Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Năm C
Có thể bạn quan tâm
Quà Tặng Chúa Thánh Thần Trong Đời Sống
I. Các bài đọc
Bài đọc I: Cv 2:1-11
Bài trích sách Công vụ Tông đồ: Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ đang tụ họp nhau tại Giêrusalem.
Đáp ca: Tv 104:1,24,29-31,34
Thánh vịnh 104: Chúa Thánh Thần canh tân bộ mặt trái đất.
Bài đọc II: 1 Cr 12:3b-7,12-13
Bài trích thư của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Côrintô: chúng ta nên một trong Đức Kitô.
Tin Mừng: Ga 20:19-23
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan: Chúa Giêsu lên hiện đến với các Tông đồ và ban Thánh Thần cho các ông.
II. Chia sẻ
Mùa Phục Sinh kết thúc với lễ kỷ niệm hôm nay, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, chúng ta kỷ niệm việc Chúa Thánh Thần hiện xuống khi các Tông đồ khi đang tụ họp nhau ở Giêrusalem; sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu của Giáo hội. Câu chuyện về Lễ Ngũ Tuần được tìm thấy trong sách Tông đồ Công vụ, bài đọc I hôm nay. Trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay trích từ Tin Mừng thánh Gioan cũng thuật lại việc Chúa Giêsu đã ban ơn Chúa Thánh Thần cho các môn đệ. Không cần phải cố gắng hài hòa hai trình thuật này với nhau. Chỉ cần biết rằng, sau khi chết và sống lại, Chúa Giêsu đã thực hiện lời hứa của Ngài là gửi đến cho các môn đệ một Đấng bảo trợ, để họ trở thành nhân chứng của Ngài trên khắp thế giới.
Từ những điều này chúng ta hãy cùng nhau khám phá lại những gì Chúa đã làm cho chúng ta, qua Giáo hội, khi trao ban chính Chúa Thánh Thần cho chúng ta trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Biến cố Hiện Xuống là một biến cố lịch sử và là một biến cố hiện sinh trong đời sống người Kitô hữu. Từ đó chúng ta có thể nhận ra:
Thánh Thần là một quà tặng của Thiên Chúa
Quang cảnh ngày Lễ Ngũ Tuần đã mang đến cho chúng ta một cảm xúc thiêng liêng sâu xa, khi mà các tông đồ đã trở nên như những con người mới trong cách sống của mình “Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,4). Toàn dân đã thấy điều kỳ diệu là các tông đồ có thể nói được những thứ tiếng của họ, dù họ đến từ các nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau và tất cả đều hiểu được qua những ngôn ngữ ấy.
Phép lạ hiển nhiên là họ có thể nói về Chúa Giêsu theo cách thu hút mọi người thuộc các nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau vào một đức tin chung. Điều kỳ diệu lớn hơn là họ đã trở thành một cộng đồng bao gồm những con người thực sự đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa, giới tính, trình độ… thuộc mọi nền văn hóa. Họ bắt đầu trở thành một cộng đoàn Công Giáo (phổ quát).
Trong thư thứ nhất Côrintô, thánh Phaolô cũng nhắc chúng ta rằng một cộng đoàn như vậy luôn là một thách thức đối với mọi người có liên quan. Nghe có vẻ đơn giản như vậy khi ngài nói: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí” (1 Cr 12,4). Khi thánh Phaolô tiếp tục về các hình thức phục vụ khác nhau, v.v.. quan điểm của thánh Phaolô là những người chia sẻ sự đa dạng đó như một lời mời gọi rằng mọi người đều được kêu gọi đóng góp những gì tốt nhất, mỗi người phải cố gắng phục vụ vì lợi ích của tất cả.
Chúng ta thấy điều mà thánh Phaolô nói để chỉ các ân ban của Chúa Thánh Thần là các đặc sủng. Từ này chia sẻ từ nguyên của nó với từ Charis mà chúng ta dịch là ân sủng, cho thấy rằng, giống như ân sủng, đặc sủng là những quà tặng đặc ân đến từ Thiên Chúa, nó không thể đạt được và không thể có được bằng nỗ lực của con người. Trong Tân Ước, từ đặc sủng trong tiếng Hy Lạp chỉ xuất hiện trong các Thư, như để giải thích rằng các đặc sủng trở nên hoạt động sau Lễ Ngũ Tuần, khi các môn đệ được trao quyền để thực hiện sứ mệnh của Chúa Giêsu trong lịch sử.
Câu chuyện về Lễ Ngũ Tuần công bố rằng các ân sủng của Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta có khả năng vượt qua những khác biệt chia rẽ trong cộng đồng loài người thành các phe phái cạnh tranh hoặc thậm chí bạo lực. Sự ví von của thánh Phaolô về thân thể Đức Kitô dạy rằng mỗi người đều có khả năng trở thành nguồn ân sủng cho người khác và được đón nhận ân sủng từ người khác.
Trong Tin Mừng Gioan, Lễ Hiện Xuống, việc Chúa Kitô ban tặng món quà Thần Khí của Ngài cho cộng đoàn các tông đồ, đã xảy ra vào ngày Phục Sinh. Như Gioan mô tả, Chúa Giêsu hiện diện ở giữa các môn đệ và chào đón họ bằng “bình an cho anh em”. Sau khi cho chúng thấy những vết sẹo ở tay và bên hông bị thương của mình, Chúa lại nói “bình an cho anh em”. Sau đó, khi làm cho họ ý thức được cái giá phải trả của việc trở thành tác nhân của tình yêu Thiên Chúa, Ngài nói, “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21).
Như vậy Chúa Thánh Thần chính là quà tặng ân sủng của Thiên Chúa ban cho chúng ta cách nhưng không, để trợ giúp chúng ta trong mọi sự. Điều đó có nghĩa là Chúa Thánh Thần sẽ luôn hiện diện trong đời sống người Kitô hữu để hướng dẫn và chỉ bảo cho những gì chúng ta cần làm theo thánh ý Chúa.
Chúa Thánh Thần đổi mới mọi thụ tạo
Lễ Ngũ Tuần nhắc nhớ một thời điểm quan trọng về sự hiện diện luôn đổi mới của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của chúng ta. Ngày Lễ Ngũ Tuần diễn tả một biến cố phi thường nhằm phá vỡ mọi ranh giới của thời gian và văn hóa, và hơn hết, là những thái độ của đời sống của chúng ta về sự bất khoan dung. Biểu tượng của nhiều ngôn ngữ đại diện cho mọi thứ chia rẽ chúng ta, mọi thứ cắt đứt sự hiệp thông. Lễ Ngũ Tuần tuyên bố rằng Thiên Chúa đã tạo ra sự đa dạng của chúng ta để làm phong phú chúng ta, hầu giúp chúng ta hiểu nhau và điều này sẽ dẫn chúng ta thăng tiến trong cộng đoàn với tất cả những người yêu dấu của Thiên Chúa. Thông điệp của thánh Phaolô gửi cho người Côrintô nói lên nhiều điều. Chúa Thánh Thần ban cho nhiều đặc sủng khác nhau, mà không có những ơn ấy, thì không thể có sự thánh thiện đích thực.
Nếu chúng ta muốn Lễ Ngũ Tuần đến với cuộc sống trong chúng ta, thì Kinh Thánh ngày nay cho chúng ta biết rằng sự tha thứ là nơi bắt đầu. Trước tiên, như nghi thức mở đầu của cử hành Thánh Thể dạy chúng ta, chúng ta cần chấp nhận mình là tội nhân được yêu mến và được tha thứ. Tin Mừng hôm nay chứng tỏ rằng việc biết và chấp nhận lẽ thật đó về bản thân sẽ mở ra cho chúng ta Thánh Thần.
Theo mô hình của Phúc âm ngày nay, bước thứ hai trong tiến trình Lễ Ngũ Tuần của chúng ta là tham gia vào việc hòa giải bằng cách tha thứ và trở thành tác nhân của sự tha thứ giúp người khác biết rằng điều đó là có thể. Lễ Ngũ Tuần là một quá trình lâu dài. Và sự đổi mới bắt đầu từ sự tha thứ “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20, 22). Sự tha thứ sẽ mở ra tiến trình của sự canh tân bản thân và canh tân các mối tương quan.
Lễ Ngũ Tuần thử thách niềm hy vọng và đức tin của chúng ta. Mỗi tuần, trong thánh lễ chúng ta tuyên xưng “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần”. Lễ Ngũ Tuần gợi lên cho chúng ta ý nghĩa sâu sắc là chúng ta có sẵn sàng để Thánh Thần của Đức Kitô ngự trị và ban sức mạnh cho chúng ta không? Chúng ta có sẵn sàng vượt ra khỏi thế giới về văn hóa của chúng ta để hình thành các cộng đoàn bao gồm sự đa dạng và các quan điểm khác nhau mà chúng ta sẽ cần, và thậm chí học cách yêu mến các đặc tính của sự khiêm tốn, hòa hợp và sự tha thứ không? Giống như sự tha thứ nó không thể được áp đặt, những cộng đoàn như vậy bắt nguồn từ ân sủng và sẽ tiêu hao trong sứ mệnh của chính Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến trên chúng con, xin đổi mới chúng con và canh tân bộ mặt trái đất.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM
Từ khóa » Chúa Thánh Thần Trong Ngày Lễ Ngũ Tuần
-
Lễ Ngũ Tuần, Ngày Hội Của Chúa Thánh Thần Và Giáo Hội
-
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - SimonHoaDalat
-
Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống | Tổng Giáo Phận Hà Nội
-
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
-
Chúa Thánh Thần Sau Ngày Lễ Ngũ Tuần - SỐNG TIN MỪNG TÌNH YÊU
-
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 05/31/2020 - Annunciation Church
-
Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
-
1. Ý Nghĩa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống?
-
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Suy Niem Loi Chua Hang Ngay
-
Bài đọc Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Năm C
-
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: Các Bài Suy Niệm & Chú Giải Lời ...
-
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Lịch Sử Ra đời Và ý Nghĩa Ngày Này
-
CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN ...