Cảnh Báo 9 Dấu Hiệu Tiểu đường Bạn Rất Dễ Bỏ Qua - Hello Bacsi
Có thể bạn quan tâm
Rất có thể bạn đang có dấu hiệu bệnh tiểu đường nhưng lại không hề hay biết, vì khi đường huyết tăng cao nhưng chưa chạm mức nguy hiểm sẽ không để lại triệu chứng rõ ràng. Trong bài viết sau đây, hãy cùng theo dõi với Hello Bacsi để cảnh giác trước những dấu hiệu sớm của tiểu đường nhé!
Tiểu đường là một căn bệnh mãn tính. Bạn sẽ mắc bệnh tiểu đường khi lượng đường trong máu hay còn gọi là đường huyết của bạn quá cao. Nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường thường là do cơ thể bạn không sản xuất đủ insulin – một nội tiết tố giúp cơ thể bạn chuyển hóa đường.
Poorani Goundan, bác sĩ chuyên khoa nội tiết cho biết có một lượng lớn những người bị mắc bệnh tiểu đường không thể chẩn đoán được. Nguyên nhân là do khi lượng đường trong cơ thể của bạn cao hơn mức bình thường nhưng lại chưa chạm mức nguy hiểm sẽ không để lại bất kỳ triệu chứng nào cả. Đừng chủ quan nghĩ rằng bạn sẽ nhận ra được nếu cơ thể bạn có những biểu hiện thất thường. Đã có rất nhiều người từng nghĩ như vậy, nhưng chẳng ai phát hiện ra được cho đến khi quá muộn.
Vì thế, nếu bạn đã trên 45 tuổi hoặc dưới 45 tuổi nhưng lại có những biểu hiện như thừa cân, gia đình có tiền sử mắc bệnh tiểu đường hoặc mắc bệnh tiểu đường thai kỳ khi đang mang thai thì nên đến bệnh viện kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên, ngay cả những triệu chứng dễ thấy của căn bệnh tiểu đường đôi khi cũng rất mập mờ và rất dễ bị phớt lờ. Sau đây là danh sách 9 dấu hiệu tiểu đường mà bạn nên lưu ý ngay từ bây giờ.
1. Liên tục mắc tiểu là dấu hiệu tiểu đường
Vouyiouklis Kelli, bác sĩ chuyên khoa nội tiết tại bệnh viện Cleveland Clinic, cho biết:
Bệnh tiểu đường khiến cho cơ thể bạn có đường huyết tăng cao hơn mức cần thiết nên sẽ có xu hướng tìm cách thải lượng đường đó ra ngoài. Và cách dễ nhất để thải đường chính là thông qua việc đi tiểu.Nếu bạn thấy rằng bỗng dưng mình đi tiểu nhiều hơn bình thường mặc dù bạn không hề uống nhiều nước, đặc biệt là nếu bạn bắt đầu phải thức dậy liên tục lúc nửa đêm chỉ để tiểu, bạn nên đi khám bác sĩ để kiểm tra đường huyết nhé.
2. Thường xuyên khát nước là dấu hiệu tiểu đường
Với lượng nước bạn thải ra liên tục xuyên suốt cả ngày lẫn đêm, bạn sẽ rất dễ bị thiếu nước. Hai biểu hiện này có liên quan mật thiết với nhau. Tuy nhiên, có rất nhiều người không hay biết mình mắc bệnh tiểu đường nên tìm cách giải tỏa cơn khát bằng nước ngọt có ga hoặc nước ép trái cây.
Cách này vô tình lại còn làm tăng thêm lượng đường trong máu khiến bệnh tình ngày một nặng thêm! Nếu bạn luôn cảm thấy cực kỳ khát nước thì đây có thể là dấu hiệu bệnh tiểu đường.
3. Hơi thở có mùi khó chịu thuộc dấu hiệu tiểu đường
Đây là một hệ quả khác từ việc cơ thể bị mất nước do tiểu đường, bạn sẽ thường xuyên bị khô miệng – một trong những nguyên nhân chính gây ra chứng hôi miệng. Hơn nữa, tiểu đường khiến cho lượng đường trong máu của bạn tăng cao hơn mức cho phép do cơ thể bạn không thể chuyển hóa đường một cách bình thường, điều này dẫn đến việc cơ thể bạn không thể chuyển hóa đường trong thức ăn thành năng lượng mà buộc phải sử dụng lượng mỡ trong cơ thể bạn thay thế.
Quá trình này lại sản sinh ra axit keton trong máu khiến cho hơi thở của bạn có mùi khó chịu.
4. Mắt bị mờ khác thường
Khi lượng đường trong máu của bạn tăng cao sẽ hình thành những dịch chất lỏng di chuyển khắp mọi nơi trong cơ thể, kể cả đôi mắt. Cũng như nước, các chất lỏng thường sẽ theo đường di chuyển khắp nơi, và một trong những nơi mà dịch chất lỏng đi vào đó chính là thủy tinh thể trong mắt và khiến cho mắt bạn mờ hơn bình thường.
Nếu tình trạng này kéo dài thì có thể sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Khi không biết tiểu đường là một trong các nguyên nhân của giảm thị lực, bạn sẽ có xu hướng đến gặp bác sĩ để đo mắt và làm kính.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh lại lượng đường trong cơ thể bằng cách kiểm soát bệnh tiểu đường của mình có thể xóa bỏ triệu chứng này và mắt bạn sẽ nhìn rõ trở lại. Vì thế, nếu bạn cảm thấy mắt mình mờ dần, đặc biệt có kèm theo sụt cân, tiểu nhiều, khát nước thì hãy đến gặp bác sĩ và kiểm tra lượng đường trong máu trước khi đo mắt làm kính cận nhé!
5. Tay chân bị ngứa hoặc bị tê
Sau nhiều năm mắc bệnh, bệnh tiểu đường có thể tác động lên dây thần kinh cũng như các mạch máu gây ra việc giảm cảm giác ở tứ chi và đôi lúc khiến bạn cảm thấy như bị lửa đốt, bị kim châm hoặc bị tê. Cơ thể đưa máu đến tay và chân của bạn để đảm bảo hoạt động khỏe mạnh, nhưng lượng đường trong máu cao sẽ cản trở và làm chậm quá trình đó.
Điều này có thể dẫn đến việc tay và chân của bạn bị tổn thương, gây ảnh hưởng đến việc truyền tải thông tin giữa các dây thần kinh. Vì thế, đây cũng là dấu hiệu tiểu đường bạn nên quan tâm.
6. Liên tục sụt cân dù ăn nhiều
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giảm cân không kiểm soát và tiểu đường là một trong những lý do. Insulin giúp chuyển hóa năng lượng, chẳng hạn như đường, và chuyển chúng từ máu sang các tế bào trong cơ thể bạn. Khi cơ thể bạn bị thiếu hụt insulin, các tế bào trong cơ thể sẽ không nhận được đủ năng lượng cần thiết mặc dù trong cơ thể và máu của bạn chứa đầy đường. Cơ thể bạn sẽ trở nên “đói” năng lượng và có cảm giác thèm ăn nhiều hơn.
Một phần lượng cân nặng bị mất là do cơ thể bạn mất nước. Tuy nhiên, nếu không lấy được đủ năng lượng từ đường thì cơ thể bạn sẽ bắt đầu đốt cháy mỡ thừa và cơ để lấy năng lượng. Đó là lý do chính của tình trạng sụt cân do tiểu đường. Bạn có thể dễ nhận biết dấu hiệu tiểu đường khi bị sụt cân đột ngột, thậm chí bạn có thể giảm từ 4,5 đến 9kg trong một khoảng thời gian ngắn.
7. Cảm thấy kiệt sức làm liên tưởng dấu hiệu tiểu đường
Thông thường, bạn sẽ chuyển hóa carbohydrate thành glucose để có năng lượng cơ thể, đây là nguồn năng lượng chính của cơ thể bạn. Tuy nhiên, những bệnh nhân tiểu đường lại bị mất khả năng chuyển hóa carbohydrate, dẫn đến việc thiếu năng lượng và kiệt sức. Hơn nữa, việc mất nước cũng khiến cho cơ thể bạn mệt mỏi. Dù rằng có rất nhiều lý do dẫn đến việc bạn cảm thấy mệt mỏi, chẳng hạn như chế độ ăn uống, tình trạng stress và thời gian ngủ của bạn.
Nhưng nếu việc mệt mỏi xuất hiện đột ngột và không có nguyên nhân rõ ràng, cùng lúc đó cơ thể bạn xuất hiện những dấu hiệu tiểu đường khác trong danh sách thì tốt nhất bạn nên đi kiểm tra ngay nhé.
8. Bị nhiễm trùng nấm men
Đối với phụ nữ, lượng đường trong cơ thể cao sẽ tạo ra một môi trường thích hợp cho nhiễm trùng nấm men phát triển trong âm đạo của bạn. Glucose có trong đường được biết đến như là nguồn năng lượng của nấm men. Lượng đường trong cơ thể càng nhiều thì nấm men càng sinh sôi phát triển.
Nếu bạn bị nhiễm trùng nấm men từ 2 – 3 lần trong vài tháng hoặc nếu việc chữa trị thông thường không có tác dụng, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra tiểu đường. Một khi đã điều chỉnh được lượng đường trong cơ thể, nguy cơ nhiễm trùng nấm men của bạn sẽ giảm xuống rõ rệt.
9. Vết thâm đen ở cổ và dưới cánh tay
Việc vùng da quanh cổ và dưới cánh tay của bạn đen dần là một biểu hiện thông thường ở giai đoạn đầu của chứng kháng insulin, tiền thân của tiểu đường. Dấu hiệu này thường xảy ra ở các phụ nữ mắc chứng buồng trứng đa nang (polycystic ovary syndrome – PCOS). Nguyên nhân là do da của bạn bị khô vì bị mất nước và da ở hai vùng này thường dày hơn nên dễ ma sát hơn.
Qua những dấu hiệu bệnh tiểu đường trong bài viết này, Hello Bacsi mong rằng đã giúp bạn có thể kịp thời nhận ra rằng mình có đang mắc phải căn bệnh tiểu đường hay không. Nếu bạn có ít nhất một trong các triệu chứng được liệt kê ở trên, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để có thể tiến hành các phương pháp điều chỉnh lượng đường trong cơ thể nhé!
Từ khóa » Các Triệu Chứng Bệnh Tiểu đường
-
Bệnh đái Tháo đường Và Dấu Hiệu Nhận Biết Sớm ... - Sở Y Tế Bạc Liêu
-
Dấu Hiệu Sớm Báo Hiệu Bệnh Tiểu đường | Vinmec
-
6 Biểu Hiện Dễ Nhận Biết Nhất Của đái Tháo đường - Glucerna
-
10 DẤU HIỆU NHẬN BIẾT BỆNH TIỂU ĐƯỜNG
-
Đái Tháo đường: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu, điều Trị Và Phòng Ngừa
-
Có Những Dấu Hiệu Sớm Của Bệnh Tiểu đường Nào Bạn Cần Lưu ý?
-
Có Những Triệu Chứng Bệnh Tiểu đường Nào Có Thể Dễ Dàng Nhận Biết?
-
LÀM SAO ĐỂ NHẬN BIẾT BỆNH TIỂU ĐƯỜNG | BvNTP
-
13 Triệu Chứng Sớm Của Bệnh Tiểu đường Loại Hai - VnExpress
-
Cơ Thể Ra Sao Khi Mắc Bệnh Tiểu đường?
-
Đái Tháo đường (DM) - Rối Loạn Nội Tiết Và Chuyển Hóa - MSD Manuals
-
Phân Biệt Các Loại Bệnh Tiểu đường Như Thế Nào? - Vinamilk
-
Triệu Chứng Sớm Của Bệnh Tiểu đường