Yên Mô Khuyến Khích Nhân Rộng Mô Hình Cấy Lúa Bằng Máy Kéo Tay

HTX Liên Phương (xã Yên Nhân, huyện Yên Mô) những ngày đầu năm mới, nông dân tấp nập gieo cấy vụ đông xuân. Điểm mới năm nay là sự xuất hiện của hàng loạt những chiếc máy cấy kéo tay trên đồng ruộng.

Ông Trần Ngọc Tú, Giám đốc HTX Liên Phương hào hứng cho biết: Sau một số vụ thử nghiệm sản xuất lúa bằng máy cấy kéo tay Đại Nghĩa, đã cho thấy hiệu quả tích cực về môi trường, xã hội, kinh tế hơn hẳn so với cách gieo sạ. Thứ nhất là ruộng không phải sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ ốc bươu vàng, cây mạ cấy xuống khỏe mạnh, ít bị ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, mưa rét; khoảng cách cây - cây, hàng - hàng thưa nên thuận lợi trong quá trình chăm sóc; lúa sinh trưởng và phát triển đồng đều, trỗ bông tập trung, năng suất đảm bảo. Do vậy, vụ đông xuân này, chúng tôi đưa vào sử dụng 13 máy cấy, mở rộng diện tích cấy máy lên 15 ha với sự tham gia của hơn 20 hộ gia đình.

Ông Nguyễn Văn Quân, xóm Ngoài, thôn Phương Mại, một trong những hộ nông dân tham gia mô hình sản xuất bằng máy cấy này chia sẻ: Qua 4 vụ sản xuất, tôi khẳng định loại máy cấy thực sự phù hợp với điều kiện sản xuất của gia đình và rất hiệu quả. Máy có kích thước nhỏ gọn, dễ di chuyển từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, dễ sử dụng trên mọi địa hình, kể cả ruộng có độ bùn sâu lầy thụt.

Đặc biệt không giống máy cấy của Nhật Bản, việc gieo mạ để sử dụng cho loại máy cấy này khá đơn giản, gieo trên nền đất cứng không cần dùng khay mà vẫn tạo ra miếng mạ giống mạ khay, đất gieo mạ làm bằng bùn ao, bùn sông trộn với trấu. Vì vậy, không cần phải đi mua đất như việc làm mạ cho máy cấy Nhật Bản, nên đỡ tốn kém chi phí cho bà con nông dân. Trung bình với 2 nhân lực vận hành, 1 ngày máy có thể cấy được 1 ha (công suất này gấp 15-20 lần so với người cấy bằng tay theo truyền thống).

Huyện Yên Mô có gần 6.400 ha đất trồng lúa. Theo thống kê, hiện nay 90% diện tích này người dân sử dụng phương pháp gieo sạ. Mặt trái của phương thức này là dễ bị ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết không thuận lợi như rét đậm, rét hại trong vụ đông xuân, mưa úng trong vụ mùa.

Đặc biệt, gieo thẳng phải sử dụng ít nhất 1 lần thuốc trừ cỏ, 1 lần thuốc trừ ốc, còn trong điều kiện thời tiết bất thường, gặp mưa lớn sau khi xử lý thuốc hay trường hợp phải gieo lại thì số lần phun thuốc cũng phải tăng lên 2-4 lần. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái.

Ngoài ra, có nơi bà con có tập quán sử dụng lượng giống gieo thẳng nhiều hơn so với khuyến cáo vừa làm tăng chi phí, vừa tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh, gây hại nặng, giảm năng suất. Do vậy, từ năm 2020, huyện Yên Mô đã đưa vào mô hình cấy lúa bằng máy kéo tay Đại Nghĩa. UBND huyện có chính sách hỗ trợ các hộ nông dân 50% kinh phí mua máy; các xã, HTX hỗ trợ thêm 25% nữa.

Ngoài ra, bà con nông dân còn được tập huấn kỹ thuật sử dụng máy, làm mạ và chăm sóc lúa. Đến vụ đông xuân 2021-2022, toàn huyện đã nhân rộng được 25 máy cấy kéo tay, trong đó xã Yên Nhân nhiều nhất có 13 cái; còn lại rải rác ở các xã Yên Từ, Yên Đồng, Mai Sơn.

Theo đồng chí Lê Thị Linh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Mô: Ðể hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, giúp giảm áp lực về lao động, thời vụ, tăng năng suất, sản lượng, bảo vệ môi trường sinh thái và quan trọng nhất là nâng cao chất lượng lúa gạo, thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện Yên Mô tiếp tục duy trì chính sách về hỗ trợ kinh phí mua máy kéo tay, mở rộng diện tích áp dụng máy cấy tại các xã đã triển khai và thí điểm thêm tại các xã khác. Từ đó, từng bước thay đổi tập quán gieo xạ của bà con nông dân, thúc đẩy nền nông nghiệp xanh, sạch.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu, Trường Giang

Từ khóa » Cấy Lúa Bằng Máy