Thông Cáo Báo Chí Tình Hình Kinh Tế – Xã Hội Quý III Và 9 Tháng Năm ...

BỐI CẢNH KINH TẾ THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC

Tình hình kinh tế thế giới khởi sắc trong năm 2021 khi các quốc gia triển khai mạnh mẽ chiến lược tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đã giúp giảm nhanh số ca lây nhiễm và tử vong. Tuy nhiên, tăng trưởng của các nền kinh tế có sự khác biệt do tốc độ triển khai vắc-xin và chính sách hỗ trợ khác nhau ở các quốc gia. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và các tổ chức quốc tế khác đã đưa ra dự báo về triển vọng kinh tế toàn cầu[1], trong đó có sự điều chỉnh tăng, giảm giữa các nền kinh tế. Thương mại toàn cầu tiếp tục phục hồi nhưng có xu hướng chậm dần, giá nhiều mặt hàng tăng mạnh so với năm 2020, lạm phát gia tăng nhưng nhìn chung vẫn được kiểm soát trên toàn thế giới. Ngoài ra, đại dịch đã gây tắc nghẽn trong chuỗi giá trị toàn cầu làm cho giá nguyên liệu sản xuất tăng là thách thức không nhỏ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các quốc gia.

Trong nước, tiếp nối kết quả đã đạt được của năm 2020, những tháng đầu năm 2021, kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định và bắt đầu khởi sắc. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng Tư với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ… ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trước tình hình đó, với sự quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp và lực lượng tuyến đầu chống dịch, phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức, huy động mọi nguồn lực để đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, chăm lo, ổn định đời sống cho người dân và nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong quý III và 9 tháng 2021 như sau:

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2021 ước tính tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài thì đây là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh.

GDP quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%. Về sử dụng GDP quý III/2021, tiêu dùng cuối cùng giảm 2,83% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 1,61%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,51%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,75%.

GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch, năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản 9 tháng năm 2021 đạt khá so với cùng kỳ năm trước. Ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 7,17%, làm giảm 0,27 điểm phần trăm do sản lượng dầu thô khai thác giảm 6% và khí đốt tự nhiên giảm 17,6%. Ngành xây dựng giảm 0,58%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%, làm giảm 0,47 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%, làm giảm 0,57 điểm phần trăm. Ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất với mức tăng 21,15%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,37%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 5,24%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,79%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,03%; khu vực dịch vụ chiếm 40,19%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,99%.

Về sử dụng GDP 9 tháng năm 2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2020; tích lũy tài sản tăng 4,27%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,21%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 18,46%.

2. Sản xuất nông nghiệp 9 tháng năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất cây trồng và chăn nuôi đạt khá. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất chế biến – tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trước những khó khăn, thách thức, ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

a) Nông nghiệp

Nhờ thời tiết thuận lợi và chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tích cực, gieo trồng giống lúa mới cho giá trị kinh tế cao dần thay thế giống lúa truyền thống nên năng suất lúa đông xuân của cả nước năm nay đạt 68,6 tạ/ha, tăng 2,2 tạ/ha so với vụ đông xuân năm 2020, sản lượng đạt 20,63 triệu tấn, tăng 755,1 nghìn tấn.

Tính đến trung tuần tháng Chín, diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước đạt 1.577,4 nghìn ha, bằng 99,8% cùng kỳ năm trước. Vụ lúa hè thu năm nay cả nước gieo cấy ước đạt 1.954 nghìn ha, tăng 8,8 nghìn ha so với vụ hè thu năm trước, tăng chủ yếu ở vùng Bắc Trung Bộ và vùng Duyên hải miền Trung. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.509 nghìn ha, giảm 15,1 nghìn ha, do chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tính đến ngày 15/9/2021, các địa phương đã thu hoạch được 1.643,8 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 84,1% diện tích gieo cấy và bằng 101,5% cùng kỳ năm trước; năng suất ước tính đạt 56,5 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2020. Do diện tích gieo cấy và năng suất tăng so với vụ hè thu trước nên sản lượng chung toàn vụ đạt 11,03 triệu tấn, tăng 282,7 nghìn tấn.

Tính đến giữa tháng Chín, cả nước gieo trồng được 876,3 nghìn ha ngô, bằng 98,4% cùng kỳ năm trước; 90 nghìn ha khoai lang, bằng 89,2%; 171,3 nghìn ha lạc, bằng 98,2%; 37,2 nghìn ha đậu tương, bằng 90,9%; 997,8 nghìn ha rau, đậu, bằng 100,5%.

Sản lượng thu hoạch nhiều loại cây ăn quả và cây công nghiệp 9 tháng năm 2021 tăng do thời tiết năm nay thuận lợi, cây trồng không bị hạn hán, thiếu nước tưới. Trong đó, điều ước tính đạt 365,2 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; hồ tiêu đạt 275,6 nghìn tấn, tăng 2,3%; cao su đạt 822,8 nghìn tấn, tăng 2,6%; chè búp đạt 865,2 nghìn tấn, tăng 1,8%; xoài đạt 801,1 nghìn tấn, tăng 6,7%; thanh long đạt 1.030,5 nghìn tấn, tăng 1,7%; cam đạt 689,7 nghìn tấn, tăng 3,8%; bưởi đạt 511,3 nghìn tấn, tăng 6,1%; chuối đạt 1.779,2 nghìn tấn, tăng 2,6%; nhãn đạt 544,4 nghìn tấn, tăng 7,8%.

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng nhìn chung ổn định, dịch viêm da nổi cục đang dần được kiểm soát nhưng nguy cơ tái phát vẫn còn cao. Chăn nuôi lợn và gia cầm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, chi phí sản xuất tăng, khâu lưu thông bị gián đoạn, nhu cầu thị trường giảm do nhà hàng, quán ăn đóng cửa, du lịch đình trệ nên các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, lượng vật nuôi tồn đọng trong chuồng cao, tăng nguy cơ thua lỗ.

Tính đến ngày 20/9/2021, cả nước không còn dịch tai xanh; dịch lở mồm long móng còn ở Thái Nguyên; dịch cúm gia cầm còn ở Lạng Sơn; dịch tả lợn châu Phi còn ở 35 địa phương[2] và dịch viêm da nổi cục còn ở 31 địa phương[3] chưa qua 21 ngày.

b) Lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng tập trung 9 tháng năm 2021 ước tính đạt 176,2 nghìn ha, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước (quý III đạt 65,8 nghìn ha, tăng 2,3%); số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 65,1 triệu cây, giảm 2,3% (quý III đạt 18,5 triệu cây, tăng 2,4%); sản lượng gỗ khai thác đạt 12.589,2 nghìn m3, tăng 4,3% (quý III đạt 4.643,6 nghìn m3, tăng 2%); sản lượng củi khai thác đạt 14,3 triệu ste, giảm 0,9% (quý III đạt 4,4 triệu ste, giảm 2,7%).

Diện tích rừng bị thiệt hại[4] 9 tháng năm nay là 1.748,2 ha, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 1.020,2 ha, tăng 54,6%; diện tích rừng bị chặt, phá là 728 ha, tăng 8,3%.

c) Thủy sản

Tổng sản lượng thủy sản 9 tháng năm nay ước tính đạt 6.377,3 nghìn tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước (quý III đạt 2.281,4 nghìn tấn, giảm 5,2%), bao gồm: Cá đạt 4.612,5 nghìn tấn, giảm 1,2%; tôm đạt 810 nghìn tấn, tăng 3,4%; thủy sản khác đạt 954,8 nghìn tấn, tăng 1,5%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng ước tính đạt 3.320,1 nghìn tấn, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước (quý III đạt 1.215,3 nghìn tấn, giảm 8,8%), trong đó cá đạt 2.224,1 nghìn tấn, giảm 3,1%; tôm đạt 699,8 nghìn tấn, tăng 4,3%. Sản lượng tôm sú 9 tháng ước tính đạt 196,6 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2021 đạt 81,5 nghìn tấn, giảm 0,6%); sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 462,2 nghìn tấn, tăng 5,5% (quý III đạt 204 nghìn tấn, giảm 6,3%).

Sản lượng thủy sản khai thác 9 tháng ước tính đạt 3.057,2 nghìn tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước (quý III ước tính đạt 1.066,1 nghìn tấn, giảm 0,6%), trong đó cá đạt 2.388,4 nghìn tấn, tăng 0,7%; tôm đạt 110,2 nghìn tấn, giảm 2,2%.

3. Sản xuất công nghiệp trong quý III/2021 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa phương có khu công nghiệp lớn phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III/2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2021 ước tính tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,29%; quý II tăng 11,18%; quý III giảm 3,5%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,05%; ngành khai khoáng giảm 7,17% do sản lượng khai thác dầu thô giảm 6% và khí đốt tự nhiên giảm 17,6%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2021 tăng 28,2% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 24,3%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2021 là 81,1% (cùng kỳ năm trước là 75,6%).

4. Dịch Covid-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%[5]. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2021 với 73,7% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn.

a) Tình hình đăng ký doanh nghiệp[6]

Trong tháng 9/2021, cả nước có 3.899 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 62,4 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 49,9 nghìn lao động, giảm 32,3% về số doanh nghiệp, giảm 8,1% về vốn đăng ký và tăng 15% về số lao động so với tháng 08/2021; so với cùng kỳ năm 2020, giảm 62,2% về số doanh nghiệp, giảm 69,3% về số vốn đăng ký và giảm 39,9% về số lao động.

Tính chung 9 tháng, cả nước có 85,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.195,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 648,8 nghìn lao động, giảm 13,6% về số doanh nghiệp, giảm 16,3% về vốn đăng ký và giảm 16,6% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.677,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 32 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay là 2.873 nghìn tỷ đồng, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 32,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 6,6% so với 9 tháng năm 2020, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên 117,8 nghìn doanh nghiệp, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 13,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Trong 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2021 cho thấy: Có 13,2% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh Quý III/2021 tốt hơn quý II/2021; 25,4% số doanh nghiệp cho rằng ổn định và 61,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn[7]. Dự kiến quý IV/2021 so với quý III/2021, có 43,4% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 26,3% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 30,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

5. Hoạt động vận tải, thương mại trong tháng Chín tăng so với tháng trước khi dịch Covid-19 bước đầu được kiểm soát ở một số địa phương. Tuy nhiên, khách quốc tế đến nước ta đạt thấp do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế. Tính chung 9 tháng năm 2021, khách quốc tế đến nước ta đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Chín năm 2021 ước tính đạt 308,8 nghìn tỷ đồng; quý III đạt 915,7 nghìn tỷ đồng. Tính chung  9 tháng năm 2021 đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,1%).

Hoạt động vận tải tháng Chín có những tín hiệu tích cực hơn với mức tăng 12,5% lượng hành khách vận chuyển và tăng 5,6% lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước. Tính chung 9 tháng, vận tải hành khách đạt 2.018,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 82,7 tỷ lượt khách.km, giảm 30,9%. Vận tải hàng hóa 9 tháng đạt 1.195 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 242,8 tỷ tấn.km, giảm 0,3%. Trong các ngành đường thì hàng không là ngành tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với mức giảm 42% về lượng hành khách và giảm 9,7% về lượng hàng hóa vận chuyển so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu hoạt động viễn thông 9 tháng năm 2021 đạt 234 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 2,1%). Tính đến cuối tháng 9/2021, tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 126,3 triệu thuê bao, tăng 0,6% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó thuê bao di động đạt 123 triệu thuê bao, tăng 0,7%; số thuê bao truy nhập Internet băng rộng cố định đạt 18,4 triệu thuê bao, tăng 13%.

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng Chín ước tính đạt 9,5 nghìn lượt người, tăng 2,2% so với tháng trước và giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 75,6 nghìn lượt người, chiếm 66% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 97,5%; bằng đường bộ đạt 38,5 nghìn lượt người, chiếm 33,6% và giảm 93,4%; bằng đường biển đạt 398 lượt người, chiếm 0,4% và giảm 99,7%. Khách đến từ châu Á đạt 98.291 lượt người, chiếm 85,8% tổng số khách quốc tế đến nước ta, giảm 96,5% so với cùng kỳ năm trước; khách đến từ châu Âu đạt 10.383 lượt người, giảm 98,4%; khách đến từ châu Mỹ đạt 3.984 lượt người, giảm 98,3%; khách đến từ châu Úc đạt 909 lượt người, giảm 99,1%; khách đến từ châu Phi đạt 954 lượt người, giảm 92,2%.

6. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tăng trưởng tín dụng đạt 7,17%, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021. Kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng khá, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2021 tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán cho nền kinh tế tăng 12%.

Tính đến thời điểm 20/9/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,95% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm 2020 tăng 7,58%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,28% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 7,48%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 7,17% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,99%).

Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2021 ước tính tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2021 tăng 7%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 17%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 5%.

Trong tình hình dịch bệnh kéo dài và diễn ra phức tạp, thị trường chứng khoán phát triển ổn định với tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế trong 9 tháng năm 2021 ước tính đạt 292,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 24/9/2021, chỉ số VNIndex đạt 1.351,17 điểm, tăng 1,5% so với cuối tháng trước và tăng 22,4% so với cuối năm 2020. Giá trị vốn hóa thị trường đạt 6.913 nghìn tỷ đồng, tăng 30,6% so với cuối năm 2020; giá trị giao dịch bình quân 9 tháng trên thị trường đạt 24.042 tỷ đồng/phiên, tăng 224% so với bình quân năm 2020. Trên thị trường trái phiếu, đến cuối tháng 8/2021, có 435 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.428 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9% so với cuối năm 2020. Trên thị trường chứng khoán phái sinh, tính chung 9 tháng năm 2021 khối lượng giao dịch bình quân đạt 207.171 hợp đồng/phiên, tăng 32% so với bình quân năm trước.

7. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước do nhiều địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng của hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư. Tổng số dự án đầu tư nước ngoài tính đến 20/9/2021 đăng ký cấp mới giảm 37,8% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng số vốn đăng ký tăng 20,6%. Vốn đăng ký cấp mới bình quân 1 dự án trong 9 tháng năm 2021 đạt 10,3 triệu USD/dự án (cùng kỳ năm 2020 đạt 5,3 triệu USD/dự án).

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành 9 tháng ước tính đạt 1.868,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2021 đạt 697,2 nghìn tỷ đồng, giảm 9,5%), bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 459,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,6% tổng vốn và giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 1.100,5 nghìn tỷ đồng, bằng 58,9% và tăng 3,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 308,1 nghìn tỷ đồng, bằng 16,5% và giảm 3,4%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam[8] tính đến ngày 20/9/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.139 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 2,05 tỷ USD và 1.691 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,17 tỷ USD.

8. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và kết quả thu ngân sách Nhà nước trong 9 tháng năm 2021. Chi ngân sách Nhà nước tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2021 ước tính đạt 1.034,2 nghìn tỷ đồng, bằng 77% dự toán năm, trong đó: Thu nội địa đạt 836,2 nghìn tỷ đồng, bằng 73,8%; thu từ dầu thô đạt 27,4 nghìn tỷ đồng, bằng 118%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 170 nghìn tỷ đồng, bằng 95,3%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2021 đạt 975,6 nghìn tỷ đồng, bằng 57,8% dự toán năm, trong đó: Chi thường xuyên đạt 689,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,5%; chi đầu tư phát triển 202,2 nghìn tỷ đồng, bằng 42,4%; chi trả nợ lãi 77,7 nghìn tỷ đồng, bằng 70,6%.

9. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng Chín giảm 2% so với tháng Tám. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2021 ước tính đạt 53,5 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 18,8%; nhập khẩu tăng 30,5%[9].

a) Xuất, nhập khẩu hàng hóa[10]

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2021 ước tính đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước. Trong quý III/2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 83,89 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 7,2% so với quý II năm nay (tăng 7% so với quý I). Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 240,52 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 62,72 tỷ USD, tăng 8,5%, chiếm 26,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 177,8 tỷ USD, tăng 22,8%, chiếm 73,9%; có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,2%).

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2021 ước tính đạt 26,5 tỷ USD, giảm 3,1% so với tháng trước. Trong quý III/2021, kim ngạch nhập khẩu đạt 84,55 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,5% so với quý II năm nay (tăng 11,8% so với quý I). Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 242,65 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 83,72 tỷ USD, tăng 25%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 158,93 tỷ USD, tăng 33,6%; có 36 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 90,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Tám nhập siêu 110 triệu USD[11]; 8 tháng nhập siêu 2,63 tỷ USD; tháng Chín ước tính xuất siêu 0,5 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,13 tỷ USD[12] (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,66 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,87 tỷ USD.

b) Xuất, nhập khẩu dịch vụ

Trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước tính đạt 2,66 tỷ USD, giảm 59,6% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2021 đạt 872 triệu USD, giảm 10,8%), trong đó dịch vụ du lịch đạt 107 triệu USD (chiếm 4% tổng kim ngạch), giảm 96,6%; dịch vụ vận tải đạt 266 triệu USD (chiếm 10%), giảm 72,1%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ 9 tháng năm nay ước tính đạt 14,35 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước (quý III đạt 4,8 tỷ USD, tăng 6,9%), trong đó dịch vụ vận tải đạt 7,4 tỷ USD (chiếm 51,2% tổng kim ngạch), tăng 32,9%; dịch vụ du lịch đạt 2,7 tỷ USD (chiếm 18,7%), giảm 24,1%. Nhập siêu dịch vụ trong 9 tháng năm 2021 là 11,69 tỷ USD.

10. Giá thuê nhà giảm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; học phí năm học 2021-2022 được miễn, giảm tại một số địa phương; giá thực phẩm giảm do nguồn cung bảo đảm; thực hiện Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/7/2021 của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 4 cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước, tăng 1,88% so với tháng 12/2020 và tăng 2,06% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu và nhập khẩu 9 tháng năm 2021 đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ giá thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2021 giảm 3,75% so với cùng kỳ năm 2020, phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.

a) Chỉ số giá tiêu dùng

Trong mức giảm của CPI tháng 9/2021 so với tháng trước, có 5/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó nhóm giáo dục có mức giảm nhiều nhất. CPI bình quân quý III/2021 tăng 2,51% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, CPI tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016[13]. Lạm phát cơ bản 9 tháng tăng 0,88%.

b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Giá vàng thế giới tăng do đồng USD suy yếu cùng với việc thị trường chứng khoán, tài chính rối loạn trong bối cảnh Evergade, tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc đứng trước nguy cơ vỡ nợ đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn như vàng. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 9/2021 giữ ổn định so với tháng trước; giảm 1,64% so với tháng 12/2020 và giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2021 giảm 0,48% so với tháng trước; giảm 1,14% so với tháng 12/2020 và giảm 1,35% so với cùng kỳ năm 2020.

c) Chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý III/2021 giảm 2,28% so với quý trước và tăng 0,05% so với cùng kỳ năm trước; tương tự, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 1,12% và tăng 3,71%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ giảm 0,07% và tăng 0,46%. Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2020; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 2,44%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 0,68%.

Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý III/2021 tăng 1,36% so với quý trước và tăng 5,36% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 4,87% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,66%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,18%; dùng cho xây dựng tăng 3,59%.

d) Chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa

Quý III/2021, chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá tăng 1,1% so với quý trước và tăng 3,72% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 4,17% và tăng 9,46%; tỷ giá thương mại hàng hóa[14] giảm 2,95% và giảm 5,24%. Tính chung 9 tháng năm nay, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa tăng 2,05% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 6,03%; tỷ giá thương mại hàng hoá giảm 3,75%.

 II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm quý III/2021, lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước[15], tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ quý I/2020[16].

Quý III/2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 49,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý trước và giảm 2,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước; lao động 15 tuổi trở lên có việc làm ước tính là 47,5 triệu người. Tính chung 9 tháng, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 50,4 triệu người, giảm 216 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020; lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49,1 triệu người.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của cả nước 9 tháng ước tính là 2,91% (quý III là 3,72%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,78%; khu vực nông thôn là 2,39%.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 9 tháng ước tính là 3,04%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 3%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 3,07%.

2. Trong 9 tháng năm nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống dân cư và phát triển kinh tế, đặc biệt tại một số địa phương phía Nam. Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương chấp nhận hy sinh mục tiêu phát triển kinh tế, ưu tiên cho công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh với nhiệm vụ trọng tâm là công tác an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người dân ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, bảo đảm người dân có đủ ăn, đủ mặc.

Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 21/9/2021 tổng kinh phí đã hỗ trợ là gần 13,8 nghìn tỷ đồng cho gần 17,6 triệu đối tượng, trong đó có 11,4 nghìn tỷ đồng được chi cho 23 tỉnh, thành phố[17] chịu ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh; xuất cấp 136.349,6 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho hơn 2,4 triệu hộ gia đình với gần 9,1 triệu nhân khẩu gặp khó khăn do dịch trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã chi trên 5.446 tỷ đồng (chiếm 40% toàn quốc) hỗ trợ trên 4,8 triệu đối tượng (chiếm 27,3% toàn quốc) và trao 1,8 triệu túi an sinh xã hội cho người dân.

Công tác an sinh xã hội định kỳ và công tác giảm nghèo bền vững tiếp tục được quan tâm. Trong 9 tháng năm 2021, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là 10.434,1 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ cho các đối tượng người có công, thân nhân người có công là 4.014,9 tỷ đồng, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 1.624 tỷ đồng; hỗ trợ cứu đói và các đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khác là 2.349,1 tỷ đồng; hỗ trợ người dân do tình hình bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn… là 2.446,1 tỷ đồng. Có hơn 29,3 triệu thẻ bảo hiểm xã hội/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.

3. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến ngành giáo dục của cả nước, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Để thích ứng với tình hình thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời đưa ra các phương án ứng phó; chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp để vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa thực hiện kế hoạch năm học.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2021 được tổ chức thành 2 đợt để đảm bảo an toàn cho các thí sinh tham gia kỳ thi, đợt 1 tổ chức vào ngày 07-08/7/2021 và đợt 2 tổ chức vào ngày 06-07/8/2021.

Tính đến tháng 8 năm 2021, cả nước có 1.909 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 409 trường cao đẳng (312 trường công lập); 442 trường trung cấp (211 trường công lập); 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (698 trung tâm công lập). Tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục là 688 cơ sở (chiếm 36%).

Tính chung 8 tháng năm 2021, đào tạo nghề đã tuyển mới được 995 nghìn người, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp tuyển sinh được 95 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác tuyển sinh được 900 nghìn người (trong đó số lao động nông thôn được đào tạo 450 nghìn người).

4. Dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp[18]. Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát và có những chuyển biến tích cực, số ca mắc trong cộng đồng và tử vong có chiều hướng giảm.

Trong 9 tháng năm 2021, cả nước có 47.426 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (16 trường hợp tử vong); 37.733 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (11 trường hợp tử vong); 445 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút (6 trường hợp tử vong); 14 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu (2 trường hợp tử vong) và 392 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 39 trường hợp dương tính.

Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/9/2021 là 212.526 người; số người đã chuyển sang giai đoạn AIDS là 89.710 người và số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 108.061 người.

Về ngộ độc thực phẩm, tính chung 9 tháng năm 2021, cả nước xảy ra 52 vụ với 1.481 người bị ngộ độc (5 người tử vong).

5. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các hoạt động văn hóa, thể thao không tổ chức; thể thao thành tích cao đạt được một số kết quả nổi bật. Hoạt động thư viện hướng tới ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được các địa phương rất quan tâm và thực hiện. Tiếp tục hoàn thiện và xây dựng các đề án nhằm bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giúp mỗi người dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thể thao thành tích cao của Việt Nam đạt được một số kết quả nổi bật: Vận động viên Lê Văn Công xuất sắc giành Huy chương bạc môn cử tạ hạng 49kg tại giải Paralympic Tokyo 2020; tại giải Futsal World Cup 2021, tuyển Futsal Việt Nam đã tạo được những chiến tích vượt qua mong đợi khi ghi bàn trong tất cả các trận đấu của mình và lần thứ hai lọt vào vòng 16 đội.

Công tác chuẩn bị cho 2 Đại hội thể thao lớn là Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và Đại hội Thể thao Người khuyết tật lần thứ 11 (ASEAN Para Games 11) dự kiến diễn ra vào tháng 12/2021 tại Việt Nam đang tích cực được triển khai trên tinh thần quyết liệt, khẩn trương để mọi khâu tổ chức hoàn thành đúng hạn, đồng thời bảo đảm an toàn tuyệt đối về phòng, chống dịch bệnh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy, đảm bảo cảnh quan môi trường.

6. Trong tháng Chín và 9 tháng năm 2021, số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước do nhiều địa phương tiếp tục thực hiện phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong 9 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 8.135 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 5.237 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 2.898 vụ va chạm giao thông, làm 4.146 người chết, 2.695 người bị thương và 2.932 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 9 tháng năm nay giảm 21,4% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 12,4%; số vụ va chạm giao thông giảm 33,7%); số người chết giảm 15%; số người bị thương giảm 13,8% và số người bị thương nhẹ giảm 34,6%. Bình quân 1 ngày trong 9 tháng năm 2021, trên địa bàn cả nước xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông, gồm 19 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 11 vụ va chạm giao thông, làm 15 người chết, 10 người bị thương và 11 người bị thương nhẹ.

7. Thiên tai, ô nhiễm môi trường và cháy, nổ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân ở một số địa phương.

Trong 9 tháng năm nay, thiên tai làm 77 người chết và mất tích, 121 người bị thương; 25,2 nghìn con gia súc và gia cầm bị chết; 86,1 nghìn ha lúa và 44,9 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 579 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 12,8 nghìn ngôi nhà bị ngập hư hại; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 1.355,2 tỷ đồng, giảm 81,1% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong 9 tháng năm nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện 12.365 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 10.943 vụ với tổng số tiền phạt 191,1 tỷ đồng; cả nước xảy ra 1.770 vụ cháy, nổ, làm 82 người chết và 120 người bị thương, thiệt hại ước tính 343,9 tỷ đồng./.

[1] Quỹ Tiền tệ quốc tế (Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới, tháng 7/2021) nhận định nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 6,0% vào năm 2021, không thay đổi so với dự báo đưa ra vào tháng 4/2021. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng có sự bù trừ giữa các nền kinh tế phát triển với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển; Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Báo cáo sơ bộ Triển vọng kinh tế OECD, tháng 9/2021) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 5,7% trong năm 2021, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 5/2021. Tổ chức kinh tế tài chính tư nhân Fitch Ratings dự báo GDP toàn cầu năm 2021 tăng 6,0% trong năm 2021, điều chỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 6/2021 (Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, tháng 9/2021).

[2] Hà Nội, Ninh Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Ninh, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

[3] Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Tuyên Quang, Sơn La, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh.

[4] Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính từ 15/8/2021-15/9/2021.

[5] Số liệu này có thể chưa phản ánh được thực sự số doanh nghiệp thực tế rút lui khỏi thị trường, bởi trong điều kiện nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp không thể làm thủ tục liên quan đến việc rút lui khỏi thị trường.

[6] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

[7] Chỉ số tương ứng của quý II/2021: Có 30,5% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn quý trước; 37,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 31,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

[8] Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận ngày 22/9/2021.

[9] Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2020 đạt 388,42 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 202,54 tỷ USD, tăng 4,1%; nhập khẩu đạt 185,88 tỷ USD, giảm 0,8%.

[10] Số liệu tháng 9/2021 do Tổ liên ngành gồm Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê họp ước tính căn cứ trên số liệu kim ngạch xuất, nhập khẩu tính đến ngày 27/9/2021 của Tổng cục Hải quan kết hợp với thông tin thị trường, tỷ trọng và xu hướng xuất, nhập khẩu các mặt hàng. Tổng cục Thống kê nhận được và cập nhật báo cáo vào ngày 28/9/2021.

[11] Ước tính tháng Tám nhập siêu 1,3 tỷ USD.

[12] Trong đó, 9 tháng năm 2021 xuất siêu sang EU đạt 16,2 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 42,8 tỷ USD, tăng 70,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 24,1 tỷ USD, tăng 29,6%; nhập siêu từ ASEAN 10,1 tỷ USD, tăng 112,3%.

[13] Tốc độ tăng CPI bình quân 9 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2021 lần lượt là: tăng 2,07%; tăng 3,79%; tăng 3,57%; tăng 2,5%; tăng 3,85%; tăng 1,82%.

[14] Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa so với chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa.

[15] Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc quý III/2021 giảm 2,4 triệu người so với quý trước và giảm 2,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

[16] Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2020 là 2,34%; quý II/2020 là 2,85%; quý III/2020 là 2,73%; quý IV/2020 là 2,63%; quý I/2021 là 2,42%; quý II/2021 là 2,62% và quý III/2021 là 3,72%.

    Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I/2020 là 1,98%; quý II/2020 là 2,98%; quý III/2020 là 2,72%; quý IV/2020 là 1,82%; quý I/2021 là 2,20%; quý II/2021 là 2,60% và quý III/2021 là 4,39%.

[17] Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên và 19 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.

[18] Tính đến 17h00 ngày 27/9/2021 trên thế giới có 232.652 nghìn trường hợp mắc Covid-19 (4.763,3 nghìn trường hợp tử vong).

Từ khóa » Câu 16. Phát Triển Kinh Tế Là