13 Triệu Chứng Sớm Của Bệnh Tiểu đường Loại Hai - VnExpress

Bệnh tiểu đường có hai thể chính là tiểu đường loại một và loại hai. Tiểu đường loại hai trước kia được gọi là bệnh tiểu đường của người lớn tuổi hay tiểu đường không phụ thuộc vào insulin. Đây là loại phổ biến nhất, gặp nhiều nhất ở người trên 40 tuổi và có xu hướng trẻ hóa. Ở thể bệnh này, insulin do tuyến tụy tiết ra mặc dù đạt số lượng như người bình thường nhưng lại giảm hoặc không có vai trò điều hòa lượng đường trong máu. Các dấu hiệu ban đầu phổ biến nhất của bệnh tiểu đường loại 2 là đi tiểu thường xuyên, khát nước, đói dai dẳng. Bệnh tiểu đường loại hai có thể được kiểm soát nếu phát hiện sớm. Dưới đây là một số triệu chứng đáng lưu ý.

Đi tiểu thường xuyên

Người bình thường thường đi tiểu 4-7 lần trong một ngày nhưng người mắc bệnh tiểu đường có thể đi tiểu nhiều hơn. Thông thường, cơ thể sẽ tái hấp thu glucose khi nó đi qua thận nhưng khi bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu tăng cao, thận không thể làm xuể việc này. Điều này khiến cơ thể tạo ra nhiều nước tiểu hơn và bạn phải đi tiểu thường xuyên hơn. Vì đi tiểu nhiều nên bạn có thể rất khát, khi khát thì lại uống nước dẫn đến đi tiểu nhiều.

Khát nước

Khát nước quá mức là một triệu chứng ban đầu phổ biến của bệnh tiểu đường. Nó gắn liền với lượng đường trong máu cao và càng trầm trọng hơn khi đi tiểu thường xuyên.

Đói thường xuyên

Cơ thể chuyển đổi thức ăn thành glucose mà các tế bào sử dụng để tạo năng lượng. Tuy nhiên, tế bào của bạn cần insulin để hấp thụ glucose. Nếu cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc nếu các tế bào kháng lại insulin mà cơ thể bạn tạo ra, quá trình tạo năng lượng thất bại. Điều này có thể khiến bạn dễ đói và mệt mỏi hơn bình thường.

Mệt mỏi

Mệt mỏi là một trong những triệu chứng dễ nhận biết của bệnh tiểu đường. Có nhiều nghiên cứu về tình trạng mệt mỏi và bệnh tiểu đường. Giải thích phổ biến nhất về việc người tiểu đường thường xuyên mệt mỏi là do mức đường huyết dao động không cung cấp đủ đường cho cơ thể để làm năng lượng.

Mặt khác, còn có thêm nhiều tình trạng đồng thời gây ra mệt mỏi như mất nước, chất lượng, giấc ngủ kém, thiếu hoạt động thể chất, béo phì, chế độ ăn uống thiếu chất, vấn đề tâm lý, mất cân bằng nội tiết tố.

Người bị tiểu đường thường xuyên cảm thấy mệt mỏi. Ảnh: Freepik

Người bị tiểu đường thường xuyên cảm thấy mệt mỏi. Ảnh: Freepik

Đau hoặc tê dây thần kinh

Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường loại hai, bạn có thể cảm thấy ngứa ran hoặc tê ở bàn tay, ngón tay, bàn chân và ngón chân. Đây là dấu hiệu của tổn thương dây thần kinh hoặc bệnh thần kinh do tiểu đường. Tình trạng này thường phát triển chậm sau nhiều năm sống chung với bệnh tiểu đường nhưng nó có thể là triệu chứng đầu tiên đối với một số người.

Vết thương chậm lành

Vết thương có thể chậm lành hơn nếu bạn bị tiểu đường. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao sẽ thu hẹp các mạch máu, làm chậm lưu thông máu và hạn chế các chất dinh dưỡng và oxy cần thiết đến vết thương. Lượng đường trong máu cao, kéo dài cũng làm tổn thương hệ thống miễn dịch. Do đó, cơ thể khó chống lại nhiễm trùng hơn.

Các mảng da sẫm màu

Các nếp gấp của da sẫm, đen hơn bình thường còn được gọi là bệnh gai đen (acanthosis nigricans). Đây là triệu chứng cảnh báo sớm của bệnh tiểu đường loại hai. Nó phổ biến nhất ở vùng nách, cổ và bẹn. Da ở khu vực bị ảnh hưởng cũng trở nên dày lên.

Nguyên nhân là do lượng insulin trong máu dư thừa. Điều này thường xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường loại hai vì kháng insulin là tiền thân chính của bệnh tiểu đường loại hai.

Nhiễm trùng thường xuyên

Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm hoặc nấm men nhưng những người mắc bệnh tiểu đường loại hai có xu hướng nhiễm trùng thường xuyên hơn. Khi lượng đường trong máu quá cao mà thận không thể lọc tốt, đường sẽ có trong nước tiểu gây nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng nấm men. Nhiễm trùng nướu và da cũng rất phổ biến.

Nhiễm khuẩn: bạn thường có thể tự điều trị những vết nhiễm trùng tại nhà nhưng có thể cần dùng thuốc kháng sinh do bác sĩ kê đơn. Các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường như lẹo mắt (trong hoặc gần mí mắt), nhọt trên bề mặt da, nhiễm trùng các nang lông...

Nhiễm nấm: những người mắc bệnh tiểu đường thường bị nhiễm nấm do candida albicans gây ra. Đây là một loại nấm giống như nấm men, gây phát ban đỏ ngứa. Những bệnh nhiễm trùng này xuất hiện nhiều nhất ở các nếp da ẩm và ấm chẳng hạn như dưới bầu ngực, quanh háng, trong âm đạo, xung quanh móng tay, giữa các ngón tay và ngón chân.

Da bị ngứa

Ngứa da thường do bệnh tiểu đường gây ra và đôi khi đây là một trong những triệu chứng đầu tiên. Ngứa do các vấn đề liên quan bệnh tiểu đường như nhiễm trùng nấm men hoặc nấm, da khô, tuần hoàn kém thường ở cẳng chân.

Khô miệng

Theo Viện Quốc gia về bệnh tiểu đường, tiêu hóa và thận - NIDDKD (Mỹ), khô miệng là một trong những triệu chứng miệng phổ biến nhất của bệnh tiểu đường. Các bác sĩ không biết chính xác lý do tại sao khô miệng hoặc chứng xerostomia (miệng khô vì thiếu nước miếng) lại xảy ra với người bệnh tiểu đường. Họ cho rằng, khô miệng có liên quan đến lượng đường trong máu cao hoặc tăng đường huyết.

Một số triệu chứng của khô miệng như miệng liên tục khô; khó nhai, nuốt hoặc nói; môi khô nứt nẻ, vết loét hoặc nhiễm trùng trong miệng, lưỡi khô ráp.

Giảm cân ngoài ý muốn

Nếu bạn giảm cân mà không cần cố gắng có thể đang mắc bệnh tiểu đường. Nó cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý khác, vì vậy, bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra và làm xét nghiệm. Có rất nhiều glucose lưu thông trong cơ thể và nó sẽ đi vào nước tiểu. Điều này có thể khiến bạn giảm cân, ngay cả khi ăn nhiều hơn để thỏa cơn đói.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người bị sụt cân ngoài ý muốn trước khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng phát triển các biến chứng tiểu đường sau này bao gồm bệnh võng mạc tiểu đường (bệnh mắt) và bệnh thận do tiểu đường (bệnh thận).

Khó chịu

Khó chịu là triệu chứng của bệnh tiểu đường loại hai và nhiều căn bệnh khác. Thay đổi tâm trạng liên quan đến bệnh tiểu đường loại hai thường xuất hiện cùng với các dấu hiệu khác. Đường huyết cao hoặc thấp có liên quan chặt chẽ đến các triệu chứng sức khỏe tâm thần như cáu gắt, lo lắng.

Tiền tiểu đường

Hầu hết mọi người bị tiền tiểu đường trước khi bị tiểu đường loại hai, tức lượng đường trong máu cao nhưng chưa đủ để chẩn đoán bệnh tiểu đường. Với giai đoạn tiền tiểu đường, bạn có thể gặp một số triệu chứng tiểu đường hoặc có thể không. Chỉ số xét nghiệm A1C dưới 5,7% tương ứng với mức đường huyết trung bình ước tính thấp hơn 117 miligam mỗi decilit (mg/dL). Đây là giá trị của người hoàn toàn bình thường. Tiền đái tháo đường có chỉ số A1C từ 5,7% đến 6,4%. Bệnh đái tháo đường typ 2 chỉ số A1C từ 6,5 % trở lên.

A1C là xét nghiệm máu đo tỷ lệ phần trăm đường được gắn vào hemoglobin trong thời gian dài và rất có ý nghĩa là một loại protein có trong tế bào hồng cầu (RBC). Chỉ số A1C càng cao thì cho thấy mức đường huyết trung bình trong hai hoặc ba tháng qua càng cao.

Kim Uyên (Theo Healthline)

Từ khóa » Các Triệu Chứng Bệnh Tiểu đường