14 Vị Thần Quan Trọng Trong Thần đạo Shinto Của Nhật Bản

Thần đạo Shinto đóng vai trò quan trọng trong lịch sử – văn hóa Nhật Bản. Trong đó các vị thần được tôn sùng và thờ cúng tại nhiều nơi. Tiêu biểu với 14 vị thần quan trọng nhất trong Thần đạo Shinto của Nhật Bản.

Thần đạo Shinto – là tôn giáo bản địa của người dân Nhật. Thần đạo có mối quan hệ rất mật thiết với địa lý và lịch sử của Nhật Bản, chính vì vậy nó có nhiều điểm tương đồng với tính cách của người dân nơi đây. Không giống như các tôn giáo khác như Đạo Thiên Chúa, Đạo Hồi hay Do Thái Giáo, những tôn giáo chỉ tin vào một vị thần tối cao, còn Thần đạo theo lối “đa thần giáo” – nghĩa là có rất nhiều các vị thần. Những vị thần này được gọi là Kami – là những linh hồn hay những vị thần linh được công nhận trong Thần đạo.

Thần Izanagi và Izanami

Từ khoảng không hỗ độn, không bầu trời cũng không mặt đất thì thần thoại Nhật Bản được bắt đầu từ đây. Từ cõi hư không đó, vị thần đầu tiên của Nhật Bản – Ameno Minakanushi được sinh ra, người là “Chủ nhân ở chính giữa bầu trời”.

Sau khi có mặt trên trái đất thì thần Ameno Minakanushi sinh ra một người con sau đó ngài sống ẩn mình và xa cách trần gian.

Thần thoại Nhật Bản về các vị thần một mình sinh con xuất hiện và kéo dài cho đến 7 đời trong hệ thống các câu chuyện thần thoại Nhật Bản. Cho đến đời thứ 7 thì sinh ra một cặp vợ chồng thần. Vợ chồng vị thần này tiếp tục sinh ra các cặp nam nữ. Họ tiếp nối cho đến đời thứ 5 thì sinh ra 2 vị thần: Izanagi và Izanami.

Thần Izanagi là chồng của vị nữ thần Izanami. Ông cùng vợ đã tạo ra đất nước Nhật Bản. Ông từ trên cầu Ame-no-ukihashi dùng ngọn giáo thần Ame-no-nuboko nhúng vào đại dương và khuấy. Khi ngọn giáo được rút lên nước biển nhỏ xuống tạo thành một hòn đảo. Izanagi và Izanami xây dựng một lâu đài và sinh ra 8 hòn đảo mới, gộp thành phần lớn nước Nhật ngày nay. Izanagi là cha của Amaterasu, Tsukuyomi và Susanoo.

Thần Izanami sinh ra thần lửa Kagutsuchi, lửa bốc cháy khiến bà bị thương và chết. Inazagi nổi giận và dùng kiếm chém vào đầu của Kagutsuchi và chặt thành 8 khúc. Các phần của Kagutsuchi trở thành những núi lửa bao bọc nước Nhật. Khi Izanagi xuống Suối Vàng để đón Izanami về, bà đã biến thành thần chết. Izanagi bị vợ đuổi và trở về một mình.

Nữ thần Mặt Trời (Amaterasu)

Nữ thần Mặt Trời là vị thần quan trọng bậc nhất trong hệ thống Thần đạo của Nhật Bản. Bà là vị thần tối cao của Hoàng gia Nhật Bản, nhân vật thống lĩnh xứ sở của các thần – Cao thiên nguyên. Được thờ phụng tại Nội cung của Ise Jingu và các ngôi đền cùng tên là “Shinmei Jinja”.

Nữ thần Mặt Trời chính là do con mắt trái của thần Izanagi tạo nên khi ông rửa mặt sau khi trở về từ Suối Vàng. Amaterasu cũng được xem là vị thần của vũ trụ và cũng là chủ nhân của Takamagahara. Bà mang lại ánh sáng và hơi ấm cho vạn vật. Quan trọng hơn nữa Nữ thần Mặt Trời chính là vị thần sáng tạo và chỉ dạy cho con người nơi đây canh tác lúa gạo, nghề quay tơ dệt vải và trồng dâu nuôi tằm.

Thần Mặt Trăng (Tsukuyomi-no-Mikoto)

Nếu như Nữ thần Mặt Trời được tạo nên từ con mắt trái của thần Izanagi, thì thần Mặt Trăng lại được sinh ra từ mắt phải của thần Izanagi. Đây là vị thần cai quản bóng đêm, cũng là em trai của Nữ thần Mặt Trời.

Trong một lần, Nữ thần Mặt Trời Amaterasu sai Tsukiyomi đi thay mình đến dự tiệc của Nữ thần Lương thực Ukemochi-no-kami. Ukemochi lần lượt nhìn vào biển, rừng và đồng lúa rồi nôn ra cá, thịt và một chén cơm mời Tsukiyomi ăn. Kết quả là Thần Mặt Trăng cảm thấy bị xúc phạm nên đã ra tay giết chết Ukemochi.

Nữ thần Mặt Trời thấy hành động của em trai mình vô cùng dã man nên đã thề không bao giờ gặp mặt lại Tsukuyomi nữa. Đây chính là lý do mặt trời và mặt trăng không bao giờ xuất hiện cùng lúc.

Thần Vũ (Jimmu)

Thần Jimmu là thiên hoàng đầu tiên của Nhật Bản. Jimmu được coi là hậu duệ của Nữ thần Mặt Trời Amaterasu.

Nữ thần Amaterasu vốn có ba báu vật mà người ta gọi là Tam chủng thần khí bao gồm: thanh gươm Kusanagi (Thảo Thế Kiếm) tượng trưng cho lòng dũng cảm, gương chiếu yêu Yata no Kagami (Bát Chỉ Kính) tượng trưng cho sự khôn ngoan và chuỗi ngọc Yasakani no Magatama (Bát xích quỳnh khúc ngọc) tượng trưng cho lòng nhân từ.

Amaterasu có một người con trai gọi là Ame no Oshihomimi no Mikoto rồi có một đứa cháu trai tên là Ninigi-no-Mikoto.

Nữ thần Amaterasu trao ba thần khí này cho cháu trai mình và phái ông xuống quần đảo Nhật Bản lập nước. Ở đây ông cưới Konohana-Sakuya-hime. Trong số 3 con trai của họ có Hikohohodemi no Mikoto, còn gọi là Yamasachi-hiko, sau này cưới Toyotama-hime – con gái của Ryūjin, thần biển Nhật Bản. Họ có một người con trai duy nhất tên là Hikonagisa Takeugaya Fukiaezu no Mikoto. Đứa bé bị cha mẹ từ bỏ ngay sau khi sinh và do đó được em gái của mẹ, Tamayori-hime, nuôi nấng. Họ cuối cùng cưới nhau và có 4 con trai. Người con út sau này trở thành Thiên hoàng Jimmu – vị vua đầu tiên của nước Nhật Bản. Tam chủng thần khí trở thành những báu vật tượng trưng cho Hoàng gia Nhật Bản. Vậy là các Thiên hoàng chính là hậu duệ của Nữ thần Mặt Trời.

Thần Bão tố (Susano’o)

Susano’o còn được biết đến với tên gọi: “Takehaya Susanoo-noMikoto” hoặc “Kumano Ketsumiko-no-kami”, là em trai của Nữ thần Mặt Trời Amaterasu và Thần Mặt Trăng Tsukuyomi-no-Mikoto. Ông được sinh ra từ lỗ mũi của thần Izanagi.

Susano’o là vị thần của bão tố. Tuy nhiên, sau những hành động hỗn láo của Susano’o với Nữ thần Mặt Trời Amaterasu, chư thần quyết định tước hết bảo bối của Susano’o, đầy hẳn xuống hạ giới và vĩnh viễn không được phép quay về thiên giới nữa.

Vào một lần đi ngang bờ sông, Susano’o bắt gặp một cặp vợ chồng già cùng đứa con gái đang than khóc. Hỏi ra mới biết vùng này có con quái vật rắn 8 đầu Yamata no Orochi đã ăn thịt 7 cô con gái của gia đình này và đang nhăm nhe ăn thịt luôn đứa con gái còn lại. Thế là Susano’o quyết định ra tay nghĩa hiệp, trừ diệt yêu quái. Thần chuẩn bị 8 vò rượu Sake đặt trên 8 cái bục, bao quanh là một hàng rào kín mít, chỉ có 8 cái lỗ để thò đầu vào. Quái vật Orochi thấy rượu sake thơm lừng thì thèm lắm nhưng không cách nào lấy được. Nếu nó dùng sức mạnh để phá hủy bức tường thì sẽ làm vỡ hết các vò rượu. Vậy là con quái vật đành chui 8 cái đầu của nó vào 8 cái lỗ trên bức tường để uống. Tất nhiên, thần Susano’o chỉ đợi có thế, vung kiếm chặt đứt cả 8 cái đầu. Thần mổ bụng cong quái vật và nhặt được thanh kiếm báu nạm ngọc Kusanagi (Thảo Thế Kiếm). Susano’o cưới luôn cô con gái thứ 8 làm vợ, sau đó dâng thanh thần kiếm cho Amaterasu xin chuộc lỗi. Thế là thần lại được trở về thiên giới.

Thần Biển (Ryujin)

Ryujin còn được gọi là Owatatsumi, là vị thần cai quản đại dương, xuất hiện dưới hình dạng một con rồng khổng lồ (con rồng thần của Nhật Bản) biểu trưng cho sức mạnh của đại dương có miệng lớn và có thể biến thành hình dạng con người. Thủy cung của Ryujin là cung điện Ryugu-jo được làm từ san hô đỏ và trắng. Ông có thể điều khiển thủy triều lên xuống một cách dễ dàng nhờ vào hai viên ngọc Kanju và Manju quyền năng của mình. Từ đây ông điều khiển thủy triều bằng hai viên ngọc Kanju (“can châu’”) và Manju. Rùa biển, cá và sứa thường được vẽ làm nô bộc của Ryujin.

Ryujin là cha của nữ thần xinh đẹp Otohime, vợ của hoàng tử thợ săn Hoori. Thiên hoàng đầu tiên của nước Nhật, Jimmu, được cho là cháu nội của Otohime và Hoori. Do đó, Ryujin được coi là một trong các tổ tiên của các Thiên hoàng Nhật Bản.

Tương truyền, Ryujin đã đánh cắp những viên ngọc quý từ một vị hoàng tử. Vị hoàng tử này buộc phải kết hôn với cô gái lặn ngọc trai xinh đẹp trên bãi biển để tìm lại được những viên ngọc. Họ có với nhau một đứa con trai, và cô gái nghĩ cách giúp chồng mình. Nàng chơi nhạc để ru ngủ rồng thần Ryujin, sau đó đem những viên ngọc đi.

Khi bị Ryujin truy đuổi, cô gái buộc phải cắt ngực của mình để có chỗ giấu số ngọc. Máu của cô tuôn ra nhiều đến nỗi làm đục mờ nước, nhờ thế cô gái chạy thoát khỏi Ryujin.

Thần Ryujin còn liên quan đến sự tích con sứa không có xương. Truyện kể rằng, Ryujin muốn ăn gan khỉ (theo một số dị bản là để chữa chứng phát ban) nên cử sứa đi tìm khỉ. Khỉ thoát được nhờ nói với sứa rằng nó đã để gan ở một chiếc bình vại trong rừng, phải để nó đi lấy đã. Sứa quay về bẩm báo với Ryujin làm ông giận tới mức đánh nát tất cả xương của sứa. Từ đó loài này không có xương nữa. Các vị thần đôi khi vẫn tàn bạo như vậy đấy!

Thần Thịnh vượng (Inari-Okami)

Inari-Okami là vị thần của lúa gạo, nông nghiệp, thương nghiệp và nghề rèn, của sự phì nhiêu, gạo, trà và rượu Sake, cũng là vị thần được thờ phụng rộng rãi trên đất nước “Mặt Trời mọc”.

Đôi khi thần Inari-Okami được đồng nhất với Benzaiten và Daikiniten, và đôi khi thần cũng được coi là nữ giới, hoặc một vị thần lưỡng tính.

Thần Inari xuất hiện dưới nhiều hình dạng, nhưng hình dạng nổi tiếng nhất vẫn là hình con cáo trắng. Các bảo vật của thần rất đa dạng, như bó lúa, con cáo, viên ngọc ước và con cáo, tất nhiên. Do đó, những đền thờ thần Inari thường sẽ có tượng cáo nhỏ đóng vai trò như những người bảo vệ đền thờ.

Nữ thần Lễ hội và Hạnh phúc (Ame-no-Uzume-no-mikoto)

Uzume, là nữ thần của bình minh, sự hoan lạc và những vũ điệu tuyệt mĩ. Bà thường được nhắc đến như một “công thần” qua truyền thuyết về sự trở lại của mặt trời. Chuyện kể rằng, Amaterasu mang lại ánh sáng và hơi ấm cho vạn vật, nhưng một hôm em trai của Amaterasu là Susanoo cãi nhau với bà và ném vật được dâng tế cho Amaterasu, một con lừa chết, vào phòng thêu làm chết một cô hầu gái. Amaterasu tức giận và tự nhốt mình trong hang đá, khiến thế giới chìm vào bóng tối.

Thế là, Nữ thần Ame-no-Uzume-no-mikoto và các vị thần khác đã tìm cách lừa Amaterasu ra khỏi hang ra bằng một lễ hội và những vũ điệu làm say đắm lòng người. Lúc này, Nữ thần Ame-no-Uzume-no-mikoto đã treo một chiếc gương bằng đồng lên cây, khoác hoa lá lên mình rồi nhảy múa trước cửa hang. Các vị thần kéo tới xem, Ame-no-Uzume vất bỏ chiếc áo bằng hoa và đám đông nam thần hét lên thích thú. Amaterasu tò mò lẻn ra khỏi hang xem, ánh sáng của bà phản chiếu trong gương tạo ra bình minh xóa tan bóng tối. Các vị thần lấp của hang, mọi người vui vẻ trở lại và cùng nhau lập lễ hội.

Bên cạnh đó, Nữ thần Ame-no-Uzume-no-mikoto cùng với chồng mình là Sarutahiko cũng là một trong những vị thần đi theo phò trợ Ninigi-no-Mikoto khi ông tuân mệnh tổ mẫu của mình là nữ thần Amaterasu xuống trần gian lập quốc. Người dân Nhật Bản tôn thờ những vũ điệu của thần giúp trấn an linh hồn người chết và cầu mong sự sống được tái sinh.

Thần Đất và Sức mạnh (Sarutahiko-Okami)

Được mệnh danh là thần Đất và Sức mạnh, Sarutahiko-Okami là người có công hướng dẫn Ninigi-no-Mikoto – cháu của Nữ thần Mặt Trời khi xuống Nhật Bản lập quốc.

Vị thần này có ngoại hình đặc biệt với mũi to, râu rậm, mắt sâu, lưng thẳng. Ông là vị thần bảo hộ cho những môn nghệ thuật chiến đâu như Akido. Đồng thời cũng tượng trưng cho sức khỏe và sự minh mẫn.

Lôi thần và Phong thần (Raijin và Fujin)

Raijin là vị thần sấm chớp trong tín ngưỡng dân gian và Thần đạo Nhật Bản. Từ “Raijin” được thành lập bằng cách ghép giữa hai chữ Hán: “Rai” (lôi) và “Shin” (thần). Lôi thần còn được gọi bằng những cái tên khác như: Raiden sama – ngài lôi điện; Narukami – thần rền vang; Raikō – lôi công.

Quan niệm dân gian cho rằng Sugawara no Michizane, một quý tộc, học giả, thi nhân và là một chính trị gia thời Heian sau khi chết đã hóa thân thành vị thần sấm chớp ngụ nơi trời cao.

Tại Nhật Bản, Lôi Thần được miêu tả với hình tướng dữ tợn, ông có cơ bắp cuồn cuộn luôn mang bên mình một chuỗi trống được quấn quanh thân dùng để tạo ra sấm chớp.

Fujin cũng là vị thần lực lưỡng mang một túi vải lớn trong đó chứa đựng hàng ngàn cơ cuồng phong. Khi ông mở chiếc túi ấy ra, một trận gió lớn sẽ nổi lên thổi tung mọi thứ.

Hình dáng Raijin và Fujin được miêu tả như những con quỷ Oni. Truyền thuyết Phật giáo kể rằng, hai vị thần này tiền thân vốn là những con quỷ nhưng đã quy thuận theo đức Phật sau một cuộc chiến kinh thiên động địa giữa 33 vị thần và lũ quỷ.

Thần Chiến tranh (Hachiman)

Ông là vị thần chiến tranh và cũng là người bảo hộ cho đất nước Nhật Bản. Con vật biểu tượng và sứ giả của ông là chim bồ câu. Hachiman ban đầu chỉ được các nông dân và ngư dân thờ phụng với mong muốn mùa mạng bội thu, cá bắt đầy lưới. Sau đó, gia tộc Minamoto – những người lập nên nhà Mạc phủ thờ phụng Hachiman như một vị thần bảo hộ của gia tộc Minamoto. Kể từ đó việc thờ phụng Hachiman trở nên phổ biến trong dân chúng và ông trở thành vị thần chiến tranh bảo hộ cho những Samurai và toàn thể đất nước Nhật Bản.

Thần Bầu trời Tenjin

Tenjin là vị thần tượng trưng cho giáo dục, văn học và sự thông thái. Một điều thú vị, ông đã từng là một người bình thường có tên là Sugawara no Michizane, một học giả và một nhà thơ sống trong thế kỷ thứ 8.

Michizane là thành viên cấp cao trong cung điện Heian nhưng cũng là kẻ thù của gia tộc Fujiwara và cuối cùng ông đã bị hãm hại và đi lưu đày, một thời gian sau, ông qua đời ngay tại nơi lưu đày. Những năm sau đó, cái chết của kẻ thù và những kẻ hãm hại Michizane đã dấy lên những lời đồn thổi: Linh hồn của ông đang tức giận và quay lại trừng phạt những kẻ hãm hại mình. Cứ ngỡ rằng trời cao đang nổi giận, gia tộc Fujiwara đã tổ chức lễ tế long trọng và lập nên đền thờ Kitano Tenmangu. Nhân dân suy tôn ông và gọi với cái tên thần Tenjin (Thần bầu trời).

Ngày nay, Tenjin đã trở thành những vị Thần đạo quan trọng trong tâm thức người dân xứ Phù Tang. Các học sinh, sinh viên trước kỳ thi đều tới thăm các đền thờ của Tenjin với mong ước sẽ hoàn thành tốt và vượt qua các kỳ thi căng go với kết quả xuất sắc.

Trên đây là 14 vị thần nổi tiếng trong Thần đạo Nhật Bản, tuy đã có nhiều biến thể nhưng chủ yếu các vị thần này đều tượng trưng cho những yếu tố thiên nhiên hình thành nên đất nước Nhật. Nếu có cơ hội du lịch Nhật Bản, du khách hãy tới thăm những ngôi đền thần đạo để cảm nhận hơn nữa về văn hóa tôn giáo của người Nhật và ngắm nhìn những công trình kiến trúc hùng vĩ nhé!

Post Views: 6.496

Từ khóa » Các Vị Thần Nhật Bản