1. Ý Nghĩa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống?
Có thể bạn quan tâm
Trong nggày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, tất cả Giáo Hội được lãnh nhận một luồng khí mới, kết quả của lời hứa mà Chúa Giêsu dành với các Tông Đồ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16). Đấng ấy chính là Chúa Thánh Thần.
1. Ý nghĩa Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống?
Lễ Hiện Xuống là dịp các Kitô hữu mừng kính sự kiện lịch sử Thiên Chúa trao ban, sai phái và tuôn đổ Chúa Thánh Thần xuống cho các tông đồ như lời Chúa đã hứa, biến đổi các ngài thành những người hiểu biết và phân phát mầu nhiệm Thiên Chúa. Sách Tông Đồ Công Vụ, chương 2 đã thuật lại rằng, biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống xảy ra trong ngày Đại Lễ Shavuot (tức Đại Lễ Ngũ Tuần) của người Do Thái. Đây là một trong những ngày lễ lớn của Do Thái giáo, mừng kính việc công bố Kinh Tora (Ngũ Thư) cho dân Israel.
Khi nhiều người quy tụ tại Giêrusalem mừng ngày lễ thì Chúa Thánh thần đã dùng hình lưỡi lửa để đậu xuống trên đầu các môn đệ của Chúa Giêsu phân phát mầu nhiệm. Truyền thống Kitô giáo coi biến cố trên chính là ngày khai sinh ra Giáo hội, vì vậy nên các Kitô hữu tiên khởi đã mừng kính sự kiện này từ rất sớm. Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trong lịch Phụng Vụ của Giáo hội được nhắc tới lần đầu tiên trong một văn bản xuất hiện năm 130.
Người Công giáo kỷ niệm ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống với ý nghĩa rằng: Đây là dịp Chúa Thánh Linh hạ trần, mang đến niềm tin vào sự sống và những tín hiệu tốt lành. Tại một số nước châu Âu, tên gọi ngày Lễ Hiện Xuống này còn có nghĩa là phép thần trị bệnh nên vào dịp này người ta mong ước, cầu chúc cho nhau qua khỏi bệnh tật.
Đối với người Do Thái, Đại Lễ Ngũ Tuần hay Đại Lễ Shavuot cũng được coi là ngày Hội Mùa - Đại Lễ Tạ Ơn sau vụ mùa, vì đây là thời điểm kết thúc mùa thu hoạch lúa mì. Do vậy nên trong ngày lễ này, họ sẽ dâng lên bàn thờ Chúa tại nhà thờ các ổ bánh mì được làm từ những hạt lúa mì thu hoạch đầu tiên trong mùa vụ.
Theo luật thì người Công giáo không được làm việc nhận công, nhận lương vào ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Nếu nhận thì phải dùng số tiền này để đi lễ chứ không được dùng vào việc cá nhân mình. Tại một số quốc gia châu Âu như Đức, Áo, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Luxembourg, Hungary, Đan Mạch và ở nhiều vùng của Thụy Sĩ, ngày này và thứ Hai kế tiếp được tính là ngày nghỉ lễ có hưởng lương.
2. Lịch sử ra đời của Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (hoặc lễ Hiện xuống, lễ Giáng xuống, lễ Hạ trần) là một ngày lễ của Kitô giáo được cử hành vào ngày thứ năm mươi bắt đầu từ ngày lễ Phục sinh. Tên gọi ngày lễ này trong tiếng Hy Lạp nghĩa là ngày thứ năm mươi cho nên đây cũng được gọi là Lễ Ngũ Tuần (tuần ở đây được hiểu là khoảng thời gian mười ngày).
Ngày thứ 40 kể từ sau ngày Lễ Phục Sinh có ngày lễ Chúa Giêsu lên trời (tức Lễ Thăng Thiên, rơi vào ngày Thứ năm) nhưng thường được dời vào ngày Chúa nhật kế tiếp. Ngày thứ 50 kể từ sau ngày Lễ Phục Sinh là ngày Lễ Ngũ Tuần kỉ niệm Chúa Thánh Thần hiện xuống với các tông đồ theo Tân Ước, ngày này cũng được coi là ngày khai sinh ra Giáo hội.
Ngày lễ này còn được gọi là ngày Hội mùa, vì ngày này đánh dấu một mùa thu hoạch sắp tới. Tại nhà thờ, ngày lễ này họ dâng lên bàn thờ Chúa những ổ bánh mì từ những hạt lúa mì đầu tiên.
3. Chúa Thánh Thần hiện xuống mấy lần? - catechesis.net
Hôm nay là lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Theo Tin mừng thứ tư, thì Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần cho các thánh tông đồ vào ngày Phục sinh. Có phải đó là lần thứ nhất Chúa Thánh Thần hiện xuống, còn hôm nay là lần thứ hai không? Linh mục Phan Tấn Thành trả lời.
Trong các sách phụng vụ bằng tiếng Việt, lễ hôm nay được gọi là “Chúa Thánh Thần hiện xuống”; nhưng trong nguyên bản Latinh thì lễ này được gọi là Pentecostes (gốc tiếng Hy-lạp) có nghĩa là 50 ngày (chuyển sang chữ Hán là “Ngũ tuần”). Vì thế, nếu xét theo nguyên bản Latinh, thì chỉ có một lễ Ngũ tuần; còn nếu xét theo tiếng Việt, “Chúa Thánh Thần hiện xuống” thì phải nói rằng có nhiều lần.
Lần thứ nhất là vào ngày Chúa Giêsu phục sinh phải không?
Không phải thế. Trước đây, nhiều sách giáo lý và thần học thường đặt khởi đầu của sự can thiệp của Thánh Linh từ lễ Ngũ tuần (quen gọi là lễ Hiện xuống). Nhưng khi nghiên cứu Kinh thánh và các giáo phụ, chúng ta thấy rằng Thánh Linh đã tác động ngay từ lúc khai nguyên vũ trụ. Vì thế, Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo (từ số 702 đến 730) đã gom lại những sự can thiệp của Thánh Linh trong lịch sử cứu độ vào ba giai đoạn như sau: 1) Thời hứa hẹn: tạo dựng, giao ước; ngôn sứ. 2) Thời viên mãn của Đức Kitô. 3) Thời chót của Hội thánh. Thời hứa hẹn kéo dài từ lúc tạo dựng vũ trụ cho đến hết thời Cựu ước. Thời viên mãn trùng hợp với thời gian tại thế của Đức Kitô. Thời thứ ba là giai đoạn của Hội thánh cho đến cánh chung.
Chúa Thánh Thần bắt dầu xuất hiện từ hồi nào?
Đành rằng phải chờ cho đến Tân ước, thì mạc khải về Thánh Linh như là một Ngôi vị mới rõ ràng; thế nhưng sau khi đã lãnh nhận mạc khải đó, các Kitô hữu đã đọc lại toàn thể lịch sử cứu độ và đã nhận ra tác động của Thánh Linh ngay từ lúc tạo dựng. Trong khi phân tích các bản văn Kinh thánh Cựu ước, chúng ta đã thấy nói tới ruah Yaweh (thần khí Chúa) không những đã hiện diện vào hồi tác tạo vũ trụ, nhưng còn tiếp tục duy trì cho các sinh vật được hiện hữu. Nếu Thiên Chúa rút thần khí lại thì mọi vật tan tành thành mây khói. Thánh Linh được kêu cầu như là “Thần khí tác tạo” (Creator Spiritus). Ngoài ra, trong lịch sử của Israel, thần khí Chúa đã can thiệp các đặc biệt khi gợi dậy bao nhiêu sứ giả cứu tinh, đặc biệt là các ngôn sứ: đó là điều mà chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin kính: “Thánh Linh đã phán dạy qua các ngôn sứ” (x.1Pr 1,11; 2Pr 1,21). Hơn thế nữa, trong những văn kiện sau Công đồng thánh Gioan Phaolô II đã nhiều lần nói tới hoạt động của Thánh Linh vượt lên mọi biên cương của không gian và thời gian (thí dụ: thông điệp Dominum et Vivificantem số 53, Redemptor Hominis số 6). Lời khẳng định này mang theo nhiều hệ luận quan trọng cho công tác truyền giáo của Hội thánh. Ai ai cũng biết rằng Hội thánh đã được sai đi mang Tin mừng cứu rỗi đến cho muôn dân. Tuy nhiên, các nhân viên phục vụ Tin mừng cần phải khiêm tốn nhìn nhận rằng không phải họ là những người tiên phong mang chân lý vào chỗ hoàn toàn u mê tăm tối. Không phải như vậy, Thánh Linh đã đi trước họ rồi: Ngài đã dọn đường cho Tin mừng qua những hạt giống chân lý gieo vào lòng các dân tộc, các nền văn hóa, và nhất là trong thâm tâm của mỗi người. Từ đó, nhà truyền giáo không nên có thái độ ngạo nghễ của một người đi xâm chiếm vùng đất hoang vu, nhưng cần có thái độ kính cẩn đi rón rén, kẻo giày đạp những hạt giống chân lý mà Thánh Linh đã gieo trước đó (x.Cv 10,47). Chúng ta đọc thấy tư tưởng này trong thông điệp Redemptoris Missio ở số 28-29; 56, tông huấn Ecclesia in Asia số 15-16. Nên biết là vào hồi Trung cổ, thánh Tôma Aquinô đã viết rằng đâu có dấu vết chân lý thì đấy có Thánh Linh (“Omne verum, a quocumque dicatur, a Spiritu Sancto est”: ST I-II,109,a.1,1m); còn đức Gioan Phaolô II thì chú trọng cách riêng tới lời cầu nguyện chân chính như là dấu chỉ sống động của Thánh Linh. Thực vậy, thánh Phaolô trong Rm 8,26 có nói rằng Thánh Linh đến giúp chúng ta cầu nguyện vì chúng ta không biết tìm lời lẽ xứng đáng thân thưa với Chúa; hậu nhiên, khi ta gặp thấy lời cầu nguyện đích đáng thì cần phải coi đó như tác động của Thánh Linh (Dominum et vivificantem số 65; Redemptoris Missio số 29).
Thánh Linh đã tác động trong thế giới từ khi tạo dựng vũ trụ và trong lịch sử các dân tộc. Như vậy, giai đoạn hai có thêm gì mới lạ hơn không?
Dựa theo từ ngữ của Tân ước, Sách Giáo lý đặt tên cho giai đoạn hai là “Thời viên mãn”: Đức Giêsu đã xuất hiện trong thế giới như sự thực hiện những lời Chúa hứa với các tổ phụ. Trong bối cảnh này, tác động của Thánh Linh cũng đánh dấu một bước tiến mới. Tân ước đã cho thấy Thánh Linh tác động trong cuộc đời của Đức Giêsu, từ khi nhập thể đến lúc Phục sinh; rồi từ biến cố Phục sinh Thánh Linh trở nên hồng ân mà Đức Kitô ban cho nhân loại. Trong suốt cuộc đời ấy, có ba biến cố mà Thánh Linh can thiệp cách đặc biệt, đó là: vào lúc nhập thể, lúc lĩnh phép rửa, và trên thập giá.
(1) Thật vậy, Mátthêu và Luca (tác giả của Tin mừng thời thơ ấu) đều giải thích việc đức Maria thụ thai Đức Giêsu là do quyền năng của Thánh Linh (Mt 1,20; Lc 1,35). Điều này đã được tuyên xưng trong tất cả các tín biểu: “bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người”. Dựa theo các giáo phụ, thánh Tôma Aquinô giải thích rằng vai trò của Thánh Linh là kết hợp Ngôi Lời với nhân tính (gratia unionis), nhờ đó mà Đức Giêsu được sung mãn ân sủng và chân lý để thông chuyền cho chúng ta với tư cách là đầu của Nhiệm thể (x. ST III, q.2,aa.10-12; q.6,a.6; q.7,a.13).
(2) Biến cố can thiệp lần thứ hai của Thánh Linh là vào lúc Đức Giêsu lĩnh phép rửa ở sông Giordan, tất cả bốn Phúc âm đều mô tả sự xuất hiện của Thánh Linh (Mt 3,18; Mc 1,10; Lc 3,21; Ga 1,32). Dựa theo Cv 10,37-38, nhiều giáo phụ (thí dụ: Irênêô, Adversus Haereses, 3,18,3; Ambrôsiô, De Spiritu Sancto 1,3,44) đã giải thích biến cố đó như Đức Giêsu được Thánh Linh xức dầu (Kitô, trong tiếng Hylạp, có nghĩa là người được xức dầu), để khởi sự sứ mạng ngôn sứ và cứu tinh (x. Is 42,1). Như chúng ta đã biết, chính nhờ quyền năng của Thánh Linh đáp xuống trên mình mà Đức Giêsu mang Tin mừng đến cho người nghèo (Lc 4,18), giải phóng con người khỏi vòng nô lệ của ma quỷ (Mc 3,22-20; Mt 12,28), bệnh tật, tội lỗi, chết chóc (Mt 8,17; 12,15-21; Cv 10,38).
(3) Sau hết, biến cố Đức Kitô bị treo lên Thập giá được thánh Gioan giải thích như là sự tôn vinh Thiên Chúa. Thiên Chúa được tôn vinh vì đã mạc khải tình yêu của Ngài qua việc trao ban Con Một mình cho nhân loại (Ga 3,16). Thánh Gioan không mô tả cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá như một thảm kịch đau thương cho bằng như một sự mạc khải của tình yêu trao hiến. Sự trao hiến đạt đến mức tột đỉnh khi mà tặng phẩm không phải là một “đồ vật” mà là một “nhân vật”: Thánh Linh chính là nhân vật được trao tặng. Thực vậy, thánh Gioan cho thấy rằng “mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30) vào lúc mà Đức Giêsu tắt thở; thế nhưng Gioan đã mô tả sự tắt thở không phải như sự trút hơi lìa đời mà là “trút ban thần khí”. Chương trình yêu thương cứu rỗi của Thiên Chúa được hoàn tất do việc Đức Kitô hiến mạng sống mình cho những bạn hữu mình yêu, và cử chỉ tình yêu ấy được đóng ấn với sự trao ban Thánh Linh. Thánh Linh đã được ban phát ngay từ hồi nguyên thủy, nay được ban ra dồi dào từ cái chết của Đức Kitô, như mạch suối nước hằng sống (Ga 19,30; x.7,37-39). Việc trao ban Thánh Linh được biểu thị cách hữu hình vào lúc Đức Kitô phục sinh hà hơi trên các tông đồ: “Các con hãy nhận lãnh Thánh Linh” (Ga 20,22). Thánh Phaolô đã nói rất nhiều về việc Thánh Linh được trao ban từ cuộc Phục sinh của Đức Kitô (thí dụ Rm 1,4; 8,11) để trở thành sinh lực cho chúng ta, biến chúng ta thành con cái Chúa, và là bảo chứng cho việc chúng ta sẽ sống lại mai hậu.
Các thánh tông đồ đã nhận lãnh Thánh Thần vào lúc Chúa Giêsu sống lại. Như vậy, lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống còn ý nghĩa gì nữa không?
Như đã nói ở đầu, trong bản văn Latinh, hôm nay không phải là lễ Thánh Thần Hiện xuống, nhưng là lễ Ngũ tuần. Đối với người Do thái, lễ Ngũ tuần kỷ niệm biến cố Thiên Chúa ban bố giao ước trên núi Sinai, 50 ngày sau khi được cứu thoát khỏi cảnh nô lệ bên Ai-cập. Đối với các Kitô hữu, chúng ta cũng mừng kỷ niệm giao ước mới. Các ngôn sứ Giêrêmia và Êdêkiel đã nói đến giao ước mới được ghi khắc trong con tim. Giao ước ấy hiển hiện qua việc trao ban Thánh Linh. Lễ Ngũ tuần cũng là ngày ra mắt của Hội thánh, Hội thánh của giao ước mới. Nên biết là trong Tông đồ công vụ, thánh Luca còn kể lại nhiều cuộc Hiện xuống của Thánh Linh, thí dụ: ở chương 4,31 (sau khi cộng đoàn tín hữu cầu nguyện trong cơn bách hại); chương 8,17 cho dân Samari; chương 10,44 cho dân ngoại (x.19,6). Thần học gọi đó là một vài biểu hiện bên ngoài của Thánh Linh. Những hoạt động âm thầm của Ngài còn nhiều hơn nữa. Thánh Linh là hơi thở nuôi sống Hội thánh; Ngài rút hơi lại thì Hội thánh tiêu tan. Theo Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, (số 688), Thánh Linh vẫn tiếp tục thổi hơi vào Hội thánh qua bảy nơi sau đây: 1/ nơi Kinh thánh mà Thánh Linh linh ứng; 2/ nơi Thánh Truyền; 3/ nơi Huấn quyền; 4/ trong phụng vụ bí tích; 5/ trong các đoàn sủng và tác vụ; 6/ trong các dấu chỉ của đời sống tông đồ và truyền giáo; 7/ nơi chứng tá của các thánh.
4. Những ơn ban của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội -Lm. Giuse Đinh Tất Quý
1- Ơn ban đầu tiên và cao trọng nhất của Chúa Thánh Thần là ơn Bình an, đặc trưng của thời Messia. Thế nhưng sự bình an mà Chúa Thánh Thần ban tặng là thứ bình an như thế nào?
Báo Tuổi Trẻ Chúa nhật số ra ngày 2/9/2001 có đăng một bài với tựa đề là “Sự bình an“. Câu chuyện như thế này: Một vị vua kia treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình an. Nhiều họa sĩ đã cố công. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một.
Một bức tranh thứ nhất vẽ một hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh diễn tả về sự bình an thật hoàn hảo.
Bức tranh kia cũng có những ngọn núi nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút, kèm theo những tiếng sấm chớp long trời. Đổ xuống bên vách núi là một dòng thác nổi bọt trắng xóa. Bức tranh này trông thật chẳng bình an chút nào.
Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đàng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây ấy có một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ đang thản nhiên đậu trên tổ của mình… Bình an thật sự.
Nhà vua công bố: “Ta chấm bức tranh này! “
Bình an không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình an ở ngay trong sự yên tĩnh trong trái tim. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của bình an”.
Sau khi Đức Giêsu chịu chết, các tông đồ sợ người Do Thái lùng bắt, nên đã trốn vào phòng, cửa đóng then cài.
Giữa cơn bão táp phong ba, Đức Giêsu sống lại, hiện ra với các ông, như chim mẹ an nhiên đậu trên tổ canh giữ bầy con, Người mang lại cho các ông sự bình an đích thực: “Bình an cho anh em!”.
Bình an của Đấng Phục sinh không phải là thứ bình an không có sóng gió. Bình an của Người là bình an trong tâm hồn. Bình an ấy không loại trừ việc phải đối đầu với kẻ thù, đối diện với khổ đau và với cả sự chết. Chính vì thế, mà sau khi trao bình an, Đức Giêsu đã cho các môn đệ “xem tay và cạnh sườn” Người. Đó là bằng chứng của một cuộc chiến đấu đầy gian truân mà các môn đệ sẽ phải đi tới.
2- Ơn ban cao trọng thứ hai của Chúa Thánh Thần là ơn tha tội: chính nhờ được tha tội mà con người được bình an thật.
Linh mục Bernado thuộc hội Giáo Hoàng thừa sai người Ý truyền giáo tại Hong Kong kể lại rằng: Vào một ngày thứ sáu tuần thánh, sau khi nói về cái chết trên thập giá và ơn tha thứ của của Chúa Giêsu, Ngài giải thích về ý nghĩa của Bí Tích Giải tội và kêu gọi mọi người xưng tội để cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa. Sau nghi lễ, có một người Hồi giáo đến gặp ngài và nói như sau:
– Thưa Cha, tôi muốn xưng tội để được ơn tha thứ.
Vị linh mục giải thích rằng: Vì chưa được Rửa Tội, ông không thể lãnh nhận Bí Tích Giải tội, nhưng người tín hữu Hồi giáo nài nỉ:
– Thưa Cha, trong Hồi Giáo của chúng tôi không có sự tha tội, nhưng tôi cảm thấy cần phải được Chúa tha thứ và có được một dấu chỉ về sự tha thứ của Ngài.
Cha liền chúc lành cho người tín hữu Hồi Giáo và sau đó người này trở thành người con của Chúa. Từ ngày đó người ấy nói rằng anh ta luôn được sống trong sự bình an.
+ Tại Đại Hàn, nơi có nhiều tín đồ Phật giáo trở lại Công Giáo, Giáo Hội đã làm một cuộc thăm dò với một câu hỏi rất vắn như sau: “Tại sao bạn trở lại và chọn Giáo Hội Công Giáo ?”
Một bác sĩ nổi tiếng trong nước đã trả lời như sau: “Trở lại là một mầu nhiệm và có nhiều động lực thúc đẩy. Một trong những động lực mãnh liệt nhất đó là sự kiện trong Giáo Hội Công Giáo vị linh mục nhân danh Chúa để tha thứ tội lỗi. Đối với tôi, đây là một khám phá vĩ đại nhất. Trong Phật Giáo không có sự tha thứ, tuy có những nghi thức thanh tẩy, có việc cúng tế và cầu kinh, nhưng không có ai tha tội cả. Người tín đồ Phật Giáo vì có một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế cho nên suốt đời bị dằn vặt dưới gánh nặng tội lỗi của mình. Khi tôi biết rằng: Giáo Hội Công giáo nhân danh Chúa tha thứ tội lỗi cho tôi, tôi hiểu được niềm tin này mang lại cho tôi những gì.
3- Ơn ban cuối cùng là ơn được sai đi giúp Giáo Hội có thể ra đi loan Tin Mừng cứu độ cho mọi loài thụ tạo cho tới ngày tận thế. Thánh Phaolô đã quả quyết: “Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? (Rm 10,15). “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).
Linh mục Natarinô Rochky, một thừa sai người Italia làm việc truyền giáo lâu năm ở Nhật Bản, đặc biệt là Ngài làm Cha sở họ đạo Elsaye. Cách thủ đô Tôkyô khoảng 100 km. Ngài kể lại câu chuyện sau đây:
“Có một giáo sư đại học trẻ tuổi người Nhật xin gặp tôi mỗi tuần 2 buổi tối để thảo luận về các vấn đề tôn giáo và Phúc Âm, mặc dù ông chưa phải là tín hữu Công giáo. Những cuộc thảo luận như vậy kéo dài hơn một năm trời. Vị giáo sư này trình bày cho tôi những nghi ngờ, thắc mắc về đạo, đồng thời ông cũng xin tôi giải thích thêm về Phúc Âm, về Giáo hội và về luân lý của đạo công giáo.
Sau hơn một năm, tôi cảm thấy vị giáo sư thông minh đó có vẻ đã sẵn sàng đón nhận Bí Tích Thanh Tẩy, nên tôi hỏi ông có muốn được rửa tội và gia nhập vào Hội thánh Công Giáo hay không. Tôi ngạc nhiên khi thấy ông từ chối cách lịch sự. Và từ đó, tôi không thấy không lui tới với tôi nữa… Bẵng đi hơn 10 tháng, khi tôi hầu như đã quên đi vị giáo sư đó, thì một hôm. Ông trở lại gặp tôi và nói:
– Thưa Cha, Cha đã thuyết phục được con. Bây giờ con sẵn sàng đón nhận Bí Tích Rửa tội và con cũng đã chuẩn bị cho vợ con cũng như hai đứa con của con.
Nghe đến đây, tôi rất ngạc nhiên. Tôi hỏi ông điều gì đã khiến ông thay đổi ý kiến như thế. Ông ta đáp:
Trong những tháng qua, con đã âm thầm quan sát xem Cha đã sống như thế nào. Cha đã từng nói với con rằng Cha thường dâng thánh lễ một mình trong nhà thờ mỗi ngày lúc 7 giờ sáng. Đó cũng là giờ con ra ga xe lửa để đến Tôkyô dạy học, vì thế con vẫn có dịp đi qua Nhà thờ của Cha. Con dừng lại một lát nhìn Cha qua cửa sổ, xem Cha làm gì trong đó. Bao giờ con cũng thấy Cha trong Nhà thờ và cầu nguyện thật sốt sắng. Ngoài ra, con cũng dò hỏi nhiều người về cách sống của Cha. Qua các cuộc điều tra đó, con thấy quả thật Cha đã tin và đã sống những điều Cha đã chia sẻ cho con về đạo. Xét về mặt kiến thức thì con đã xác tín về sự thật Phúc Âm, nhưng con muốn xem Cha có sống Phúc Âm thực sự hay không”.
Cha Rochky không những đã truyền giáo bằng lời nói, giảng dạy, nhưng còn bằng cuộc sống thường nhật của mình nữa!
5. Một số hình ảnh Chúa Thánh Thần hiện xuống
Đa Minh Thái Bình, tổng hợp
Từ khóa » Chúa Thánh Thần Trong Ngày Lễ Ngũ Tuần
-
Lễ Ngũ Tuần, Ngày Hội Của Chúa Thánh Thần Và Giáo Hội
-
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - SimonHoaDalat
-
Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống | Tổng Giáo Phận Hà Nội
-
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
-
Chúa Thánh Thần Sau Ngày Lễ Ngũ Tuần - SỐNG TIN MỪNG TÌNH YÊU
-
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 05/31/2020 - Annunciation Church
-
Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
-
Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Năm C
-
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Suy Niem Loi Chua Hang Ngay
-
Bài đọc Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Năm C
-
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: Các Bài Suy Niệm & Chú Giải Lời ...
-
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Lịch Sử Ra đời Và ý Nghĩa Ngày Này
-
CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN ...