Yên Bái: Những Tên Gọi Gợi Về Lịch Sử Và Thức Dậy Tiềm Năng

Ai đó đã từng nói, một vùng đất chưa có tên chỉ là một vùng đất hoang sơ, khi con người đặt cho nó một tên gọi thì nó bắt đầu có lịch sử và văn hoá. Con người Yên Bái từ bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau đã tạo nên một bề dầy lịch sử, văn hoá cho mảnh đất này.

Từ ngày còn thơ bé khi học về lịch sử, tôi đã được biết tới những địa danh gắn liền với sự ra đời của con người: Hang Hùm (Lục Yên) - nơi các nhà khảo cổ tìm thấy những chiếc răng của "người khôn ngoan" cách ngày nay chừng 6 đến 7 vạn năm, rồi các di chỉ của thời đồ đá ở Thẩm Lé (Văn Chấn) cho thấy Yên Bái là một trong những cái nôi sinh thành của con người. Tiếp nữa, việc phát hiện ra thạp đồng thời Hùng Vương Đào Thịnh, ở Hợp Minh (Trấn Yên) chứng tỏ nơi đây đã là địa bàn cư trú của cư dân nước Văn Lang, tiền thân của nước Việt ngày nay.

Khi lớn lên, đến nơi nào trên mảnh đất này tôi cũng được nghe những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, những truyện cổ, bài phú gắn liền với các địa danh. Đây, những phong cảnh núi non, sông nước, sản vật, cảnh làm ăn: "Phúc An có đát Ô Đồ/Có suối róc rách, bóng cô áo chàm", "Muốn ăn cơm trắng canh cần/Vượt qua đèo Gỗ vào Vần mà ăn", "Muốn ăn cơm trắng, nước trong/Vượt qua đèo ách vào trong Mường Lò, "Thác Bà đây xứ thác tràn/Thác Ông xuôi ngược vô vàn gian truân", "Còn tiền chợ Ngọc, chợ Ngà/Hết tiền thì lại Thác Bà, Thác Ông" (Ca dao). "Non Xuân Sơn cao thấp triều tây/Sông Lôi Thuỷ quanh co nhiễu tả/Ngàn tây chìa cánh phượng, dựng thuở hư không/Thành nước uốn hình rồng, dài cùng dãy đá / Đùn đùn non Yên Ngựa, mấy trượng khoẻ thế kim thang/Cuồn cuộn thác Con Voi, chính khúc bền hình quan toả... (Đại Đồng phong cảnh phú - Nguyễn Hãng). Rồi những: "Thóc Bạch Hà, gà Linh Môn", "Thịt Nai núi Ngàng, cá làng Bình Hanh"...

Biết bao thành ngữ gắn với địa danh đều như là một thương hiệu về sản vật của địa phương. Cùng với bao nhiêu tên địa danh khác: Đông Cuông, Tuần Quán, Ngọc Am, Hắc Y - Đại Cại, hang São, Suối Giàng, bản Bon, bản Hốc, Thẩm Han, Khai Trung, Mù Cang Chải... đều gợi lên trong ta về lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, phong tục, tập quán, hội hè của người Yên Bái đã có từ bao đời nay.

Giống như mọi miền quê khác, trước Cách mạng Tháng Tám, Yên Bái cũng đói nghèo, lam lũ, tối tăm, lại thêm nỗi là nơi "Rừng thiêng, nước độc" đến ghê người: "Muỗi Bắc Pha, ma Đại Kại", "Nước Mậu A, ma Ngòi Quạch", "Cọp Bảo Hà, ma Trái Hút"... Những cái tên trở thành nỗi ám ảnh với bao người. Trong đêm trường nô lệ và tăm tối ấy bỗng vụt lên như một ngôi sao băng: Cuộc khởi nghĩa Yên Bái của những người Việt yêu nước.

Ngôi sao ấy tuy nhanh chóng bị tắt lịm nhưng nó cũng làm chấn động không chỉ trong nước mà còn tới cả nước Pháp xa xôi. Câu nói "Không thành công cũng thành nhân" như một lời thề vẫn còn vang vọng. Hôm nay, còn đó: Khu di tích lich sử Nguyễn Thái Học và những chiến hữu của ông trong khu công viên Yên Hoà, một đại lộ, một địa bàn dân cư, một ngôi trường mang tên ông, như một lời nhắc nhở những người đang sống về tình yêu nước, lòng quả cảm và cả bài học lịch sử xương máu về cái sự "không thành công" ấy.

65 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam là một cuộc trường chinh vĩ đại của người Yên Bái. Cùng cả nước làm Cách mạng tháng Tám thành công, tiến hành cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp thắng lợi, Yên Bái lại có thêm những tên gọi đi vào lịch sử: Chiến khu Vần, đình Làng Dọc, Đại Bục, Đại Phác, Ca Vịnh, Đèo Din, Núi Báng, Âu Lâu, Nghĩa Lộ... Mỗi tên gọi địa danh ấy gắn liền với những chiến công, với ý chí quật cường của người Yên Bái trong cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù góp phần cho một Điện Biên "Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng".

Thác Bà mời gọi. (Ảnh: Thu Trang)

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Yên Bái cùng cả miền Bắc bước vào một kỷ nguyên mới: hàn gắn những vết thương chiến tranh, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Cả nước lại biết đến Yên Bái với công trình Thuỷ điện Thác Bà - đứa con đầu lòng của ngành thuỷ điện Việt Nam và hồ Thác Bà với diện tích vùng hồ 23.400 ha, diện tích mặt nước 19.050 ha, 1.300 đảo lớn nhỏ, nhiều hang động và phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, thuộc loại hồ nhân tạo lớn nhất nước. Thác Bà, niềm tự hào về nguồn điện sáng. Thác Bà, thể hiện niềm tin của người Yên Bái một lòng theo Đảng, tự nguyện hy sinh nhà cửa, ruộng vườn... nhường lại đất đai cho Nhà nước xây dựng công trình thế kỷ.

Thác Bà còn là nơi thể hiện ý chí và lòng quả cảm của người dân Yên Bái. Giữa những ngày công trình đang dồn dập thi công thì đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Yên Bái là một trong những trọng điểm tàn phá của kẻ thù. Công trình Thuỷ điện Thác Bà, ga tàu Yên Bái, bến phà Âu Lâu, sân bay Yên Bái... phải hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn. Người Yên Bái đã dũng cảm kiên cường chống chọi với kẻ thù bảo vệ các công trình.

Không những thế còn hết lòng hết sức chi viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", gửi những đứa con ưu tú nhất trong những đoàn quân Yên Ninh, cho miền Nam ruột thịt, cho Ninh Thuận anh em. Những tên gọi ấy vẫn đồng hành với người Yên Bái hôm nay.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII đã xác định: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, sản xuất hàng hoá với quy mô ngày càng lớn, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao; phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, là đột phá để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững; phát triển mạnh các ngành dịch vụ, tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm có lợi thế, phát triển du lịch sinh thái, văn hoá, di tích lịch sử...

Yên Bái đang huy động sức mạnh tổng lực nhằm thoát khỏi tỉnh nghèo, nhập vào tốp khá của vùng Tây Bắc. Rồi đây những sản phẩm nông nghiệp đã có thương hiệu: quế Văn Yên; gạo Mường Lò, Tú Lệ, Văn Chấn; trâu ngố, cam sành, khoai tím Lục Yên, chè Suối Giàng, Púng Luông, táo mèo Mù Cang Chải... sẽ được quy hoạch theo hướng sản xuất hàng hoá chất lượng cao, không những giúp người nông dân Yên Bái xoá đói, giảm nghèo một cách bền vững bằng chính bàn tay và sức lực của mình mà còn làm giàu cho quê hương, xứ sở. Rồi đây các mỏ đá quí, đá trắng Lục Yên; sắt Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên; đồng Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên; chì, kẽm ở Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Yên Bình; đất hiếm ở Văn Yên..., những tài nguyên thiên đã ngủ yên trong lòng đất Yên Bái từ bao đời nay sẽ được thức dậy để xây dựng ngành công nghiệp khai khoáng và chế biến, nhằm tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Trong hành trình của mình, con người Yên Bái sẽ làm cho mảnh đất này có thêm những cái tên mới nữa. Tất yếu là thế, bởi cuộc sống luôn là một dòng chảy bất tận. Con người luôn đem trí tuệ, sự sáng tạo, sức lực, khát vọng của thế hệ mình tạo nên những tên gọi mới cho mảnh đất mà mình đang sống.

Nguyễn Hiền Lương (Yên Bái, 12/ 2010)

Từ khóa » Ca Dao Về Yên Bái