên B’lao từ khi xuất hiện đã mang nhiều ý nghĩa, nhiều khát vọng của dân làng, của con người về cuộc sống.

Theo một số tài liệu, thì B’lao có 2 ý nghĩa khác nhau.

Với già làng người Mạ, thì B’lao là đám mây bay thấp, còn với người Khor, thì B’lao mang ý nghĩa về sự tốt đẹp. Xung quanh nhiều hàm ý ấy, người dân xứ mù sương nghe lại, hoặc đã thêu dệt thêm nhiều câu chuyện ly kỳ, huyễn hoặc về mảnh đất nơi họ sinh ra và lớn lên.

b lao dam may bay thap

B’lao – gắn với hình ảnh ĐÁM MÂY BAY THẤP

Người ta truyền tai nhau rằng: “Ngày xưa, đã lâu lắm rồi, khi đất trời còn hoang sơ, con người còn thuần phác, một đêm, thần linh bỗng hiện về báo mộng cho người Mạ, người nói rằng phải dẫn nhau đi qua ba núi ba sông mới đến được nơi có đám mây bay thấp. Nơi đó có ba con nước giao nhau, có con cọp trắng dưới chân núi Đại Bình để sau này cùng chung sống với hai người anh em khác là người K’Ho và người Kinh”. Để bây giờ, tại vùng bạt ngàn chè xanh ấy, có các dân tộc anh em sinh sống thuận hòa, cùng nhau làm nên thương hiệu trà và khung cảnh cùng đời sống hiền hòa, thơ mộng nơi đây.

Đến với xứ B’lao, đôi người tỏ vẻ ngạc nhiên vì khác với đa số người dân Tây Nguyên sống dựa vào cà phê, sau này là đến cao su, hồ tiêu, người dân B’lao lại bền bỉ với cây chè từ bao đời. Vì thế mà đôi người đã nhận xét, khí hậu và khung cảnh ở đây dường như chỉ hợp với người già và cây chè. Người B’lao chỉ dùng chè xanh, ít khi sử dụng các loại trà thương phẩm. Họ ít sử dụng quần áo se sua sặc sỡ như những vùng khác, ban đêm ít ra đường. Khoảng hơn 10 giờ tối, phố xá đã bắt đầu vắng, nhất là mùa đông. Thời tiết dường như mùa nào cũng có mưa.

Chính người Pháp đã đưa cây chè đến với B’lao sau khi mất rất nhiều công sức khảo sát, gom nhặt cây con suốt đường quốc lộ từ Đồng Nai Thượng lên đến Lâm Đồng lúc bấy giờ. Do chứng tỏ được cây chè vẫn sống bền bỉ và phát triển tốt nhất ở độ cao trên 1200m, đến năm 1925, ở B’lao đã có tới 2170ha chè. Điều đó cho thấy, lịch sử cây chè ở B’lao khá lâu đời, cho đến nay đã 80 năm qua đi từ khi cây chè xuất hiện.

Từ thuở ấy đến nay, Blao đã qua nhiều thay đổi. Nều như ngày xưa từ ngọn núi Đại Bình với đỉnh S’Pung cao đến 1.100m. có thể nhìn thấy toàn cảnh B’Lao xưa; quan sát được màu xanh của rừng núi đại ngàn, những căn nhà dài của người Mạ và K’Ho thì bây giờ điều đó chỉ còn trong câu chuyện kể. Phường B’Lao hiện nay đang tọa lạc giữa trung tâm thành phố trẻ. Những cư dân mới đến đôi khi ngỡ ngàng khi bất chợt ai đó nhắc đến cái tên B’lao xa xưa mà đầy kỳ tích. Thôi thì mừng cho những gì Bảo Lộc, Lâm Đồng đã đạt được, và cũng tự dặn lòng mình, đừng bao giờ quên những tháng ngày xưa cũ với tên gọi thân thương của xứ này: B’lao.

Nguồn: Theo Văn hiến Việt Nam

Từ khóa » B'lao Xưa