Hành vi của ông Lê Tùng Vân – Tịnh thất Bồng Lai được tính toán tinh vi như thế nào?
Xem toàn bộ diễn biến vụ việc tại đây.
Mạo danh Hòa thượng, sư cô, chú tiểu
Liên quan đến vụ “Tịnh thất Bồng Lai lợi dụng tôn giáo, từ thiện để trục lợi”, ngày 5/1, Công an tỉnh Long An, đã khởi tố vụ án và tiến hành điều tra đối với ông Lê Tùng Vân về các tội gồm: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và loạn luân.
Trao đổi với PV, Hòa thượng Thích Minh Thiện, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An cho biết, ông mới nghe thông tin trên báo chí phản ánh về việc Công an tỉnh tiến hành khởi tố vụ án và điều tra làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của ông Lê Tùng Vân – người đứng đầu “Tịnh thất Bồng Lai”.
Theo Hòa thượng Thích Minh Thiện, chắc chắn cơ quan điều tra đã xác minh, làm rõ các hành vi và có đầy đủ bằng chứng nên đã tiến hành khởi tố, điều tra theo quy định của pháp luật.
Đối với hành vi loạn luân liên quan đến ông Lê Tùng Vân đang được điều tra, Hòa thượng Thích Minh Thiện cho hay, như báo chí có phản ánh thì cơ quan điều tra đã có kết quả giám định ADN của ông Vân trùng với ADN của một số trẻ được nuôi dưỡng trong tịnh thất, nơi có mẹ của các bé ở cùng. Do đó, cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra.
“Tôi nghĩ chắc chắn cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm ở đây”, Hòa thượng Thiện nêu.
Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Long An cho biết đã nhiều lần ông trả lời báo chí và có văn bản gửi các cơ quan chức năng khẳng định, “Tịnh thất Bồng Lai”, sau đổi tên thành “Thiền Am bên bờ vũ trụ” không phải là cơ sở thờ tự tôn giáo theo quy định của pháp luật.
Thực tế, đây chỉ là một hộ gia đình do bà Cao Thị Cúc (sinh năm 1960) ngụ xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước về xã Hòa Khánh Tây (huyện Đức Hòa) làm chủ hộ.
Ông Lê Tùng Vân tổ chức sinh hoạt tôn giáo tại Tịnh thất Bồng Lai
Thời gian qua, nơi đây đã mạo xưng là “chùa”, “tịnh thất”, “thiền am”, nuôi trẻ mồ côi, đặc biệt, nơi đây trong nhiều năm còn đồn thổi và phao tin “hoa ưu đàm” để thu hút quần chúng hiếu kỳ, gây xôn xao dư luận và hiểu lầm về Phật giáo.
Bên cạnh đó, dù lạm dụng pháp phục tu sĩ nhưng lại cho những đứa trẻ đóng giả Phật, có những lời nói xúc phạm, phản bác Phật giáo, làm nhiều việc không phù hợp khiến dư luận bức xúc.
“Tịnh thất Bồng Lai” hay “Thiền Am bên bờ vũ trụ” chỉ là mạo xưng, những người ở đây dù cạo đầu, mặc quần áo nâu không phải là tu sĩ Phật giáo, không do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An quản lý.
Họ mạo danh Hòa thượng, sư cô, chú tiểu, lợi dụng hình thức tu sĩ Phật giáo, lợi dụng hình thức cơ sở của giáo hội, lợi dụng hình thức nuôi những người cơ nhỡ làm từ thiện để trục lợi cho mình.
Đồng thời, họ có những hoạt động tôn giáo trái phép như làm lễ xuất gia, quy y cho cô gái tên Diễm My. Họ nói không phải đạo Phật nhưng lại mang hình thức Phật giáo, thờ nhiều tượng Phật, đưa các chú tiểu ra tụng chú Lăng nghiêm…
Đó là vi phạm về pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của Tổ chức Phật giáo thế giới và gần nhất là tổ chức Phật giáo của Việt Nam, Hòa thượng Thích Minh Thiện nêu rõ.
Kế hoạch, tính toán rất tinh vi, bài bản
Lãnh đạo Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An cũng đánh giá, những hành vi của nhóm người trong Tịnh thất Bồng Lai “rất tinh vi” và thể hiện rõ việc lợi dụng tôn giáo để lừa đảo, trục lợi từ thiện cho mình.
“Họ đã có kế hoạch, sự tính toán rất tinh vi, bài bản và cố tình thực hiện chứ không phải người không biết mà làm”, Hòa thượng Minh Thiện đánh giá.
Hòa thượng Thích Minh Thiện
Ông dẫn chứng, nếu ai để ý kỹ sẽ thấy mỗi lần có vụ việc gì liên quan đến nơi này thì những người ở đó rất mừng, bởi, họ sẽ quay được các video clip đưa lên mạng và khi càng nhiều người theo dõi, biết đến, xem thì lại thu được tiền quảng cáo.
Chưa kể, họ còn làm nhiều clip như bữa liên hoan tất niên thịnh soạn nhất của Bồng Lai do một người ở Mỹ tài trợ với hơn chục người tham dự song thực chất bữa thịnh soạn đó lại chỉ có rau cải, nước chấm, rồi cuốn với bún – những thứ không có giá trị dinh dưỡng, rẻ tiền.
Bữa ăn thịnh soạn nhất nhưng thực tế lại đạm bạc nhất và những người tham dự vẫn vui vẻ dùng thức ăn. Nhìn vào đó, lúc đầu tưởng là bình thường nhưng thực tế sau đó, không phải đơn giản mà chính là chiêu trò để dụ mọi người nhìn vào đó rồi thương cảm, quyên góp tiền giúp đỡ.
“Chưa hết, họ còn tổ chức cho trẻ nhỏ trong đó đi thi ca hát, thách thức danh hài rồi trên nhiều clip, còn nói cho người ở đây đi thi các cuộc thi với giải thưởng rất lớn nhằm lấy tiền mở trung tâm nuôi trẻ mồ côi…
Song thực tế, thì ở đây chỉ có vài cháu nhỏ và đa phần đều có mẹ ở cùng, có quan hệ chứ không phải mồ côi như họ nói”, Hòa thượng Thích Minh Thiện nói thêm.
Từ câu chuyện ở Tịnh thất Bồng Lai, Hòa thượng Thích Minh Thiện đề nghị người dân, Phật tử cần hết sức sáng suốt, không bị mê muội, tin vào những nơi mạo danh Phật giáo, mạo danh tu sĩ nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm ngay từ ban đầu những địa điểm giả danh như thế này để tránh gây “lùm xùm”, dư luận không tốt.