10 Nguyên Tắc Thiết Kế Quầy Pha Chế Bartender/ Barista Cần Biết

Quầy pha chế là một trong những điểm sáng thu hút sự chú ý của thực khách, là khu vực quan trọng được đặc biệt quan tâm thiết kế trong nhà hàng - khách sạn - quán cà phê. Vậy bạn có biết một quầy pha chế được thiết kế như thế nào là hợp lý và khoa học nhất? Bài viết dưới đây của Hoteljob.vn sẽ là câu trả lời đầy đủ cho bạn.

10 nguyên tắc thiết kế quầy pha chế bartender barista cần biết
Bạn có biết các nguyên tắc thiết kế quầy pha chế trong nhà hàng - khách sạn - quán cà phê?

Tại sao nên đầu tư thiết kế quầy pha chế?

Rõ ràng, cùng với nhà hàng, bar cũng là một trong những khu vực mang lại doanh thu cho khách sạn. Những cơ sở kinh doanh ăn uống kết hợp hay đồ uống độc lập (như quán cafe, trà sữa...) thì quầy pha chế thức uống càng quan trọng hơn. Một quầy pha chế đẹp, được thiết kế ấn tượng, có cách bày trí gọn gàng và khoa học, mang đến câu chuyện riêng (nếu có)... dễ thu hút sự chú ý của thực khách hơn. Họ vì thế mà thích đến và order đồ uống nhiều lần hơn. Một số người cũng hào hứng chụp ảnh check-in rồi post lên các trang mạng xã hội, cho review - cảm nhận riêng từ đó PR miễn phí cho cơ sở...

Quá nhiều cái được nhận về khi đầu tư thiết kế quầy pha chế để trông chuyên nghiệp và bắt mắt hơn, có nhiều khách ghé hơn, ra đơn nhiều hơn, doanh thu cao hơn và lợi nhuận cũng tăng hơn.

5 lưu ý cần nhớ khi thiết kế quầy pha chế

Một quầy pha chế được cho là thiết kế chuẩn, hợp lý và khoa học nhất phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn sau:

- Phù hợp với không gian chung

Đối với khu vực phục vụ đồ uống, quầy qua chế được xem như bộ mặt, là trung tâm thể hiện phong cách của quán và sự chuyên nghiệp của nhân viên pha chế. Một quầy pha chế chuẩn phải có diện tích về kích thước và hình dạng phù hợp với không gian chung, góp phần mang lại sự hài hòa, đồng điệu, tạo sự thoải mái, dễ chịu cho thực khách.

- Nêu bật phong cách

Không ít thực khách thích việc ngồi xung quanh quầy pha chế để vừa thưởng thức đồ uống, vừa xem các nhân viên biểu diễn kỹ thuật pha chế điêu luyện. Chính vì vậy, việc bố trí quầy pha chế phải đảm bảo đẹp, chuyên nghiệp và nêu bật phong cách của nhà hàng - khách sạn - quán cà phê. Gợi ý cho bạn là hãy tận dụng chính quầy pha chế trong việc trang trí để chúng trở nên cuốn hút và thẩm mỹ hơn bằng cách bố trí, sắp xếp các ly tách, chai lọ sao cho bắt mắt; sử dụng những hoa tươi, hoa khô, hoặc bất kỳ thứ gì đang có để décor cho “nhà” của mình.

10 nguyên tắc thiết kế quầy pha chế bartender barista cần biết
Decor cho quầy pha chế giúp thể hiện phong cách cho cả nhà hàng

- Thoải mái và thuận tiện

Quầy pha chế nên được thiết kế mở theo hình chữ U, L hoặc O đảm bảo tuân thủ theo quy tắc “một chiều” nhằm tối ưu hóa việc vận hành và thời gian làm việc của nhân viên; hạn chế tối đa sự vướng víu, tốc độ hoạt động phục vụ khách cho cả nhân viên pha chế và nhân viên phục vụ.

- Tiết kiệm không gian tối đa

Quầy pha chế là nơi bố trí, đặt/ để hàng trăm loại công cụ dụng cụ, máy móc, thiết bị và ngay cả nguyên vật liệu pha chế. Vì vậy, bên cạnh đảm bảo yếu tố “thoải mái và thuận tiện”, việc bố trí quầy pha chế cũng phải đảm bảo sự ngăn nắp, khoa học. Muốn làm được điều này, hãy “quy định ngầm” vị trí của từng loại; tính toán kỹ lưỡng nơi đặt phù hợp để vừa đảm bảo tiết kiệm không gian, vừa rút ngắn thời gian tìm kiếm.

10 nguyên tắc thiết kế quầy pha chế bartender barista cần biết
Quy định vị trí của từng dụng cụ, thiết bị giúp tiết kiệm không gian và rút ngắn thời gian tìm kiếm

- Phù hợp với tầm với nhân viên

Đây là lưu ý đặc biệt quan trọng trong thiết kế quầy pha chế bắt buộc phải tuân thủ. Bởi khi các dụng cụ, nguyên liệu đặt quá cao hay quá xa tầm với của nhân viên sẽ gây khó khăn và mất thời gian trong việc cầm/ nắm khi cần; từ đó ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng công việc. Theo đó, chiều cao của quầy chuẩn, phù hợp với tầm vóc của người Việt thường có mặt ngoài từ 100-120cm và mặt trong là 81cm.

5 nguyên tắc thiết kế quầy pha chế

Ngoài việc tuân thủ các lưu ý trên, muốn quầy pha chế đảm bảo thiết kế hợp lý và khoa học, ứng viên tìm việc Bartender/ Barista nên lưu ý đến việc bố trí, đặt/ để vị trí của từng dụng cụ, thiết bị phục vụ cho công việc cụ thể như sau:

- Máy pha cà phê - Máy xay cà phê

Máy pha và máy xay là 2 dụng cụ pha chế không thể tách rời nhau. Chúng nên được đặt cạnh nhau và đặt ở vị trí trung tâm phía trước quầy pha chế. Việc bố trí này nhằm tạo niềm tin cho khách hàng trong việc đảm bảo độ ngon, tươi mới của cà phê, sự chuyên nghiệp của nhà hàng; đồng thời đảm bảo sự thuận tiện giúp thao tác của Barista được nhanh gọn khi có thể xay và pha ngay lập tức 1 tách cà phê espresso sánh mịn.

Ngoài ra, với quầy có phục vụ bia tươi thì Drap beer cũng sẽ được đặt ở vị trí tương tự, tức trung tâm, nơi khách hàng dễ nhìn thấy nhất.

10 nguyên tắc thiết kế quầy pha chế bartender barista cần biết
Thông thường, máy xay và máy pha cà phê sẽ được đặt cạnh nhau giúp các thao tác của Barista được diễn ra nhanh gọn, trơn tru

- Quầy thu ngân

Việc kết hợp quầy thu ngân vào chung hoặc cạnh ngay sát với quầy pha chế được cho là hợp lý giúp quá trình hoàn tất món nước được diễn ra nhanh hơn, tiết kiệm không gian quán và đặc biệt thuận tiện cho những nơi áp dụng hình thức phục vụ take away. Ngoài ra, với những nơi có phục vụ thêm bánh ngọt thì việc lắp đặt tủ bánh nên đặt cạnh quầy thu ngân để nhân viên thu ngân có thể “offer” thêm bánh ngọt ngay khi khách order nước tại quầy.

- Tủ làm đá/ tủ đựng đá, tủ mát/ tủ đông

+ Tủ mát/ tủ đông hoặc tủ để nguyên liệu phải đặt ở vị trí phù hợp, thuận tiện cho sự di chuyển của nhân viên pha chế (kể cả các thao tác tiến/ lùi). Việc đặt sai vị trí có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ pha chế cũng như các thao tác sẽ trở nên vướng vía, cập rập.

+ Tủ làm đá/ tủ đựng đá phải đặt cách xa máy pha cà phê, tránh sự đối nghịch với hơi nóng - lạnh dễ khiến xảy ra sự cố và bụi từ máy pha rất dễ rơi vào đá

+ Tủ làm đá/ tủ đựng đá cũng không được đặt quá gần thùng rác vì rác vụn có thể rời vào đá, đồng thời gây mất vệ sinh.

10 nguyên tắc thiết kế quầy pha chế bartender barista cần biết
​Tất cả các dụng cụ hay thiết bị đều phải được tính toán kỹ lưỡng vị trí đặt để đảm bảo tính khoa học, hợp lý và thuận tiện cho công việc của nhân viên pha chế

- Khu vực bồn rửa

+ Nên được đặt cạnh khu vực pha chế, cạnh máy xay hay máy pha để có thể vệ sinh dụng cụ ngay sau khi thao tác xong hoặc sơ chế nguyên liệu

+ Nên bố trí bên cạnh bồn rửa một khoảng trống phù hợp để thuận tiện cho việc đặt/ để ly bẩn

- Thùng rác

Nên được đặt ngay dưới bồn rửa để có thể đổ các đồ uống thừa, nguyên liệu không dùng tới. Ngoài ra, thùng rác cũng nên được thiết kế âm tức là phía ngoài không nhìn thấy và có lỗ hổng ở phía trên để dễ thao tác và đảm bảo tính thẩm mỹ

10 nguyên tắc thiết kế quầy pha chế bartender barista cần biết
Để thuận tiện cho công việc, thùng rác nên được đặt ngay dưới bồn rửa

- Một số lưu ý khác

+ Khu vực rửa không được đặt gần các thiết bị điện. Nước và hành động vẩy nước có thể làm giảm tuổi thọ của máy, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến chập mạch, cháy nổ.

+ Đá lót nền nên là loại chống trơn, dễ vệ sinh, chùi rửa; có thể thiết kế thêm tấm đệm cách ngăn với mặt đất nếu cần

+ Nên chọn các dụng cụ, thiết bị dễ dàng vệ sinh làm sạch.

+ Chất liệu tiện dụng nhất là đá nhân tạo hay inox thay vì chọn nhôm hay sắt

Trên đây là nguyên tắc cần đáp ứng khi thiết kế quầy pha chế phục vụ đồ uống cho thực khách trong khách sạn - nhà hàng - quán cafe. Hy vọng những thông tin được Hoteljob.vn chia sẻ là hữu ích, giúp tham khảo và lên ý tưởng thiết kế quầy pha chế tại cơ sở mình ấn tượng và bắt mắt.

​Ms. Smile

Từ khóa » Sơ đồ Quầy Bar