YẾU CHỈ TRUNG QUÁN LUẬN | Duy Lực Thiền

Trung Quán Luận là tác phẩm quan trọng nhất của Bồ Tát Long Thọ. Long Thọ (龍樹 sa. Nāgārjuna) là tổ thứ 14 của Thiền tông Ấn Độ, là một vị đại luận sư đã đặt một dấu ấn rất sâu trong lịch sử Phật giáo, ông sống trong thế kỷ thứ 2 công nguyên. Long Thọ Nāgārjuna không phải là Na Tiên Nāgasena (sống khoảng 150 trước CN) nhưng có một câu chuyện hơi giống với chuyện của Nāgasena trong quyển sách Milinda vấn đạo (Milinda-panhà). Các nhà nghiên cứu lịch sử sau này đã xác định được khoảng thời gian Long Thọ hoằng hoá vì người ta tìm ra một vị vua có quan hệ với Sư, ngự trị từ năm 106 đến năm 130CN (vua xứ Śātavāhana, tên Gautamīputra Śatakarṇin, được dịch âm là 瞿曇彌子娑多迦尼(Cù Đàm Di Tử Sa Đa Già Ni). Sư có viết thư khuyên vị vua này, những lời khuyên đó còn được lưu truyền trong tập Khuyến giới vương tụng (sa. suhṛllekha). Long Thọ viết thư cho vua Gautamīputra trong vai trò tương tự như Na Tiên đối đáp với vua Milinda. Tác phẩm Trung Quán Luận Tụng mūlamadkyamakakārikā gồm 27 phẩm (chương) với tất cả 446 bài kệ, có khi viết tắt là Trung Quán Luận madhyamaka-kārikā.

Yếu chỉ là muốn nói chỉ nêu phần cốt yếu mà thôi chứ không trình bày hết toàn bộ Trung Quán Luận bởi vì bộ luận quá dài dễ làm phân tâm rối trí người đọc.

Trung Quán Luận của Long Thọ Nàgàrjuna Bồ Tát là một bộ luận rất dài gồm 27 phẩm (chương) với tất cả 446 bài kệ, mỗi bài 4 câu, mỗi câu 5 chữ, tổng cộng 1784 câu. Bộ kinh này đã được Cưu Ma La Thập 鳩摩羅什 Kumārajīva (344-413CN) dịch ra Hán văn. Lý luận rất trừu tượng khó nắm bắt. Vì vậy các vị đại luận sư Ấn Độ sau Long Thọ giải thích Trung Quán Luận với rất nhiều bất đồng làm rối trí hàng hậu học. Thầy Duy Lực đã nêu yếu chỉ Trung Quán Luận như sau :

“Luận này, vì muốn phá chấp nhị biên tương đối, nên phương tiện thiết lập Trung Quán. Nguồn gốc của nhị biên là “hữu” và “vô”. “Hữu” bao gồm hữu vi pháp, “vô” bao gồm vô vi pháp. Nhị biên đã phá thì “Trung” không có chỗ để an lập. Như thế, đâu có học thuyết cao siêu để cho nghiên cứu mà dựng lập học phái Trung Quán!”

Ngay cả 446 bài kệ nguyên tác của Long Thọ cũng không cần thiết phải đọc hết, điều quan trọng là nắm được yếu chỉ. Sự việc cũng giống như người học Phật không cần phải đọc hết Đại Tạng Kinh, điều cần thiết là nắm được yếu chỉ của Phật pháp. Thay vì đọc hết Đại Tạng Kinh, người học Phật chỉ cần hiểu cho thật rõ ràng 4 chữ thôi : Ngũ Uẩn Giai Không 五蘊皆空 thì tốt hơn nhiều. Do đó đọc Trung Quán Luận cần nắm được yếu chỉ của tác phẩm hơn là đọc hết 446 bài kệ.

Để làm rõ yếu chỉ của Trung Quán, trong bài này, tôi chọn một số bài kệ của 9 phẩm mà thôi. Thật ra, chỉ một bài kệ thứ nhất thôi cũng đủ bao quát toàn bộ yếu chỉ của Trung Quán Luận. Tôi nhận thấy cần phải kết hợp với khoa học hiện đại để hiểu thật rõ ý nghĩa của các bài kệ.

Phẩm thứ nhất : Phá Nhân Duyên

Bài này phá cái ý chấp thật về vũ trụ, về nhân duyên, về vật chất, về các pháp

不生亦不滅 Bất sinh diệc bất diệt           Không sinh cũng không diệt

不常亦不斷 Bất thường diệc bất đoạn   Không tồn tại mãi cũng không tiêu mất

不一亦不異 Bất nhất diệc bất dị             Không đồng nhất cũng không khác nhau

不來亦不出 Bất lai diệc bất xuất              Không đến cũng không đi

諸法不自生 Chư pháp bất tự sinh           Các pháp không tự sinh ra

亦不從他生 Diệc bất tòng tha sinh           Cũng không phải do vật khác sinh ra

不共不無因 Bất cộng bất vô nhân           Không phải cộng sinh cũng không phải tự nhiên mà có

是故知無生 Thị cố tri vô sinh                     Vì vậy biết là vô sinh

Bài kệ này mô tả khái quát vũ trụ vạn vật điển hình là cõi thế gian. Vũ trụ không có sự sinh thành cũng không có sự tiêu vong. Thuyết Big Bang của khoa học mô tả sự sinh thành của vũ trụ, nhưng đó chỉ là mô tả, không phải thực tế, mô tả đó chỉ là vọng tưởng của bộ não con người không phải là tất cả sự thật. Bài kệ nói về thắng nghĩa của vũ trụ vạn vật, nó không tự sinh ra cũng không mất đi, cũng không phải do vật khác sinh ra, cũng không phải do nhân duyên hòa hợp giữa hai vật mà thành (cộng sinh), cũng không phải tự nhiên mà có (vô nhân). Vì vậy nên biết là vô sinh tức chỉ là ảo tưởng không có thật.

Vô sinh là một yếu chỉ quan trọng trong Phật pháp. Ý tưởng vô sinh được đúc kết trong thuật ngữ vô sinh pháp nhẫn 無生法忍.

Kinh Đại Bát Nhã giải thích vô sinh pháp nhẫn như sau :

《大般若經》 卷四四九〈轉不轉品〉雲(大正7•264b):‘如是不退轉菩薩摩訶薩,以自相空,觀一切法,已入菩薩正性離生,乃至不見妙法可得。不可得故,無所造作。 無所造作故,畢竟不生。畢竟不生故,名無生法忍, 由得如是無生法忍故,名不退轉菩薩摩訶薩。’此謂菩薩觀諸法空,入見道初地,始見一切法畢竟不生之理,名無生法忍

(Đại Bát Nhã Kinh, quyển 449, “Chuyển bất chuyển phẩm” vân (Đại Chánh 7.264b) : “Như thị bất thoái chuyển Bồ Tát Ma Ha Tát, dĩ tự tướng không, quán nhất thiết pháp, dĩ nhập Bồ Tát chánh tánh ly sanh, nãi chí bất kiến diệu pháp khả đắc. Bất khả đắc cố, vô sở tạo tác. Vô sở tạo tác cố, tất cánh bất sanh. Tất cánh bất sanh cố, danh vô sanh pháp nhẫn. Do đắc như thị vô sanh pháp nhẫn cố, danh bất thoái chuyển Bồ Tát Ma Ha Tát. Thử vị Bồ Tát quán chư pháp không, nhập kiến đạo sơ địa, thủy kiến nhất thiết pháp tất cánh bất sanh chi lý, danh vô sanh pháp nhẫn).

Dịch nghĩa : Đại Bát Nhã Kinh, quyển 449, “phẩm Chuyển Bất Chuyển” nói (trích Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, trang 7.264b) : “Bồ Tát Ma Ha Tát (Ma Ha Tát Mahasattva phiên âm đầy đủ là Ma Ha Tát Đỏa 摩诃萨埵 là đại sĩ, người có nguyện lực rộng lớn) bất thoái chuyển như thế, lấy tự tướng không để xem xét tất cả các pháp, đã vào được cảnh giới không còn sanh diệt của Bồ Tát, đến mức không còn thấy có diệu pháp để đắc. Vì không thể có đắc nên không có cái để tạo tác. Vì không có cái tạo tác, nên tất yếu là bất sanh. Vì tất yếu là bất sanh nên gọi là vô sanh pháp nhẫn (trạng thái bản lai không có sanh diệt). Người chứng được vô sanh pháp nhẫn như thế gọi là Đại Bồ Tát bất thoái chuyển (không lui sụt). Đó gọi là Bồ Tát thấy các pháp là không nên vào được sơ địa của con đường giác ngộ, bắt đầu thấy cái lý tất yếu bất sanh của tất cả các pháp, gọi là vô sanh pháp nhẫn.

Tại sao biết thế giới không có thật ? Vì vật không có tự tính, một hạt proton hay hạt neutron hoặc hạt electron đều không có thuộc tính (properties) gì cả, những thuộc tính như số đo spin, vị trí, khối lượng, điện tích của hạt, đều là do người khảo sát đo đạc gán ghép cho hạt, chứ nó không có sẵn, không chắc chắn có (uncertainty). Nhận thức này do nhà khoa học Niels Bohr đưa ra và một nhà khoa học khác là Alain Aspect kiểm chứng năm 1982 tại Paris trong thí nghiệm về liên kết lượng tử (quantum entanglement). Thí nghiệm đó rút ra hai kết luận quan trọng :

Một là vật không hiện thực (non realism) tức vật chỉ là tưởng tượng không có thật. Hai là vật không có vị trí nhất định (non locality). Một vật ổn định và có vị trí và các thuộc tính xác định trong không gian và thời gian, chỉ là tưởng tượng của bộ não.

Chính vì những hạt cơ bản (elementary particles) chỉ là hạt ảo không có thật, quark, proton, neutron và electron đều là hạt ảo nên nguyên tử do chúng cấu tạo cũng là ảo, nguyên tử không phải là một vật có thật. Niels Bohr nói : “Isolated material particles are abstractions” (Hạt vật chất cơ bản cô lập là những sự vật trừu tượng- tức không phải vật thật). Một nhà khoa học khác là Werner Heisenberg nói : “Atoms and elementary particles…form a world of potentialities or possibilities, rather than one of things or facts…atoms are not things” (Nguyên tử và các hạt cơ bản…hình thành một thế giới tiềm thể hay có khả năng hiện hữu, chứ không phải một thế giới của vật thể hay sự vật có thật…Nguyên tử không phải là vật).

Vạn vật trong vũ trụ đều do nguyên tử cấu tạo mà nguyên tử chỉ là vật ảo nên vạn vật cũng chỉ là ảo. Vũ trụ vạn vật là do tưởng tượng có điều kiện. Điều kiện đó Phật pháp gọi là nhân duyên hay duyên khởi. Bởi vì các hạt cơ bản vốn là ảo, nguyên tử không phải là vật thật nên Long Thọ mới phá sự chấp thật về nhân duyên.

Bởi vì vạn vật trong vũ trụ, trong thế gian chỉ là ảo hóa nên kinh điển nói là vô sinh, vạn vật chỉ là tưởng tượng. Mô tả Big Bang của khoa học về sự thành lập vũ trụ cũng chỉ là tưởng tượng của bộ não. Đã là tưởng tượng thì sự sinh, diệt, thường hay đoạn của vũ trụ chỉ là hý luận, không có thực chất. Đó cũng là yếu chỉ của Trung Quán Luận. Tuy nhiên Long Thọ cũng không phủ nhận thế giới, đó chính là ý nghĩa cốt lõi của Trung Quán, phá chấp thật chứ không phải phủ nhận, có nghĩa là nên hiểu rằng cuộc sống của con người diễn ra trong thế giới ảo.

Phẩm thứ hai : Phá Khứ Lai

Bài kệ này phá cái ý chấp thật về không gian và thời gian. Bài kệ phá chấp thật về không gian và thời gian ở cả ba thời : quá khứ, vị lai và hiện tại.

已去無有去 Dĩ khứ vô hữu khứ       Đã đi là không có đi

未去亦無去 Vị khứ diệc vô khứ       Chưa đi cũng là không có đi

離已去未去 Ly dĩ khứ vị khứ             Xa lìa đã đi chưa đi

去時亦無去 Khứ thời diệc vô khứ     Lúc đi cũng là không đi

Không gian và thời gian cũng chỉ là những khái niệm, tưởng tượng không có thực chất. Cho nên sự di chuyển, đi hay chưa đi cũng đều là không có đi, không có sự di chuyển trong không gian trong cả ba thời quá khứ, vị lai và hiện tại. Lý do là vì vật không có vị trí nhất định, bất định xứ (non locality). Khoảng cách không gian cũng không có thật. Năm 2008, nhà khoa học Nicolas Gisin và các đồng sự tại Đại học Geneva, Thụy Sĩ, đã tiến một thí nghiệm về liên kết lượng tử (quantum entanglement). Họ tạo ra một cặp hạt photon cách xa nhau 18km. Họ chỉ cần đo đạc thuộc tính của hạt ở gần thì biết được chắc chắn thuộc tính của hạt ở xa, bất kể khoảng cách là bao xa. Cái hạt ở đàng xa kia luôn luôn liên kết với hạt ở gần, mà không phải là do thông tin được truyền đi, bởi vì không mất chút xíu thời gian nào để truyền thông tin đi. Cuối cùng người ta phải đi tới nhận thức rằng khoảng cách không gian 18km là không có thật, tất cả khoảng cách không gian trong vũ trụ đều không có thật. Do đó những chúng sinh ở những hành tinh xa xôi trong vũ trụ có thể chuyển kiếp tái sinh trên Địa cầu hoặc người trên Địa cầu có thể vãng sinh ở cõi Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà mà không gặp bất cứ vấn đề khó khăn nào về khoảng cách không gian xa xôi cả. Như vậy có thể kết luận, không gian và thời gian là không có thật.

Cái ý của phần này cũng giống như triết gia cổ đại Hy Lạp Zenon nói rằng một mũi tên bắn đi không bao giờ đến đích, bởi vì mũi tên không có di chuyển. Thực nghiệm của Hầu Hi Quý khi bắn vào bàn tay của huyện trưởng huyện Hán Thọ tỉnh Hồ Nam, Khâu Đức Đỉnh, mà không gây thương tích, đã chứng tỏ viên đạn không có di chuyển, cũng giống như tín hiệu giữa hai hạt photon không có di chuyển, bởi vì khoảng cách không gian không có thật. Không gian, thời gian, vật thể, chỉ là tưởng tượng của bộ não mà thôi.

CÓ PHẢI ZÉNON (ZENO) NGỤY BIỆN KHÔNG ?

Phẩm thứ ba : Phá Lục Tình

Bài kệ này nêu lên sự sai lầm trong nhận thức về vai trò của 6 giác quan của con người.

眼耳及鼻舌 Nhãn nhĩ cập tị thiệt       Mắt tai và mũi lưỡi

身意等六情 Thân ý đẳng lục tình       Thân ý, gọi chung là lục tình

此眼等六情 Thử nhãn đẳng lục tình   Cái thấy của mắt trong lục tình

行色等六塵 Hành sắc đẳng lục trần   Cũnh như hành, sắc đối với ngũ ấm và lục trần

是眼則不能   Thị nhãn tắc bất năng     Mắt ắt là không thể

自見其己體   Tự kiến kỳ kỷ thể             Tự thấy cái chính mình

若不能自見 Nhược bất năng tự kiến     Nếu không thể tự thấy

云何見餘物   Vân hà kiến dư vật           Thì sao thấy các vật còn lại

Lục tình là 6 cơ quan cảm nhận của cơ thể còn gọi là lục nhập 六入hoặc lục căn 六根 bao gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và não bộ (cơ quan ý thức). Có thể lấy cái thấy của mắt làm đại biểu cho cảm nhận của lục tình, điều đó cũng tương tự như sắc là đại biểu cho lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) và hành đại biểu cho ngũ ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức).

Con mắt không thể tự thấy được mình, vậy làm sao có thể thấy các vật còn lại ?

Ý ở đây muốn nói sự thấy không phải do con mắt. Mặc dù mắt có vai trò nhất định trong sự thấy, nhưng mắt chỉ là công cụ giúp cho sự thấy chứ không phải là chủ thể của sự thấy. Chủ thể của sự thấy là tánh thấy, nó vốn bất sinh bất diệt, hoàn toàn không phụ thuộc vào con mắt. Chúng ta có thể lấy những hiện tượng thực tế để chứng minh sự thấy không phải do con mắt.

Chị Hoàng Thị Thiêm sinh năm 1970 ở xóm Mới, thôn Bùi Trám, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình, có khả năng đặc biệt, có thể bịt kín hai mắt vẫn đọc được sách báo, đi xe máy, chơi các trò chơi điện tử như một người bình thường.

Hoang Thi Thiem

Chị Hoàng Thị Thiêm bịt mắt đọc báo trước ống kính phóng viên và ghi nhận của các nhà khoa học.

Hoang Thi Thiem 2

Hoàng Thị Thiêm người có khả năng thấy không cần tới mắt

Các cơ quan cảm nhận khác cũng vậy, chỉ là công cụ giúp cho sự cảm nhận chứ không phải chủ thể cảm nhận. Chủ thể cảm nhận ngoài tánh thấy là tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh cảm giác tiếp xúc và tánh biết. Lục tình hay lục căn chỉ có vai trò hạn chế. Chỉ có bản tánh của chúng mới bất sinh bất diệt.

Phẩm thứ tư : Phá Ngũ Ấm

Phần này nêu ra sự sai lầm trong nhận thức về thế giới. Chúng ta thường chấp thật tức là cho rằng thế gian là có thật, không biết rằng thế gian chỉ là ảo hóa do sự vận động của ngũ ấm.

若離於色因 Nhược ly ư sắc nhân  Nếu lìa hạt nhân của vật chất

色則不可得 Sắc tắc bất khả đắc     Vật chất ắt không thể thành lập

若當離於色 Nhược đang ly ư sắc   Trong lúc lìa khỏi vật chất

色因不可得 Sắc nhân bất khả đắc  Hạt nhân của vật chất không thể thành lập

離色因有色 Ly sắc nhân hữu đắc   Lìa hạt nhân vật chất mà có vật

是色則無因 Thị sắc tắc vô nhân     Là vật chất không có hạt nhân

無因而有法 Vô nhân nhi hữu pháp  Không có hạt nhân mà có vật

是事則不然 Thị sự tắc bất nhiên     Không thể có việc như vậy

Ngũ ấm五陰 Skandhas hay ngũ uẩn五蘊 là năm tích hợp của tất cả các pháp. Ngũ uẩn bao gồm : sắc 色 là vật chất (material); thọ 受 là cảm nhận (perceptions); tưởng 想 là tưởng tượng (imagination); hành là vận động 行 (motion); thức 識 là nhận thức, phân biệt (consciousness). Ngũ uẩn tạo ra thế giới với muôn vàn sai biệt.

Sắc phải hiểu là vật chất, nhân là hạt nhân của vật chất, phải hiểu là hạt nhân của nguyên tử. Long Thọ Bồ Tát có huệ nhãn ắt thấy được cấu trúc của nguyên tử. Nếu không có hạt nhân thì ắt không có nguyên tử, không có vật chất. Không có nguyên tử thì cũng không có hạt nhân. Nếu không có hạt nhân mà có nguyên tử, như vậy vật chất không có hạt nhân. Không có hạt nhân mà có vật chất, không thể có việc đó.

Vậy những hạt cơ bản hay hạ hạt nguyên tử (subatomic particles) thì có hạt nhân là gì ? Chúng vốn là phi vật chất (dạng sóng) hay dạng tiềm thể (potentialities) của vật chất, nghĩa là không phải vật chất, chỉ khi chúng được quan sát hay cảm nhận hay đo đạc thì mới thành dạng hạt và có đặc tính của vật chất. Khi đã thành hạt vật chất, vậy hạt nhân hay nguyên nhân hiện hữu của chúng là sự quan sát, đo đạc hay cảm nhận, nếu không có thì hạt vật chất cũng bất thành, thí nghiệm hai khe hở đã xác nhận điều này :

Double Split Experiment – Thí Ngiệm Hai Khe Hở – Phụ đề Việt ngữ

Trong thí nghiệm này electron khi bị quan sát mới thành hạt vật chất, nếu không thì chỉ là dạng sóng, chỉ là tiềm thể của vật chất và tạo ra hiệu ứng sóng, cụ thể là có nhiều vạch xuất hiện trên màn chắn trong khi chỉ có hai khe hở.

Vậy ngũ ấm, từ vật chất (sắc) cho tới nhận thức, sự nhận biết của chúng sinh đều là ảo hóa, là mối quan hệ nhân duyên dựa vào nhau mà sinh khởi chứ không bao giờ có sự độc lập, chúng phải tùy thuộc vào nhau, cái này làm nhân duyên cho cái kia. Cái này còn thì cái kia còn, cái này mất thì cái kia mất. Thế giới là do ngũ ấm tạo tác, điều này đã được khoa học khảo sát kỹ càng :

Vạn Pháp Duy Thức

Phẩm thứ năm : Phá Lục Chủng

Bài này phá sự chấp thật về 6 thành phần cơ bản nhất của vũ trụ là : Tứ đại (địa, thủy, hỏa, phong) hư không (không gian) và thức (consciousness).

空相未有時 Không tướng vị hữu thời     Lúc chưa có tướng không

則無虛空法 Tắc vô hư không pháp         Tức không có hư không

若先有虛空 Nhược tiên hữu hư không    Nếu trước có hư không

即為是無相 Tức vi thị vô tướng               Tức là không có tướng

是故知虛空   Thị cố tri hư không             Vậy thì biết hư không

非有亦非無   Phi hữu diệc phi vô             Không hữu cũng không vô

非相非可相   Phi tướng phi khả tướng   Không phải tướng cũng không thể có tướng

餘五同虛空   Dư ngũ đồng hư không       Năm cái còn lại cũng giống như hư không

Lục chủng là tứ đại (địa, thủy, hỏa, phong) cộng với hư không và thức. Tứ đại là thuật ngữ ngày xưa để chỉ vật chất tồn tại dưới 4 trạng thái : địa là vật chất thể rắn; thủy là vật chất thể lỏng; hỏa là dạng năng lượng; phong là vật chất dạng khí. Thức không phải chỉ là ý thức mà là tánh biết nền tảng của vũ trụ vạn vật (A-lại-da thức). Chính vì tánh biết này nên các tôn giáo nhân cách hóa nó thành Thượng Đế hay Trời. Nói theo quan niệm ngày nay thức tức là thông tin, là số (digital), kinh Phật còn gọi là chánh biến tri. Tánh biết bao gồm cả năng tri và sở tri.

Long Thọ chủ yếu luận về hư không (không gian), năm chủng còn lại thì cũng giống như hư không, không thể nói là có hay không có. Tánh hay tướng của hư không chỉ là vọng tưởng của bộ não, tứ đại là chỉ chung vật chất, thức là tâm, hư không hay không gian là cái nền cho các tướng hiển hiện, các tướng thì có thuộc tính đi kèm. Tất cả lục chủng đều chỉ là ảo tưởng, nhưng cũng không thể nói là không có, chỉ là không có thật, nên kết luận là phi hữu diệc phi vô.

Khoa học ngày nay đã hiểu rõ, trước vụ nổ Big Bang, không có không gian, thời gian, vật chất, không có gì cả, tương ứng với câu “không tướng vị hữu thời”. Sau vụ nổ mới phát sinh không gian, thời gian, vật chất. Đó là lục chủng. Lục chủng cũng chỉ là ảo hóa không có thực chất, nhưng chúng sinh lại thấy rất thật. Chúng ta thấy ngân hà, thái dương hệ, mặt trời, mặt trăng, hành tinh, địa cầu, sơn hà đại địa, biển lớn, nhà cửa, xe cộ, vật dụng, người và sinh vật… không thể nói là không có. Nhưng ngày nay khoa học cũng đã khám phá rằng những hạt cơ bản của vật chất như quark, electron chỉ là hạt ảo, chúng vừa có thể ở dạng sóng vô hình, phi vật chất, vừa có thể ở dạng hạt sơ cấp, tạo thành nguyên tử vật chất cứng chắc, bền vững. Bởi vậy không thể khẳng định là có hay không có. Tính chất bất định (uncertainty), hay bất định xứ (non locality), phi hiện thực (non realism) và phi số lượng (non quantity) là những tính chất cơ bản của vật lý lượng tử (quantum physics) ngày nay, đã được ứng dụng rộng rãi trong tin học hiện đại. Ngày nay ai cũng biết rằng một văn bản hay một hình ảnh đưa lên mạng internet là một vật ảo phi hiện thực (non realism), không có vị trí nhất định (non locality) có thể xuất hiện khắp mọi nơi trên địa cầu, bất cứ chỗ nào có đủ điều kiện, và không thể xác định số lượng (non quantity).

Khoa học cũng đã biết rằng vũ trụ là số (digital) vì đã khám phá tiếng ồn toàn ảnh.

Tieng On Toan Anh – Truong Alaya Thuc

Một khi biết được cách xử lý các bit thông tin vũ trụ thì các cố thể vật chất như đồ vật, con người, cũng có thể xử lý giống như văn bản hay hình ảnh hiện nay, đó là viễn ảnh của viễn tải lượng tử và máy in 3D vạn năng, là chiếc máy có thể in ra bất cứ thứ gì trong không gian 3 chiều. Hiện nay chỉ có các nhà đặc dị công năng thực hiện được viễn tải lượng tử đối với con người và đồ vật, nhưng trong tương lai, khoa học có thể cũng sẽ làm được.

Phẩm thứ mười lăm : Quán Hữu Vô

Bài này phá sự chấp thật về Có và Không. Vũ trụ không phải Có, cũng không phải Không, chấp Có hay chấp Không đều lọt vào nhị biên và đều không đúng. Vì vậy Kinh Kim Cang nói : Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.

眾緣中有性 Chúng duyên trung hữu tính  Trong các duyên có tính

是事則不然 Thị sự tắc bất nhiên                   Thật ra không phải vậy

性從眾緣出 Tính tòng chúng duyên xuất   Tính từ các duyên mà ra

即名為作法  Tức danh vi tác pháp                Gọi là pháp tạo tác

性若是作者   Tính nhược thị tác giả             Nếu tính là chủ tạo tác

云何有此義   Vân hà hữu thử nghĩa             Làm sao có nghĩa đó

性名為無作   Tính danh vi vô tác                 Tính, danh không là chủ tạo tác

不待異法成   Bất đãi dị pháp thành             Không đợi pháp khác để thành

Tính là thuộc tính (properties) của sự vật, danh là tên gọi để mô tả. Chúng ta thường có định kiến cho rằng tính từ các duyên mà ra và gọi đó là pháp tạo tác. Sự thật không phải như vậy. Có thể lấy Einstein làm đại biểu cho quan điểm duy vật, quan điểm này cho rằng vật, ví dụ hạt photon đã có sẵn thuộc tính như số đo spin (xoay theo chiều nào với góc bao nhiêu độ), vị trí của hạt, điện tích, khối lượng. Long Thọ bác bỏ quan điểm này, ông nói sự thật không phải như vậy, các thuộc tính không phải là chủ tạo tác, một pháp hay một vật không phải đợi hay tùy thuộc vào các thuộc tính đó để thành vật. Niels Bohr có cùng quan điểm với Long Thọ, nói rằng hạt photon không sẵn có các thuộc tính, chúng chỉ phát sinh các thuộc tính đó khi bị quan sát và đo đạc. Điều đó có vẻ phi lý nhưng lại đúng với khảo sát thực nghiệm. John Clauser là người ủng hộ quan điểm của Einstein cho rằng vật có sẵn thuộc tính. Sau khi John Clauser chế tạo được chiếc máy có khả năng tách rời các cặp hạt photon liên kết để có thể khảo sát cho tường tận, và Alain Aspect sử dụng chiếc máy đó và ứng dụng bất đẳng thức của John Bell để xác định xem quan điểm của Niels Bohr và của Einstein, cái nào đúng. Kết quả cuối cùng đã chứng minh Niels Bohr đúng, vật không có sẵn thuộc tính, vật là bất định (uncertainty), vật chỉ có thuộc tính khi bị quan sát hay đo đạc.

Tranh Luận Giữa Bohr Và Einstein Về Cơ Học Lượng Tử

法若無自性 Pháp nhược vô tự tính Nếu pháp không có tự tính

云何有他性 Vân hà hữu tha tính       Sao lại có tha tính

自性於他性 Tự tính ư tha tính           Tự tính mà ở chỗ tha tính

亦名為他性 Diệc danh vi tha tính     Cũng gọi là tha tính

Pháp không có tự tính. Nếu từ tha tính mà có đặc tính thì cũng là tha tính. Bên Duy Thức học gọi lý này là Y tha khởi tính. Vậy các thuộc tính của pháp, của sự vật do đâu mà có. Theo thí nghiệm khoa học về hai khe hở nêu ở phần trên thì sự quan sát hay đo đạc có ảnh hưởng tới vật, chính các hành động này xác định các thuộc tính của vật. Như vậy có thể nói chính người khảo sát đã gán ghép các thuộc tính cho vật, các thuộc tính đó là tưởng tượng có điều kiện. Điều kiện là thế nào ? Điều kiện là phải có một tiềm thể (potentiality) dù là ảo, để sự tưởng tượng có chỗ bấu víu. Nguyên tử chính là một tiềm thể như vậy. Werner Heisenberg nói : Nguyên tử không phải là vật (atoms are not things) mà chỉ là tiềm thể, phải có tưởng tượng của người quan sát thì mới thành vật. Vậy sự tưởng tượng của thức bao gồm mạt-na thức và ý thức mới chính là nguyên nhân khiến cho vật có đặc tính và xuất hiện trong không gian, chứ vật tự nó không có sẵn thuộc tính. Vật chính là tâm, khi tiềm thể chưa được gán ghép thuộc tính thì không hiện hữu (Vô), khi được gán ghép thuộc tính thì hiện hữu (Hữu). Đây là yếu chỉ cơ bản của Trung Quán Luận. Cũng chính vì vậy, Phật pháp mới nói tất cả các pháp là do tâm tạo.

Phẩm thứ mười bảy : Quán Nghiệp

Chương này nói về nghiệp. Nghiệp cũng là do tâm tạo. Những người có phước đức là do tu thập thiện, làm sạch các nghiệp bất thiện. Nghiệp chủ yếu do ý (mạt-na thức) làm chủ, và khi hiện hành thì biểu hiện ra thân và khẩu (ý thức). Ý, thân, khẩu là ba thành phần cơ bản tạo ra nghiệp.

人能降伏心 Nhân năng hàng phục tâm    Người có thể hàng phục tâm

利益於眾生 Lợi ích ư chúng sinh                Có lợi cho chúng sinh

是名為慈善 Thị danh vi từ thiện                  Đó gọi là từ thiện

二世果報種 Nhị thế quả báo trọng              Hai đời (hiện tại, vị lai) quả báo lớn

大聖說二業 Đại thánh thuyết nhị nghiệp     Đại thánh nói hai loại nghiệp

思與從思生 Tư dữ tòng tư sinh                      Nghĩ tưởng và từ nghĩ tưởng sinh ra

是業別相中 Thị nghiệp biệt tướng trung      Là nghiệp có nhiều hình thái khác nhau

種種分別說 Chủng chủng phân biệt thuyết   Có vô số loại khác nhau

佛所說思者 Phật sở thuyết tư giả                     Phật nói về nghiệp nghĩ tưởng

所謂意業是 Sở vị ý nghiệp thị                           Gọi là nghiệp của ý (mạt-na thức)

所從思生者 Sở tòng tư sinh giả                         Cái từ nghĩ tưởng sinh ra

即是身口業 Tức thị thân khẩu nghiệp             Là nghiệp của thân và miệng (ý thức)

業住至受報 Nghiệp trụ chí thọ báo               Nghiệp tồn tại cho đến lúc thọ báo

是業即為常 Thị nghiệp tức vi thường           Vậy nghiệp là thường tồn

若滅即無業 Nhược diệt tức vô nghiệp         Nếu đoạn diệt là không có nghiệp

云何生果報 Vân hà sinh quả báo                   Làm sao sinh ra quả báo

從種有相續 Tòng chủng hữu tương tục     Từ hạt giống có sự liên tục

從相續有果 Tòng tương tục hữu quả         Từ liên tục có quả

先種後有果 Tiên chủng hậu hữu quả         Trước gieo giống sau có quả

不斷亦不常 Bất đoạn diệc bất thường       Không phải đoạn cũng không phải thường

如是從初心 Như thị tòng sơ tâm                 Cũng thế từ tâm ban sơ (bản nguyên)

心法相續生 Tâm pháp tương tục sinh         Tâm pháp nối tiếp sinh

從是而有果   Tòng thị nhi hữu quả               Từ đó mà có quả

離心無相續   Ly tâm vô tương tục                Lìa tâm thì không có liên tục

能成福德者 Năng thành phúc đức giả   Có thể thành tựu phúc đức

是十白業道 Thị thập bạch nghiệp đạo   Là mười cách làm sạch nghiệp

二世五欲樂 Nhị thế ngũ dục lạc             Sạch năm thứ dục lạc của hai đời (hiện tại, vị lai)

即是白業報   Tức thị bạch nghiệp báo     Là làm sạch nghiệp báo

Người có khả năng hàng phục tâm là bậc giác ngộ đã thống nhất được ý (mạt-na thức), ý thức (thức thứ sáu) với bản tâm, có thể đem lại lợi ích cho chúng sinh, đó mới đúng là từ thiện, có quả báo lớn trong hai đời tức hiện tại và vị lai. Hình tướng của nghiệp có vô số loại nhưng bậc thánh trí giác ngộ liệt kê thành hai loại, đó là nghĩ tưởng và hệ quả đi theo nghĩ tưởng. Tưởng là tưởng tượng (imagine), còn nghĩ là suy tư, suy luận (think). Đức Phật cũng có nói về nghiệp. Nghiệp do nghĩ tưởng là ý nghiệp còn nghiệp do hệ quả của nghĩ tưởng là thân và khẩu nghiệp. Ý là đầu não, chủ thể tạo nghiệp, thân và miệng (ý thức, lời nói, tiếng kêu) là hình tướng biểu hiện của nghiệp. Ý lương thiện lành mạnh thì thân có biểu hiện tốt lành, có thể làm trời, người; ý mê muội, độc ác thì thân có thể biểu hiện thành súc sinh, ngạ quỷ. Nghiệp của miệng đi liền với thân. Thân làm người thì tiếng nói có ý nghĩa rõ ràng, êm ái. Thân súc sinh thì tiếng kêu rống nghe ghê rợn hoặc thảm não. Nghiệp tuy vô hình nhưng tồn tại cho đến khi quả báo, vậy nghiệp vẫn còn cho dù thân có chết đi. Nếu nói chết là hết, là không có nghiệp, vậy sao có quả báo ? Ví dụ như từ hạt giống có sự phát triển tương tục cho đến khi kết quả. Hễ trước có gieo hạt giống thì sau ắt có kết quả, sự tương tục như thế chẳng phải đoạn diệt cũng chẳng phải thường hằng. Không đoạn diệt nghĩa là thân dù có chết, nghiệp vẫn còn tiếp tục. Không thường hằng nghĩa là nhân đã thành quả thì cái nghiệp đó hết, nó không còn tiếp tục, nhường chỗ cho nghiệp khác tiếp tục. Cũng tương tự như vậy, từ cái tâm ban sơ (bản nguyên), tâm pháp (nhất niệm vô minh) cứ tương tục từ đó mà có kết quả. Kết quả là thế giới xuất hiện, ngã và pháp xuất hiện. Tâm chính là động lực của thế giới, của vũ trụ vạn vật. Tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) chính là nghiệp của tâm. Lìa tâm thì không có sự tiếp nối, cũng không có nghiệp.

Thập thiện là mười cách làm sạch nghiệp, cũng là thành tựu phúc đức gồm : Ba thiện nghiệp của ý là không tham lam, không sân hận, không si mê. Ba thiện nghiệp của thân là không sát sanh, không trộm cướp, không dâm dật. Bốn thiện nghiệp của khẩu là : không nói trái sự thật, không thêu dệt chuyện không nói có, không nói hai chiều khiến người bất hòa xung khắc, không nói lời hung ác. Năm thứ dục lạc của hai đời hiện tại vị lai, tức là những ham muốn của năm giác quan : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể. Thập thiện là 10 cách tu làm sạch nghiệp báo xấu để được sinh nơi cõi trời. Trong Đại Tạng Kinh có chép việc ba nhà tu Sư Tử Giác (Buddhasijha), Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasubandhu) có nguyện vọng được sinh ở cõi trời Đâu Suất, trong đó hai người Sư Tử Giác và Vô Trước đạt được nguyện vọng, lên được cõi trời Đâu Suất, nghe Bồ Tát Di Lặc thuyết pháp. Vô Trước về lại thế gian độ cho Thế Thân.

Vũ Trụ Song Song – Bồ Tát Vô Trước

Tu hành giữ giới luật có mục đích là làm cho nghiệp được trắng sạch, đảm bảo quá trình tu tập không bị đứt đoạn vì nghiệp ác nhưng kết quả đó chưa phải là cứu cánh, chỉ là quả báo lành, chưa phải là giác ngộ, dù cho được sinh ở cõi trời nhưng vẫn còn là cảnh giới tương đối, chưa giải thoát sinh tử, nên vẫn còn phải tiếp tục phá chấp.

Phẩm thứ hai mươi : Quán Nhân Quả

若眾緣和合 Nhược chúng duyên hòa hợp   Nếu các duyên hòa hợp

而有果生者 Nhi hữu quả sinh giả                  Mà có quả sinh ra

和合中已有 Hòa hợp trung dĩ hữu                Trong hòa hợp đã có

何須和合生 Hà tu hòa hợp sinh                    Sao lại là hòa hợp sinh

若眾緣和合 Nhược chúng duyên hòa hợp    Nếu các duyên hòa hợp

是中無果者 Thị trung vô quả giả                   Mà trong không có quả

云何從眾緣 Vân hà tòng chúng duyên         Sao lại từ các duyên

和合而果生 Hòa hợp nhi quả sinh                 Hòa hợp mà sinh quả

若眾緣和合 Nhược chúng duyên hòa hợp   Nếu các duyên hòa hợp

是中有果者 Thị trung hữu quả giả                 Thì trong đã có quả

和合中應有 Hòa hợp trung ưng hữu             Trong hòa hợp đã có quả

而實不可得 Nhi thực bất khả đắc                 Mà thực ra không thể có

Nhân là cái hạt giống, ví dụ hạt đậu. Duyên là đất, nước, không khí, ánh sáng. Hạt giống được các duyên bên ngoài trợ giúp nên phát triển thành cây đậu và sinh ra quả đậu. Trong hạt đậu đã có cây đậu và quả đậu, nên nói do các duyên hòa hợp mà sinh ra quả cũng không hoàn toàn đúng. Nếu các duyên hòa hợp trợ giúp hạt giống mà không có quả sinh ra thì không thể nói từ các duyên hòa hợp mà sinh ra quả. Như vậy trong cả hai trường hợp, có quả hay không có quả, đều không phải là do nhân duyên hòa hợp mà sinh ra quả. Mục đích của bài luận này là phá nhân quả, nhân quả chỉ là nhận thức của bộ não, là vọng tưởng chứ không phải thực tế. Đây là một ý rất quan trọng, nhân quả không phải là qui luật tuyệt đối, không hoàn toàn đúng.

Sở dĩ chúng ta thấy có nhân quả vì bộ não của ta phân biệt 3 thành tố : nhân, duyên, quả. Trong thời gian, nhân với sự trợ giúp của duyên sẽ biến thành quả. Ngày nay khoa học cho chúng ta biết rằng nhân, duyên và quả chỉ là một thứ, giống nhau, nếu có khác thì chỉ là đại đồng tiểu dị. Đại đồng là cả ba đều là quark, electron, photon, năng lượng… nói chung là lượng tử. Tiểu dị là cấu trúc có hơi khác nhau một chút. Nhân và quả thì hoàn toàn giống nhau, đều là hạt đậu, chỉ khác về thời gian xuất hiện. Duyên thì có cấu trúc hơi khác một chút, đất, nước, không khí, ánh sáng, về bản chất thì cũng là lượng tử không khác hạt đậu, nhưng dưới các giác quan phân biệt của lục căn thì có khác. Sự khác nhau chỉ là về mặt nhận thức chứ bản chất thì không khác.

Ví dụ một ngày nào đó trong tương lai, con người chế tạo được chiếc máy in 3D vạn năng, có thể in ra tất cả mọi thứ, nguyên liệu và năng lượng đều lấy từ ánh sáng mặt trời. Nó có thể in ra quả trứng gà mà không cần tới con gà đẻ trứng, hoặc có thể in ra con gà mà không cần quả trứng nở ra con gà. Như vậy qui luật nhân quả không còn tuyệt đối đúng nữa.

Chính vì vũ trụ là số (digital) nên con người có thể dùng kỹ thuật số để làm ra mọi thứ sản phẩm cần dùng trong đời sống nhân loại. Trong các bài kệ quán nhân quả, Long Thọ đã nêu ra ý tưởng rất cách mạng, vượt xa thời đại của ông, nên nhiều vị đại luận sư sau ông không hiểu rõ, đã luận giải mỗi người mỗi khác khiến cho Pháp sư Diệu Nhân, ngày 22 tháng 12 năm 1983, khi đọc Nhập Trung Luận đã phải than thở : “Các đại luận sư Ấn Ðộ như Phật Hộ, Thanh Biện, Nguyệt Xưng, Tịnh Mạng, đều kế thừa học thuyết Trung Quán của Long Thọ. Nhưng vì quan điểm chẳng đồng trong vấn đề cho với chẳng cho ‘có ngoại cảnh’ mà sanh ra học phái chẳng đồng.”

Phẩm thứ hai mươi bảy (cuối) : Phá Tà Kiến

Chương này phá cái thấy nhị biên (thường, đoạn) cũng phá luôn cái thấy nửa thường nửa đoạn, rốt cuộc tất cả cái thấy của 6 giác quan đều là tà kiến (lệch lạc), vọng tưởng. Hành giả không thể chấp vào đâu cả. Đó cũng là kết luận của Trung Quán Luận.

我於過去世 Ngã ư quá khứ thế                   Ta ở thời quá khứ

為有為是無 Vi hữu vi thị vô                         Có làm việc hữu vi thì nay cũng thành không

世間常等見 Thế gian thường đẳng kiến     Những cái thấy thường của thế gian

皆依過去世 Giai y quá khứ thế                     Đều dựa vào quá khứ

我於未來世 Ngã ư vị lai thế                           Ta ở thời vị lai

為作為不作 Vi tác vi bất tác                           Có làm hay không làm

有邊等諸見 Hữu biên đẳng chư kiến           Những cái thấy lệch một bên

皆依未來世 Giai y vị lai thế                           Đều dựa vào vị lai

過去世有我 Quá khứ thế hữu ngã               Đời quá khứ có ta

是事不可得 Thị sự bất khả đắc                     Là việc không thể có

過去世中我 Quá khứ thế trung ngã             Ta trong đời quá khứ

不作今世我 Bất tác kim thế ngã                   Không phải là ta trong đời hiện tại

若謂我即是 Nhược vị ngã tức thị                 Nếu cho rằng đúng là ta (ta hiện tại đúng là ta quá khứ)

而身有異相 Nhi thân hữu dị tướng               Nhưng thân có hình tướng khác

若當離於身 Nhược đương ly ư thân             Nếu nay lìa khỏi thân

何處別有我 Hà xứ biệt hữu ngã                    Dựa vào đâu phân biệt ta

離有無身我 Ly hữu vô thân ngã                     Lìa việc xác định ta có hay không dựa vào thân

是事為已成 Thị sự vi dĩ thành                         Thì sự việc đã thành

若謂身即我 Nhược vị thân tức ngã               Nếu nói thân là ta

若都無有我 Nhược đô vô hữu ngã                 Thì cả hai đời đều không có ta

但身不為我 Đãn thân bất vi ngã                    Chỉ vì thân không phải là ta

身相生滅故 Thân tướng sinh diệt cố             Nên sự sinh diệt của thân

云何當以受   Vân hà đương dĩ thọ                  Sao lại nhận là mình

而作於受者   Nhi tác ư thọ giả                        Mà làm người lãnh thọ

若離身有我   Nhược ly thân hữu ngã             Nếu lìa thân mà có ta

是事則不然   Thị sự tắc bất nhiên                   Ắt là không phải thế

無受而有我   Vô thọ nhi hữu ngã                   Không lãnh thọ mà có ta

而實不可得   Nhi thực bất khả đắc                 Thực tế không thể được

若天即是人 Nhược thiên tức thị nhân       Nếu trời tức là người

則墮於常邊 Tắc đọa ư thường biên             Ắt rơi vào bên thường

天則為無生 Thiên tắc vi vô sinh                   Trời ắt là vô sinh

常法不生故   Thường pháp bất sinh cố       Vì pháp thường là không có sinh

若天異於人   Nhược thiên dị ư nhân           Nếu trời khác với người

是即為無常   Thị tức vi vô thường               Đó tức là vô thường

若天異人者 Nhược thiên dị nhân giả          Nếu trời khác với người

是則無相續 Thị tắc vô tương tục                Ắt là không tiếp nối

若半天半人 Nhược bán thiên bán nhân    Nếu nửa trời nửa người

則墮於二邊 Tắc đọa ư nhị biên                     Ắt rơi vào nhị biên

常及於無常 Thường cập ư vô thường       Thường cùng tồn tại với vô thường

是事則不然 Thị sự tắc bất nhiên                    Ắt không phải như vậy

若常及無常 Nhược thường cập vô thường Nếu thường tồn tại cùng vô thường

是二俱成者 Thị nhị câu thành giả                 Đó là hai mặt bổ sung cho nhau

如是則應成 Như thị tắc ứng thành               Như thế ắt thành là

非常非無常 Phi thường phi vô thường         Không phải thường không phải vô thường

一切法空故   Nhất thiết pháp không cố       Vì tất cả pháp đều là không

世間常等見 Thế gian thường đẳng kiến       Những cái thế gian thường thấy

何處於何時   Hà xứ ư hà thời                         Tại chỗ nào vào lúc nào

誰起是諸見 Thùy khởi thị chư kiến             Ai khởi động những cái thấy đó

Trong phẩm này, Long Thọ muốn phá ngã chấp và pháp chấp. Người thế gian chấp ngã, cho là ta có thật. Đó là do cái thấy bị hạn chế. Ở đời quá khứ thì chỉ biết quá khứ, chấp cái hình tướng của quá khứ là ta. Ở đời vị lai thì chỉ biết vị lai, chấp cái hình tướng vị lai là ta. Nếu lìa hình tướng thì làm sao phân biệt cái nào là ta. Không biết ta là thế nào, thế thì cả quá khứ, vị lai đều không có ta. Ta chỉ là cái mà mình tự lãnh thọ, tự gán ghép chứ không có thực chất, sự sinh diệt của thân, sao cứ nhận bừa là ta ?

Ngoài chấp ngã, người đời còn chấp pháp. Pháp là tất cả sự vật, hiện tượng kể cả vật chất và tinh thần, Long Thọ gọi chung là trời, ý chỉ vũ trụ vạn vật. Trời là sẵn có, vô sinh, bất diệt. Nếu người cũng là trời thì rơi vào thường kiến tức là cho rằng người (ngã) tồn tại mãi mãi. Nếu người khác với trời thì ắt là ngã không tương tục, không thường hằng, là vô thường. Nếu vũ trụ là nửa trời nửa người thì rơi vào nhị biên, bất định giữa thường và vô thường. Nếu hai mặt đối lập thường và vô thường cùng tồn tại, thì đó không phải là mâu thuẫn mà là bổ sung cho nhau (ứng thành). Xét cả ba trường hợp (thường, đoạn, bất định) đều không phải, thì rút ra kết luận là vũ trụ không phải thường, cũng không phải vô thường.

Vì bản chất của tất cả các pháp đều là không, nên những hiện tượng sự vật thường thấy trong không gian (vị trí xác định nơi nào) và trong thời gian (ngày tháng năm nào) là do ai khởi lên những cái thấy đó ? Câu hỏi này tạo ra một nghi tình, nếu không phải là ta (phần trên đã phá ngã chấp và pháp chấp) thì là do đâu ? Buông bỏ tất cả sự chấp trước, nghi tình này có thể dẫn đến giác ngộ thành Phật.

Kết luận

Toàn bộ Trung Quán Luận đều là phá chấp. Không thể chấp vào lục căn, không thể chấp lục trần, không thể chấp ngũ uẩn, không thể chấp nhân duyên, không thể chấp nhân quả, không thể chấp nghiệp báo, không thể chấp vũ trụ vạn vật là Có hay Không Có. Tất cả mọi chấp trước đều lọt vào nhị biên và đều là tà kiến. Vậy phải làm sao ? Đây là một sự thúc bách gây chấn động thân tâm, làm tê liệt nhận thức, tê liệt tư duy của bộ não. Tư duy không còn cách nào khác ngoài việc dừng lại. Tàng thức (a-lại-da), tiềm thức chấp ngã (mạt-na), ý thức và tiền ngũ thức, tất cả đều dừng lại, và …trực há thừa đương, hoát nhiên đại ngộ. Đó là cứu cánh của Trung Quán Luận.

Truyền Bình

Chia sẻ:

  • Facebook
  • X
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Tiểu Luận Trung Quán Luận