Yêu Nước Và Thương Nòi - Tuổi Trẻ Online

Phóng to
Tranh: Lê Thiết Cương

Nhưng nội hàm của “văn hóa truyền thống” thật mênh mông. Vậy trước hết phải bảo tồn được nền tảng. Nền tảng của nó là cái đạo lý cổ truyền lấy chữ nhân ái làm gốc. Không ngẫu nhiên dân ta không nói cộc lốc “Yêu nước” mà nói “Yêu nước thương nòi”.

Bởi cùng yêu nước vẫn có thể hành hạ, tàn sát nhau vì những tư tưởng hẹp hòi và “nhóm lợi ích”. Tôn tạo đền miếu, đình chùa hoành tráng, phục hồi lễ lạt hội hè linh đình, phục dựng từ đường, lăng mộ nguy nga... mà không có lòng thương nòi, thương dân còn thiếu ăn, thất học thì nhiều khi chỉ là hình thức hợp pháp để che đậy tham ô, nhũng nhiễu.

Sự ra đi mới rồi của tướng Văn và tang lễ của lòng dân một lần nữa nhắc nhở truyền thống căn bản yêu nước thương nòi của dân tộc này.

Người là đại diện cuối cùng của cả một “thế hệ vàng” hội nhập nhưng không mất gốc, chính vì suốt đời “yêu nước thương nòi” mà dấn thân làm cách mạng, tự nguyện từ bỏ địa vị, quyền lực và tiền tài họ vốn từng có đủ để suốt đời đau đáu lo sao cho tất cả mọi người, trước hết là những người lao động nghèo, có cơm ăn, áo mặc, việc làm và được học hành.

Tướng tài đời nào nước ta cũng có vì luôn luôn phải chống ngoại xâm. Nhưng dân ta chỉ tôn một người lên bực Thánh - Đức Thánh Trần, chính là vì ngài có tình thương bao la và sâu sắc nòi giống Lạc Hồng. Đại Việt sử ký toàn thư chép: trước khi từ trần, thân phụ ngài trăng trối: con phải lấy lại ngôi báu, bằng không ta chết không nhắm mắt được.

Vậy mà khi được trao quyền tiết chế ba quân trong tình thế giặc Nguyên Mông đang lăm le ngoài cõi, ngài tuốt gươm toan chém đầu con trai Quốc Tảng vì tội khuyên cha nhân cơ hội đó giành lại ngôi báu vốn phải thuộc về ngành trưởng họ Trần là ngành của ngài. Bởi không hi sinh quyền lợi của tộc họ, phe cánh tất gây cảnh nồi da xáo thịt, tàn hại giống nòi.

Cái truyền thống căn bản này mỗi lần triều chính đổi thay, tiền nhân lại nêu cao để nhắc nhở người đời, trước hết là những kẻ nắm vận dân nước trong tay. Vẫn còn đó, suốt 172 năm nay, những lời vàng ngọc của tiến sĩ Vũ Tông Phan, hội trưởng Hướng Thiện hội đền Ngọc Sơn, trên tấm bia trong đền Hỏa Thần ở 30 Hàng Điếu, Hà Nội: “Trung ư dân”.

Vâng, không phải “trung với vua”, mà là “trung với dân”.

Tại hội thảo quốc tế ở Đại học Provence (Cộng hòa Pháp, tháng 5-2007), khi chúng tôi phóng to những chữ này, cử tọa không khỏi sửng sốt. Giờ giải lao có vị học giả thắc mắc: Câu thường nói là “trung quân ái quốc”? Chúng tôi đáp: Vâng, đúng thế.

Nhưng trong tình thế khi quân vương nhờ dựa vào sức dân mà thiết lập được nền thống trị, rồi lộ mặt chuyên quyền, quay lại đàn áp dân một cách tàn khốc thì không thể “trung quân” được nữa. Trên bia này còn khắc một câu nói rõ ý ba chữ trên: “Quân tử vụ dân chi nghĩa” (Nghĩa vụ của người quân tử là lo cho dân).

Nên không phải ngẫu nhiên mà sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh thân hành đến thăm Hội Thiện đền Ngọc Sơn và “xin góp ý” với các cụ cao niên giảng thêm: “Điều thiện lớn nhất là yêu nước, yêu dân chủ” (báo Nhân Dân, 22-8-1990). “Tháng Tám giỗ cha (Đức Thánh Trần), tháng ba giỗ mẹ (Mẫu Liễu Hạnh)”, ngày 20-8 (tức 25-9-1945), Người chỉ thị làm Quốc giỗ Trần Hưng Đạo trong cả nước, thân đến cung bái tại Nhà hát lớn Hà Nội và đổ bát gạo vào thùng gạo cứu đói cạnh ban thờ.

Người rõ ràng kế thừa cái gốc của những nghi thức đó: Yêu nước thương nòi. Đối với những người cầm vận mệnh dân nước, Người dặn “Có trách nhiệm với dân”, nên đã cho thêu lên lá cờ tặng Trường võ bị Trần Quốc Tuấn ngày 26-5-1946 sáu chữ vàng, mà thiếu chúng thì mọi chính sách, thể chế, nghi thức, dự án kinh tế - xã hội này nọ... chỉ là cái nước sơn. Sáu chữ đó là: “Trung với nước, hiếu với dân”.

Từ khóa » Giải Nghĩa Câu Yêu Nước Thương Nòi