10 Thói Quen Vệ Sinh Cá Nhân Tốt Cho Trẻ Tuổi Teen - Hello Bacsi

Vệ sinh cá nhân là trách nhiệm và bổn phận của mỗi người đối với chính cơ thể mình. Với trẻ tuổi teen, việc thực hiện trách nhiệm và bổn phận này cần được chú trọng. Vậy phải làm sao để dạy con hiểu được điều đó?

Ngay từ khi con còn nhỏ, bạn đã dạy con những cách vệ sinh cơ thể căn bản như rửa tay sạch sẽ trước khi ăn hay sau khi đi vệ sinh, che miệng lại khi ho hoặc tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày. Trẻ cũng đã được học cách đánh răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách.

Khi con đến tuổi vị thành niên, đây là lứa tuổi thích hợp để giúp con hoàn thiện những kỹ năng vệ sinh cơ bản ở trên. Tuổi teen cũng là lứa tuổi mà cơ thể trẻ đang có những thay đổi nhất định nên việc vệ sinh cá nhân cũng cần phải thay đổi để phù hợp. Hình thành thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ tuổi teen sẽ giúp con duy trì thói quen tốt đó khi đã trưởng thành. Bạn cần phải cởi mở, thẳng thắn với trẻ để có thể trao đổi với con về các vấn đề tế nhị trong việc vệ sinh cá nhân sẽ xảy ra trong tương lai nhé.

10 thói quen vệ sinh tốt cho trẻ tuổi teen

Khi nghĩ đến vệ sinh cá nhân cho trẻ tuổi teen, bạn cần thảo luận với con về các vấn đề sau:

1. Tắm gội thường xuyên

Hãy nhắc con tắm gội hằng ngày để làm sạch bụi bẩn và dầu nhờn trên da, đặc biệt là sau khi con vừa chơi thể thao hoặc tập thể dục. Nếu con không thể đi tắm ngay sau đó, ít nhất bạn nên nói con thay quần áo mới sạch sẽ hơn.

2. Vệ sinh răng miệng đúng cách

Không chỉ trẻ tuổi teen mà mọi lứa tuổi khác đều nên đánh răng 2 lần mỗi ngày và mỗi lần đánh nên kéo dài 2 phút. Không nên đánh răng nhiều hơn 3 lần mỗi ngày vì điều đó sẽ làm mòn men răng và làm tổn thương nướu răng (lợi). Bạn cũng nên khuyên trẻ đánh răng nhẹ nhàng thôi vì chỉ như vậy cũng đủ để loại bỏ vi khuẩn và thức ăn bám trên răng rồi.

3. Rửa tay đúng cách

Thực tế nhiều trẻ vẫn chưa biết cách rửa tay đúng cách, cho dù đã 14-15 tuổi. Vì thế, bạn hãy dạy trẻ tuân theo 5 bước rửa tay sau đây:

  • Đầu tiên hãy làm ướt tay
  • Sau đó dùng xà bông hoặc dung dịch rửa tay và tạo bọt
  • Tiếp theo hãy kỳ ở mu bàn tay, giữa các ngón tay và cả bên dưới móng tay nữa. Bạn nên nhớ nhắc con kỳ tay trong vòng ít nhất 20 giây nhé.
  • Sau đó rửa sạch dưới vòi nước đang chảy
  • Cuối cùng là lau khô tay bằng khăn sạch hoặc dùng máy sấy khô tay.

4. Dùng lăn/xịt khử mùi và giảm tiết mồ hôi

Dậy thì cũng là lúc mồ hôi cơ thể bắt đầu tiết nhiều hơn. Nếu trẻ ra quá nhiều mồ hôi, cơ thể trẻ sẽ có mùi khó chịu. Lúc đấy bạn nên mua cho con sản phẩm lăn hoặc xịt khử mùi và giảm tiết mồ hôi cho trẻ nhé.

5. Chải tóc nhẹ nhàng

Chải tóc cũng cần phải có kỹ năng để hạn chế lượng tóc gãy rụng cũng như tóc rối, đặc biệt là với các bé gái. Bạn nên dạy con chải tóc bắt đầu từ phần đuôi tóc trước, nhẹ nhàng dùng lược răng thưa gỡ rối phần đuôi tóc, cuối cùng đến phần thân và chân tóc. Nên hạn chế chải tóc trong khi gội đầu hoặc khi tóc còn ướt vì điều này sẽ làm cho tóc rụng nhiều hơn.

6. Hình thành thói quen giúp ngăn ngừa mụn

Khi trẻ bắt đầu bước vào thời kỳ tuổi teen, bạn nên khuyên trẻ rửa mặt với sữa rửa mặt dịu nhẹ 2 lần một ngày. Nhiều trẻ sẽ không mọc mụn trong thời gian này, tuy nhiên, tạo lập một thói quen tốt sẽ giúp ích cho trẻ về sau. Hướng dẫn con không quá mạnh tay khi rửa mặt cho dù da có nhờn nhiều đi chăng nữa vì sẽ dễ gây kích ứng và khô da.

7. Tắm rửa sạch sẽ

Cũng giống như người lớn, trẻ con cần phải tắm rửa thường xuyên để giữ cho cơ thể sạch sẽ, không có vi khuẩn. Bạn hãy dạy cho bé cách tắm sao cho bản thân được sạch sẽ và tạo cho bé thói quen tắm rửa mỗi ngày. Ban đầu, bạn có thể giúp bé tắm rửa. Dần dần, bé sẽ tự học được cách tắm.

8. Cắt móng tay

Việc vệ sinh cá nhân cho trẻ còn bao gồm cả việc cắt móng tay. Bạn hãy tập cho bé thói quen để móng tay ngắn và giữ móng tay luôn sạch sẽ. Quan trọng hơn, ba mẹ nên cho bé biết rằng thói quen cắn móng tay là không tốt vì trong móng tay chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh. Nếu bé có thói quen cắn móng tay, hãy lấy băng keo hoặc băng cá nhân quấn móng tay của bé lại. Bằng cách này, bé sẽ không thể cắn móng tay được nữa. Dần dần, bé sẽ bỏ hẳn thói quen này.

9. Che mũi/miệng khi ho, hắt hơi

Dạy bé thói quen dùng khăn tay hoặc khăn giấy để che mũi hoặc miệng khi ho hay hắt hơi. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên dạy cho bé thói quen vứt rác đúng chỗ để ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn.

10. Chải và gội đầu đều đặn

Ba mẹ hãy tập cho bé gội đầu thường xuyên, bởi hầu hết các vi khuẩn gây bệnh chủ yếu nằm trong tóc, sau đó mới xâm nhập vào cơ thể. Ngoài ra, gội đầu còn giúp giữ cho da đầu bé luôn sạch sẽ, loại bỏ những tế bào chết và tránh cho tóc khỏi bị khô xơ. Quan trọng hơn, bạn nên tạo cho bé thói quen chải tóc mỗi buổi sáng sau khi thức dậy, sau khi tắm để bé trông thật sạch sẽ và gọn gàng nhé.

Xóa bỏ quan niệm sai lầm về vệ sinh cá nhân cho tuổi teen

Trẻ tuổi teen sẽ tiếp xúc với nhiều quan niệm khác nhau về việc vệ sinh thân thể và dễ có những hiểu biết không đúng hoặc sai lệch. Trẻ tuổi teen hay rỉ tai nhau rằng nếu cạo lông thì sẽ làm cho lông mọc lại nhanh và dày hơn hoặc nếu không thụt rửa âm đạo thì sẽ có mùi hôi. Những lời đồn thổi khác như: ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ sẽ dễ bị nổi mụn, nhuộm da sẽ trị được mụn, thủ dâm có thể gây mù mắt, mọc lông ở lòng bàn tay, bị điên… thường khiến cho các cô/cậu tuổi teen lo lắng. Bạn hãy cho con biết những lời đồn kể trên là hoàn toàn vô căn cứ.

Vì vậy nên khi bạn nói với trẻ về lợi ích của vệ sinh cá nhân, bạn cùng cần phải nói với trẻ nên xem xét lại những điều trẻ được nghe từ bạn bè. Đôi khi bạn sẽ giật mình về những lời đồn lạ lùng mà trẻ chia sẻ với bạn đấy.

Giúp trẻ tập luyện thói quen vệ sinh cá nhân

Cho trẻ biết việc vệ sinh cá nhân là một trách nhiệm đối với bản thân. Nếu con bạn không muốn đi tắm sau khi chơi thể thao hoặc không muốn dùng lăn khử mùi, bạn nên cho trẻ biết vệ sinh cá nhân là trách nhiệm của trẻ và trẻ nên xem việc này quan trọng như việc dọn dẹp nhà cửa. Lau dọn phòng sẽ giúp phòng tinh tươm hơn, tương tự như vậy, tắm rửa sẽ giúp cơ thể trẻ sạch sẽ hơn.

1. Hướng dẫn trẻ chăm sóc da sớm: Đừng đợi đến khi con đã nổi mụn rồi mới bắt đầu dạy con cách phòng ngừa mụn. Bạn nên giúp con hình thành thói quen vệ sinh sớm ngay từ khi con bắt đầu có dấu hiệu dậy thì.

2. Đừng quá khó tính: Bạn không nên quá khó tính trong vấn đề vệ sinh cá nhân của trẻ. Cố gắng tránh đôi co với trẻ vì chuyện này có thể khiến trẻ sẽ không thèm để ý đến những gì bạn nói nữa đấy.

3. Đảm bảo những gì bạn dạy trẻ là đúng đắn và mới nhất: Trước khi trò chuyện với trẻ, bố mẹ hãy đọc sách, tra cứu để đảm bảo những thông tin bạn sắp sửa nói ra là chính xác nhất. Một số thông tin có thể đã không còn chính xác ở thời điểm hiện tại hoặc có thể đã sai ngay từ đầu. Con đã đến tuổi teen thường bỏ ngoài tai lời khuyên của bố mẹ nếu cảm thấy độ chính xác cảu những lời khuyên ấy không cao. Vì vậy, việc bố mẹ tìm hiểu kỹ và đưa ra bằng chứng khoa học sẽ làm trẻ “tâm phục, khẩu phục’.

4. Hãy làm gương cho con: Nếu bạn muốn trẻ có thói quen tốt, bạn cần phải làm gương trước. Đừng để cái đầu cả tuần chưa gội cũng như đừng bắt con phải dùng chỉ nha khoa trong khi bạn còn không thèm dùng chúng.

5. Người cùng giới tính dạy nhau sẽ có hiệu quả hơn: Nếu có thể, mẹ nên nói chuyện với con gái và cha nên nói chuyện với con trai. Khi cùng giới tính, bạn sẽ dễ dàng thảo luận với con về các vấn đề tế nhị hơn và trẻ cũng có xu hướng nhìn vào cha/mẹ cùng giới để làm hình tượng cho mình.

6. Nhờ đến bác sĩ hoặc tư vấn: Nếu bạn có khó khăn trong việc dạy con về vấn đề giữ vệ sinh thân thể, hãy hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa về điều này. Bác sĩ sẽ hỗ trợ bạn trong việc lập thói quen tốt cho trẻ.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Những Kỹ Năng Vệ Sinh Cá Nhân