Yêu Cầu Cơ Bản đối Với Thang Máy Chữa Cháy

Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD và QCVN 13:2018/BXD, nhà, công trình có chiều cao PCCC lớn hơn 28 m (lớn hơn 50 m đối với nhà chung cư được phân nhóm F1.3) hoặc nhà có chiều sâu của sàn tầng hầm dưới cùng (tính đến cao độ của lối ra thoát nạn ra ngoài) lớn hơn 9 m hoặc trong các gara ô tô ngầm có trên 02 tầng hầm thì mỗi khoang cháy phải có tối thiểu một thang máy chữa cháy.

Thang máy chữa cháy là thang máy được lắp đặt chủ yếu để phục vụ hành khách với sự bảo vệ bổ sung các thiết bị điều khiển và tín hiệu được điều khiển trực tiếp bởi lực lượng chữa cháy. Trong tình huống có cháy lực lượng chữa cháy có thể sử dụng được để đưa lực lượng, phương tiện chữa cháy tiếp cận đến tầng xảy ra cháy và thực hiện công tác chữa cháy, cứu nạn và cứu hộ. Để chấp hành đúng quy định của pháp luật về PCCC, Chủ đầu tư, đơn vị thiết kế và đơn vị quản lý vận hành cần biết và lưu ý một số nội dung sau:

1. Yêu cầu về thiết kế

1.1. Tiêu chuẩn thiết kế

Các yêu cầu kỹ thuật của thang máy chữa cháy được quy định tại QCVN 06:2021/BXD, QCVN 13/2018/BXD, TCVN 6396-72:2010 “Phần 72: Thang máy chữa cháy”, TCVN 6396-73:2010 “Phần 73: Trạng thái của thang máy trong trường hợp có cháy”.

1.2. Lưu ý chung khi thiết kế thang máy chữa cháy

- Vị trí thang máy chữa cháy bố trí tại mỗi khoang cháy phải bảo đảm khoảng cách từ cửa ra của thang đến một điểm bất kỳ trên mặt bằng tầng nhà mà nó phục vụ không vượt quá 60 m.

- Trường hợp nhà chỉ có một thang máy chữa cháy thì thang máy đó ít nhất phải đến được tất cả các tầng kế cận với tầng đang cháy của nhà.

- Trường hợp nhà có nhiều thang máy chữa cháy được bố trí chung trong một giếng thang thì các thang máy có thể phục vụ cho các khu vực khác nhau của nhà với điều kiện phải thể hiện rõ vùng được phục vụ trên mỗi thang máy đó.

- Trường hợp có tầng lánh nạn thì mỗi tầng đó phải được trang bị tối thiểu một thang máy chữa cháy.

- Trong trường hợp có cháy, các thang máy chữa cháy phải bảo đảm để lực lượng PCCC và CNCH có thể vận hành dễ dàng và không bị ảnh hưởng bởi đám cháy. Đồng thời có lối đi thông thoáng và an toàn tiếp cận đến các thang máy đó cũng như đến các sàn được những thang máy đó phục vụ và không phải di chuyển quá hai tầng để tiếp cận đến tầng có thể bị cháy bất kỳ của nhà.

Hình 1: Việc tiếp cận, sử dụng thang máy để chữa cháy

- Việc bố trí thang máy chữa cháy phải dự tính được đường di chuyển của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp và bảo đảm lính chữa cháy tiếp cận được tất cả các gian phòng trên tất cả các tầng của nhà.

- Đối với các nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.2, F4.3 và nhà hỗn hợp (có chiều cao PCCC từ trên 50 m đến 150 m) yêu cầu số lượng thang máy chữa cháy cho mỗi khoang cháy phải được tính toán đủ để khoảng cách từ vị trí các thang máy đó đến một điểm bất kỳ trên mặt bằng tầng mà nó phục vụ không vượt quá 45 m.

1.3 Yêu cầu về ngăn cháy, chống cháy lan:

- Thang máy chữa cháy phải được bố trí trong giếng thang và có một phòng đệm ngăn cháy có thiết kế hệ thống tăng áp trước khi vào thang máy ở mỗi tầng. Phòng đệm ngăn cháy của thang máy chữa cháy thường được bố trí chung với phòng đệm ngăn cháy của buồng thang bộ thoát nạn để bảo đảm cho người không đủ điều kiện về sức khỏe thoát nạn theo đường cầu thang bộ có thể chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp ứng cứu tại phòng đệm ngăn cháy này.

Phòng đệm có diện tích không nhỏ hơn 4 m2, trường hợp khi kết hợp với các sảnh của buồng thang bộ không nhiễm khói thì diện tích không nhỏ hơn 6 m2.

- Giới hạn chịu lửa của các cấu kiện thang máy chữa cháy:

+ Kết cấu bao che của cabin thang máy chữa cháy phải được làm từ vật liệu không cháy hoặc cháy yếu.

+ Cấu kiện ngăn cách của phòng đệm phải làm bằng vách ngăn cháy bảo đảm giới hạn EI 45, cửa ngăn cháy đảm bảo EI 30 có gioăng đệm kín để không lan truyền khói vào trong buồng thang máy.

- Thang máy được bảo vệ trong các giếng thang riêng (không chung với các loại thang máy khác) và trong mỗi giếng thang máy như vậy chỉ được bố trí không quá 3 thang máy chữa cháy. Kết cấu bao bọc giếng thang máy phải có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 120.

- Trường hợp bố trí các thang máy khác trong cùng một giếng thang thì toàn bộ giếng thang chung phải đáp ứng các yêu cầu về giới hạn chịu lửa của các giếng thang máy chữa cháy và cửa của tất cả các thang trong giếng chung phải là cửa ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn EI 60.

- Cửa của cabin và giếng thang máy chữa cháy phải là loại cửa đẩy ngang mở tự động và phải đảm bảo khả năng làm việc khi có áp suất dư trong giếng thang do quạt điều áp chống tụ khói tạo ra. Cửa của giếng thang máy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn E 30.

- Lưu ý đối với các nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.2, F4.3 và nhà hỗn hợp (có chiều cao PCCC từ trên 50 m đến 150 m)

+ Giới hạn chịu lửa của giếng thang máy chữa cháy đạt REI 150 đối với nhà từ 50 đến 100m và REI 180 đối với nhà chiều cao lớn hơn 100m đến 150m.

+ Phải bố trí thang máy chữa cháy trong các giếng thang riêng biệt, có sảnh thang máy độc lập. Lối ra từ thang máy này đi ra ngoài nhà không được bố trí đi qua sảnh chung. Tường ngăn cách sảnh thang máy với khoang đệm của thang máy chữa cháy đảm bảo EI 60 đối với nhà từ 50 đến 100m và EI 90 đối với nhà chiều cao lơn hơn 100m đến 150m.

+ Các cấu kiện bao bọc cabin thang máy chữa cháy (tường, sàn, trần, cửa) phải được làm từ vật liệu không cháy hoặc từ nhóm vật liệu Ch1 (cháy yếu).

1.4 Các thông số, kích thước cơ bản của thang máy chữa cháy:

- Kích thước chiều rộng của cabin không được nhỏ hơn 1100 mm, kích thước chiều sâu không được nhỏ hơn 1400 mm và tải trọng định mức không được nhỏ hơn 630 kg. Chiều rộng nhỏ nhất của lối vào cabin phải là 800 mm.

- Khi thang máy chữa cháy được sử dụng có tính đến việc sơ tán người khỏi đám cháy và có sử dụng băng ca hoặc giường hoặc được thiết kế như một thang máy chữa cháy có hai lối vào thì tải trọng danh định nhỏ nhất phải là 1000 kg và kích thước chiều rộng của cabin phải không nhỏ hơn 1100 mm và chiều sâu của cabin phải không nhỏ hơn 2100 mm.

- Sức chở của thang máy chữa cháy không được nhỏ hơn 630 kg đối với nhà chung cư nhóm F1.3 và không nhỏ hơn 1000 kg đối với nhà sản xuất và nhà công cộng khác.

- Thang máy chữa cháy phải có một cửa sập khẩn cấp trên nóc của cabin với kích thước nhỏ nhất là 0,5m x 0,7 m. Riêng thang máy có tải trọng 630 kg thì cửa sập phải có các kích thước tối thiểu là 0,4m x 0,5m. Lối vào bên trong cabin qua cửa sập phải luôn thông thoáng, không bị cản trở bởi vật cố định hoặc đèn chiếu sáng. Khi có lắp trần giả thì trần này phải mở ra được hoặc tháo ra được một cách dễ dàng mà không phải dùng đến các dụng cụ chuyên dụng. Các điểm tháo phải được nhận biết rõ ràng từ bên trong cabin.

- Tốc độ di chuyển của thang máy chữa cháy không được nhỏ hơn 60 s tính từ tầng 1 đến tầng trên cùng của toà nhà.

1.5. Hệ thống điều khiển:

- Thang máy chữa cháy phải đảm bảo khả năng kết nối với trung tâm chỉ huy hoặc trung tâm điều khiển hệ thống PCCC.

- Hệ thống điều khiển thang máy chữa cháy phải đảm bảo thực hiện ở hai chế độ sau:

+ Chế độ nguy hiểm cháy.

+ Chế độ vận chuyển lực lượng chữa cháy.

- Đối với các nhà có từ 2 đến 3 tầng hầm thì yêu cầu các tầng hầm được trang bị hệ thống liên lạc khẩn cấp hai chiều giữa phòng trực điều khiển chống cháy các thang máy chữa cháy.

1.6. Hoạt động của thang máy ở chế độ "nguy hiểm cháy":

- Khi xuất hiện cháy cần phải có tín hiệu điện truyền từ hệ thống báo cháy của nhà, công trình đến hệ thống điều khiển thang máy.

- Sau khi tiếp nhận tín hiệu báo cháy, hệ thống điều khiển thang máy tự động chuyển sang chế độ “nguy hiểm cháy”, đảm bảo cabin thang máy bắt buộc phải di chuyển đến tầng đỗ chính.

- Trong tất cả mọi trường hợp sau khi cabin đến tầng đỗ chính, cửa cabin tự động mở và giữ trong trạng thái mở, sau đó khả năng chuyển động tiếp tục của cabin bị loại trừ.

- Ở chế độ "nguy hiểm cháy", trong quá trình di chuyển và sau khi đã dừng ở tầng đỗ chính, tất cả các nút ấn trong cabin thang máy không có tác dụng.

- Ở chế độ hoạt động bình thường, cửa các thang máy chữa cháy không được mở vào những tầng lánh nạn đó còn cửa tầng của các giếng thang tại những tầng lánh nạn đó phải thường xuyên được khóa và chỉ được tự động mở khóa khi chuyển sang chế độ phục vụ lực lượng chữa cháy.

1.7. Hoạt động của thang máy chữa cháy ở chế độ "vận chuyển lực lượng chữa cháy":

- Việc chuyển thang máy vào chế độ “vận chuyển lực lượng chữa cháy” chỉ có thể thực hiện sau khi thực hiện chế độ “nguy hiểm cháy”.

- Chế độ “vận chuyển hành khách” được điều khiển (mở) từ cabin.

- Mở chế độ “vận chuyển hành khách” cần phải được tiến hành với sự trợ giúp của chìa khoá đặc biệt đặt trong ổ khoá của panen điều khiển hoặc đặt cạnh đó. Ổ khoá có hai nút “mở” và “ngắt”. Chìa chỉ rút khỏi ổ khoá được khi nằm ở vị trí “ngắt”.

Hình 4: Khóa điều khiển hệ thống thang máy chữa cháy

- Trong chế độ “vận chuyển lực lượng chữa cháy”, việc điều khiển thang máy chỉ có thể được thực hiện từ cabin, các nút gọi từ các tầng không còn tác dụng (có thể tính đến khả năng dừng thang theo lệnh từ panen điều khiển trên tất cả các tầng).

- Ổ khoá đặc biệt dùng để chuyển chế độ làm việc của thang máy vào chế độ “vận chuyển lực lượng chữa cháy” cần được đặt gần bảng điều khiển hoặc trên bảng điều khiển trong cabin.

- Trong chế độ “vận chuyển lực lượng chữa cháy” cần đảm bảo liên lạc điện thoại trực tuyến giữa phòng trực hoặc trung tâm điều khiển hệ thống PCCC với cabin thang máy và giữa cabin với tầng đỗ chính.

- Cần có bảng chỉ dẫn bằng ánh sáng về vị trí và hướng chuyển động của cabin tại tầng đỗ chính.

1.8. Nguồn điện cấp cho thang máy chữa cháy:

- Hệ thống điện cung cấp cho thang máy và chiếu sáng phải gồm có các nguồn điện cung cấp chính và phụ (khẩn cấp, dự phòng, luân phiên).

- Nguồn điện cung cấp phụ phải đủ để chạy thang máy chữa cháy ở tải trọng định mức và thỏa mãn yêu cầu về thời gian.

- Đối với các nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.2, F4.3 và nhà hỗn hợp (có chiều cao PCCC từ trên 50 m đến 150 m) yêu cầy nguồn điện cấp cho thang máy chữa cháy phải bảo đảm duy trì sự làm việc của các thiết bị đó trong thời gian không ít hơn 3 giờ kể từ khi có cháy và phải được lấy từ 3 nguồn cấp độc lập.

II. Bảo đảm an toàn PCCC khi các khu vào vận hành, sử dụng

Khi công trình được nghiệm thu và đưa vào sử dụng theo quy định, trong quá trình sử dụng, chủ đầu tư, đơn vị quản lý, vận hành cần lưu ý thực hiện một số nội dung sau:

- Không được sử dụng các thang máy chữa cháy để vận chuyển hàng hóa.

- Ở điều kiện bình thường, thang máy chữa cháy vẫn được sử dụng để chở người. Thang máy chữa cháy có thể được bố trí với một sảnh thang máy riêng hoặc trong một sảnh chung với các thang máy chở người và hợp lại với nhau bằng một hệ thống điều khiển tự động theo nhóm.

- Định kỳ kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng để duy trì các điều kiện an toàn, hoạt động vận hành của thang máy chữa cháy theo thiết kế được thẩm duyệt, nghiệm thu và khuyến cáo của nhà sản xuất.

Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH

Từ khóa » Chiều Rộng Sảnh Thang Máy