3 Dấu Hiệu điển Hình Nhận Biết Sỏi Thận Và Sỏi Niệu Quản

Sỏi thận và sỏi niệu quản là hai loại sỏi tiết niệu thường gặp, được hình thành từ muối và khoáng chất có trong nước tiểu. Sỏi đường tiết niệu nói chung cần phát hiện và điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, suy thận,… Tùy vào vị trí của sỏi trong đường tiết niệu mà gây ra các triệu chứng khác nhau. Đâu là dấu hiệu để nhận biết bạn đang mắc sỏi thận và sỏi niệu quản?

Menu xem nhanh:

Toggle
  • 1. Dấu hiệu nhận biết sỏi thận và sỏi niệu quản
    • 1.1 .Đau vùng mạng sườn thắt lưng
    • 1.2. Đái ra máu
    • 1.3. Đái ra sỏi
  • 2. Biến chứng của sỏi thận, sỏi niệu quản
  • 3. Điều trị sỏi thận và sỏi niệu quản như thế nào?
    • 3.1. Điều trị nội khoa
    • 3.2. Các phương pháp tán sỏi ít xâm lấn
    • 3.3. Phẫu thuật lấy sỏi
  • 4. Phòng bệnh sỏi tiết niệu bằng cách nào?
    • 4.1. Uống nhiều nước giúp phòng sỏi thận và sỏi niệu quản
    • 4.2. Hạn chế thực phẩm giàu oxalat
    • 4.3. Bổ sung đủ canxi
    • 4.4. Ăn nhiều trái cây chứa citrat
    • 4.5. Hạn chế ăn muối cũng giúp ngăn chặn sỏi thận và sỏi niệu quản
    • 4.6. Giảm protein từ động vật
    • 4.7. Tăng cường vận động

1. Dấu hiệu nhận biết sỏi thận và sỏi niệu quản

Sỏi đường tiết niệu hầu như sẽ không gây ra triệu chứng cho đến khi nó di chuyển trong thận hoặc đi xuống niệu quản gây tắc nghẽn tại niệu quản. Nếu sỏi bị mắc kẹt trong niệu quản sẽ chặn lại dòng nước tiểu gây ứ nước tại thận và niệu quản co thắt. Tại thời điểm đó, người bệnh có thể gặp các triệu chứng sau:

1.1 .Đau vùng mạng sườn thắt lưng

Trên 90% bệnh nhân sẽ gặp triệu chứng này. Đây cũng là lý do chính khiến bệnh nhân đi khám bệnh và thường có 2 mức độ đau:

– Đau cấp tính: đặc trưng bởi cơ đau quặn thận. Cơ đau thường xuất hiện đột ngột sau khi vận động hoặc lao động. Đau xuất phát từ vùng thắt lưng lan xuống vùng bẹn sinh dục,đau dữ dội và không có tư thế giảm đau. Đau đỡ khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn cơ.

– Đau mạn tính: người bệnh luôn có cảm giác đau tức khó chịu vùng thắt lưng (một phía hoặc cả hai phía), đau tăng khi vận động. Trường hợp này thường gặp ở bệnh nhân mắc sỏi thận mà sỏi chưa gây tắc hoàn toàn.

Sỏi thận và sỏi niệu quản là bệnh lý phổ biến nhất của sỏi đường tiết niệu

Triệu chứng điển hình khi bị sỏi thận và sỏi niệu quản là đau vùng mạng sườn thắt lưng.

1.2. Đái ra máu

Sỏi di chuyển trong đường tiết niệu sẽ cọ xát làm tổn thương lớp niêm mạc biểu mô đường niệu gây chảy máu. Bình thường, sỏi sẽ gây đái máu vi thể (mắt thường không thể quan sát được, chỉ có thể phát hiện thông qua xét nghiệm nước tiểu). Tuy nhiên, sau khi vận động, lượng máu trong nước tiểu sẽ tăng, xuất hiện đau và đái máu đại thể (có thể nhận biết bằng mắt thường).  Nước tiểu sẽ có màu đỏ hồng như nước rửa thịt và không có máu cục.

1.3. Đái ra sỏi

Đây là triệu chứng ít gặp nhưng lại có giá trị chẩn đoán cao nhất.

Ngoài ra, người bệnh có thể gặp một số dấu hiệu khác như:

– Đái ra mủ; nước tiểu có màu đục ở bệnh nhân thận đã ứ mủ.

– Sốt: sốt cao kèm rét run, xảy ra khi đã có nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

– Đái buốt, đái rắt:  xuất hiện khi có viêm nhiễm đường tiết niệu.

2. Biến chứng của sỏi thận, sỏi niệu quản

– Giãn đài bể thận và ứ thận niệu: Sỏi di chuyển trong niệu quản sẽ cản trở lưu thông của nước tiểu gây ứ nước tiểu phái trên thận sỏi dẫn đến giãn đài bể thận. Tình trạng ứ nước tiểu kéo dài làm căng giãn, chèn ép nhu mô thận dẫn đến suy giảm chức năng thận.

– Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Sỏi cọ xát gây tổn thương niêm mạc biểu mô sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây viêm nhiễm. Tình trạng nhiễm trùng kết hợp với ứ nước tiểu sẽ gây ứ mủ, nặng hơn có thể gây nhiễm khuẩn huyết.

– Suy thận: Đây là biến chứng nghiêm trọng, có thể gặp suy thận cấp hoặc suy thận mạn và mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy vào tình trạng sỏi.

3. Điều trị sỏi thận và sỏi niệu quản như thế nào?

Tùy theo vị trí, kích thước, thành phần hóa học của sỏi, chức năng thận và tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp.

3.1. Điều trị nội khoa

Các thuốc thường được bác sĩ kê đơn là lợi niệu và chống viêm. Nếu sỏi có kích thước nhỏ, chưa gây ra biến chứng thì có thể tự ra được theo đường nước tiểu. Trường hợp sỏi có thành phần hóa học là acid uric thì có thể điều trị bằng thuốc làm tan sỏi cho kết quả điều trị tốt.

3.2. Các phương pháp tán sỏi ít xâm lấn

– Tán sỏi ngoài cơ thể là sử dụng năng lượng điện từ tập trung vào vị trí có sỏi và phá vỡ sỏi. Phương pháp chỉ định trong những trường hợp sỏi thận có kích thước dưới 1.5 cm và sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên sát đài bể thận có kích thước dưới 1 cm. Người bệnh phải có chức năng thận còn tốt, thận chưa giãn nhiều, không có nhiễm khuẩn tiết niệu và lưu thông niệu quản tốt. Đây là phương pháp không cần mổ, không gây đau và người bệnh có thể  ra viện ngay sau khi tán sỏi. Tỷ lệ thành công lên tới 95-98% và có thể lặp lại từ 1-3 lần để sạch sỏi.

– Tán sỏi nội soi qua da là tạo một đường hầm nhỏ vào vị trí có sỏi và sử dụng laser để tán sỏi thành những mảnh nhỏ. Phương pháp này dùng cho những trường hợp sỏi có kích thước lớn hơn: sỏi thận trên 1.5 cm và sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên kích thước trên 1.5 cm. Tán sỏi qua da áp dụng được cho những bệnh nhân có thận giãn nhẹ và trường hợp sót sỏi sau tán sỏi ngoài cơ thể.

– Tán sỏi nội soi ống mềm bằng laser thích hợp với sỏi thận có kích thước dưới 2.5 cm. Phương pháp đi qua đường “tự nhiên” (đi ngược từ lỗ tiểu) của cơ thể nên không có vết mổ, ít đau, nhẹ nhàng và người bệnh có thể ra viện sau 2 ngày.

– Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser dùng cho sỏi niệu quản 1/3 giữa và 1/3 dưới. Cũng như phương pháp trên, kỹ thuật này không có vết mổ, không đau và người bệnh chỉ cần nằm viện 1 ngày.

3.3. Phẫu thuật lấy sỏi

Bao gồm phương pháp mổ hở và mổ nội soi lấy sỏi. Phẫu thuật lấy sỏi được chỉ định trong các trường hợp sỏi đã làm suy giảm chức năng thận, ứ trệ nước tiểu, có chống chỉ định hoặc đã điều trị bằng phương pháp tán sỏi  nhưng không mang lại hiệu quả.

Các phương pháp tán sỏi ít xâm lấn đang dần thay thế phương pháp mổ hở

Các phương pháp tán sỏi ít xâm lấn, hiệu quả cao đang dần thay thế phương pháp mổ hở

4. Phòng bệnh sỏi tiết niệu bằng cách nào?

7 cách điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày sau đây sẽ giúp mọi người phòng tránh sỏi tiết niệu một cách hiệu quả.

4.1. Uống nhiều nước giúp phòng sỏi thận và sỏi niệu quản

Uống đủ nước mỗi ngày, ít nhất là 2 lít, là một trong những biện pháp đơn giản mà hiệu quả để tránh hình thành sỏi. Nước tiểu được hình thành liên tục sẽ làm giảm nguy cơ bão hòa và kết tinh các muối khoáng trong nước tiểu. Cùng với đó là tuyệt đối không được nhịn tiểu, nên đi tiểu khi có nhu cầu để tránh tồn đọng nước tiểu.

4.2. Hạn chế thực phẩm giàu oxalat

Có đến 80% trường hợp sỏi tiết niệu có bản chất là oxalat. Vì vậy, việc giảm bổ sung thực phẩm chứa nhiều oxalat trong chế độ ăn là rất cần thiết, nhất là với những người có tiền sử mắc loại sỏi này. Những loại thực phẩm chứa nhiều oxalat bạn nên hạn chế là măng tây, rau chân vịt, mâm xôi, khoai lang, khoai tây, củ cải đường, socola, cà phê,..

4.3. Bổ sung đủ canxi

Nhiều người cho rằng cần hạn chế bổ sung canxi để tránh hình thành sỏi. Thực tế, điều này chỉ đúng với những trường hợp bị tăng canxi niệu loại 2, tức là phụ thuộc vào chế độ ăn.  Việc bổ sung canxi đầy đủ sẽ giúp làm giảm nguy cơ hình thành sỏi oxalat vì khi thiếu canxi, cơ thể sẽ lại càng hấp thu nhiều oxalat.  Những thực phẩm giàu canxi bao gồm hải sản, phô mai, sữa, rau xanh,..

Bổ sung đầy đủ canxi là một biện pháp để phòng tránh sỏi thận và sỏi niệu quản

Bổ sung đầy đủ canxi là một biện pháp để phòng tránh sỏi thận và sỏi niệu quản.

4.4. Ăn nhiều trái cây chứa citrat

Citrat có tác dụng ngăn sự kết tụ của các tinh thể có trong nước tiểu, ức chế hình thành sỏi. Các loại trái cây chứa nhiều citrat là cam, chanh, quýt, bưởi,..

4.5. Hạn chế ăn muối cũng giúp ngăn chặn sỏi thận và sỏi niệu quản

Chế độ ăn nhiều muối sẽ làm tăng nồng độ phosphat và canxi trong nước tiểu, tạo điều kiện chó các tinh thể kết tụ hình thành sỏi. Do đó, để phòng bệnh, bạn nên hạn chế lượng muối cho vào mỗi bữa ăn, bổ sung không qua 2.3 g mỗi bữa.

4.6. Giảm protein từ động vật

Hạn chế bổ sung protein có nguồn gốc động vật như thịt, cá…sẽ giúp bạn phòng ngừa sỏi urat. Thay vì ăn nhiều các loại thịt đỏ, nội tạng động vật, các loại cá… bạn có thể bổ sung protein từ thực vật như trứng, sữa, đậu,..

4.7. Tăng cường vận động

Tập thể dục thường xuyên sẽ thúc đẩy lưu lượng tuần hoàn, tăng hoạt động bài tiết nước tiểu và nhu cầu uống nước. Ngược lại, với những người có thói quen ít vận động, thường ngồi lâu thì lưu lượng tuần hoàn sẽ giảm, nhu cầu uống nước cũng ít đi và do đó sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi.  Vì vậy, luyện tập thể dục hàng ngày là rất cần thiết để phòng tránh sỏi tiết niệu cũng như có một cơ thể khỏe mạnh.

Sỏi thận và sỏi niệu quản là bệnh lý sỏi tiết niệu thường gặp nhất. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh giúp người bệnh cảnh giác và thăm khám để được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, mỗi chúng ta không được chủ quan, việc phòng ngừa ngay từ bây giờ là cách tốt nhất để bảo vệ chính mình.

Từ khóa » Dấu Hiệu Nhận Biết Sỏi Niệu Quản