YẾU TỐ VĂN HÓA TINH THẦN TRONG CỘNG ĐỒNG CƯ DÂN ...

YẾU TỐ VĂN HÓA TINH THẦN TRONG CỘNG ĐỒNG CƯ DÂN KHMER ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Bùi Thị Hồng Loan

Tóm tắt

Người Khmer là một thành phần dân cư sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long. Người Khmer thường cư trú tập trung. Tuy nhiên, ở một số vùng họ sống xen kẻ với người Việt và người Hoa. Với nền nông nghiệp lúa nước, người Khmer là một dân tộc có nền văn hoá phát triển đa dạng, phong phú. Mọi sinh hoạt của người Khmer đều gắn liền với Phật giáo Nam tông. Ngôi chùa được coi là trung tâm. Người Khmer có mối quan hệ khăng khít với người Việt tại vùng đất phương Nam. Người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long hầu hết là nông dân và sống ở nông thôn. Nghề nông cổ truyền đã đúc kết nhiều kinh nghiệm, phong tục tập quán gắn liền với những tàn dư tín ngưỡng. Các nghi lễ nông nghiệp mang sắc thái riêng của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long.

Từ khóa: Khmer, văn hóa, văn hóa tinh thần, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa dân gian

1. Về Tín ngưỡng, tôn giáo

Đối với đồng bào Khmer, họ luôn quan niệm rằng “vạn vật hữu linh”. Chính vì thế, thần mưa, thần sông, thần rừng,… luôn ngự trị trong tâm thức của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long.

Tín ngưỡng thờ Arak và Neak-ta rất phổ biến. Trước đây, mỗi dòng họ của người Khmer có một Arak hoặc nhiều Arak. Arak được thờ bởi nhiều dòng họ (Arak chua bua: của dòng họ). Các Arak thường thừa kế theo dòng nữ. Những gia đình cùng một bà tổ tính theo phía mẹ đều thờ chung Arak. Khi cúng Arak, điều kiện cần là phải có một người nữ làm rub arak (rub có nghĩa là xác) để cho Arak “nhập” linh hồn (thần nhập xác). Theo đồng bào Khmer, người đóng vai trò “xác” thường là người không bình thường (thông thường là những người có vấn đề về thần kinh). Người này làm “cầu nối” giữa thế giới thần linh với những người bằng xương bằng thịt (Nguyễn Xuân Nghĩa. 1979, 43). Arak không chỉ là thần bảo hộ dòng họ mà theo quan niệm của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long, Arak còn là thần bảo hộ nhà cửa (Arak pteh), thần bảo hộ gia đình (Arak phta), thần bảo hộ đất đai nơi cư trú (Arak phum)…

Arak đi khắp nơi trong phum không cố định chỗ ở như Neak Tà. Arak rất thích màu sắc và sẽ quở phạt những người trong phum không tôn trọng mình bằng những lời nói hoặc hành động vô lễ. Hình phạt đối với những người này là làm cho họ không khỏe mạnh. Trong nhà có người bệnh, người thân thường đi xem bói. Nếu thầy bói cho rằng người bệnh bị Arak quở, gia đình thường nhờ thầy bói xem ngài “ngự” ở đâu và mang lễ vật đến nơi đó cúng vái cầu xin hết bệnh.

Neak Tà là vị thần bảo hộ của một khu vực đất đai của đồng bào Khmer. Tuy nhiên, nguồn gốc của hình thái tín ngưỡng này về nét dị biệt của nó theo địa phương vẫn chưa được thống nhất. Thực chất, thuật ngữ “tà” dùng để chỉ một người đàn ông lớn tuổi. Ông Tà của đồng bào Khmer được ẩn dưới nhiều hình thức: Neak Tà trông coi phum sóc, Neak Tà canh giữ chùa, Neak Tà canh giữ đất đai. Ngoài ra còn có những ông Tà “quan sát” ngã 3 ngã 4 sông. Thông thường, ông Tà hay “ẩn thân” dưới dạng những hòn đá.

Người Việt gốc Miên rất tôn sùng ông Tà. Họ tin rằng những thiên tai như nắng hạn, ngập lụt, bệnh dịch ở thú vật, tai họa đến cho người do sự bất kính của người đối với ông Tà. Vì thế họ tin rằng mỗi khi có chuyện không may xảy đến thì họ phải cúng ông Tà để cầu xin ông bớt giận hoặc che chở cho họ (Lê Hương, 1969, 70). Đối với ông Tà, người Khmer không dám nói những lời thất kính sợ bị “quở phạt”.

Do quan niệm vạn vật hữu linh, người Khmer cũng giống như người Việt đều cho rằng có nhiều ma, quỷ sống lẫn lộn với con người. Người Khmer cho rằng ma quỷ có 2 loại: một là những người chết trẻ, chết bất đắc kỳ tử…; một loại do con người tạo ra để làm những việc đen tối, hại người. Hiện tượng xem bói, lên đồng trong đồng bào Khmer cũng khá phổ với nhiều hình thức công khai và lén lúc. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng biết được những vấn đề này nhưng vẫn cho qua.

Phật giáo đóng vai trò quan trọng và có vị trí cao nhất trong mọi lĩnh vực của đời sống người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Đa số, họ là Phật tử của Phật giáo Nam tông. Nói cách khác, người Khmer vừa là thành viên của phum sóc (Kon sóc) đồng thời họ cũng là “con Phật” ngay từ lúc họ mới ra đời. Hầu hết, sóc của đồng bào Khmer đều có chùa (mỗi sóc có ít nhất một ngôi chùa Phật giáo). Tuổi thọ của nhiều ngôi chùa lên đến hàng trăm năm tuổi. Ngôi chùa của người Khmer được xây dựng ở vị trí trung tâm của sóc, vừa rộng rãi vừa cao ráo với dáng vẻ sừng sững, nguy nga và tráng lệ. Đó là một quần thể kiến trúc và tiêu biểu cho nghệ thuật văn hóa truyền thống của người Khmer (Nguyễn Xuân Nghĩa, 1984)

Ngôi chùa chính là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của mỗi sóc Khmer. Đây là nơi tu hành của các vị sư sãi, đồng thời còn là nơi những người dân trong sóc đến để nghe các vị sư giảng về kinh Phật. Ngoài ra, bà con trong bổn sóc đến chùa để xin những lời khuyên của các vị sư sãi khi họ bắt đầu một công việc mới cũng như những vấn đề xảy ra trong cuộc sống thường ngày. Đồng bào Khmer tự nguyện đến chùa để làm công quả góp phần xây dựng và tu tạo ngôi chùa. Chùa Khmer còn là nơi tổ chức những lễ hội lớn trong năm của người Khmer như: lễ mừng năm mới Chol Chnam Thmei, lễ cúng ông bà tổ tiên (Đôn ta) và những nghi lễ Phật giáo. Trong chùa còn có trường học dạy chữ Khmer cho con em người dân Khmer trong sóc. Chùa dạy chữ Pali cho các vị sư sãi để đọc kinh Phật. Nhiều ngôi chùa Khmer còn có thư viện, lưu giữ nhiều sách Kinh Phật và các sách vở về văn hóa truyền thống của người Khmer. Những vị khách quý của phum, sóc sẽ được đón tiếp, chào mừng ngay ở chùa Khmer. Những cuộc hội họp về công việc chung của các thành viên trong sóc cũng thường được tổ chức tại ngôi chùa. Có thể nói, chùa Khmer vừa là trung tâm tôn giáo, trung tâm văn hóa, giáo dục và xã hội của mỗi sóc, phum. Người Khmer đã bỏ nhiều công sức, vật chất để xây dựng ngôi chùa của sóc khang trang và họ tự hào về ngôi chùa của mình.

Nghệ thuật và kiến trúc chùa tháp được coi là di sản đặc sắc nhất của văn hoá Khmer. Trong các ngôi chùa Khmer của Phật giáo Nam tông (Thérévada), ngoài tượng Ðức Phật Thích Ca được thờ duy nhất và chiếm vị trí trung tâm khu chính điện, vẫn tồn tại một hệ thống phong phú linh thần, linh thú - những dấu vết tàn dư còn lại của Bà la môn giáo và tín ngưỡng dân gian (http).

2. Về phong tục tập quán

Sinh nở được xem là sự kiện quan trọng trong gia đình. Mỗi lần sinh là bắt đầu cho vòng đời mới của một kiếp người. Chính vì thế, người Khmer còn gọi sinh đẻ là “đi biển” (chh’lon tonlê). Quan niệm xưa của người Khmer khi mang thai, người phụ nữ không được phép đi ra khỏi nhà với nhiều lý do khác nhau. Có ý kiến cho rằng: nếu thai mạnh, khi phụ nữ ra đường gặp phải thỏ đang chạy trên đường thì con thỏ ấy không thể chạy nổi. Ngoài ra, những người lớn tuổi còn cho rằng trong lúc thai nghén phụ nữ sẽ chậm chạp hơn đi ra đường dễ bị rắn cắn, sợ trâu bò húc, dễ bị tai nạn… Phụ nữ mang thai không được bước cao bước thấp, không được bước qua rãnh nước (sợ trơn trợt té ngã, sợ sốc thai), không được chạy nhảy, không được với tay lấy những vật dụng cao quá đầu (sợ đứt nhau thai) (Theo lời kể của ông Chau Nưng, 2009, phum Ô Thum, ấp Phước Lợi, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang).

Khi mang thai, trong ngôi nhà của chính mình người phụ nữ Khmer vẫn không được ngồi hoặc đứng ngay cửa ra vào và nhà hàng xóm cũng vậy. Với 2 lý do: thứ nhất về mặt thẩm mỹ nhìn thấy không đẹp, thứ hai thuộc về yếu tố tâm linh (nếu phụ nữ có thai đứng hoặc ngồi ngay cửa, ma quỷ sẽ nhìn thấy và sẽ theo “ám” làm cho người phụ nữ ấy bị “thai hành” đến khi sinh). Ngoài ra, người phụ nữ có thai cũng không được đi vào các nhà hàng xóm trong phum sóc một mình. Vì trước đây, nhà cửa trong phum sóc rất thưa (nhiều phum chỉ có vài nóc nhà), cây cối nhiều và có tán lá rất to. Người Khmer quan niệm rằng, cây to là nơi ma quỷ, thánh thần hay trú ngụ ở những nơi ấy. Nếu phụ nữ mang thai đi ngang qua, ma quỷ sẽ hiện ra nhát thậm chí bị “giấu”. Chính vì thế, về mặt tâm lý người phụ nữ Khmer mang thai ngày xưa rất ngại khi đi ra đường.

Trong xã hội lúc bấy giờ, nếu phụ nữ Khmer phát hiện mình có thai họ đều tìm đến các thầy cúng để làm phép trừ tà ma. Thầy cúng làm phép vào những sợi chỉ cho thai phụ đeo vào cổ và quấn ngang bụng cho đến lúc sinh xong mới được cắt bỏ. Quan niệm xưa cho rằng, khi được các thầy cúng làm phép thai nhi sẽ được khỏe mạnh phát triển tốt, thai phụ cũng không bị ốm đau. Trong suốt quá trình mang thai, nếu chỉ bị đứt trước khi sinh con thai phụ phải đến thầy cúng làm phép trừ tà lại.

Trong lúc mang thai, người phụ nữ tuyệt đối đội khăn không được quấn hoặc cột lại (thói quen quấn khăn gọn gàng của nông dân lao động) . Nếu người phụ nữ vẫn quen nếp sinh hoạt hàng ngày, đồng bào Khmer cho rằng thai phụ sẽ bị sinh khó (nhau quấn cổ em bé lúc sinh). Ngoài ra, người chồng của thai phụ cũng phải tạm bỏ thói quen đội khăn khi ra đồng (khăn quấn cổ, khăn cột ngang thắt lưng để dắt dao…). Chính vì thế, phụ nữ mang thai phải cẩn thận trong từng động tác của mình trong sinh hoạt gia đình. Người chồng cũng không được phép làm một số công việc có tính chất “đụt, đẽo…”. Tất cả những điều cấm kỵ trên nếu không thực hiện sợ ảnh hưởng quá trình sinh nở của vợ (sợ sinh khó và làm ảnh hưởng đến sức khỏe của vợ và con).

Vì vậy, đối với phụ nữ mang thai người Khmer rất ưu ái, không được làm nặng hoặc leo trèo. Người mang thai còn đến chùa cầu khấn Reahu cho sinh nở được mau mắn. Vì theo truyền thuyết, Reahu miệng rộng nuốt mặt trăng dễ dàng và nhả ra cũng nhẹ nhàng. Chính vì thế, phụ nữ Khmer tin rằng khi họ cầu xin Reahu sẽ sinh con được dễ dàng. Ở các chùa Khmer đều trang trí môtip Reahu với đầu to, miệng rộng, nhe răng, trợn mắt, hai tay nắm mặt trời hoặc mặt trăng đưa vào miệng.

Thức ăn cho phụ nữ mang thai tuyệt đối không được ăn cay, đắng, mặn, nóng, thức ăn có nhiều mỡ… và không được phép uống rượu. Đây là những loại thức ăn và đồ uống rất độc ảnh hưởng đến thai nhi và làm cho bé khó chịu.

Gần đến ngày sinh, người chồng phải chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết trong lúc sinh và sau khi sinh như: củi, than nằm lửa, thuốc ngâm rượu… Khi đau bụng sinh, người chồng hoặc người thân trong gia đình đi mời mụ về “đỡ đẻ”. Họ là những “mụ vườn”, những người này chưa từng qua trường lớp chỉ biết làm theo “kinh nghiệm”. Chính vì vậy, sản phụ luôn luôn bị những rủi ro đang rình rập trong lúc sinh nở. Người Khmer rất sợ sản phụ bị “krola ph’lơn” và trẻ con sơ sinh thì bị “slac teanh”. Trong gia đình của người Khmer, khi người con gái hoặc đàn bà “hư” người ta thường chửi rủa “mê krola ph’lơn” (có nghĩa là sau này sinh con sẽ bị krola ph’lơn mà chết).

Sản phụ sau khi sinh con, gia đình mời thầy cúng đến đọc thần chú đồng thời lấy chỉ trắng cột quanh chân giường. Ngoài ra, người Khmer còn lấy xương rồng hoặc lá dứa gai treo trước cửa nhà (cửa chính) để xua tà ma. Khi nhìn vào các vật ấy, hàng xóm biết trong nhà có phụ nữ sinh con. Lá dứa được treo đúng 3 ngày thì chủ nhà sẽ lấy xuống. Trong 3 ngày đó, chủ nhà sợ ma quỷ vào sẽ bắt con cháu mình đi nên tìm cách khống chế không cho thế lực này vào. Người Khmer quan niệm ma quỷ rất sợ dứa gai. Hàng xóm láng giềng hay họ hàng thân thuộc nếu nhìn thấy lá dứa gai treo trước nhà, dù có việc cần họ cũng không vào sợ ảnh hưởng đến đứa bé mới sinh.

Khi lá dứa được gỡ xuống, người ngoài hay họ hàng được vào thăm. Nhưng họ hạn chế khen đứa trẻ (Ví như: nó đẹp quá, bụ bẫm, ngủ ngon,… ). Họ cho rằng, khách ra về đứa trẻ ấy sẽ không ngủ, khóc đêm, bệnh tật và hành hạ người mẹ phải thức thâu đêm suốt sáng chăm con. Vì vậy, họ chỉ được phép chê bai đứa trẻ. Vì người Khmer quan niệm rằng: khi ai đó vào thăm sản phụ và đứa bé, nếu nói ra bất kỳ điều gì thì sẽ ứng nghiệm ngay. Nhưng sẽ ngược lại với điều mà người vào thăm nói ra (bé bụ bẫm thì bé sẽ bị bệnh...). Phụ nữ sinh con không được đến nhà ai trong giai đoạn ở cữ. Người Khmer cho rằng người phụ nữ lúc này sức khỏe yếu sau lần “vượt cạn” và cơ thể không sạch sẽ (dơ), không mang đến sự may mắn cho người khác.

Đứa trẻ sau khi sinh được 1 tháng, làm lễ cắt tóc “trả ơn mụ” và làm lễ đặt tên cho bé. Trong thời gian nuôi con, nếu đứa trẻ bị bệnh gia đình thường cúng Arak “cầu xin hết bệnh”.

Khi đứa trẻ được 12 tuổi, nếu là con trai cho vào chùa đi tu để được học chữ và kinh Phật. Quan niệm của người Khmer, con trai đi tu là để báo hiếu cho cha mẹ. Đối với con gái, gia đình người Khmer phải nhờ nhà sư làm lễ “Trận đạm” (Tchen t’an) trước 11 tuổi hay còn gọi là lễ “phá tân” cho các cô gái. Sau khi kết thúc lễ, cha mẹ cô gái phải “xin chuộc” nếu không cô gái ấy sẽ thuộc về nhà sư mãi mãi và không được lấy người nào khác (Lê Hương, 1969, 84).

Khi đã trưởng thành, người con gái Khmer phải chấp hành nghiêm túc tập tục “vào bóng mát”. Các cô gái tự giam mình trong buồng tối 6 tháng để tránh mặt trời và mọi người xung quanh. Trước cửa buồng, cha mẹ cô gái “đánh dấu” cấm không cho ai vào. Trong thời gian này, các cô gái chăm chỉ học may vá, thêu thùa… Trước khi kết thúc giai đoạn này, gia đình cô gái nhờ Acha làm lễ tạ. Trong buổi lễ, có nghi thức “tìm chồng tương lai”. Vị Acha đổ 1 thúng gạo xuống chiếu và vùi vào đó một số vật “tượng trưng” cho người chồng tương lai cho cô gái. Đêm đến, cô gái gối đầu trên đống gạo ngủ. Sáng dậy, cô gái lấy tay thọc vào đống gạo tìm bất kỳ vật gì (không có sự lựa chọn). Vật bắt được tượng trưng cho “bản chất” của người chồng cô gái sau này (bói tương lai). Ví như cô gái bắt phải cái vỏ chai về sau chồng của cô gái sẽ là người nát rượu…(Lê Hương, 1969, 86-87)

Đối với đồng bào Khmer, mùa cưới bắt đầu khi đã thu hoạch xong mùa màng và trước Tết Chol Chnam Thmei. Việc cưới xin là vấn đề quan trọng của cả đời người. Người Khmer cho rằng, mùa màng trúng, thất (được mùa hay mất mùa) có năm nhưng cưới hỏi “sai 1 li đi 1 dặm”. Chính vì thế, muốn dựng vợ gả chồng cho con cái phải “xem kỹ” phẩm hạnh, đạo đức của chàng rễ, nàng dâu và cả gia đình của họ.

Hôn nhân thường do cha mẹ xếp đặt, có sự thoả thuận của con cái. Hôn nhân thường trải qua 3 bước: làm mối, dạm hỏi và lễ cưới thường được tổ chức ở bên nhà gái. Sau khi cưới, người con trai phải ở bên nhà vợ một thời gian. Trải qua vài năm hoặc khi có con, họ ra ở riêng nhưng vẫn cư trú bên ngoại (http). Trai gái Khmer khi đến tuổi trưởng thành được tự do yêu đương. Gia đình có con trưởng thành, họ tự tìm hiểu yêu nhau hoặc do mai mối. Nếu được cha mẹ đồng ý thì tiến hành làm lễ cưới. Theo quan niệm của người Khmer, đó là ngày gối đôi. Dân gian thường gọi là ngày “Pi-pea” hay “Apea Piea”. Ngày nay, cộng đồng người Khmer ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn còn giữ được phong tục lễ cưới giàu bản sắc văn hoá dân tộc. Xưa nay, người Khmer luôn cho rằng cưới xin là nét sinh hoạt truyền thống thuộc lĩnh vực văn hóa dân gian gắn liền với phong tục tập quán của cộng đồng. Đám cưới của người Khmer với nhiều nghi thức bắt nguồn từ truyền thuyết, truyện cổ tích.

Tang ma của người Khmer có phần khác so với cộng đồng cùng sinh sống. Họ không để tang người chết. Người Khmer đồng bằng sông Cửu Long quan niệm rằng, cái chết chưa phải là chấm dứt cuộc sống mà vẫn “sống” ở một thế giới khác. Chính vì thế, người thân trong gia đình chuẩn bị tiễn đưa người chết với nhiều nghi thức phức tạp và con cháu thường xuyên “làm phước”, mang nhiều lễ vật cúng cho chùa và sư sãi. Đồng bào Khmer tin rằng, những lễ vật ấy sẽ theo khói nhang và tiếng kệ lời kinh đến được với cha mẹ cũng như ông bà của họ ở thế giới bên kia. Tùy theo con cháu “trên này” làm phước ít hay nhiều thì cuộc sống “bên kia” của họ sung sướng hay chật vật.

Người Khmer chịu ảnh hưởng khá sâu sắc triết lý nhà Phật “nhân quả luân hồi”. Chính vì thế, họ quan niệm lúc sống phải sống tốt (thường xuyên làm phước, làm nhiều điều tốt, giúp đỡ mọi người,…) sẽ gặp phước và đến lúc chết sẽ được đến “nơi tốt”. Tục ngữ Khmer có câu:

“Ruốt ôi kop – ngop ôi kua”

Có nghĩa là: Sống xứng đáng – chết để tiếng

Hoặc: “Kòm slắp munh rus – Kom rus munh sláp”

Có nghĩa là: Đừng sống trước chết – đừng chết trước sống

Hay còn có nghĩa: Trước khi chết đừng để tiếng xấu cho con cháu

Đối với người Khmer, tục hỏa thiêu đã có từ lâu. Sau khi thiêu, tro được giữ trong tháp "Pì chét đẩy" xây cạnh ngôi chính điện trong chùa. Tuy nhiên, những người chết bất đắc kỳ tử như chết đuối, chết dịch bệnh hoặc ít tuổi (trẻ con) đem chôn nơi xa với hòm vỏ như tập tục người Việt (Thạc Nhân, 1966, 62). Đối với đồng bào Khmer, khi trong nhà có người lâm bệnh gần “hấp hối” người thân trong gia đình mời sư sãi về tụng kinh. Lúc lâm chung, tất cả bà con trong họ hàng thân tộc cũng như láng giềng trong phum sóc đều đến để tụng kinh và giúp đỡ. Họ tắm cho người vừa qua đời, thay quần áo và cho xác chết vào quan tài. Sau đó, gia đình nhờ nhà sư xem ngày giờ hỏa táng và làm lễ đưa xác đến hỏa đàn. Lúc đưa quan tài đến hỏa đàn, con cháu theo sau quan tài choàng trên đầu chiếc khăn trắng (người Khmer không để tang như người Việt) khóc lóc kể lể. Đám tang đi cũng có cờ phướn (vải trắng), phu xe… Đến hỏa đàn, nhà sư làm lễ cầu cho linh hồn người chết cùng bà con đi theo linh cữu rồi để quan tài lên hỏa đàn và phát lửa. Thiêu xong, lấy tro xương cho vào tháp nhỏ (chất liệu của tháp tùy thuộc vào khả năng kinh tế của từng gia đình) sau đó để vào tháp lớn ở chùa.

Theo phong tục của người Khmer, xem ngày thiêu xác phải cẩn thận (nhất là ngày thứ 3 trong tuần thì không được lập giàn hỏa). Nếu lập ngày đó, con cháu về sau làm ăn không tốt. Trường hợp đang tiến hành lễ hỏa táng, nếu trời mưa người Khmer cũng tin rằng đó là điềm không lành sẽ mang đến những bất hạnh cho gia chủ và con cháu.

3. Về văn hóa dân gian, giáo dục và lễ hội

Văn hóa dân gian, người Khmer có cả một kho tàng phong phú về truyện cổ như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười. Bên cạnh đó, họ còn có một nền sân khấu truyền thống như Dù kê, Dì kê, một nền âm nhạc vừa có nguồn gốc Ấn Ðộ, vừa có nguồn gốc Ðông Nam Á. Nghệ thuật và kiến trúc chùa tháp được coi là di sản đặc sắc nhất của văn hoá Khmer. Trong các ngôi chùa Khmer của Phật giáo Nam Tông Khmer Nam bộ, ngoài tượng Ðức Phật Thích Ca được tôn thờ duy nhất, chiếm vị trí trung tâm khu chính điện, vẫn tồn tại một hệ thống phong phú linh thần, linh thú - những dấu vết tàn dư còn lại của Bà la môn giáo và tín ngưỡng dân gian.

Đối với đồng bào Khmer, những ngày lễ quan trọng trong năm cũng chính là những dịp tổ chức các hình thức sinh hoạt dân gian. Ca hát có vần điệu giống như ca dao Việt Nam, thường có hai nhịp mau và chậm. Lối hát được người Khmer ưa thích là hát “azay” cùng với cây đàn cán dài có 2 dây. Điệu múa lâm thôn đặc biệt được đồng bào Khmer yêu thích. Dàn nhạc ngũ âm là nhạc khí đặc trưng của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long.

Vấn đề giáo dục của người Khmer có những nét đặc biệt, đồng bào có một hệ thống văn tự rất sớm. Đa phần, hệ thống giáo dục do các nhà sư trong chùa đảm nhiệm. Người Khmer rất coi trọng việc học tập, nhất là học tiếng dân tộc, kinh Phật theo tiếng Pali (Phan An, 1985, 25).

Lễ hội và phong tục tập quán của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long thường hòa quyện vào nhau. Trong từng lễ (bund) có nhiều nghi thức (pithi). Ở mỗi nghi thức cụ thể đều có sự đan xen giữa yếu tố tôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Các lễ hội của người Khmer gắn với sinh hoạt thường ngày. Người Khmer không có sự phân biệt “rạch ròi” giữa phong tục tập quán với lễ hội, các yếu tố lễ và hội quyện vào nhau cho chúng ta thấy sự phong phú của lễ hội dân tộc. Lễ hội của đồng bào Khmer gắn liền với đạo đức, lối sống và ước nguyện của con người trong cuộc sống. Đồng bào thực hiện những nghi lễ mong sao cho quan hệ giữa con người và thiên nhiên tốt hơn.

4. Kết luận

Người Khmer là một trong những dân tộc ít người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam cư trú ở đồng bằng sông Cửu Long. Người Khmer thuộc nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước, cư trú theo dạng công xã. Họ có một nền văn hóa truyền thống phong phú đặc sắc, ảnh hưởng đậm nét văn hóa Ấn Độ và Phật giáo. Họ là những người nông dân sống ở nông thôn. Người Khmer có mặt hầu khắp các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Nông nghiệp cũng gắn liền với những tàn dư tín ngưỡng và các nghi lễ mang sắc thái riêng. Tín ngưỡng thờ Arak và Neak tà rất phổ biến đối với đồng bào Khmer. Nghệ thuật và kiến trúc chùa tháp được xem là di sản đặc sắc của văn hóa Khmer.

Phật giáo Nam Tông Khmer Nam Bộ đóng một vai trò quan trọng trong đời sống. Ngôi chùa mang một tình cảm rất thiêng liêng và sâu sắc. Chùa là biểu tượng tinh thần của cộng đồng dân cư cũng như đối với từng cá nhân trong sóc. Sinh hoạt tôn giáo sống động, lễ hội tôn giáo và lễ hội dân gian cũng như các hình thức diễn xướng dân gian vẫn được bảo lưu, tuy có suy giảm về một số nghi lễ tín ngưỡng dân gian.

Xét về phương diện sinh hoạt văn hoá cộng đồng, về ý thức tâm lý và tình cảm cộng đồng thì phum sóc của người Khmer là một đơn vị xã hội khép kín mang tính hướng nội. Chính vì vậy, tính cộng đồng bền vững, sâu sắc và trường tồn trong lịch sử. Đó chính là không gian sinh tồn mà trong đó văn hoá dân tộc giữ gìn và phát triển.

Tài liệu tham khảo

Lê Hương. (1969). Người Việt gốc Miên. Nhà xuất bản Sài Gòn.

http://www.ubdt.gov.vn/modules.php?name=Content&op=details&mid=509

Nguyễn Xuân Nghĩa. (1979). Tín ngưỡng thờ Arak và Neak Ta. Tạp chí Dân tộc học, số 3.

Nguyễn Xuân Nghĩa. (1984). Đạo Phật tiểu thừa Khmer ở vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 4. Hà Nội.

Phan An. (1985). Nghiên cứu về người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Dân tộc học, số 3.

Thạc Nhân. (1966). Tìm hiểu văn hóa và xã hội người Việt gốc Miên. Văn hóa Nguyệt san, bộ mới số 1.

Từ khóa » Dân Tộc Khmer Là Gì