Yêu Và Trao... - Tuổi Trẻ Online

Đó là trăn trở của nhiều người trẻ về tình yêu và tình dục, cho hay không cho, vượt rào hay dừng lại, và những hệ lụy sau hôn nhân. Đáng lưu ý là người cho đi thì ray rứt đã đành, người giữ khư khư cho riêng mình cũng dằn vặt, người muốn thử nhưng không dám cũng khổ sở... Thậm chí các chàng trai cũng không vui sướng gì khi phải trả giá bằng sự chai sạn cảm xúc sau những phi vụ “hái quả” quá nhiều. Mỗi lựa chọn đều có giá của nó và người trẻ đang đau đầu trước việc yêu và trao...

Xa nhau vì “vượt rào”

u2k1Ym5N.jpgPhóng to
Ảnh minh họa: Thuận Thắng

“Vượt rào” sau gần năm năm yêu nhau, tôi càng tự tin rằng cô ấy không thể nào chia tay mình vì đã là của nhau rồi. Thậm chí nếu trước đó cô ấy là người trên cơ, thì sau “chuyện ấy” thế cờ được lật ngược hoàn toàn. Tôi nói gì cô ấy cũng răm rắp nghe, chỉ một cái liếc mắt của tôi cũng khiến cô ấy im re...

Vì vậy, khi người bạn gái đó lạnh lùng nói tiếng chia tay chỉ bằng một cuộc điện thoại với lý do đã yêu người khác, tôi thật sự sốc, cảm thấy bị tổn thương và phần nào xem thường người con gái đó. Dù sau này ngẫm lại, có lẽ cô ấy đã quá ngột ngạt bởi sự ràng buộc ngầm giữa hai đứa, khiến cô ấy dễ dàng sà vào vòng tay người đàn ông khác.

Trước kia tôi băn khoăn rất nhiều trước khi ăn “trái cấm”, ít nhiều vẫn muốn giữ gìn cho bạn gái mình để người ta không gặp khó khăn trong mối quan hệ mới nếu lỡ hai đứa chia tay. Sau lần đó, tôi dễ dàng vượt rào với những người bạn gái tiếp theo rồi chia tay không chút ăn năn. Bây giờ chín chắn hơn, ngẫm lại những lần vượt rào của mình, tôi ân hận.

Bởi sau tất cả sự thỏa mãn xác thịt, các mối quan hệ của tôi đều tuột dốc nhanh hơn. Tôi không cảm thấy yêu những người bạn gái đó như ngày đầu mới quen. Không hẳn là tôi xem thường họ dễ dãi, nhưng chính mặc cảm “đã mất” cái ngàn vàng do chính họ dựng nên khiến họ trở nên yếu thế và kém hấp dẫn hơn trong mắt tôi. Cá nhân tôi cũng nghi ngờ thực chất tình cảm mình dành cho họ là gì? Tình yêu hay chỉ là chút cảm hứng giới tính?

Nếu có thể quay ngược thời gian, có lẽ tôi sẽ chọn giữ gìn cho nhau. Bởi cái mất không chỉ là lần đầu tiên của người con gái mà còn là cảm xúc yêu một cách tự do, không chiếm hữu hay ràng buộc.

Giá như đã dám“thử yêu”!

Từ nhỏ cho đến khi trở thành cô thiếu nữ yểu điệu, mẹ luôn dặn tôi phải biết giữ mình cho đến khi về nhà người ta. Mẹ cho rằng đó là chiếc chìa khóa để “cánh cửa” hôn nhân của tôi sau này được hạnh phúc trọn vẹn...

Hết cấp III, tôi rời miền Trung vào Sài Gòn học đại học, rồi quen và yêu anh, một chàng trai tử tế và chu đáo. Thời gian đó, sự gần gũi nhất giữa chúng tôi chỉ là những nụ hôn hay những chiếc ôm. Ham muốn thể xác đôi khi như đẩy chúng tôi đi xa hơn nhưng cả hai đều ý thức kiềm chế chờ ngày chính thức là của nhau.

Thế nhưng khi đã là vợ chồng danh chính ngôn thuận thì chuyện chăn gối không như mong đợi. Đó là nỗi nhàm chán đến ám ảnh khiến cuộc sống riêng của vợ chồng luôn tẻ nhạt. Cả hai không có sự đồng điệu. Tôi hụt hẫng còn anh ngượng ngùng tìm cách lẩn tránh. Sau đó, chúng tôi thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ và động viên nhau tìm mọi cách cải thiện tình trạng, nhưng hết thảy đều vô vọng. Cũng từ đó, giữa vợ chồng hình thành một bức tường vô hình ngăn cách dù cả hai vẫn còn yêu thương và sống có trách nhiệm với nhau.

Nhiều đêm dài nằm bên chồng mà khát khao yêu đương dâng lên mãnh liệt. Cảm giác bứt rứt, khó chịu giày vò tôi ngày qua ngày. Cô bạn thân từ thời đại học mắng tôi “tồ”, là lạc hậu khi không “thử yêu” trước để bây giờ “lệch pha” rồi đau khổ, tiếc nuối. Tôi giật mình thảng thốt không biết liệu “bến bờ” hôn nhân này rồi sẽ đi về đâu? Tuổi xuân của tôi, những ngày tháng còn lại của cuộc đời rồi sẽ héo mòn và lặng lẽ qua đi như thế này sao?

Bước hụt

Dù không phải chạy theo phong trào “sống thử” của người trẻ nhưng chúng tôi quan hệ với nhau đơn giản bởi chúng tôi muốn gần gũi hết mức với người mình yêu. Mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp. Tình yêu anh dành cho tôi vẫn tròn đầy mà không nhạt đi theo kiểu khi “con ong đã tỏ đường đi lối về...”.

Chúng tôi vẫn có những buổi hẹn lãng mạn, vẫn những lời có cánh nồng nàn trao cho nhau sau một ngày làm việc nhiều áp lực. Tôi không bận lòng về chuyện khi nào anh phải cưới tôi. Bởi một cô gái hiện đại, thông minh sẽ không cứng nhắc buộc chàng trai mình yêu vào trách nhiệm hậu quan hệ.

Nhưng một ngày, tôi nhận tin xấu từ bác sĩ phụ khoa. Việc điều trị viêm nhiễm phức tạp hơn tôi nghĩ. Trong suốt quá trình điều trị, anh vẫn muốn “yêu”. Những cơn đau rát ngày càng tăng lên. Sau cuộc yêu, tôi lặng lẽ đến tái khám bệnh viện phụ sản cùng... cô bạn thân. Không lần nào là cùng anh bởi anh “ngại đến mấy chỗ như thế”.

Mâu thuẫn bắt đầu xảy ra khi tôi nhất quyết không chấp nhận “yêu” mà không có vật gì bảo vệ. Khi đó, anh biến thành một người khác hẳn. Dễ nổi nóng và không ngọt ngào nữa. Cuộc điều trị rồi cũng qua đi. Hơn một năm sau, chúng tôi cưới và hai bên nội ngoại đều mong có cháu để ẵm bồng. Một tháng, hai tháng, một năm, hai năm, ba năm...

Không nói với anh, tôi đến khám tại bệnh viện. Bác sĩ nói có thể do lối sống trước đây, do một lần trót từ bỏ đứa con trong bụng nên khả năng thụ thai của tôi rất thấp. Tôi ra về với cảm giác ngỡ ngàng và chua xót. Mọi suy nghĩ muốn bùng nổ trong đầu mà miệng tôi phải lặng câm, chẳng dám hé với ai. Càng nghĩ đến khát khao có cháu ẵm bồng của ba mẹ, càng thèm có con, tôi càng tự dằn vặt mình “giá như tôi đã sống khác hơn”...

Thân gửi Nhịp sống trẻ!

Dù đã nhiều năm trôi qua, tôi vẫn không thôi dằn vặt bản thân rằng mình đã sai khi cố giữ trong trắng đến nỗi phải mất anh?

Bố mẹ đều là giáo viên nên từ nhỏ tôi được giáo dục trở thành một thiếu nữ đoan chính. Mẹ nhờ các xơ dạy tôi học tiếng Anh, học đàn... và những mong hình ảnh dịu dàng, đoan trang của các xơ sẽ dần ảnh hưởng lên con gái mình. Tôi vui vẻ sống trong khuôn phép được bố mẹ đặt ra mà không một lần nhen nhóm ý nghĩ phản kháng.

Năm đầu đại học tôi yêu L., bạn của chị gái mình. Chàng hotboy với hàng loạt ưu điểm như đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi, cư xử ngọt ngào... luôn khiến tôi phổng mũi trước mọi người. Nhóm bạn gái ngưỡng mộ khi thấy phòng tôi ngập tràn những món quà tự tay anh làm: ngôi nhà với xích đu, cây cỏ, bộ bàn ăn bằng que diêm và tăm; chiếc đèn ngủ nhỏ xíu với đèn ớt và kẽm uốn; thiết bị báo động gắn ở cửa ra vào...

Anh thường trò chuyện với bố, giúp mẹ những việc nặng. Sự nghiêm túc, đàng hoàng của anh khiến bố mẹ hoàn toàn yên tâm cho phép anh đưa tôi đi chơi qua 10 giờ đêm. Được hậu thuẫn, càng ngày anh càng mạnh dạn bày tỏ những cử chỉ thân mật: vuốt ve, mơn trớn những lúc chỉ có hai đứa trong phòng riêng. Tôi hoảng sợ lảng tránh, thường viện lý do để chạy ra ngoài, hay nhiều lần mím chặt môi cương quyết từ chối nụ hôn của anh. Tôi sợ sau nụ hôn sẽ là cái ôm, kế đến là sờ soạng và rồi mọi chuyện sẽ đi quá xa mà mình không thể kiểm soát nổi. Vậy chi bằng mình ngăn ở bước đầu tiên. Tôi chỉ muốn anh đợi đến ngày cưới nhưng dường như anh không hiểu. Có lần bị anh tức giận đè hẳn lên người để cố hôn, tôi bật khóc. Anh như sững đi một lúc rồi buông tôi ra...

Bẵng đi một thời gian, anh ít đến nhà. Bố mẹ hỏi, chúng tôi đều nói anh bận. Rồi lời chia tay đến bất ngờ, nhanh như anh đã chuẩn bị từ lâu lắm: “Chúng ta không gần gũi nhau. Anh chán vì phải cố hiểu em!”. Ban đầu tôi giận vì lý do của anh trần trụi quá. Chỉ vì chuyện đó mà anh bỏ tôi để đến với một cô gái sẵn sàng trao cho anh tất cả sao? Cơn giận kéo dài vài tháng thì tôi lún dần trong đau khổ. Rồi tôi khóc, nỗi đau ngấm dần, bóp nghẹt lấy mình đến mức tôi chưa từng tưởng tượng ra. Hơn hai năm sau, tình cờ bắt gặp anh và một cô gái bước vào quán cà phê quen thuộc, tôi vẫn cảm thấy lòng đau đến mức không nhấc nổi người dậy để bước ra xa họ. Thỉnh thoảng đầu tôi tua đi tua lại lời tự vấn: “Phải chăng mình đã sai khi cố giữ nguyên vẹn đến ngày cưới?”.

wrMuFi3a.jpgPhóng to

NGUYỄN CHÍ LONG (sinh viên Trường ĐH Y dược Huế)

Trong tình yêu, khi giữa hai con người có sự hòa hợp và tin tưởng nhau nhất định thì việc họ tin và trao cho nhau những gì quý giá nhất là điều không ai ngăn cấm được. Nhưng điều này chỉ nên diễn ra khi có sự đồng ý giữa hai bên, đồng thời họ ý thức và dám chịu trách nhiệm với hành động của mình. Hơn nữa, điều quan trọng hơn là phải có kiến thức về tình dục an toàn để biết tự bảo vệ mình.

QT7R5dCy.jpgPhóng to

NGUYỄN HUỲNH MAI THY (sinh viên Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM)

Thuộc thế hệ 9X, tôi không quá khắt khe với bản thân nhưng vẫn không đồng tình chuyện “vượt rào” khi yêu nhau. Nhiều lúc tôi băn khoăn tại sao phải đánh đồng tình yêu với tình dục. Bạn bè xung quanh tôi thường bảo khi yêu thì phải hết mình, nhưng hết mình có nhất thiết phải trao cho nhau tất cả? Nếu yêu bạn thật lòng, người ấy sẽ nâng niu, trân trọng và gìn giữ cho bạn thay vì chỉ chăm bẳm nghĩ đến chuyện làm thế nào thuyết phục được bạn lên giường.

NBS4OKRE.jpgPhóng to

VÕ THỊ KHÁNH LY (nhân viên xuất nhập khẩu)

Tôi có thể vượt rào khi cảm nhận được người đó thật sự là nửa kia của đời mình và mình phải hiểu biết đầy đủ về sức khỏe sinh sản. Tôi sẽ không hối hận bởi tôi tin vào tình yêu của mình và đủ trưởng thành để chịu trách nhiệm với việc ấy. Nhưng điều đặc biệt hơn, nếu gặp phải kẻ sở khanh, biết đâu chuyện “vượt rào” đó lại giúp tôi tìm được một người chồng thật sự chân thành và cảm thông với những sai lầm khờ dại của mình trong quá khứ.

ZtBr5ruc.jpgPhóng to

TRỊNH HOÀNG NAM (sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

Tôi cho rằng chuyện yêu đương là hoàn toàn tự do. Tôi có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, không ai có thể cấm đoán. Và tôi cũng sẵn sàng chấp nhận một người con gái đã “vượt rào” với người khác. Vì sao? Bởi đơn giản vì người tôi cần là người con gái chung thủy, hết lòng với người mà họ yêu thương chứ không phải là một cô gái còn “nguyên” nhưng sẵn sàng bỏ mình bất cứ lúc nào. Nhiều bạn nam quan niệm không chấp nhận “hàng đã qua sử dụng”, có nghĩa là các bạn đã tham gia một cuộc chơi trong tình trường nhưng không dám chấp nhận luật chơi của nó. Bạn có cảm thấy như vậy là ích kỷ không?

Từ khóa » đi Khách Sạn Nhưng Không Vượt Rào