Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

CHÚA NHẬT LỄ HIỆN XUỐNG

Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13Ga 20,19-23

QUÀ TẶNG CỦA CHÚA PHỤC SINH

“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”(Ga 20,23)

“Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất này” (Tv 103,30). Đây là lời cầu xin tha thiết của bao thế hệ những người tin vào Thiên Chúa. Mặc dù Chúa Thánh Thần đã được Chúa Kitô tuôn đổ tràn đầy xuống trên các tông đồ và Hội Thánh sơ khai, lời cầu xin này vẫn không mất giá trị thực tiễn đối với các tín hữu hôm nay. Hội Thánh vẫn luôn làm mới lại lời cầu xin này để nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh luôn biết sống trung tín hơn với sứ mạng làm dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa cho một thế giới ít nhiều vẫn bị tổn thương, đang bị đe dọa bởi các thế lực sự dữ.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1: Cv 2,1-11

Theo thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống diễn ra vào đúng dịp Lễ Ngũ Tuần của người Do-thái, như thể những khía cạnh thiết yếu của Lễ Ngũ Tuần sẽ được hiện thực hóa nơi Lễ Hiện Xuống. Kinh Thánh cho chúng ta biết Lễ Ngũ Tuần là một trong ba đại lễ của người Do thái (gồm Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều). Lễ này được cử hành 50 ngày sau ngày đầu tiên của Lễ Vượt Qua. Trong ba dịp đại lễ này, người Do-thái đi hành hương kính Đức Chúa tại nơi Người chỉ định cho họ. Sách Xuất Hành ghi lại: “Mỗi năm ba lần, mọi nam nhân phải đến trước nhan Đức Chúa là Thiên Chúa [của mình]” (x. Xh 23,14-17).

Vào thời của các tông đồ, Lễ Ngũ Tuần có lẽ là dịp đại lễ thu hút được nhiều người Do-thái hành hương nhất; họ từ các vùng đất xa xôi về Giêrusalem để mừng sự kiện Thiên Chúa ban Luật cho ông Môsê trên núi Sinai. Trong dịp Lễ Ngũ Tuần lần này, các môn đệ đã được Thiên Chúa đổ tràn Thánh Thần của Người xuống trên họ. Người xuất hiện như “hình lưỡi lửa, tản ra và đậu xuống từng người một. Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,3-4).

Hình ảnh lửa nhắc chúng ta nhớ lại sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc thần hiển của Người trên núi Sinai: “Cả núi Sinai nghi ngút khói, vì Đức Chúa ngự trong đám lửa mà xuống” (Xh 19,18). Còn việc các môn đệ được ơn nói các thứ tiếng khác nhau, thì như thánh Phêrô minh giải, là để ứng nghiệm lời Thiên Chúa đã phán qua ngôn sứ Joel: Người sẽ tuôn đổ Thần Khí xuống trên các tôi tớ của Người để họ trở thành các ngôn sứ của Người, tức là những người sẽ nói lời của Người cho muôn dân (x. Cv 2,17-18). Mà lời các môn đệ đang nói ra không nhằm mục đích gì khác hơn là làm chứng rằng: Đức Giêsu, vốn đã bị đóng đinh và bị giết chết, nay đã được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết, được Thiên Chúa đặt làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô (x. Cv 2,36). Đức Kitô Phục Sinh được Thiên Chúa trao cho Thánh Thần đã hứa, để Ngài tuôn đổ xuống trên các môn đệ, như những gì các người hành hương đang chứng kiến (x. Cv 2,33).

Nếu như trong cuộc thần hiển trên núi Sinai, Thiên Chúa đã ban Luật cho dân Do-thái để dẫn dắt họ bước vào đời sống tương quan mật thiết với Người, thì nay trong biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, Thiên Chúa qua Đức Kitô Phục Sinh, đổ tràn Thánh Thần của Người xuống trên chúng ta, để Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta bước vào đời sống thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta hiểu, đào sâu thêm, và thực hành Luật bác ái yêu thương mà Chúa Giêsu đã truyền cho chúng ta: Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và yêu thương tha nhân như chính mình.

Lễ Ngũ Tuần còn được biết đến với tên gọi khác là lễ Mùa Gặt, lễ dâng của đầu mùa. Đây là dịp lễ để người dân tạ ơn Thiên Chúa vì Người đã ban cho họ một mùa gặt thành công. Theo ý nghĩa này, ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Hội Thánh sơ khai cũng có được một mùa gặt bội thu. Sau khi nghe thánh Phêrô giảng dạy, đã có đến ba ngàn người xin chịu phép rửa “nhân danh Đức Giêsu Kitô để được ơn tha tội” và được “ân huệ là Chúa Thánh Thần” (x. Cv 2,41). Hội Thánh sơ khai quả là có lý do để ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa vì vụ mùa bội thu này, dưới sức mạnh và sức tác động của Chúa Thánh Thần.

2. Bài đọc 2: 1Cr 12,3b-7.12-13

Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, các tông đồ không ngừng đi loan báo Tin Mừng; biên giới hữu hình của Hội Thánh sơ khai không ngừng mở rộng; các giáo đoàn được thiết lập khắp nơi trong đế quốc Roma. Một khi các giáo đoàn được thành lập, thì nhiệm vụ xây dựng và phát triển các giáo đoàn trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại kiệt xuất, đã chỉ ra nhiệm vụ cần được từng tín hữu chu toàn. Vì các tín hữu cùng chịu phép rửa “trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” nhiệm mầu của Chúa Kitô, nên từng người phải lo vun đắp, xây dựng Hội Thánh, tùy theo đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho mình.

Thánh Phaolô liệt kê 9 ơn Chúa Thánh Thần ban cho các tín hữu, bao gồm: ơn khôn ngoan để giảng dạy; ơn hiểu biết để trình bày; ơn đức tin; ơn chữa bệnh; ơn làm phép lạ; ơn nói tiên tri; ơn phân định thần khí; ơn nói các thứ tiếng lạ; ơn giải thích các thứ tiếng lạ (x. 1Cr 12,7-10). Hiển nhiên, còn nhiều ơn khác nữa không được thánh nhân liệt kê ra đây. Nhưng điểm chính yếu thánh nhân muốn nói đến là: Chúa Thánh Thần là nguồn suối những ơn lành các tín hữu lãnh nhận được; Người ban cho mỗi người mỗi cách, tùy theo quyết định khôn ngoan khôn dò khôn thấu của Người; Người ban cho chúng ta các ơn ấy, không phải chỉ để tô điểm cho cuộc sống chúng ta, cũng không phải để chúng ta đem ra so sánh hơn thua với nhau, nhưng để chúng ta có thể phục vụ cho sự hiệp nhất của Hội Thánh Chúa, và mưu ích cho phần rỗi của mọi người. Nếu biết sử dụng các ơn này một cách hiệu quả trong tinh thần khiêm tốn phục vụ và cho đi, chúng ta sẽ làm cho Hội Thánh của Chúa ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, làm cho Hội Thánh xứng đáng trở thành khí cụ yêu thương mà Thiên Chúa dành cho nhân loại và thế giới hôm nay.

3. Bài Tin Mừng: Ga 20,19-23

Khi các cánh cửa còn đang đóng kín, khi các môn đệ còn đang phải “họp kín” vì sợ người Do-thái, thì Đức Kitô Phục Sinh đã đến và hiện diện với họ. Người đến để đem ơn bình an đích thực cho họ, trong lúc tâm hồn họ còn bị nỗi sợ hãi phủ kín. Sau lời chào bình an thứ nhất (x. c19), Người cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn Người. Sau sự kiện này, các môn đệ đã chuyển từ trạng thái lo sợ sang tâm tình vui mừng vì thấy Chúa.

Một khi nỗi lo sợ của các môn đệ đã tan biến, một khi con tim của các ngài đã vui trở lại, thì cũng là lúc Chúa Kitô Phục Sinh nói lời bình an thứ hai cho các ngài (x. c21). Lời bình an này kèm theo một sứ mạng: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (c21). Như thế, Đấng Phục Sinh như muốn hàm ý: các môn đệ không nên chỉ vui mừng vì thấy Chúa, mà họ cần san sẻ niềm vui ấy cho nhiều người khác nữa, nhất là cho những ai chưa biết Chúa, cho những ai đang sống trong âu sầu, lo lắng của phận người. Và sứ mạng loan báo Tin Mừng chính là điều mà Đấng Phục Sinh muốn gửi gắm và trao vào tay các môn đệ của mình.

Nhưng Đức Kitô Phục Sinh cũng thừa biết bao khó khăn đang chực chờ các môn đệ ở phía trước. Nhưng như thánh sử Gioan đã từng khẳng định: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ cho đến cùng” (x. Ga 13,1), Đức Kitô Phục Sinh sẽ không để các môn đệ mồ côi, Người không để họ phải dò dẫm tự tìm ra hướng đi phục vụ sứ mạng Người trao phó cho họ. Như Người đã từng hứa sẽ xin Chúa Cha ban cho các môn đệ một Đấng Bảo Trợ khác để ở với họ luôn mãi (x. Ga 14,16), thì giờ đây, với quyền năng của Đấng Phục Sinh, và trước sứ mạng mà Người trao phó cho các môn đệ, Người thực hiện lời hứa ấy bằng việc thổi hơi, ban Thánh Thần cho các ngài. Như vậy, việc thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng của các môn đệ sẽ được đặt dưới sự dẫn dắt và nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Lịch sử Giáo Hội đã cho thấy, bao lâu các vị thừa sai biết cậy dựa vào sức mạnh và đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, thì hạt giống Tin Mừng mà các vị gieo vãi sẽ sinh hoa kết quả tốt đẹp như lòng Chúa mong ước. Điều đã đúng cho hôm qua, cũng sẽ đúng cho hôm nay và những ngày tháng kế tiếp.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến, và tự trời xin tỏa ánh quang minh của Ngài cho chúng con!

II. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đức Kitô phục sinh đã xin Thiên Chúa Cha ban tặng Chúa Thánh Thần cho các tông đồ và tất cả những ai tin vào danh Người. Chúng ta hãy đồng thanh cảm tạ Chúa và tha thiết cầu xin:

1. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội Thánh biết vâng theo sự hướng dẫn thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, trung thành diễn tả dung mạo của Chúa Kitô phục sinh cho thế giới hôm nay.

2. Chúa Thánh Thần ban ơn đổi mới cho toàn thể nhân loại. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo và các tổ chức quốc tế biết quan tâm mưu cầu hòa bình đích thực cho thế giới qua những hoạt động bảo vệ công lý và phục vụ người nghèo.

3. “Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần.” Chúng ta cùng cầu xin cho các Kitô hữu được Chúa Thánh Thần thánh hóa và hướng dẫn, trở nên những con người mới luôn ý thức và hăng say với sứ vụ truyền giáo trong cuộc sống hằng ngày.

4. “Có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần.” Xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết quí trọng và sử dụng ân huệ của Chúa Thánh Thần cách hiệu quả, luôn tích cực xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô và bảo vệ sự hiệp nhất trong Hội Thánh.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha toàn năng, xin nhận lời chúng con cầu nguyện. Xin ban xuống trên chúng con tràn đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần, giúp chúng con can đảm làm chứng cho Chúa giữa thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Từ khóa » Chúa Thánh Thần Trong Ngày Lễ Ngũ Tuần