10 Tác Hại Của Bệnh Béo Phì Nguy Hiểm đến Tính Mạng - Hello Bacsi

Tác hại của bệnh béo phì có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người bệnh. Bệnh nhân béo phì dễ mắc nhiều tình trạng nguy hiểm, làm suy giảm chất lượng cuộc sống, tàn tật và giảm tuổi thọ.

Vậy bệnh béo phì có tác hại gì? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu!

1. Béo phì là yếu tố nguy cơ gây tiểu đường tuýp 2

Một trong những tác hại nguy hiểm nhất của bệnh béo phì là gây ra tiểu đường tuýp 2.

Nghiên cứu Nurses’ Health Study trên 114.000 phụ nữ trung niên trong vòng 14 năm cho thấy, nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường ở những phụ nữ có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 35 trở lên khi bắt đầu nghiên cứu cao hơn 93 lần so với với những phụ nữ có chỉ số BMI thấp hơn 22.

Có thể bạn quan tâm: 8 nguyên nhân gây béo phì khiến bạn gặp nhiều rủi ro

Tăng cân ở độ tuổi trưởng thành cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, ngay cả ở những phụ nữ có chỉ số BMI ở mức khỏe mạnh. Mối quan hệ này cũng tương tự đối với nam giới.

Các tế bào mỡ, đặc biệt là những tế bào tích trữ quanh eo, tiết ra hormone và các chất khác gây viêm. Quá trình viêm bất thường có thể làm cho cơ thể kém phản ứng với insulin và thay đổi cách cơ thể chuyển hóa chất béo và carbohydrate. Điều này dẫn đến lượng đường trong máu cao hơn và cuối cùng gây ra tiểu đường và nhiều biến chứng của nó. Nếu bạn bị béo phì, chỉ cần giảm từ 5-7% trọng lượng cơ thể kết hợp tập luyện thường xuyên có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

2. Béo phì dẫn đến nhiều vấn đề tim mạch

tác hại của bệnh béo phì ảnh hưởng đến tim mạch

Tác hại của bệnh béo phì là gì? Trọng lượng cơ thể quá mức có liên quan trực tiếp đến các yếu tố nguy cơ tim mạch khác nhau. Khi chỉ số BMI tăng, huyết áp, lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL hoặc cholesterol “xấu”), triglycerides, đường huyết và viêm cũng tăng theo. Những thay đổi này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và tử vong do tim mạch.

Nghiên cứu đã chỉ ra những người thừa cân có nguy cơ phát triển bệnh mạch vành cao hơn 32% so với những người có cân nặng bình thường, còn những người béo phì có nguy cơ cao hơn 81%. Thừa cân làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ lên 22% và béo phì làm tăng nguy cơ này lên 64%… Tuy nhiên bạn chỉ cần giảm từ 5-10% trọng lượng cơ thể sẽ giúp giảm huyết áp, LDL-cholesterol, triglyceride đồng thời cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch khác.

3. Tác hại của bệnh béo phì gây ung thư

Mối liên quan giữa béo phì và ung thư không rõ ràng như đối với bệnh tiểu đường và tim mạch. Dù vậy, có nhiều bằng chứng cho thấy béo phì là yếu tố nguy cơ gây ra một loạt các bệnh ung thư khác nhau.

Trong một đánh giá toàn diện về dữ liệu, được công bố vào năm 2007, hội đồng chuyên gia từ Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới và Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ đã kết luận rằng có bằng chứng thuyết phục về mối liên quan giữa béo phì và ung thư thực quản, tuyến tụy, đại trực tràng, vú, nội mạc tử cung, thận; và có thể có mối liên hệ giữa béo phì và ung thư túi mật.

Đối với những người bị béo phì nặng, tỷ lệ tử vong tăng lên đối với tất cả các loại ung thư. Tỷ lệ tử vong ở nam cao hơn 52% và ở nữ cao hơn 62%.

4. Béo phì gia tăng nguy cơ trầm cảm

tác hại của bệnh béo phì tăng nguy cơ trầm cảm

Mặc dù mối liên hệ sinh học giữa béo phì và trầm cảm vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng các cơ chế liên hệ có thể bao gồm kích hoạt viêm, thay đổi vùng dưới đồi – tuyến yên – thượng thận, kháng insulin và các ảnh hưởng từ yếu tố xã hội hoặc văn hóa.

Có bằng chứng cho rằng mối quan hệ giữa béo phì và trầm cảm là mối quan hệ 2 chiều. Một phân tích tổng hợp của 15 nghiên cứu dài hạn theo dõi 58.000 người tham gia trong 28 năm cho thấy những người béo phì khi bắt đầu nghiên cứu có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn 55% vào cuối giai đoạn theo dõi. Mặt khác, những người bị trầm cảm khi bắt đầu nghiên cứu có nguy cơ bị béo phì cao hơn 58%.

5. Béo phì làm suy giảm chức năng sinh sản

tác hại của bệnh béo phì ảnh hưởng chức năng sinh sản

Béo phì có thể ảnh hưởng đến các khía cạnh khác nhau của sinh sản, từ hoạt động tình dục đến thụ thai.

Béo phì có thể khiến phụ nữ khó mang thai hơn. Không những thế, béo phì còn làm tăng nguy cơ sẩy thai, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật và các biến chứng trong quá trình chuyển dạ và sinh nở. Nó cũng làm tăng nhẹ khả năng dị tật bẩm sinh ở trẻ. Một thử nghiệm nhỏ cho thấy rằng giảm cân vừa phải giúp cải thiện khả năng sinh sản ở phụ nữ béo phì.

Chức năng tình dục và khả năng sinh sản của nam giới cũng bị ảnh hưởng bởi cân nặng. Tỷ lệ mắc chứng rối loạn cương dương tăng lên khi chỉ số BMI tăng. Tỷ lệ số lượng tinh trùng thấp và khả năng di chuyển của tinh trùng kém tăng theo BMI, tương ứng từ 5,3% và 4,5% ở nam giới cân nặng bình thường và 15,6% và 13,3% ở nam giới béo phì.

6. Tác hại của bệnh béo phì gây cản trở hô hấp

Cân nặng quá mức làm suy giảm chức năng hô hấp thông qua các con đường cơ học và trao đổi chất.

Sự tích tụ mỡ bụng có thể hạn chế sự di chuyển của cơ hoành, cản trở sự giãn nở của phổi.

Sự tích tụ của chất béo nội tạng có thể làm giảm tính linh hoạt của thành ngực, sức mạnh của cơ hô hấp và hẹp đường thở trong phổi.

Cytokine được tạo ra bởi tình trạng viêm mức độ thấp kèm theo béo phì cũng có thể cản trở chức năng phổi.

Hen suyễn và tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ là hai bệnh hô hấp phổ biến có liên quan đến béo phì. Béo phì cũng là nguyên nhân chính gây ra chứng ngưng thở khi ngủ. Tình trạng này liên quan đến buồn ngủ vào ban ngày, tai nạn, tăng huyết áp, bệnh tim mạch và tử vong sớm. Tuy nhiên các thử nghiệm lâm sàng cho thấy giảm cân có thể hữu ích khi điều trị chứng ngưng thở khi ngủ.

7. Béo phì làm suy giảm trí nhớ và chức năng nhận thức

Thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ. Một phân tích tổng hợp của 10 nghiên cứu bao gồm gần 42.000 đối tượng được theo dõi trong 3 đến 36 năm đã chứng minh mối liên hệ giữa BMI và bệnh Alzheimer. So với ở mức cân nặng bình thường, những người béo phì có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn 42%.

8. Béo phì ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp

tác hại của bệnh béo phì ảnh hưởng đến xương khớp

Béo phì có thể làm giảm mật độ xương và khối lượng cơ. Điều này dẫn đến nguy cơ gãy xương cao hơn, khuyết tật về thể chất, kháng insulin và sức khỏe tổng thể kém hơn.

Trọng lượng tăng thêm cũng có thể tạo áp lực lớn lên các khớp, dẫn đến đau và cứng khớp.

Béo phì cũng làm tăng nguy cơ đau lưng, đau chi dưới và tàn tật do các bệnh lý cơ xương khớp.

9. Tác hại của việc béo phì gây các bệnh lý trên da

Phát ban có thể xảy ra ở những nơi có nếp gấp vì cân nặng dư thừa trên cơ thể.

Bệnh gai đen (acanthosis nigricans), được đặc trưng bởi các mảng da đổi màu sẫm xuất hiện tại các vị trí như nách, bẹn, cổ cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân béo phì. Cơ chế bệnh sinh chính xác của bệnh gai đen liên quan đến béo phì vẫn chưa được làm sáng tỏ đầy đủ tuy nhiên nhiều báo cáo đã chỉ ra rằng bệnh nhân béo phì có kết hợp gai đen có mức insulin và c-peptide cao hơn so với nhóm béo phì. Do vậy giả thuyết đưa ra là béo phì và gai đen có cơ sở sinh lý bệnh chung.

10. Béo phì và các tình trạng sức khỏe khác

Béo phì có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, như sỏi mật, gout, bệnh thận mãn tính, gan nhiễm mỡ không do rượu, trào ngược dạ dày thực quản.

Bệnh béo phì có tác hại gì? Hy vọng bạn đã có câu trả lời. Tác hại của bệnh béo phì ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của sức khỏe. Dù vậy, vấn đề cân nặng hoàn toàn có thể ngăn ngừa và giải quyết được. Hạn chế năng lượng tiêu thụ, tăng cường trái cây, rau quả vào chế độ ăn và luyện tập thể chất đều đặn là những phương pháp hữu ích giúp bạn giảm cân và duy trì sức khỏe tốt.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Phì Béo