Yukata Và Kimono, Những Giá Trị Văn Hóa đằng Sau Trang Phục ...

Đôi nét về Kimono - quốc phục của Nhật Bản

Kimono được biết đến là trang phục truyền thống cũng như là quốc phục của đất nước mặt trời mọc. Kimono thường được mặc vào những dịp đặc biệt. Qua họa tiết trang trí, cách mặc cùng những phụ kiện đi kèm, ta có thể biết được độ tuổi, giới tính, hay thậm chí cả tình trạng hôn nhân của người mặc.

Từ "kimono" trong tiếng Nhật có nghĩa là "thứ để mặc." Ý nghĩa của thuật ngữ này đã thể hiện rằng kimono được người dân Nhật Bản coi là trang phục để mặc hàng ngày. Những bộ kimono truyền thống giúp chúng ta hiểu được cách ăn mặc của người dân Nhật Bản qua thời gian cũng như thể hiện được lối sống và văn hóa của Nhật Bản qua các thời kì. Có thể nói rằng, kimono đã phần nào thể hiện được giá trị bản sắc dân tộc của xứ Phù Tang.

Lịch sử về Kimono: Văn hóa Kimono qua 1,700 năm lịch sử

Nguyên mẫu đầu tiên của kimono đã được du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc vào thời kỳ Kofun (300-538 SCN).

Đến thời kỳ Heian (794-1185), kimono dần trở nên phổ biến hơn và có những quy chuẩn nhất định, chẳng hạn như những bộ kimono nhiều lớp thường dành cho phụ nữ, màu sắc của kimono thể hiện các cấp bậc khác nhau trong vương triều (màu càng đậm thì cấp bậc càng cao) hay sự kết hợp của các lớp màu cụ thể trên áo thường đại diện cho các loài cây, loài hoa và cả những mùa trong năm.

Vào thời Edo (1603-1868), tay áo của những bộ trang phục kimono được thiết kế dài hơn. Bên cạnh đó, "obi" (vải quấn ở phần thắt lưng) đã không còn là dây đai quấn lưng nhỏ, thường được giấu đi như trước đây, mà thay vào đó là những miếng vải khổ lớn, dài hơn và phải có một phụ kiện riêng để giữ cố đinh. Từ đó, những chiếc kimono Nhật Bản đã được hình thành và không thay đổi cho đến nay.

Cũng trong thời kỳ này, việc tầng lớp thương gia tự do mặc những bộ trang phục kimono vải nhuộm "shibori" hay kimono "shishu" họa tiết thêu làm từ lụa đắt tiền phần nào ảnh hưởng đến vị thế của tầng lớp thượng lưu. Vì vậy, chính quyền thời bấy giờ đã ban sắc lệnh: cấm tầng lớp thương gia mặc những bộ kimono shibori và shishu vải lụa. Từ đó kỹ thuật nhuộm vải "yuzen" đã ra đời, giúp vải không bị phai màu và đồng thời có thể trang trí được nhiều họa tiết bắt mắt. Bên cạnh đó, vải cotton cũng được sử dụng phổ biến thời bấy giờ.

Trong thời kỳ Meiji (1868-1912), Nhật Bản đã mở cửa giao thương với các nước phương Tây sau hàng trăm năm cô lập. Những người làm việc cho chính quyền thời bấy giờ bắt đầu mặc trang phục phương Tây khi đi làm và tiếp tục duy trì mặc những bộ kimono truyền thống khi ở nhà. Còn phụ nữ thì không bị ảnh hưởng quá nhiều trong lối ăn mặc, chỉ có một vài thay đổi nhỏ như việc đeo thêm các phụ kiện phương Tây như găng tay, ủng và khăn quàng cổ.

Vào thời Taisho (1912-1926), kimono cũng có một vài thay đổi lớn. "Meisen" (một loại vải tơ nhuộm rẻ hơn, bền hơn) bắt đầu được sử dụng để sản xuất kimono. Meisen thường nổi bật với những thiết kế bắt mắt, tươi sáng nhất trong lịch sử kimono. Chất liệu này vừa đáp ứng nhu cầu mua kimono giá rẻ trong thời kỳ suy thoái kinh tế, vừa đáp ứng yêu cầu về chất lượng và cả về hình thức với nhiều màu sắc bắt mắt, thậm chí còn có vai trò quan trọng tương tự như quần jean ở các nước phương Tây.

Cho đến Chiến tranh thế giới thứ hai, kimono không còn được mặc thường xuyên như trước đây và được xem như một trang phục đòi hỏi quá nhiều vải và không thực tế với thời chiến lúc bấy giờ. Kimono không còn được sử dụng, thậm chí còn dùng để đổi lấy nhu yếu phẩm hàng ngày và phụ nữ Nhật Bản bắt đầu cho con cái của mình ăn mặc theo phong cách phương Tây. Đây chính là thế hệ những người Nhật đầu tiên không mặc kimono như một bộ trang phục hàng ngày từ lúc họ ra đời!

Kimono dành cho nữ giới: Mặc trong mỗi dịp khác nhau, từ trang trọng đến thường ngày

・Furisode

Furisode là loại kimono trang trọng nhất dành cho thiếu nữ, đặc biệt là những cô gái chưa kết hôn. Những trang phục này thường có vạt áo dài (từ 100-110 cm) và được trang trí với các hoa văn sặc sỡ và bắt mắt. Furisode thường được mặc tại Lễ trưởng thành "Seijin Shiki" của Nhật Bản hoặc trong đám cưới dành cho cô dâu và những cô gái trẻ chưa kết hôn khác.

・Kurotomesode

Kurotomesode là bộ kimono trang trọng nhất dành cho phụ nữ đứng tuổi. Những trang phục này thường có nền màu đen, thiết kế dọc theo viền áo. Kurotomesode được mặc cho các sự kiện trang trọng như đám cưới, thường dành cho người thân của cô dâu.

・Homongi

Homongi là một loại kimono không quá trang trọng nhưng vẫn toát lên vẻ lịch sự và đặc biệt nổi bật với những họa tiết bắt mắt. Các họa tiết thường có ở mặt sau của vai phải, tay áo, mặt trước của vai trái và trên gấu áo hướng về phía bên trái. Thông thường, bạn bè của cô dâu sẽ mặc homongi trong đám cưới. Bộ trang phục này cũng được mặc trong những bữa tiệc quan trọng.

・Komon

Komon là một loại kimono thông thường với những họa tiết trang trí giống nhau. Những bộ kimono này phù hợp cho những hoạt động thường ngày như đi dạo quanh thị trấn hoặc tham dự các lễ kỷ niệm nhỏ.

Kimono dành cho nam giới: 5 điểm khác biệt giữa kimono dành cho nam và nữ

1. Khác với những bộ kimono dành cho nữ, kimono dành cho nam thường đơn giản hơn.

2. Không giống như tay áo của kimono dành cho nữ, thường dài và có vẻ không liền với thân áo, tay áo kimono của nam giới thường liền với thân áo và không dài quá vài inch so với phần nách áo.

3. Một điểm khác biệt nữa chính là loại vải và màu sắc được sử dụng. Các kimono điển hình cho nam giới có một màu tối, dịu, chẳng hạn như đen, xanh đậm hoặc nâu. Các loại vải được sử dụng thường là vải thô. Những bộ trang phục thông thường sẽ có màu sáng, chẳng hạn như tím nhạt và xanh nhạt còn những bộ trang phục trang trọng thường có màu đen trơn cùng với những họa tiết viền tròn và thường mặc kèm với "haori" (áo khoác kimono) và "hakama" (quần ống cụt).

4. Obi (vải quấn lưng) tương đối hẹp và được buộc ở thắt lưng, thường tối màu.

5. "Geta" và "zori" (loại dép truyền thống của Nhật Bản) dành cho nam giới đơn giản hơn và không được trang trí, chỉ có một màu.

Phụ kiện gì thường đi kèm với kimono?

・Obi

Obi là tấm vải thắt lưng của trang phục kimono, với vai trò không chỉ giúp bộ kimono được cố định mà còn dùng để trang trí. Obi dành cho những bộ kimono thông thường sẽ hẹp hơn và ngắn hơn so với obi dành cho những bộ kimono trang trọng - thường dài hơn và có khổ lớn hơn, cũng dùng để trang trí. Có nhiều cách khác nhau để buộc obi, tùy thuộc vào từng dịp và sự kiện khác nhau.

・Hakama

Hakama là loại chân váy truyền thống của Nhật Bản, được mặc cùng với kimono. Trong khi hakama của nam giới được làm từ vải sọc, hakama của nữ giới lại thường không có họa tiết và chỉ đơn màu hoặc mang hai màu chuyển sắc. Hakama thường được sử dụng trong các buổi lễ tốt nghiệp dành cho nữ giới, trong đám cưới dành cho nam giới, hoặc khi tham gia các môn thể thao truyền thống của Nhật Bản như kyudo (bắn cung), aikido (một môn võ thuật Nhật Bản) và kendo (đấu kiếm Nhật Bản). Cuối cùng, phụ kiện này cũng là một phần không thể thiếu trong bộ đồng phục dành cho người phục vụ cho những ngôi đền, chùa. Đặc biệt nổi tiếng là trang phục của miko (nữ pháp sư), bao gồm một kimono trắng và hakama đỏ tươi.

・Haori

Haori là áo khoác kimono, được mặc bên ngoài hoặc thường có một sợ dây nối với ve áo. Haori thường có chiều dài như một chiếc áo khoác lửng thông thường, bên cạnh đó cũng có những loại haori dáng dài. Vào mùa đông, haori là một phụ kiện không thể thiếu khi mặc kimono, còn vào những tháng ấm hơn, mọi người thường mặc haori mỏng hơn hoặc không mặc kèm.

・Geta and Zori

Geta và Zori là hai loại dép truyền thống của Nhật Bản. Geta có đế bằng gỗ khá cao, thường có quai bằng vải. Zori là những đôi dép đế bằng, được làm bằng rơm, vải, gỗ sơn mài, da, cao su hoặc các chất liệu tổng hợp.

・Tabi

Tabi là những đôi tất Nhật Bản có chia ngón, thường được mặc với zori. Màu phổ biến nhất là màu trắng, cũng là màu được sử dụng trong những sự kiện trang trọng. Tabi nhiều màu hoặc tabi với họa tiết trang trí thường được sử dụng vào những dịp thông thường khác.

Đôi nét giới thiệu về Yukata

"Yukata" có nghĩa là "y phục tắm", tuy nhiên, không chỉ giới hạn là những bộ trang phục được sử dụng khi tắm, yukata còn được mặc trong nhiều dịp khác. Đây là trang phục truyền thống thông thường và phổ biến nhất, thường làm từ vải cotton, vải lanh hoặc vải gai dầu để mặc vào mùa hè. Tất cả mọi người, từ nam giới đến nữ giới ở mọi lứa tuổi đều có thể mặc yukata vào những dịp thông thường.

Mặc dù yukata ngày này rất phố biến ở Nhật Bản nhưng yukata lại xuất hiện tương đối muộn hơn so với kinomo. Hai trang phục truyền thống này đều được biết đến là "anh em một nhà" tuy nhiên chúng lại không hoàn toàn giống nhau. Hãy cùng tìm hiểu về lịch sử của yukata cũng như là điểm khác nhau giữa kimono và yukata để hiểu rõ hơn về những nét văn hóa thú vị của Nhật Bản nhé!

Nguồn gốc của Yukata: Cùng quay trở về thời Edo

Yukata trở nên phổ biến trong thời kỳ Edo vì hai lý do chính. Việc đầu tiên là do có sự thay đổi trong thói quen tắm và lý do thứ hai liên quan đến những luật lệ được nhắc đến ở phần trên "Lịch sử của kimono".

Yukata ngày nay có nguồn gốc từ kimono lụa một lớp được giới thượng lưu Nhật Bản xưa sử dụng như một y phục khi tắm. Vào khoảng năm 1800, các nhà sư tại đây tin rằng việc ngâm mình trong nước chính là một nghi thức để thanh tẩy tâm hồn. Sau đó, tầng lớp quý tộc và samurai cũng bắt đầu thực hiện nghi thức này, nhưng vì vải lụa thường không thích hợp để bị ướt nên họ đã sử dụng những y phục tắm làm từ vải cotton và vải lanh thay thế. Dần dần, nghi thức này cũng được biết đến bởi tầng lớp trung lưu và hạ lưu, từ đó, hàng loạt các nhà tắm công cộng bắt đầu xuất hiện tại Tokyo. Người ta cũng dần thích trưng diện những bộ yukata ấn tượng trên đường đến nhà tắm công cộng nên yukata dần trở nên phổ biến hơn trong đời sống của người Nhật.

Những điểm khác nhau giữa Kimono và Yukata

・Chất liệu

Kimono thường được làm từ các loại vải lụa khác nhau, trong khi yukata thường được làm từ vải cotton hoặc vải tổng hợp. Điều này phần nào thể hiện được kimono thường có vẻ sang trọng và được sử dụng trong những dịp đặc biệt. Yukata thường có giá rẻ hơn, được mặc trong những dịp thông thường, với chất liệu vải thoáng mát nên yukata cũng thường được mặc vào mùa hè.

・Lớp áo

Kimono thường có một lớp lót mặc bên trong lớp vải lụa hoa văn, trong khi yukata thì không. Đó là do yukata thường được mặc trong mùa hè.

・Tay áo

Các kiểu tay áo của kimono khá đa dạng dựa theo nhiều yếu tố khác nhau như tuổi tác của người mặc hay được mặc trong dịp nào. Ví dụ, kimono furisode thường có tay áo dài đến mức chạm đất! Ngược lại, tay áo yukata thường ngắn hơn và không bao giờ dài quá 50 cm.

・Thời điểm mặc trong năm

Yukata thường được mặc vào các dịp hè và để tham gia những hoạt động ngày hè. Trang phục này cũng được mặc tại những nhà trọ truyền thống Nhật Bản (ryoukan) hay tại nhà tắm công cộng onsen trong các mùa khác trong năm. Mỗi khách hàng khi đến những địa điểm này sẽ được phát một bộ yukata nhưng họ thường hiếm khi được mặc ra ngoài vào mùa lạnh. Trong khi đó, kimono có nhiều lớp hơn và thường đi kèm với nhiều loại phụ kiện tương ứng với các mùa trong năm. Ví dụ, vào mùa đông, kimono thường được mặc kèm với một chiếc khăn lông mềm. Ngoài ra, kimono mặc vào mùa hè được gọi là kimono "hitoe" (kimono một lớp), được thiết kế với chỉ một lớp vải lót.

・Thường được mặc trong dịp nào?

Yukata thường được sử dụng tại các nhà nghỉ truyền thống (ryoukan), nhà tắm công cộng onsen, hay khi tham dự lễ hội như lễ hội pháo hoa, các hoạt động mùa hè, hoặc đơn giản là để đi dạo xung quanh. Trong khi đó, kimono thường được mặc trong những dịp trang trọng hơn, chẳng hạn như khi tham dự các nghi lễ tại đền chùa, đám cưới hoặc lễ tốt nghiệp. Mặc dù ngày nay kimono ít phổ biến hơn nhưng một số người vẫn duy trì thói quen mặc các loại kimono thông thường khi đi ra ngoài hay khi làm những việc vặt hàng ngày.

・Phụ kiện đi kèm

Yukata thường dễ mặc hơn vì không cần nhiều phụ kiện đi kèm như kimono. Bạn không cần phải mặc một lớp vải lót mà chỉ cần buộc một hoặc hai dây nối là có thể mặc xong một bộ yukata. Trong khi đó, kimono thường có tới ba hoặc bốn dây thắt. Yukata được kết hợp với một tấm vải quấn lưng obi thông thường và khá dễ thắt. Với những tấm obi kiểu này, bạn có thể hoàn toàn thắt theo ý mình hoặc theo kiểu truyền thống. Trong khi đó, kimono thường được kết hợp với một tấm obi trang trọng hơn, đôi khi cũng có thể kết hợp với một tấm obi đơn giản, tùy thuộc vào từng dịp. Yukata được mặc cùng với geta và không cần phải mang tất, trong khi kimono được kết hợp với zori và tất tabi.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Yukata và Kimono thời hiện đại: Những bộ trang phục truyền thống Nhật Bản ngày nay

Klook.com

Người Nhật có còn mặc kimono không?

Kể từ thời hậu chiến, kimono đã không còn được người Nhật xem như là một trang phục hàng ngày và chỉ được mặc trong những dịp trang trọng hay tại các nghi lễ nổi tiếng ở Nhật như trà đạo hay ca kịch. Kể từ khi kimono không còn là trang phục phổ biến và không còn được thế hệ sau mặc thường xuyên như trước đây, những cửa hàng chuyên bán kimono đã tổ chức các lớp học về kimono truyền thống - đây cũng là một hoạt động nằm trong chiến lược kinh doanh của các cửa hàng này. Những lớp học về kimono dần phát triển thành trường dạy về kimono, để giới thiệu về quy tắc nghiêm ngặt khi mặc trang phục này. Kimono không còn đơn giản là những trang phục được mặc thường ngày mà đã được đưa lên một tầm cao mới, lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của Nhật Bản.

Tuy nhiên, kimono đã là một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người Nhật trong hơn 1.700 năm qua nên không thể dễ dàng biến mất như vậy! Những năm 1990 đã đánh đấu một thay đổi lớn nhờ vào sự quan tâm của thế giới đối với thời trang châu Á, giúp cho trang phục truyền thống Nhật Bản - kimono được biết đến nhiều hơn. Vào năm 2000, những bộ yukata đã trở nên vô cùng thịnh hành, cùng với đó là sự xuất hiện của hàng loạt những cửa hàng bán những bộ kimono secondhand. Bên cạnh đó, nhờ các phương tiện truyền thông mới, chẳng hạn như tạp chí kimono, các cửa hàng bán online trực tuyến, blog và YouTube, kimono một lần nữa đã dần trở nên phổ biến với giới trẻ.

Ngày nay, ngành công nghiệp kimono đang trải qua những thay đổi lớn và khách hàng phần lớn đều không theo kiểu mua sắm truyền thống như trước đây nữa. Điều này đồng nghĩa với việc các cửa hàng kimono truyền thống đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn, tuy nhiên, bên cạnh đó, các mô hình kinh doanh mới cũng đang không ngừng cập nhật và phát triển.

Mua Kimono và Yukata ở đâu khi đến Nhật Bản?

Nếu bạn đang nghĩ đến việc mua một bộ kimono hoặc yukata thì bạn có thể cân nhắc một vài địa chỉ sau.

Điểm đầu tiên chính là tại các trung tâm mua sắm lớn ở Nhật Bản thường có ít nhất một cửa hàng chuyên bán kimono và yukata, những cửa hàng này thường có những chương trình giảm giá đặc biệt đối với những trang phục yukata vào mùa hè. Bên cạnh đó, những cửa hàng này thường bán kimono hoặc yukata kèm với các phụ kiện, giúp bạn có thể dễ dàng lựa chọn và không quên phải mua những phụ kiện mình cần. Giá cho các bộ yukata tại đây thường rơi vào khoảng 7.000 yên trở lên.

Nếu bạn muốn đích thân tự chọn các món bộ kimono hoặc bộ yukata ưng ý thì hãy đến một cửa hàng bán kimono cũ, nơi bạn có thể tự do lựa chọn giữa hàng trăm mẫu kimono cổ điển. Kimono và yukata cổ điển thường được bán tại những cửa hàng này thường vẫn còn rất tốt, với một loạt các thiết kế ấn tượng đặc biệt là cực kỳ rẻ. Thậm chí còn có những bộ chỉ 1.000 yên, hay những bộ đồ chất lượng hơn cũng chỉ đắt hơn một chút. Phụ kiện đi kèm thường được bán đồng giá. Bạn chắc chắn sẽ tìm được cho mình những món đồ như ý khi đến những cửa hàng này! Một số địa điểm để tìm mua những bộ kimono cổ điển là Nippori Textile Town và khu vực xung quanh Sensoji ở Tokyo, hoặc khu vực gần ga Shijo và ga Higashiyama ở Kyoto.

Chợ đồ cũ là một địa điểm tuyệt vời khác để tìm mua những bộ yukata và kimono cổ điển. Chợ đồ cổ Oedo và chợ Boroichi ở Tokyo, hay chợ Kobo và chợ Tenjin-san ở Kyoto chính là những địa điểm bạn có thể ghé qua.

Nơi cho thuê kimono và yukata ở Nhật Bản

Nếu bạn không có ý định mua kimono hoặc yukata nhưng vẫn mơ ước được mặc thử một lần trong chuyến thăm Nhật Bản của mình thì các cửa hàng cho thuê kimono là một lựa chọn tuyệt vời dành cho bạn! Những cửa hàng này rất phổ biến, ngay cả với người Nhật Bản, và có thể dễ dàng tìm thấy ở mọi điểm du lịch tại bất kỳ thành phố nào của Nhật Bản, như Asakusa hoặc Yanaka ở Tokyo hay khu vực Higashiyama hoặc Arashiyama ở Kyoto. Phí thuê thường bao gồm hướng dẫn mặc kimono, tiền cho thuê kimono trong ngày, và cả dịch vụ làm tóc.

* Trong trường hợp bạn muốn thuê kimono, hãy nhớ đặt trước, đặc biệt là trong khoảng thời gian cao điểm như mùa hoa anh đào.

*Thông thường, nhân viên tại các cửa hàng cho thuê kimono có thể nói tiếng Anh.

Người nước ngoài có thể mặc kimono?

Nhờ các phương tiện truyền thông internet, các nhà sưu tập kimono và những người đam mê trang phục truyền thống này đã tăng lên đáng kể không chỉ tại Nhật Bản mà trên toàn thế giới. Trong những năm gần đây, các trường dạy về kimono cũng nhận thấy số lượng ngoài nước ngoài đăng ký lớp học đã gia tăng - những người không chỉ quan tâm đến các khóa học dạy về cách mặc kimono mà còn được cấp cả giấy phép giảng dạy và tạo mẫu kimono.

Là một người nước ngoài quan tâm đến trang phục truyền thống kimono, tôi đã có cơ hội gặp gỡ rất nhiều người Nhật có cùng niềm đam mê với kimono như mình và hầu hết họ, đặc biệt là những người trẻ tuổi, đều cảm thấy thực sự tự hào với trang phục truyền thống này. Người dân Nhật Bản đã rất nỗ lực trong việc chia sẻ kimono đến bạn bè quốc tế, miễn là những trang phục này được mặc với một sự tôn trọng. Chắc chắn trong tương lai truyền thống kimono sẽ tồn tại và ngày càng phát triển hơn nữa!

Klook.com

Kimono - Trang phục truyền thống 1.700 năm tuổi chứa đựng những nét văn hóa đặc sắc

Sau khi đọc bài viết này, hẳn bạn đã khám phá được nhiều điều thú vị về những nét văn hóa đặc sắc và lịch sử truyền thống đằng sau những bộ kimono và yukata của Nhật Bản rồi đúng không nào? Bạn có ao ước được mặc thử một lần không? Đừng chần chờ mà hãy thuê hoặc mua ngay một bộ kimono, yukata để có thể cảm nhận được những nét đẹp tinh hoa của Nhật Bản qua bộ quốc phục tuyệt vời này nhé!

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook, Twitter hoặc Instagram của chúng tôi!

Từ khóa » Các Loại Yukata