Yếu Tố Tác động đến Công Tác Quản Trị Nguồn Nhân Lực Trong Doanh ...

  1. Đầu tư - Kinh doanh

Nhân lực được hiểu là nguồn lực của mỗi con người mà nguồn lực này gồm có thể lực và trí lực. Nguồn nhân lực với tư cách là yếu tố của sự phát triển kinh tế - xã hội là khả năng lao động của xã hội được hiểu theo nghĩa hẹp hơn, bao gồm nhóm dân cư trong độ tuổi lao động có khả năng lao động.

Khái niệm quản trị nguồn nhân lực có thể được trình bày ở nhiều giác độ khác nhau. Quản trị nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các doanh nghiệp (DN), nó quyết định sự tồn tại và phát triển của DN. Quản trị nguồn nhân lực bao hàm cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp, cụ thể:

Theo nghĩa rộng: Quản trị nguồn nhân lực là quá trình khai thác, tổ chức, sử dụng khoa học kỹ thuật hiện đại và lý luận về quản trị nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược tổ chức, bằng cách thường xuyên tìm kiếm, tạo nguồn nhân lực, tiến hành điều phối, lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chế độ tiền lương, thưởng phạt hợp lý nhằm khai thác và sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả.

Theo nghĩa hẹp: Quản trị nguồn nhân lực là quá trình cơ quan quản lý thực hiện những công việc cụ thể như tuyển người, bình xét, phân công công việc, giải quyết tiền lương bồi dưỡng, đánh giá chất lượng cán bộ công nhân viên, nhằm thực hiện tốt mục tiêu, kế hoạch của tổ chức.

Như vậy, quản trị nguồn nhân lực là một quá trình tuyển mộ, tuyển chọn, duy trì, phát triển sử dụng, động viên và cung cấp tiện nghi cho nhân lực thông qua tổ chức đó. Cũng có thể hiểu theo một cách đơn giản và ngắn gọn: Quản trị nguồn nhân lực là phương thức khiến cho nhân viên làm việc một cách hiệu quả và hài lòng với công việc của họ.

Mục tiêu quản trị nguồn nhân lực

Quản trị nguồn nhân lực hướng tới các mục tiêu cơ bản sau:

- Mục tiêu xã hội: Quản trị nguồn nhân lực thể hiện quan điểm rất nhân bản về quyền lợi của người lao động, đề cao vị thế và giá trị của người lao động, chú trọng giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa tổ chức, doanh nghiệp và người lao động.

- Mục tiêu của tổ chức: Mục tiêu của tổ chức là việc cung cấp nhân sự để từng bộ phận thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ của riêng nó phù hợp với mục tiêu chung của toàn bộ tổ chức. Các chỉ tiêu đo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp: Tổng lợi nhuận; tỷ suất lợi nhuận; lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm (dịch vụ); thời hạn hoàn vốn cố định; vòng quay vốn lưu động; năng xuất lao động; thu nhập bình quân.

- Mục tiêu cá nhân: Đây là mục tiêu quan trọng, bởi nếu đáp ứng được mục tiêu cá nhân của người lao động sẽ góp phần động viên, khích lệ họ nỗ lực hoàn thành tốt nhất công việc, điều này sẽ dẫn tới thành công của tổ chức. Người lao động cần việc làm ổn định; đánh giá đúng năng lực, đúng sự đóng góp; được đối xử công bằng; có triển vọng trong công việc, thu nhập; an toàn trong công việc.

Vai trò của quản trị nguồn nhân lực

Công tác quản trị nguồn nhân lực là hoạt động của DN để thu hút, xây dựng, phát triển, sử dụng, đánh giá và giữ gìn lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu công việc của DN cả về số lượng và chất lượng. Do vậy, công tác quản trị nhân lực có vai trò to lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của một DN, nó là hoạt động bề sâu trong DN nhưng lại mang yếu tố quyết định đến kết quả hoạt động kinh doanh của DN.

Ngày nay, vai trò của công tác quản lý nhân lực ngày càng quan trọng bởi sự cạnh tranh diễn ra ngày càng gay gắt và nguồn nhân lực là yếu tố chiến lược tạo lên lợi thế cạnh tranh cho các DN. Hơn nữa, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã tạo ra những nhân sự có trình độ chuyên môn và tay nghề cao. Chất xám, tri thức, kinh nghiệm của đội ngũ này là yếu tố quyết định cho sự cạnh tranh của DN. Tuy nhiên, đó cũng là 1 thách thức đặt ra với DN phải có đủ khả năng quản lý, tạo môi trường cho đội ngũ này phát triển để họ cống hiến cho DN một cách lâu dài nhất.

Quản trị nhân sự bao gồm toàn bộ các biện pháp áp dụng cho nhân viên của DN để giải quyết tất cả các trường hợp xảy ra liên quan đến công việc đó. Nếu không có quản trị nhân sự mọi việc sẽ trở nên thiếu tổ chức và kỷ luật. Đây là một công tác hết sức khó khăn vì nó động tới những con người cụ thể có tính cách, sở thích và năng lực riêng biệt.

Các yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản trị nguồn nhân lực trong DN

Công tác quản trị nhân lực trong DN tốt sẽ tạo ra một đội ngũ lao động nhiệt tình, hăng hái, gắn bó lâu dài với DN. Do vậy, công tác quản trị nguồn nhân lực trong DN có thể bị tác động bởi một số yếu tố sau:

Các yếu tố môi trường bên ngoài

- Yếu tố về kinh tế: Các chỉ tiêu về tăng trưởng, lạm phát luôn ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị và ảnh hưởng đến công tác quản trị nguồn nhân lực tại DN đó. Tình hình kinh tế đất nước thay đổi, yêu cầu các DN phải có những sự điều chỉnh về kế hoạch, chiến lược kinh doanh của mình dẫn đến sự thay đổi trong các chiến lược và chính sách quản trị nguồn nhân lực của DN. Xu hướng toàn cầu hóa kinh tế trên thế giới đã tạo ra nhiều cơ hội tiếp nhận công nghệ tiên tiến và mở ra thị trường rộng lớn, nhưng cũng tạo ra các thách thức lớn, áp lực cạnh tranh từ nước ngoài mà các DN sẽ khó vượt qua nếu không có sự chuẩn bị trước.

- Yếu tố về môi trường công nghệ, kỹ thuật và thông tin: Sự tiến bộ của khoa học công nghệ làm cho các DN phải đầu tư vốn cao và tốn kém chi phí đào tạo nhân lực, đồng thời các DN có thể phải đối diện với việc giải quyết lao động dư thừa.

- Yếu tố môi trường chính trị: Hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công tác quản trị nguồn nhân lực trong các DN chịu trách nhiệm trực tiếp bởi yếu tố pháp luật, chính trị. Hệ thống luật pháp buộc các DN ngày càng phải quan tâm đến quyền lợi của nhân viên và môi trường sinh thái.

- Yếu tố về môi trường văn hóa xã hội: Mỗi quốc gia trên thế giới đều có một nền văn hóa riêng biệt và đặc trưng văn hóa của mỗi nước có ảnh hưởng đến tư duy và hành động của con người trong đời sống kinh tế xã hội của nước đó. Do vậy, các vấn đề thuộc về văn hóa- xã hội như: lối sống, nhân quyền, dân tộc, khuynh hướng tiết kiệm và tiêu dùng của các tầng lớp dân cư, thái độ đối với chất lượng cuộc sống, vai trò của phụ nữ trong xã hội... có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nói chung và hoạt động quản trị nguồn nhân lực nói riêng.

Nghiên cứu, cập nhật thường xuyên tình hình thị trường lao động phải là mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản trị nhân lực, đặc biệt là chính sách tiền lương và đào tạo. Nghiên cứu thị trường lao động sẽ góp phần hoàn thiện chính sách quản trị nguồn nhân lực mới đạt hiệu quả cao.

- Mức độ cạnh tranh trên thị trường: Trong nền kinh tế thị trường, nhà quản trị không phải chỉ cạnh tranh về sản phẩm mà còn cạnh tranh về nhân sự. Nhân sự là cốt lõi của hoạt động quản trị. Để tồn tại và phát triển không có con đường nào bằng con đường quản trị nhân sự một cách có hiệu quả. Nhân sự là tài nguyên quý giá nhất, vì vậy DN phải giữ gìn, duy trì và phát triển. Để thực hiện được điều này các DN phải có chính sách nhân sự hợp lý, phải biết lãnh đạo, động viên, khen thưởng kịp thời. Ngoài ra, DN phải có chế độ tiền lương đủ giữ nhân viên làm việc với mình, cải thiện môi trường làm việc, cải thiện phúc lợi. Nếu DN không thực hiện tốt chính sách nhân sự thì đối thủ cạnh tranh sẽ lợi dụng, lôi kéo những người có trình độ và như vậy DN sẽ mất nhân tài.

Các yếu tố môi trường bên trong

- Đội ngũ lãnh đạo: Đội ngũ lãnh đạo ảnh hưởng rất nhiều tới công tác quản trị nguồn nhân lực trong một DN thể hiện qua tư duy phát triển, tầm nhìn, sự am hiểu, phong cách giao tiếp, qua việc áp dụng các công cụ khích lệ để tạo ảnh hưởng lên hành vi ứng xử của nhân viên.

Ban lãnh đạo của một DN phải có đủ năng lực và những phẩm chất cần thiết của nhà lãnh đạo; đồng thời, phải biết lựa chọn những cách thức quản lý phù hợp, khuyến khích thích hợp để tạo động lực làm việc, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Họ cần sử dụng linh hoạt các phương pháp cùng nghệ thuật lãnh đạo để sử dụng nhân viên hợp lý với những điều kiện của công việc cũng như việc bố trí cho phù hợp với chức năng, năng lực và trình độ của họ. Trên cơ sở đó họ sẽ đạt được những thành công trong công tác quản trị nhân lực tại DN.

- Mục tiêu, chiến lược của DN: Toàn bộ mục tiêu và chiến lược của DN phải theo đà phát triển của xã hội. Vì vậy, cần phải đầu tư nâng cao trình độ công nghệ, hiện đại hóa thiết bị sản xuất, đổi mới cải thiện công tác quản lý; đẩy mạnh công tác nghiên cứu và tiếp thị; tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tạo đà giữ vững và phát triển thị phần trong nước, đồng thời xâm nhập thị trường nước ngoài.

- Cơ cấu tổ chức: Cơ cấu tổ chức là cách sắp xếp bộ máy phòng ban, các mối quan hệ, các luồng thông tin giữa các công việc, các cấp. Cần phải xác định được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa những người đảm nhận các công việc. Thực tế cho thấy, tổ chức tốt bộ máy là yếu tố quan trọng quyết định đến kết quả kinh doanh của một công ty.

Cơ cấu tổ chức của một DN quy định cách thức quản trị nguồn nhân lực tại DN đó. Tuy nhiên, dù cho thiết kế được một cơ cấu tổ chức tối ưu mà không biết cách tuyển chọn những con người phù hợp, trao nhiệm vụ và quyền hạn cho họ để thực hiện công việc hoặc là không kích thích, động viên họ làm việc thì cũng không đạt được các mục tiêu. Khi một cơ cấu tổ chức thay đổi, tăng hoặc giảm cấp bậc, mở rộng hoặc thu hẹp các chức năng, gia tăng quyền hạn hay thu hẹp quyền hạn... thì công tác quản trị nguồn nhân lực cũng phải thay đổi.

- Chính sách và các quy định của DN: Mọi chính sách, quy định trong DN đều ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động quản trị nguồn nhân lực nói riêng. Nó quy định về cách bố trí, sắp xếp, cách tuyển dụng, đào tạo nhân lực, chế độ lương, thưởng, nội quy lao động... Khi chính sách của DN thay đổi thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến các vấn đề trên.

- Văn hóa DN: Là hệ thống các chuẩn mực về tinh thần và vật chất, quy định mối quan hệ, thái độ và hành vi ứng xử của tất cả các thành viên trong tổ chức, phản ánh quá khứ và định hình tương lai cho tổ chức. Văn hóa DN chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố như văn hóa xã hội, chiến lược và chính sách của DN, phong cách của lãnh đạo... Đặc biệt, hoạt động quản trị nguồn nhân lực trong DN là yếu tố quan trọng quy định và phát triển văn hóa tổ chức, đồng thời văn hóa tổ chức cũng ảnh hưởng đến công tác quản trị của DN đó.

Tóm lại, quản trị nguồn nhân lực đóng vai trò trung tâm trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung của các DN. Quản trị nguồn nhân lực là một lĩnh vực quản trị quan trọng đối với tất cả các DN.

Tài liệu tham khảo:

1. Lê Anh Cường, Nguyễn Thị Lê Huyền (2014), Phương pháp và kỹ năng quản lý nhân sự, NXB Lao động Xã hội;

2. Lê Anh Cường (2018), Phương pháp và kỹ năng quản trị nhân sự, Viện nghiên cứu đào tạo về quản lý, NXB Lao động Xã hội;

3. Lê Thị Ái Lâm (2016), Phát triển nguồn nhân lực thông qua giáo dục và đào tạo. Kinh nghiệm Đông Á, NXB Khoa học Xã hội;

4. Nguyễn Văn Điềm và Nguyễn Ngọc Quân (2017), Quản trị nguồn nhân lực, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.

Doanh nghiệp “bật mí” bí quyết thành công trong áp dụng 5S
Kết quả bất ngờ từ tích hợp ISO/IEC 27001:2013 và ISO 9001:2015
Tìm cơ hội cho xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025
Để hàng Việt "bám rễ" thị trường Hoa Kỳ
Phát triển kinh tế tuần hoàn mang đến cơ hội, giải pháp cho vấn đề môi trường
Điểm danh lợi ích doanh nghiệp thu về khi áp dụng ISO 9000
Cấp thiết tăng cung nhà ở xã hội
Sau điều chỉnh, bảng giá đất Hà Nội cao nhất hơn 695 triệu đồng/m2
Nhiều giải pháp hỗ trợ của Bộ Tài chính tạo niềm tin, động lực cho doanh nghiệp phát triển
Doanh nghiệp “bật mí” bí quyết thành công trong áp dụng 5S
Tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng 60%
Phát triển kinh tế tuần hoàn mang đến cơ hội, giải pháp cho vấn đề môi trường
Quy định về đấu giá biển số xe
Tiêu hủy hơn 10 ngàn đơn vị hàng hóa
Nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 chín ngày liên tục
3 huyện của tỉnh Tuyên Quang nhận hỗ trợ hơn 366 tấn gạo dự trữ quốc gia
Cuộc đua taxi bay trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Cộng hòa Czech miễn thuế lợi nhuận từ tiền mã hóa bằng luật mới

Từ khóa » Hoạch định Tác Nghiệp Nhân Lực Của Vinamilk