1.- CÁCH GOM TÂM, TRÁNH BỊ VÔ KÝ; 2. - Nguyên Thủy Chơn Như
Có thể bạn quan tâm
(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP. tập 3, TG.2011, tr.48-51; tr.323-327) link sách: ĐVXP. tập 3
1.- CÁCH GOM TÂM, TRÁNH BỊ VÔ KÝ
Hỏi: Kính thưa Thầy!
1.- Lúc này con gom tâm rất chậm từ 10 phút đến 15 phút mới gom được là tại sao
2.- Con gom tâm yên lặng chỉ 15 phút hoặc 20 phút thì tâm con lại bung ra hoặc rơi vào vô ký. Thưa Thầy có cách nào an trú trong yên lặng và đừng để rơi vào vô ký không?
Ðáp:
Câu hỏi 1.- Gom tâm chậm là pháp hướng tâm còn yếu, tỉnh thức chưa cao và chưa biết cách thức gom tâm.
Cách thức gom tâm cũng không khó khăn gì lắm, nhưng phải thường xuyên tu tập những cách sau đây:
1- Phải thường xuyên đi kinh hành, phải biết đi kinh hành đúng pháp môn, đúng cách đi kinh hành, làm mọi việc phải biết làm mọi việc, hoặc ngồi tại chỗ biết ngồi tại chỗ, trong lúc ấy thường hướng tâm nhắc: “Tâm phải gom về thân hành, thân làm cái gì thì tâm phải biết làm cái nấy, không được phóng dật ra ngoài, không được đi lang thang, không được nghe ngóng, phải gom về thân hành cho thật chặt”. Con nên tu tập tỉnh thức bằng pháp hướng này thì kết quả con gom tâm rất nhanh.
2- Con nên theo phương pháp thở hơi thở chậm này để gom tâm. Trước khi thở hơi thở chậm con hướng tâm: “Tâm phải tập trung vào hơi thở tại nhân trung”, hướng tâm xong con hít vô chậm chậm cho đến khi không còn hít vô được thì con bắt đầu thở ra và thở ra cũng chậm chậm cho đến khi hết thở ra được, thì con thở trở lại hơi thở bình thường, sau khi mười hơi thở bình thường con đã thở xong thì con thở trở lại hơi thở chậm chậm và nhẹ, trước khi thở hơi thở chậm chậm thì con lại hướng tâm một lần. Cứ như thế mà con tu đến 30' thì xả nghỉ.
Tóm lại, khi dùng hơi thở chậm thì con gom tâm rất dễ dàng, không còn khó khăn. Nếu 10 hơi thở con thấy sức gom tâm còn yếu thì con nên tu năm hơi thở bình thường và một hơi thở chậm, khi nào tâm con gom được thì con chỉ thở hơi thở bình thường mà không cần thở hơi thở chậm và nhẹ nữa.
Con nên cố gắng tu tập, rồi báo cáo cho Thầy biết để chỉnh đốn lại cho đúng, khi tu tập đúng là có kết quả ngay liền, còn ngược lại có trạng thái nặng đầu, căng mặt thì con hãy ngưng sự tu tập và hỏi lại Thầy để tu tập cho đúng đặc tướng. Chúc con tu tập tốt và thành công.
Câu hỏi 2.- Con bị tâm bung ra hay bị vô ký là do định diệt tầm giữ tứ con tu chưađược thuần thục, phải tu trở lại, luôn luôn phải giữ tứ trong câu pháp hướng: “Tâm phải gom trong hơi thở, hơi thở chậm và nhẹ” , trong khi ngồi tu con luôn nhắc câu trên đây, không cần đếm. Tu như vậy tâm sẽ không bung ra và không rơi vào vô ký.
Còn một cách khác nữa là tâm con sẽ không bung ra và không rơi vào vô ký, con hãy đứng dậy ngay liền đi kinh hành 20 bước và ngồi xuống đếm năm hơi thở rồi đứng dậy đi kinh hành 20 bước, cứ thế tiếp tục tu tập mãi cho hết giờ xả nghỉ. Tu như vậy con nên ghi nhớ trong mọi hành động khi ngồi, khi thở, khi đứng dậy, khi đi kinh hành và khi hướng tâm con không được quên, nếu thấy mệt thì tu ít giờ trở lại, không được tu tập quá sức.
Còn một cách nữa là lúc nào con cũng đẩy lui các ác pháp trên thân thọ, tâm và pháp của con thì tâm con tự gom vào hơi thở nên không có khó khăn, không có mệt nhọc. Ðó là tâm không phóng dật. Có tu như vậy tâm con sẽ không bị bung ra và không rơi vào vô ký; tu như vậy sẽ có một sức tỉnh thức đầy đủ để xả tâm và tâm định tỉnh luôn ở trong chánh niệm tỉnh giác. Vì thế, không có dục và các ác pháp tác động vào thân tâm con được.
2.- TÂM BẤT ĐỘNG KHÔNG PHẢI LÀ TÂM KHAM NHẪN
Hỏi: Mục đích của Tứ Niệm Xứ là giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Nghĩa là tâm phải bất động trước các pháp ác và các cảm thọ xuất hiện. Vậy khi các ác pháp và các cảm thọ xuất hiện con nhắc câu tác ý là để tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, chứ không phải là để đuổi các ác pháp và các cảm thọ đó đi.
Vì theo con hiểu Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là vô thường, khổ và vô ngã. Vậy thì ta không nên để tâm dính mắc vào các ác pháp và các cảm thọ đó, nghĩa là không cần phải cố gắng tiêu diệt hết các cảm thọ và các ác pháp, chỉ cần nhắc tâm không bị dính mắc vào những ác pháp đó thôi. Và đừng để cho có tâm ham muốn xuất hiện kể cả ham muốn diệt các ác pháp và các cảm thọ, hoặc là tu như thế này thì sẽ có kết quả như thế này, là diệt được cái này. Nếu con còn lý luận như thế thì con nghĩ con vẫn còn lẩn quẩn trong ảo tưởng.
Ðáp: Những lý luận của con ở trên đây là con đã chịu ảnh hưởng của các hệ phái phát triển, những lý luận này trong kinh sách phát triển rất đầy đủ, đó là những lý luận lẩn quẩn không lối thoát. Cho nên, diệt dục cả thiện lẫn ác thì con người là đá, là vật vô tri vô giác. Diệt dục cả thiện lẫn ác là không đúng nghĩa của Phật giáo. Ðạo Phật ai cũng biết: “Ngăn ác diệt ác, sinh thiện tăng trưởng thiện” là đường lối tu tập của Phật giáo. Do đó, chúng ta biết diệt dục ác, chứ dục thiện còn giữ lại.
Đạo Phật là đạo diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp nhưng diệt ngã ác, xả tâm ác, ly dục ác, ly ác pháp, chứ không diệt ngã thiện, không xả tâm thiện, không xả dục thiện, không ly thiện pháp. Vì thế đạo Phật mới chấp nhận Bát Chánh Ðạo và không chấp nhận Bát Tà Ðạo. Cho nên, đạo Phật có bờ bên này và bờ bên kia; bờ bên này là ác, bờ bên kia là thiện.
Đạo Phật có hai lộ trình: một là lộ trình thiện; hai là lộ trình ác. Do chỗ tà, chánh, thiện, ác này mà đức Phật đã chỉ cho chúng ta biết có bốn chân lý của đời người. Ðó là đức Phật gợi ý cho chúng ta hướng về sự thoát khổ. Hướng về sự thoát khổ tức là muốn thoát ra mọi sự khổ đau. Nếu diệt hết lòng ham muốn thì lấy cái gì để tu tập, hay tu tập để biến mình thành cây đá thì có lợi ích gì cho mình cho người. Do ý muốn mà con người càng ngày càng tiến bộ trên hành tinh này về khoa học, kỹ nghệ, thông tin, v.v...; do ý muốn thoát khổ nên các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, mới có mặt trên hành tinh này. Vì thế, Pháp của Phật là pháp môn tu tập để “muốn” làm chủ sanh, già, bệnh, chết; “muốn” giải thoát ra khỏi mọi sự khổ đau của kiếp làm người, nếu không có ý muốn thoát khổ thì chúng ta đi tu để làm gì?
Nghe đạo Phật nói diệt dục (Diệt Ðế) là các con điên đảo hiểu biết một cách sai lạc, các con diệt hết tâm dục là thành tựu đất đá, tu hành để thành đất đá thì còn có nghĩa gì là con người nữa phải không con? Nếu hiểu nghĩa như vậy là không đúng nghĩa của Phật giáo. Vì mục đích của Phật giáo là làm chủ nghiệp nhân quả và các cảm thọ. Cho nên, trong Tứ Niệm Xứ dạy: “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu ở đời, trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu ở đời, trên tâm quán tâm để khắc phục tham ưu ở đời, trên pháp quán pháp để khắc phục tham ưu ở đời”. Khắc phục có nghĩa là làm cho hết đau chứ không phải chỉ có giữ tâm bất động không.
Mục đích của đạo Phật là chỗ tâm bất động, nhưng tâm bất động trong sự làm chủ nghiệp và các ác pháp bằng Tứ Thần Túc chứ không phải bất động trong sự chịu đựng của các ác pháp và sự chịu đựng của các cảm thọ.
Cho nên, sự hiểu biết của con như vậy là sự hiểu biết theo kinh sách phát triển, là sai không đúng nghĩa của Phật giáo.
Ðức Phật dạy:
“Thiên thượng thiên hạ Duy ngã độc tôn Nhất thiết thế gian Sanh, lão, bệnh, tử”
Tạm dịch:
Trên trời, dưới trờiDuy nhất con người Làm chủ bốn khổ:Sanh. già, bệnh, chết
Từ khóa » Vô Ký Nghĩa Là Gì
-
Như Lý Tác Ý, Vô Thức Và Vô Ký - Buddhism-Phật Giáo
-
VÔ KÝ KHÔNG LÀ GÌ ? | Duy Lực Thiền
-
VÔ KÝ - Từ điển Phật Học :: HOA LINH THOAI ::
-
Chương 2 Ba Tính: Thiện, Ác, Vô Ký - Luận
-
Làng Mai - Chủng Tử Trong Tàng Cũng Vô Ký Như Tàng Tánh...
-
Tự điển - Vô Ký Không - .vn
-
Tâm Bất Sinh, Tâm Không Và Tâm Vô Ký (24) - Trung Tâm Hộ Tông
-
Vô Kỷ Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt
-
Vô Kỵ Nghĩa Là Gì - Thả Rông
-
Từ Điển - Từ Vô-kỳ Có ý Nghĩa Gì - Chữ Nôm
-
Vô Kỷ - Wiktionary Tiếng Việt
-
Từ điển Tiếng Việt "vô Kỷ" - Là Gì?
-
Trương Vô Kỵ – Wikipedia Tiếng Việt