VÔ KÝ KHÔNG LÀ GÌ ? | Duy Lực Thiền
Có thể bạn quan tâm
Tâm không phải là vô ký không
Trong Thiền ngữ đôi khi chúng ta nghe nói thuật ngữ vô ký không. Chẳng hạn tham thiền tới cảnh giới vô thủy vô minh cũng chưa phải là giác ngộ, cần phải : Bách xích can đầu cánh tiến nhất bộ 百尺竿頭須進步 Đầu sào trăm thước tiến thêm bước nữa. Nếu dừng lại là lọt vào vô ký không. Vậy vô ký không là gì ?
Vô ký không ý nói là hư không (nothingness). Vô ký không là cái không trống rỗng không có thông tin, không có sóng, không có gì cả. Tâm giống như hư không nhưng không phải là hư không vì tâm có khả năng biến hóa, tâm là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, còn hư không không có khả năng đó. Hư không không phải là Phật tánh, không phải tánh giác ngộ, không phải tánh biết. Nhưng vì Phật pháp là bất nhị nên Long Thọ Bồ Tát nói : Tâm như hư không vô sở hữu 心如虛空無所有 Tâm giống như hư không, không có thật nhưng cũng không phải không có gì hết.
Tâm giống như hư không nhưng không phải hư không vì tâm không phải vô ký không. Từ đó chúng ta mới hiểu Tánh Không trong Phật pháp không phải là hư không (nothingness) cũng không phải là vô ký không (no record emptiness). Tại sao tâm không phải vô ký không ? Theo Duy Thức Học Phật giáo, Tâm (Citta) là 8 thức trong đó thức thứ 8 là A-lại-da chứa vô lượng vô biên chủng tử 種子 . Thuật ngữ chủng tử ngày nay chúng ta có thể dịch là data, cơ bản hơn là seed (hạt giống). Bởi vì nền tảng của vũ trụ vạn vật là data. Cơ bản của data là bit, từ bit cấu trúc thành byte, đó là data đơn giản nhất, rồi mới cấu trúc thành seed. Những seed cơ bản nhất là hạt cơ bản (particles) Mô hình chuẩn của vật lý hạt (Standard Model of Particle Physics) ngày nay có mặt 17 hạt như sau :
Mô hình chuẩn Vật Lý hạt
Trong bảng mô hình chuẩn này vẫn còn thiếu một hạt, đó hạt graviton (hạt hấp dẫn). Năm 2016 nhân loại đã khám phá ra sóng hấp dẫn, mà theo quy luật lưỡng tính sóng hạt (particle–wave duality) sóng luôn luôn đi liền với hạt, hễ có sóng là có hạt. Đã tìm thấy sóng hấp dẫn tức là có hạt hấp dẫn nhưng vì người ta chưa tận mắt thấy hạt hấp dẫn (graviton) nên chưa vội đưa vào bảng mô hình chuẩn.
Chúng ta có thể nói rằng bảng mô hình chuẩn vật lý hạt đầy đủ sẽ có 18 hạt. 18 hạt đó tương ứng với 18 giới十八界 tức là 18 cảnh giới bao gồm lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, não); lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp); và lục thức (thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm giác của thân thể, ý thức). Phật giáo hình tượng hóa 18 cảnh giới thành 18 vị La Hán để cho người bình dân dễ hiểu.
Tóm lại Tánh Không trong Phật pháp, đó là sóng, không phải vô ký không. Sóng đó vô hình, vô phân biệt, bất nhị, bình đẳng, không có không gian, không có thời gian (non locality= vô sở trụ), không phải là vô ký không (no record emptiness) vì đó là Tàng thức chứa vô lượng vô biên chủng tử (data).
Tại sao phải cánh tiến nhất bộ, điều đó có nghĩa là gì ?
Đã tới cảnh giới vô thủy vô minh, đó cũng tức là vô sinh pháp nhẫn 無生法忍(Sanskrit:anutpattika-dharma-kṣānti,tại sao vẫn phải bước thêm bước nữa ? Bởi vì cảnh giới đó chưa có dụng. Tánh không phải biến thành Có mới hữu dụng, nghĩa là sóng vô hình phải biến thành hạt hữu hình mới hữu dụng. Thử hỏi chúng ta có sóng wifi ở khắp nơi nhưng không có cái smartphone để thu nhận sóng wifi và biến nó thành bài báo, hình ảnh, video, âm nhạc, thì sóng wifi chẳng phải là vô dụng sao ? Sóng tiềm năng phải biến thành hạt cơ bản, cụ thể là 18 hạt hay thập bát giới để phát huy tác dụng. Sau khi sóng biến thành hạt thì thập nhị nhân duyên mới phát huy tác dụng. Chứ ở hình thái sóng thì rõ ràng là phi nhân duyên. Còn khi sóng đã thành hạt rồi thì phi tự nhiên. Hạt lúa phải trải qua quá trình đâm chồi, nẩy mầm, trồng xuống đất, hấp thụ nước, hấp thụ ánh sáng mặt trời, để phát triển thành cây lúa, ra hoa kết hạt, tạo ra nhiều hạt lúa mới, từ một hạt lúa biến thành nhiều hạt lúa, số lượng mới phát sinh.
Chấp không tức lọt vào vô ký không thì vô dụng, hư không trống rỗng là vô dụng. Tâm phải biến hóa thành vũ trụ vạn vật, thành cuộc sống thế gian của con người, thành các cõi trời, thành cõi tây phương cực lạc, thành hằng sa cõi giới trong vũ trụ, đó là cái dụng của tâm.
Ta, tôi, cá thể, cá nhân cũng là do Tâm biến ra. Người khác, loài khác, vật khác cũng là do tâm biến ra. Đó là nguyên lý Nhất thiết duy tâm tạo一切唯心造 Tất cả mọi cảnh giới : tam giới, lục đạo luân hồi, bốn loài chúng sinh cũng đều là do tâm biến ra. Tất cả mọi cảnh giới trên thế gian đều là tưởng tượng : thế lưu bố tưởng世流布想 chứ không phải là có thật. Đó chỉ là vở kịch, tuồng hát, chiếu bóng, phim. Nếu không hiểu mà cứ cho là thật và khư khư chấp thật thì sẽ rơi vào khổ.
Dân chúng Myanmar hiện nay đang rơi vào cảnh khổ vì họ muốn đấu tranh cho nền dân chủ do bà Aung San Suu Kyi (đọc là Ôn San Su Chi) lãnh đạo. Họ đổ xô ra đường biểu tình rầm rộ hơn hai tháng nay. Khi có đông người tụ tập thì không tránh khỏi xảy ra bạo loạn, đốt phá cơ quan, xí nghiệp…phe quân đội đang cầm quyền lập tức bắn giết, đàn áp, khiến cho hơn 600 người tử vong, bao nhiêu gia đình gặp cảnh bất hạnh.
Biển Đông là nơi tranh giành quyền lực giữa một sức mạnh đang trỗi dậy là TQ với các quốc gia xung quanh. Họ tranh giành tài nguyên biển đảo. Một sức mạnh khác vốn đã thống trị thế giới khoảng 100 năm nay là Mỹ muốn can thiệp để bảo vệ quyền lực của mình. Thế là họ đả kích lẫn nhau, trừng phạt lẫn nhau, biểu dương sức mạnh không quân, hải quân, hàng không mẫu hạm, tên lửa…và có thể xung đột chiến tranh với nhau. Rất nhiều người chấp thật thì sẽ khổ tâm khi thấy quyền lợi, quốc gia, dân tộc của mình bị tổn hại. Nhưng họ không ngờ tất cả chỉ là games. Mà dù có biết là games đi nữa họ vẫn lao vào chơi hết mình. Bởi vì thế gian vốn là hí trường, là sân khấu để diễn ra mọi cuốn phim đau khổ và hạnh phúc. Cuộc đời giống như thi đấu thể thao, mọi người thi đấu hết mình, nhưng đó chỉ là trò chơi thôi.
Chấp không tức là lọt vào vô ký không thì vô dụng, không có cảnh đẹp, người đẹp, không có vũ trụ vạn vật, không có gì cả, điều đó không đúng với thực tế. Chấp có thì rơi vào khổ : sinh lão bệnh tử, tranh giành, chiến tranh, bạo loạn, thảm họa, dịch bệnh chẳng hạn Covid-19 như hiện nay. Vậy phải làm sao ?
Người giác ngộ thì không chấp trước. Không chấp không tức không lọt vào vô ký không. Không chấp có tức là nhận ra mọi cảnh giới chỉ là ảo hóa mà thôi, không phải thật. Ngã không có thật thì ai đau khổ ? Pháp không có thật thì sinh lão bệnh tử, biểu tình bạo loạn Myanmar, tranh giành Biển Đông chỉ là games. Tại sao chúng ta phải đau khổ dằn vặt vì xem một cuốn phim bi ai ? Tại sao chúng ta thích thú khi xem một cuốn phim hạnh phúc ? Tất cả chỉ vì thói quen mà thôi, thói quen đó Phật pháp gọi là tập khí 習氣 (habit).
Tập khí chính là nghiệp
Trong quyển Từ Ðiển Phật Học Huệ Quang tập 7 trang 6578 giải thích hai chữ tập khí như sau:
“Tập khí chính là phần tàn dư , khí còn sót lại của phiền não, dần dần kết chặt vào tâm, trải qua thời gian lâu xa tích tập thành tánh, rất khó phá trừ. Ví như đặt một thỏi hương vào hộp, khi lấy thỏi hương ra, trong hộp vẫn còn mùi thơm; tức là tuy đã diệt trừ chánh thể ( chánh sử ) phiền não nhưng vẫn còn khí phần tập quán. Trong kinh Phật có nói đến dâm tập của ngài Nan Ðà, sân tập của ngài Xá lợi phất và Ma ha ca diếp, mạn tập của ngài Tỳ lăng già bà bạt, khiêu hỷ tập của ngài Ma đầu ba tư tra, ngưu nghiệp tập của ngài Kiều phạm ba đề… Chỉ có Phật là đoạn trừ vĩnh viễn chánh sử và tập khí”.
Theo tôi hiểu thì tập khí không phải chỉ là phần tàn dư , khí còn sót lại của phiền não. Tập khí chính là thói quen tưởng tượng, nó quyết định cảnh giới gì sẽ hiện ra. Thí dụ ngài Nan Đà có thói quen thích phụ nữ, thì trong một đám thính chúng có nam có nữ thì ngài chỉ chú ý người nữ, chỉ thấy người nữ. Thói quen về ngôn ngữ thí dụ chúng ta quen thuộc với tiếng Anh thì khi đọc văn bản tiếng Anh, hoặc nghe ai đó nói tiếng Anh chúng ta mới hiểu. Nếu không quen thuộc thì không thể hiểu. Phật hay các thiền sư triệt ngộ đã rũ bỏ hết thói quen sinh tử thì sẽ sinh tử tự do, muốn sống muốn chết đều thực hiện được dễ dàng như câu chuyện về gia đình Bàng Uẩn chứng tỏ. Gia đình Bàng Uẩn là một kịch bản do các vị A La Hán và Bồ Tát đóng, họ không còn tập khí sinh tử, không còn bị thói quen sinh tử sai khiến nên dễ dàng thực hiện sinh tử tự do. Hầu Hi Quý không còn bị tập khí về không gian chi phối nên có thể lấy một gói thuốc lá hiệu Đỗ Quyên Hoa ở khoảng cách xa 1600 km trong tích tắc. Những người bình thường chúng ta với sự trợ giúp của chiếc smartphone cũng có thể thoát khỏi sự ràng buộc của không gian trong nhất thời, có thể nói chuyện và thấy hình ảnh của thân nhân bạn bè ở khoảng cách xa hàng vạn dặm. Trong tương lai chúng ta còn có thể làm được như Hầu Hi Quý lấy một món quà gì đó như cái bánh, ly cà phê, ly rượu vang, ở khoảng cách xa vạn dặm. Nghĩa là chúng ta có thể đối ẩm với một người bạn ở cách xa vạn dặm, bởi thực tế vô sở trụ 無所住 (non locality), không gian, thời gian, số lượng vật chất chỉ là khái niệm, là tập khí chứ không phải có thật.
Mỗi chúng sinh xuất hiện trong tam giới hoặc là do nghiệp bị động hoặc là do nghiệp chủ động. Nghiệp bị động chính là thói quen tức là tập khí của chúng sinh đó dẫn dắt. Thân khẩu ý hay 18 giới của chúng sinh đó sẽ tạo ra cảnh giới. Tập khí thiện thì sẽ dẫn vào 3 đường thiện : trời, người, a-tu-la. Tập khí ác thì sẽ dẫn vào 3 đường ác : súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Biệt nghiệp của mỗi chúng sinh hay mức độ của tập khí còn đưa tới những sự phân biệt vi tế hơn. Chẳng hạn cùng là cõi người nhưng có quốc gia thịnh vượng, quốc gia loạn lạc khác nhau. Cùng là quốc gia thịnh vượng cũng có phân biệt nhà giàu nhà nghèo khác nhau. Cùng là quốc gia loạn lạc cũng có cảnh khổ nhiều khổ ít khác nhau.
Nghiệp chủ động là tâm nguyện của bậc giác ngộ sinh tử tự do như Phật, Bồ Tát hay thiền sư kiến tánh, họ là những chúng sinh chủ động tự nguyện sinh vào một cõi giới nào đó để thực hiện một sự nghiệp cứu nhân độ thế. Chẳng hạn Phật Thích Ca.
Lúc mới ra đời Đức Phật tên là Siddhārtha Gautama (Tất Đạt Đa 悉达多 Cù Đàm 瞿曇 hay Kiều Đạt Ma 喬達摩 Gautama) là con của vị vua thànhCa Tỳ La Vệ [迦毘羅衛 sa. (sankrit): Kapilavastu], ngày nay có tên là Padaria. Vào thời đức Phật, đó là thủ đô của vương quốc cùng tên thuộc dòng họ Thích Ca 释迦 (Sakyas), dưới quyền trị vì của vua Tịnh Phạn (淨飯, sa. śuddhodana).
Ca Tỳ La Vệ, vào thời ấy, là một thuộc quốc của nước Kiều Tát La (憍薩羅, sa. kośala). Bấy giờ người cai trị Kiều Tát La (Kosala) là vua Ba Tư Nặc [波斯匿P(Pali): Pasenadi; sa.: Prasenajit], có kinh đô đóng tại thành Xá Vệ (舍衛Skt.: Sravasti), nay thuộc bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ.
Lúc gần ngày sinh, hoàng hậu Ma Da 摩耶 (Mayadevi) đi về quê mẹ để chuẩn bị sinh con theo truyền thống, dọc đường đến Lâm Tỳ Ni (藍毗尼Lumbini) thì hạ sinh thái tử Tất Đạt Đa.
Lúc mới sinh ngài đã có đầy đủ 32 tướng tốt, nhà tiên tri A Tư Đà (阿私陀Asita) nói rằng Tất Đạt Đa sẽ trở thành hoặc một đại đế hay một bậc giác ngộ. Bảy ngày sau khi sinh thì mẹ mất, Tất Đạt Đa được người dì, em của hoàng hậu Ma Da là Ma Ha Ba Xà Ba Đề Kiều Đàm Di( 摩呵波闍波提 喬曇彌, sa. Mahāprajāpatī Gotami) chăm sóc. Năm lên 16 tuổi, Tất Đạt Đa kết hôn với công chúa Da Du Đà La ( 耶輸陀羅, sa. yaśodharā).
Năm 19 tuổi, sau khi công chúa Da Du Đà La hạ sinh một bé trai được đặt tên là La Hầu La (羅睺羅, sa. rāhula), thái tử Tất Đạt Đa quyết định lìa cung điện, cùng tu khổ hạnh với nhiều nhóm tăng sĩ khác nhau. Tất Đạt Đa quyết tâm tìm cách diệt khổ và cầu đạo ở nhiều đạo sư với các giáo pháp khác nhau. Có 5 anh em Kiều Trần Như (憍陈如Koṇḍañña ) cùng tu với Tất Đạt Đa. Sau nhiều năm tu khổ hạnh gần kề cái chết, Tất Đạt Đa nhận ra đó không phải là phép tu dẫn đến giác ngộ, ngài bắt đầu ăn uống bình thường trở lại, năm người đồng tu kia thất vọng bỏ đi. Ngài ngồi dưới gốc một cây pipala (về sau gọi là cây Bồ Đề) bên dòng sông Ni Liên Thiền (尼連禪 Niranjana) tại nơi mà về sau gọi là Bồ Đề Đạo Tràng và nguyện sẽ nhập định không rời chỗ ngồi cho đến lúc tìm ra nguyên nhân và cơ chế của Khổ. Sau 49 ngày thiền định, mặc dù bị Ma vương quấy nhiễu, Tất Đạt Đa đạt giác ngộ hoàn toàn ở tuổi 30 sau 5 năm tầm sư học đạo và 6 năm tu khổ hạnh. Từ thời điểm đó, Tất Đạt Đa trở thành Phật, là người Giác ngộ, Hán dịch là giác giả 覺者và biết rằng mình sẽ không còn tái sinh, không còn khổ nữa.
Trên đây là lược sử về cuộc đời Đức Phật, ngài sinh ra làm thái tử nướcCa Tỳ La Vệ là do chủ động chứ không phải bị động, quá trình tu tập gian khổ dẫn tới giác ngộ thành Phật là một kịch bản đã định trước chứ không phải ngẫu nhiên. Ngô Thừa Ân khi sáng tác tiểu thuyết Tây Du Ký cũng diễn theo ý đó tức chuyến đi sang Thiên Trúc thỉnh kinh của Đường Huyền Trang là một kịch bản đã định sẵn mà người dàn dựng là Phật Thích Ca diễn tả quá trình gian khổ đi thỉnh kinh của bốn thầy trò trải qua 81 khổ nạn mới mang được kinh về Trường An.
Vũ trụ chính là tâm
Tâm (citta) là bát thức. Ở hình thái không (sóng) Tâm là Phật tánh, tánh giác ngộ, tánh biết. Ở hình thái sắc (hạt) Tâm là 8 thức trong đó A-lại-da (Alaya) thức hay Tàng thức có tất cả data của tất cả chúng sinh trong Tam giới. Các data này ở trạng thái bình đẳng vô phân biệt (ở đâu cũng như nhau, lúc nào cũng như nhau, vô sở trụ (non locality) cũng tức là không có không gian, không có thời gian, không có số lượng. Chính vì cái không này có data nên nó không phải là vô ký không, không phải là hư không trống rỗng. Tuy có data nhưng data này vô tự tính tức là chưa có đặc trưng đặc điểm, vì vậy mới gọi là bình đẳng.
Vậy lúc nào thì data mới có đặc trưng ? Đó là lúc niệm khởi lên. Niệm khởi lên theo một thói quen gọi là tập khí và tập khí đó quyết định đặc trưng mà data sẽ hiển thị. Niệm khởi lên sẽ biến sóng thành hạt. Sóng vô hình và không có đặc trưng còn hạt thì có đặc trưng. Thí nghiệm hai khe hở (double slit experiment) đã chứng tỏ điều này.
Tin học cho ta một ví dụ rất rõ ràng về việc số hóa tất cả mọi điều mà con người có thể nghĩ tới. Đó là việc biến mọi sự vật thành con số. Con số vốn chưa có gì phân biệt. Giữa con số này và con số khác có phân biệt nhưng chưa hiện thực nên vẫn còn bình đẳng. Nhưng khi ta gán ghép đặc trưng cho mỗi con số thì chúng liền phân biệt trong hiển thị. Chẳng hạn thói quen quy ước của tin học trong bảng ký tự ASCII, người ta gán ký hiệu @ cho số 64, chữ A cho số 65, chữ B cho số 66, chữ C cho số 67…Những con số 64, 65, 66, 67 vốn không có ý nghĩa gì cả. Nhưng khi được gán ghép thì ký tự @, A, B, C trở nên có ý nghĩa nhất là khi con người có một thói quen ngôn ngữ. Người ta gán ghép các chữ cái thành từ ngữ và nhiều từ ngữ thành văn bản và mọi người đều cảm thấy văn bản có ý nghĩa. Ý nghĩa đó là hoàn toàn chủ quan theo thói quen của số đông người chứ không có gì là thật trong đó cả. Thí dụ văn bản:
“Trước mắt tôi là một con sông lớn chảy qua các thung lũng và đồng bằng”
Văn bản này miêu tả một cảnh giới gồm có một người xưng tôi, cảnh con sông, cảnh thung lũng, cảnh đồng bằng. Những danh từ chỉ sự vật đó đều là giả danh. Nó gợi ra trong tâm trí người đọc một cảnh giới thiên nhiên. Nhưng chỉ có người Việt hiểu tiếng Việt thì mới tưởng tượng ra cảnh giới đó. Còn người nước khác đọc không hiểu thì không cảm thấy gì cả. Vì họ không có thói quen về ngôn ngữ giống như người Việt.
Đi sâu vào bản chất hơn nữa, tôi, con sông, thung lũng, đồng bằng, đều không có thực chất. Tôi bao gồm ngũ uẩn, con sông là nước, thung lũng đồng bằng là đất đá cây cỏ, thực chất chỉ là thông tin mà thôi, là data, là dòng điện tín hiệu dẫn vào não và não tưởng tượng ra tất cả cảnh giới mà câu văn mô tả, không có gì là thật cả. Khoa học ngày nay đã hiểu biết tường tận rằng cảnh giới vật chất mà câu văn mô tả chỉ là 18 loại hạt cơ bản mà mô hình chuẩn vật lý hạt đã nêu. Và bản chất của 18 loại hạt cơ bản đó là sóng tiềm năng vô hình, đồng nhất mà khoa học gọi là trường thống nhất (unified field) hoặc là miền tần số (frequency domain).
Tóm lại danh từ là giả danh mà sự vật, vật chất cũng là giả danh, không phải là có thật, tất cả chỉ là tưởng tượng mà thôi.
Vạn pháp duy thức, nhất thiết duy tâm tạo
Kết luận
Vô ký không (no record emptiness) là hư không trống rỗng vô dụng. Còn tánh không của Phật pháp là data chưa phân biệt. Tùy theo tập khí của chúng sinh mà data sẽ hiển thị những cảnh giới nào trong lục đạo luân hồi. Yếu tố quyết định chính là thói quen (tập khí). Người tu theo Tịnh Độ dốc lòng niệm Phật chính là tạo ra một thói quen để dẫn dắt tới cõi Tây phương cực lạc. Còn người tu theo Tổ Sư Thiền là phá bỏ tất cả mọi thói quen, không nghĩ thiện, không nghĩ ác, không suy nghĩ, trực tiếp thể nhập chân như phật tánh. Như vậy giác giả không bị thói quen ràng buộc có thể sinh tử tự do, có thể chủ động sinh vào một cảnh giới nào đó để thực hiện một sự nghiệp gì đó tạm gọi là cứu độ chúng sinh mê muội, hay chỉ là rong chơi thôi. Mà thật ra đó chỉ là một trò chơi, một game. Tại sao mọi cảnh giới chỉ là games ? Bởi vì như kinh Hoa Nghiêm nói :
「奇哉,奇哉,一切众生皆有如来智慧德相,乃因妄想执着而不能证得」
“Kỳ tai, kỳ tai, nhất thiết chúng sinh giai hữu Như Lai trí huệ đức tướng, nãi nhân vọng tưởng chấp trước nhi bất năng chứng đắc” (Lạ thay, lạ thay, tất cả chúng sinh đều có đức tướng, trí huệ của Như Lai, chỉ vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc).
Mọi chúng sinh đều có đủ trí huệ của Như Lai, chỉ vì thói quen vọng tưởng chấp trước mà bị trói buộc trong không gian, thời gian và cảnh giới tưởng tượng. Mọi chúng sinh đều đang chơi game say mê tới mức lú lẫn, quên rằng mình chính là Phật chỉ đang chơi game thôi. Tất Đạt Đa chơi game làm một bậc thánh trí giác ngộ cứu độ chúng sinh. Còn nàng Ma Đăng Già (摩登伽 Matanga) chơi game làm nàng kỹ nữ mê hoặc đàn ông. Kỳ thực thì Tất Đạt Đa và Ma Đăng Già đều là Phật đã thành.
Chúng sinh đều là Phật đã thành, thật sự không có chúng sinh nào cần cứu độ cả. Ngã pháp đều không (vô sinh pháp nhẫn) thì ai cứu độ ai ? Có một công án thiền :
Huệ Lăng hỏi Thạch Đầu: “Phật là ai?”
Thạch Đầu đáp: “Nhà ngươi không có Phật Tánh”
Hỏi: “Cả loài bò bay máy cựa cũng không có sao?”
Đáp: “Loài bò bay máy cựa có Phật Tánh”
Hỏi: “ Vậy Huệ Lăng nầy sao không có?”
Đáp: “Vì ngươi không chịu nhận là mình có”.
Vậy té ra chúng sinh mê muội, điên đảo mộng tưởng, không chịu nhận mình vốn là Phật, chỉ mải mê chơi game.
Truyền Bình
Chia sẻ:
- X
Có liên quan
Từ khóa » Vô Ký Nghĩa Là Gì
-
Như Lý Tác Ý, Vô Thức Và Vô Ký - Buddhism-Phật Giáo
-
VÔ KÝ - Từ điển Phật Học :: HOA LINH THOAI ::
-
Chương 2 Ba Tính: Thiện, Ác, Vô Ký - Luận
-
Làng Mai - Chủng Tử Trong Tàng Cũng Vô Ký Như Tàng Tánh...
-
Tự điển - Vô Ký Không - .vn
-
1.- CÁCH GOM TÂM, TRÁNH BỊ VÔ KÝ; 2. - Nguyên Thủy Chơn Như
-
Tâm Bất Sinh, Tâm Không Và Tâm Vô Ký (24) - Trung Tâm Hộ Tông
-
Vô Kỷ Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt
-
Vô Kỵ Nghĩa Là Gì - Thả Rông
-
Từ Điển - Từ Vô-kỳ Có ý Nghĩa Gì - Chữ Nôm
-
Vô Kỷ - Wiktionary Tiếng Việt
-
Từ điển Tiếng Việt "vô Kỷ" - Là Gì?
-
Trương Vô Kỵ – Wikipedia Tiếng Việt