17 Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững Của Việt Nam - Bộ Công Thương

Liên Hợp Quốc và các đối tác tại Việt Nam đang nỗ lực để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững: 17 Mục tiêu liên kết với nhau và đầy tham vọng nhằm giải quyết những thách thức phát triển lớn mà người dân Việt Nam và trên thế giới phải đối mặt.

Các Mục tiêu Phát triển Bền vững kêu gọi hành động toàn cầu nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và khí hậu trái đất và đảm bảo mọi người ở khắp mọi nơi có thể tận hưởng hòa bình và thịnh vượng. Đây là những mục tiêu mà Liên Hợp Quốc đang thực hiện ở Việt Nam.

Việt Nam đã quốc gia hóa Chương trình Nghị sự 2030 của toàn cầu thành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia.

Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững. Nghị quyết đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam gồm: (1) Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; (2) Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; (3) Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; (4) Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; (5) Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái; (6) Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người; (7) Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người; (8) Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; (9) Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới; (10) Giảm bất bình đẳng trong xã hội; (11) Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn, phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng; (12) Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững; (13) Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai; (14) Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững; (15) Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất; (16) Thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp; (17) Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, Nghị quyết đưa ra nhiệm vụ và giải pháp chung, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục nghiêm túc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được ban hành tại Quyết định 122/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 và Kế hoạch hành động của bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình nghị sự 2030, tập trung vào những nội dung, như: Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách; Tăng cường thông tin, truyền thông; Phát huy vai trò và sự tham gia của các bên liên quan; Bố trí, huy động và tăng cường nguồn lực tài chính; Tăng cường hợp tác quốc tế.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành. Bộ Công Thương được giao 3 nhiệm vụ trong đó có việc Chủ trì, tổ chức thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 (ban hành tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ). Hoàn thiện chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững; thúc đẩy xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng quốc gia sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường, ưu tiên các sản phẩm do doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất, cung ứng; thúc đẩy phát triển công nghiệp môi trường, công nghiệp tái chế chất thải.

Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 là khung pháp lý đầu tiên của Việt Nam tiếp cận tổng thể và toàn diện các nội dung và nhiệm vụ về sản xuất và tiêu dùng bền vững, cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững số 12 (SDG 12) với những ưu tiên cụ thể cho Việt Nam.

Về cơ bản, các nhiệm vụ chính của Chương trình đã được tích cực thực hiện, bước đầu đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, 5/10 mục tiêu của Chương trình đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành, bao gồm: Tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn; ứng dụng thí điểm và dần dần mở rộng đổi mới sinh thái cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp, và cụm công nghiệp; Áp dụng chứng nhận phân phối xanh; phát triển thành công và dần dần mở rộng chuỗi cung ứng bền vững cho các sản phẩm chính trong nền kinh tế; Cung cấp thông tin, hướng dẫn và hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý và tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu về môi trường và phát triển bền vững của các nước nhập khẩu cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam; Người tiêu dùng và cộng đồng được cung cấp thông tin đầy đủ về các sản phẩm thân thiện với môi trường, các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững và tỷ lệ phế liệu nhựa, giấy,và dầu thải sẽ được tái chế và tỷ lệ chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu hồi để tái chế và tái sử dụng.

Bên cạnh kết quả đạt được, một số mục tiêu của Chương trình đang được gấp rút thực hiện và bước đầu có hiệu quả, gồm: 50% chất thải rắn xây dựng trong khu vực đô thị sẽ được thu hồi để tái chế và tái sử dụng; 85% chất thải rắn đô thị được tái sử dụng, tái chế, thu hồi để lấy năng lượng hoặc làm phân hữu cơ; Hoàn thành khung pháp lý và hướng dẫn về mua sắm công xanh và Tăng tỷ lệ phần trăm của các sản phẩm bền vững trong mua sắm công; cải thiện khung pháp lý và hướng dẫn về việc thực hiện mua sắm công bền vững...

Kinh nghiệm quốc tế

Trên thế giới, sản xuất và tiêu dùng bền vững đã chuyển sang cách tiếp cận vòng đời sản phẩm (LCA) để phân tích các tác động của các sản phẩm và dịch vụ với sự tham gia của tất cả các bên liên quan và trong tất cả các giai đoạn sản xuất và tiêu dùng; và tích hợp môi trường và phát triển để giải quyết thách thức kép của khủng hoảng môi trường và cải thiện cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó hệ thống các tiêu chuẩn về Sản xuất Tiêu dùng bền vững cũng đang được các quốc gia sử dụng như một rào cản kỹ thuật, phi thuế quan để bảo hộ hàng hóa trong nước, hạn chế nhập khẩu thông qua chương trình mua sắm công của từng quốc gia. Do đó, sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng gắn liền với sự lựa chọn quỹ đạo phát triển của mỗi các quốc gia. Tùy thuộc vào nhu cầu, lĩnh vực ưu tiên và phương thức để đạt được sản xuất và tiêu dùng bền vững hoặc phát triển bền vững sẽ khác nhau giữa các quốc gia nhưng đều tập trung vào 09 nội dung của sản xuất và tiêu dùng bền vững, cụ thể:

Quản lý tài nguyên bền vững: Khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên là nội dung trọng tâm của nhiều nhiều quốc gia xác định trong chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Trung Quốc thúc đẩy cộng sinh công nghiệp và cộng tác giữa các nhà sản xuất và các ngành công nghiệp tại các khu vực tập trung công nghiệp để sử dụng hiệu quả tài nguyên. Chương trình hiệu quả tài nguyên II của Đức có các hợp phần cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Nhật Bản xây dựng Kế hoạch hướng tới một Xã hội tuần hoàn vật chất nhằm giải quyết các thách thức và tận dụng cơ hội mới hiện nay của đất nước. Kế hoạch Môi trường 25 năm và Chiến lược Quản lý chất thải và Tài nguyên mới (2018) của Vương quốc Anh được thiết kế với mục tiêu “tối đa hóa giá trị sử dụng tài nguyên, tối thiểu phát sinh chất thải, khí thải và hướng tới một hành tinh sạch hơn, xanh hơn và khỏe mạnh hơn”

Thiết kế có tính bền vững: Thiết kế sản phẩm bền vững giúp các nhà sản xuất nâng cao tỷ suất lợi nhuận, chất lượng, cơ hội thị trường, hiệu quả môi trường và lợi ích xã hội. Hàn Quốc triển khai chương trình thiết kế sinh thái nhằm giảm các tác động đến môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm. Đức và Vương quốc Anh đã phát triển một mạng lưới với các quốc gia đối tác để tạo ra sự cộng sinh công nghiệp và tăng cường đổi mới sinh thái.

Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn: Một số quốc gia ở châu Á đã thành lập Trung tâm sản xuất sạch hơn quốc gia, chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ chính phủ triển khai Chiến lược Sản xuất sạch hơn, thông qua các các hoạt động đào tạo về sản xuất sạch hơn cho các các công ty, ngành công nghiệp.v.v. thực hiện tiết kiệm năng lượng và giảm ô nhiễm. UNEP và UNIDO triển khai chiến lược Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) để nâng cao hiệu quả sản xuất, quản lý môi trường và phát triển con người.  

Nhãn sinh thái và Chứng nhận: Nhãn sinh thái là một công cụ quan trọng giúp người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn và tạo động lực thúc đẩy các nhà sản xuất phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Chương trình Nhãn sinh thái tại Hàn Quốc khuyến khích người tiêu dùng đưa ra lựa chọn sản phẩm thân thiện môi trường và phát triển mô hình tiêu dùng thân thiện với môi trường, tăng khả năng tiếp thị các sản phẩm thân thiện với môi trường và khuyến khích các nhà sản xuất phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thụy Điển thúc đẩy hiệu quả của Nhãn sinh thái thông qua việc ủng hộ các cơ chế dán nhãn sinh thái chứng nhận độc lập.

Mua sắm bền vững: Mua sắm bền vững được coi là công cụ chính để thúc đẩy nền kinh tế xanh. Tỷ lệ mua sắm công chiếm một phần đáng kể trong tổng mức tiêu thụ nội địa. Mua sắm bền vững kích thích nhu cầu về các sản phẩm xanh hơn và tạo ra một chu kỳ sản xuất và tiêu dùng bền vững. Tại Nhật Luật mua sắm xanh được ban hành vào năm 2001 thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường. Ủy ban châu Âu và một số quốc gia châu Âu đã xây dựng hướng dẫn về mua sắm bền vững với các tiêu chí cụ thể nhằm đảm bảo yêu cầu về sự tương thích giữa các quốc gia thành viên và tạo ra thị trường duy nhất cho các sản phẩm và dịch vụ xanh.

Tiếp thị bền vững: Tiếp thị bền vững giúp cung cấp thông tinh cho người tiêu dùng về hàng hóa bền vững thông qua các chương trình chia sẻ thông tin và truyền thông mở. Pháp khuyến khích các nhà sản xuất tiếp thị các sản phẩm có thiết kế sinh thái. Thông qua dữ liệu mở, người tiêu dùng có thể truy cập thông tin về sinh thái dựa trên các tiêu chuẩn công nghệ được xác nhận bởi ADEME (Cơ quan quản lý năng lượng và môi trường Pháp). Thụy Điển tích cực thúc đẩy lối sống và tiêu dùng sinh thái bằng việc khuyến khích và đưa ra sự lựa chọn thay thế dễ dàng và tốt nhất từ góc độ môi trường..

Giao thông bền vững: Đối với lĩnh vực vận chuyển, tập trung các nỗ lực để cải thiện cơ sở hạ tầng công cộng và đầu tư giao thông công cộng. Đối với hoạt động phân phối, trọng tâm hướng sang vận tải các-bon thấp và khuyến khích hợp tác giữa các nhà phân phối để nâng cao hiệu quả sử dụng. Thụy Điển xác định giao thông bền vững là một trong ba lĩnh vực chính trong lối sống bền vững. Nhật Bản thúc đẩy thực hiện hoạt động phân phối và hiệu quả (Luật hiệu quả phân phối) thông qua việc quy định việc phê duyệt các kế hoạch và các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp cải thiện hoặc thay đổi hình thức vận chuyển và chia sẻ cộng đồng. Hàn Quốc cũng cung cấp trợ cấp cho các đơn vị phân phối thực hiện chuyển đổi vận chuyển hàng hóa từ đường bộ sang đường sắt hoặc đường biển đồng thời khuyến khích thực hiện dịch vụ hậu cần với bên thứ 3.

Lối sống bền vững: Tập trung vào các chính sách nhiều hơn là nâng cao nhận thức và nâng cao kiến thức của mọi người (nhãn sinh thái, chiến dịch truyền thông), hỗ trợ người dân trong việc đưa ra các lựa chọn mua sắm bền vững dễ dàng hơn bằng việc cung cấp cơ sở hạ tầng để đảm bảo cung cấp của hàng hóa và dịch vụ. Thụy Điển ban hành “Chiến lược về tiêu dùng bền vững” phối hợp với các bên liên quan khác hỗ trợ người dân dễ dàng đưa ra quyết định tiêu dùng bền vững. Hàn Quốc đưa ra Sổ tay chính sách về Sản xuất và tiêu dùng bền vững, tập trung vào thông tin, tiêu dùng và lối sống của người tiêu dùng và kinh doanh bền vững.

Quản lý chất thải: Quản lý chất thải trong suốt vòng đời sản phẩm theo cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn. Hàn Quốc đã triển khai chương trình 4R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và phục hồi); và Thành phố Phitsanulok, Thái Lan đã thực hiện 8Rs (giảm thiểu, tái sử dụng, từ chối, nạp lại, sửa chữa, tái chế, phục hồi và suy nghĩ lại). Thông qua việc áp dụng thuế rác thải, Vương quốc Anh giảm 50-60% chất thải chôn lấp. Trung Quốc triển khai chương trình thí điểm “Thành phố không chất thải” vào năm 2019 hình thành mô hình đô thị giảm thiểu chất thải trong toàn bộ vòng đời sản phẩm. Kế hoạch phát triển bền vững của Singapore  đặt mục tiêu tăng tỷ lệ tái chế chất thải lên 70% vào năm 2030, tập trung vào Khung quản lý chất thải điện tử dựa trên Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), hỗ trợ thu gom chất thải có thể tái chế và xử lý phế thải thực phẩm tại các tòa nhà chung cư.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Kinh tế tuần hoàn như một công cụ thiết thực giúp Việt Nam chuyển đổi kinh tế xã hội trong quá trình thực hiện sản xuất tiêu dùng bền vững; Cần có sự tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội thực hiện sản xuất tiêu dùng bền vững nhằm giải quyết một cách toàn diện các cơ hội và thách thức mới trong quá trình chuyển đổi kinh tế xã hội của Việt Nam và Kế hoạch hành động sản xuất tiêu dùng bền vững cần bám sát 09 nội dung của sản xuất và tiêu dùng bền vững, gồm: Quản lý tài nguyên bền vững; Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất Sạch hơn; Thiết kế vì sự bền vững: Mua sắm công xanh; Vận tải bền vững; Nhãn sinh thái và chứng nhận; Tiếp thị bền vững; Lối sống bền vững và Quản lý chất thải). Đồng thời, chú trọng và tập trung ưu tiên các hoạt động dựa trên nguồn lực và nhu cầu thực tiễn.

Các nhiệm vụ chính của sản xuất tiêu dùng bền vững tại Việt Nam đang được triển khai dựa trên sự nhất trí cao của Chính phủ. Tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu của Việt Nam cho thấy sự chuyển đổi sang sản xuất tiêu dùng bền vững  là một nhiệm vụ quan trọng với nhằm hướng tới bền vững lâu dài. Kinh tế tuần hoàn như một công cụ thiết thực sẽ giúp ích cho Việt Nam chuyển đổi kinh tế xã hội trong quá trình thực hiện sản xuất tiêu dùng bền vững.

Là một nền kinh tế mới nổi, Việt Nam cần tăng cường năng lực R&D của các doanh nghiệp để tạo điều kiện đổi mới sinh thái cho quá trình cạnh tranh toàn cầu và kết hợp sản xuất tiêu dùng bền vững vào các biện pháp thương mại xuất nhập khẩu. Hơn nữa, khi đô thị hóa đang được mở rộng tại Việt Nam, cần tập trung hơn nữa vào các mục tiêu tiêu dùng bền vững của dân cư đô thị trong suốt quá trình chuyển đổi mô hình tiêu dùng nhanh chóng. Do đó sản xuất tiêu dùng bền vững có thể được thông qua trong quá trình chuyển đổi kinh tế xã hội của Việt Nam để giải quyết một cách toàn diện các cơ hội và thách thức mới nổi thông qua sự tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội.   

Từ khóa » Câu 16. Phát Triển Kinh Tế Là