279. Tín Ngưỡng Sùng Bái Con Người Của Văn Hoá Việt

Trong con người có cái vật chất và cái tinh thần. Cái tinh thần trừu tượng, khó nắm bắt, nên người xưa đã thần thánh hóa nó thành khái niệm “linh hồn”. Người Việt và một vài dân tộc Đông Nam á còn tách linh hồn ra thành hồn và vía. Người Việt cho rằng con người chỉ có 3 hồn, nhưng vía thì nam có 7, còn nữ có 9. Hồn vía là sản phẩm của trí tuệ bình dân với những con số 3-7-9 ước lệ (sản phẩm của truyền thống coi trọng những con số lẻ của người Việt). Tuy nhiên, dần dần người ta tìm ra cách giải thích ý nghĩa của các khái niệm và những con số này. Theo đó, vía là cái làm hoạt động các quan năng – những nơi có thể tiếp xúc với môi trường xung quanh. Đàn ông có 7 vía cai quản 7 lỗ trên mặt: hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi và miệng. Phụ nữ thì có thêm hai cái vía cai quản nơi sinh đẻ và nơi cho con bú. Ba hồn, theo một cách giải thích uyên bác, gồm tinh, khí và thần. Tinh là sự tinh anh trong nhận thức (nhờ các quan năng, các vía mang lại). Khí là khí lực, là năng lượng làm cho cơ thể hoạt động. Thần là thần thái, là sự sống nói chung. Như vậy, từ xác đến vía, từ vía đến tinh, từ tinh đến khí, từ khí đến thần là cả một chuỗi xích với mức độ trừu tượng và tầm quan trọng tăng dần.

Hồn vía được người xưa dùng để giải thích các hiện tượng như trẻ con hay đau ốm, hiện tượng ngủ mê, ngất, chết, … Trong hồn và vía thì vía phụ thuộc vào thể xác: có người lành vía, người dữ vía, có người yếu vía, người cứng vía, … Cho nên khi gặp người có vía độc khi chạm vía thì phải đốt vía, trừ vía, giải vía, … khi người chết thì vía hòa vào thể xác mà tiêu tan. Hồn trừu tượng hơn nên được xem là độc lập với thể xác. Hiện tượng ngủ mê được dân gian giải thích là hồn lâm thời lìa thể xác để đi chu du. Khi ốm nặng ngất đi bất tỉnh nhân sự thì có tục gọi hồn, hú hồn. Hồn của người này (đã chết lâu) có thể nhập vào xác của người kia (mới chết sinh ra chuyện Hồn Trương Ba, da hàng thịt (truyện cổ tích). Khi chết thì hồn lìa khỏi xác mà ra đi.

Chết tức là cơ thể từ trạng thái động trở thành tĩnh, cho nên theo triết lí âm dương thì hồn đi từ cõi Dương (Dương gian, Dương thế) sang cõi Âm (Âm ti, Âm phủ). Đó là một thế giới bên kia. Ở vùng nông nghiệp sông nước này thì “thế giới bên kia” cũng là nơi sông nước, ngăn cách chúng ta bằng chín suối (9 – con số lẻ ước lệ biểu thị số nhiều); tới đó phải đi bằng thuyền. Thời Đông Sơn, người chết được chôn trong những quan tài bằng thân cây đẽo theo hình thuyền. Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và suốt miền duyên hải Trung Bộ còn lưu giữ nghi lễ “chèo đưa linh” – hội các bà múa điệu chèo đò và hát những câu tiễn đưa linh hồn người chết về nơi chín suối.

Niềm tin rằng chết là về với tổ tiên nơi chín suối, tin rằng tuy ở nơi chín suối, nhưng ông bà tổ tiên vẫn thường xuyên đi về thăm nom, phù hộ cho cháu con là cơ sở hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nó có mặt ở nhiều dân tộc Đông Nam Á, nhưng, theo quan sát của nhà dân tộc học người Nga G. G. Stratanovich thì nó phổ biến và phát triển hơn cả ở người Việt. Đối với người Việt, nó gần như trở thành một thứ tôn giáo; ngay cả những gia đình không tin thần thánh cũng đặt bàn thờ tổ tiên trong nhà. Người miền Nam gọi là Đạo Ông Bà.

Khác với người phương Tây coi trọng ngày sinh, trong tục thờ cúng tổ tiên, người Việt Nam coi trọng hơn cả là việc cúng giỗ vào ngày mất (kị nhật), bởi lẽ người ta tin rằng đó là ngày con người đi vào cõi vĩnh hằng. Ngoài ngày giỗ thì việc cúng tổ tiên còn được tiến hành đều đặn vào các ngày sóc vọng (mồng một, ngày rằm), dịp lễ tết và bất kỳ khi nào trong nhà có việc: để bá cáo tổ tiên (dựng vợ gả chồng, sinh con… . ); để cầu tổ tiên phù hộ (làm nhà, đi xa, thi cử… . ); để tạ ân (thi đỗ, đi xa về bình yên… . ).

Bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng đặt ở gian giữa – nơi trang trọng nhất. Người Việt quan niệm dương sao âm vậy cho nên cúng tổ tiên bằng cả đồ ăn lẫn đồ mặc, đồ dùng, tiền nong (làm bằng giấy, gọi là vàng mã). Cùng với đồ ăn đồ mặc là hương hoa, trà rượu. Rượu (rượu gạo) có thể có hoặc không, nhưng li nước lã thì nhất thiết không thể thiếu. Nhất thiết có, vì nó đơn giản nhất, nhà nào, lúc nào cũng sẵn; nhất thiết có, còn vì ý nghĩa triết lí: nước là thứ quý nhất (sau đất) của dân nông nghiệp lúa nước. Sau khi tàn tuần hương, đồ vàng mã được đem đốt, chén rượu cúng đem rót xuống đống tàn vàng – có như vậy người chết mới nhận được đồ cúng tế. Hương khói bay lên trời, nước (rượu) hòa với lửa mà thấm xuống đất – trước mắt ta là một sự hòa quyện lửa – nước (âm dương) và trời – đất – nước (tam tài) mang tính triết lí sâu sắc!

Trong gia đình, ngoài thờ tổ tiên, người Việt Nam còn có tục thờ Thổ Công. Thổ công, một dạng của Mẹ Đất, là vị thần trông coi gia ư­, ngăn chặn tà thần, định đoạt phúc họa cho một gia đình. Sống ở đâu thì có Thổ Công ở đó: Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá. Thổ Công là một hình tượng bộ ba. Theo truyền thuyết thì xưa có hai vợ chồng sống không hòa thuận vợ bỏ nhà ra đi và lấy một người chồng khá giả. Một hôm có người ăn xin vào nhà; khi mang gạo ra cho, người vợ nhận ra đó là người chồng cũ của mình. Gần trưa, sợ chồng mới về hiểu lầm, người vợ bảo người chồng cũ ra đống rơm núp tạm. Chồng mới về vào bếp lấy tro bón ruộng không có, bèn ra đốt đống rơm. Thấy chồng cũ chết trong đống rơm, thương xót quá, người vợ bèn nhảy vào lửa cùng chết. Chồng mới thấy vậy, tuy không hiểu đầu đuôi, nhưng vì thương vợ nên cũng nhảy vào lửa cùng chết nốt. Trời thấy ba người sống đầy tình nghĩa bèn phong cho cả ba cùng làm Vua Bếp (= Táo Quân, ông Táo, do vậy mà bếp có ba ông đầu rau), trong đó chồng mới là Thổ Công trông nom việc trong bếp, chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, và vợ là Thổ Kì trông coi việc chợ búa.

Mối quan hệ giữa Thổ Công (địa thần) với ông bà tổ tiên (nhân thần) trong gia đình rất thú vị: Thổ Công định đoạt phúc họa cho cả nhà nên quan trọng nhất, nhưng ông bà tổ tiên sinh thành ra ta nên được tôn kính nhất. Để giữ được hòa khí giữa các thần và không làm mất lòng ai, người Việt Nam xếp cho ông bà tổ tiên ngự tại cái bàn thờ tôn kính nhất ở gian giữa, còn Thổ Công thì ở gian bên trái (bên trái (= phương Đông) quan trọng thứ hai sau trung tâm). Tuy địa vị có kém nhân thần nhưng quyền lực lại lớn hơn: trong gia đình, Thổ thần được coi là “Đệ nhất gia chi chủ”. Mỗi khi giỗ cha mẹ đều phải khấn Thổ thần trước rồi xin phép Ngài cho cha mẹ được về “phối hưởng”. Đó là ảnh hưởng của truyền thống “lãnh đạo tập thể”, thật chẳng khác vua Lê chúa Trịnh chút nào!

Cũng như rất nhiều hiện tượng khác của văn hóa Việt Nam, truyền thuyết về Thổ Công là một câu chuyện chứa đầy ý nghĩa triết lí: Sở dĩ Thổ Công là thần đất mà cũng là thần bếp là vì đối với người Việt Nam nông nghiệp sống định cư, đất – nhà – bếp và người – phụ- nữ đồng nhất với nhau, đều tối quan trọng như nhau. Bộ ba hai ông một bà cùng chết trong lửa, hóa thành thần bếp, được thờ bên trái này, tạo nên một bộ tam tài đặc biệt, biểu tượng bằng quẻ Li gồm hai (hào) dương một (hào) âm, trong Bát quái tiên thiên có nghĩa là lửa nằm ở phương Đông (bên trái); còn trong Bát quái hậu thiên có nghĩa là (trung) nữ nằm phương Nam, ứng với hành Hỏa trong Ngũ hành.

Ở Nam Bộ, Thổ Công được thay bằng Ông Địa với các đặc điểm: bàn thờ đặt ở dưới đất (thần đất phải trở về với đất!) và nhiều nơi đồng nhất với Thần Tài (mọi của cải đều từ đất mà ra!). Nhiều tranh tượng Ông Địa với khuôn mặt nữ tính, ngực lớn và cái bụng chình ình của người sắp đẻ (gọi là ông Địa – Bà Bóng) cho thấy rõ mối liên hệ với cội nguồn Mẹ Đất và nguyên lí phồn thực.

Tín ngưỡng thờ thần của Việt Nam không chỉ đóng khung trong phạm vi gia đình. Ngoài các vị thần tại gia, còn có các thần linh chung của thôn xã hoặc toàn dân tộc.

Trong phạm vi thôn, xã, quan trọng nhất là việc thờ thần Thành Hoàng. Cũng như Thổ Công trong một nhà, Thành Hoàng trong một làng là vị thần cai quản, che chở, định đoạt phúc họa cho dân làng đó. “Thành Hoàng” là một từ Hán-Việt xuất hiện sau này ở cộng đồng người Việt Nam chỉ một khái niệm đã có từ lâu đời mà người các dân tộc miền núi gọi là ma làng. Thần làng phải có nguồn gốc lâu đời như thế nào thì nó mới trở thành hiện tượng phổ biến như vậy: Không làng nào là không có Thành Hoàng. Cái “lệ làng ” này mạnh đến mức năm 1572 (đời Lê Anh Tông), triều đình phải ra lệnh sưu tầm và soạn thần tích của Thành Hoàng các làng để vua ban sắc phong thần. Được phong thần là những vị có tên tuổi, tước vị rõ ràng, những người có công lập ra làng xã, những anh hùng dân tộc liên quan đến làng. Ngoài những Thành Hoàng được vua thừa nhận, có nhiều làng thờ làm Thành Hoàng những người vốn là trẻ con, ăn mày, ăn trộm, người mù, người gắp phân, người chết nghẹn, v. . v, tóm lại. những kẻ có “lí lịch” không hay ho gì; loại này bị gọi là tà thần. Sở dĩ họ được thờ làm Thành Hoàng là vì những người này, theo niềm tin của dân làng, chết vào giờ thiêng nên đã ra oai (gây dịch bệnh cho người, gia súc, gây hỏa hoạn. v. v. ) khiến cho dân nể sợ.

Trong nhà thờ gia tiên thì trong nước, người Việt Nam thờ vua tổ – vua Hùng. Mảnh đất Phong Châu (Vĩnh phú), nơi đóng đô của các vua Hùng khi xưa, trở thành đất tổ. Ngày 10-3 là ngày giỗ tổ.

Người Việt Nam còn có một tín ngưỡng đặc biệt là tục thờ tứ bất tử (bốn người không chết): Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, và Liễu Hạnh.

Tản Viên (với truyền thuyết “Sơn Tinh Thủy Tinh”) và Thánh Gióng (với truyền thuyết “‘Thánh Gióng”) là biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết của một cộng đồng nông nghiệp phải liên kết chặt chẽ với nhau để, một mặt, đối phó với môi trường tự nhiên là chống lụt và, mặt khác, đối phó với môi trường xã hội là chống giặc ngoại xâm. Sự phối hợp thần thánh ấy đã dựng nên Đất nước.

Có đất nước rồi, người Việt Nam không có mơ ước gì hơn là xây dựng một cuộc sống phồn vinh về vật chất và hạnh phúc về tinh thần. Chử Đồng Tử – người nông dân nghèo khổ, với hai bàn tay trắng, đã cùng vợ gây dựng nên phố xá sầm uất – chính là hiểu tượng cho ước mơ thứ nhất. Liễu Hạnh – người con gái quê ở Vân Cát (Vụ Bản, Nam Hà), tương truyền là công chúa con Trời, ba lần (con số 3!) từ bỏ cuộc sống đầy đủ trên Thiên Đàng, xin xuống trần gian để sống một cuộc đời bình dị với khát vọng tự do, hạnh phúc – chính là hiểu tượng cho ước vọng thứ hai. Hai ước vọng thiêng liêng ấy đã tạo nên Con Người. Không phải ngẫu nhiên mà Liễu Hạnh xuất hiện vào thời Lê (bà sinh năm 1557) thời kì Nho giáo độc tôn, vai trò truyền thống của người phụ nữ nông nghiệp bị xâm phạm nghiêm trọng. Kết quả của sự phản kháng này là: Trong truyền thuyết, triều đình đã phải lùi bước mà trả lại tự do cho Liễu Hạnh. Ngoài cuộc đời, Liễu Hạnh được nhân dân tôn sùng một cách thành kính là Thánh Mẫu, một cách dân dã là Bà Chúa Liễu, một cách gần gũi thân thương là Mẹ (thành ngữ có câu Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ). Đền miếu, phủ thờ Liễu Hạnh mọc lên khắp nơi: Phủ Giày (Nam Hà), phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Sòng và đền Phố Cát (Thanh Hóa), đền Phủ Giày (TP HCM)… Ngoài hệ thống Tứ bất tử, bà còn được bồ sung vào hệ thống Tam phủ để thành Tứ phủ và được thờ riêng trong tín ngưỡng Tam tòa Thánh Mẫu.

Như vậy, tục thờ Tứ Bất Tử là một giá trị văn hóa tinh thần rất đẹp của dân tộc, là tinh hoa chắt lọc qua suốt chiều dài lịch sử biểu tượng cho sức mạnh liên kết của cộng đồng để làm ruộng và đánh giặc, cho khát vọng xây dựng một cuộc sống vật chất phồn vinh và tinh thần hạnh phúc.

GS-TS Trần Ngọc Thêm Cơ sở văn hóa Việt Nam

Chia sẻ với bạn bè:

  • Facebook
  • Twitter
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Tín Ngưỡng Sùng Bái Con Người ở Việt Nam