5 Ví Dụ Điển Hình Về Chiến Lược Định Vị Thương Hiệu

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường hiện nay, người tiêu dùng ngày nay ngày càng có xu hướng hoang mang trước sự quá tải về các thông tin mà doanh nghiệp quảng bá ra thị trường về sản phẩm dịch vụ của mình. Thống kê cho thấy một ngày, một khách hàng trung bình phải xem tới gần 4000 loại quảng cáo khác nhau.

Xem thêm: Phương Pháp Design Sprints cho Định Vị Thương Hiệu

Thậm chí là ngay cả khi sản phẩm bạn tung ra thị trường một sản phẩm thực sự tốt đi chăng nữa, tác giả Seth Godin trong cuốn “Con Bò Tía" đã chỉ ra rằng, khách hàng đại chúng còn chẳng có đủ động lực để chi tiền và sử dụng thử một sản phẩm mới nếu lý do duy nhất mà sản phẩm đó đem lại cho họ chính là “nó tốt hơn". Để giải thích cho điều này, Seth cho rằng phần lớn khách hàng đã được cung cấp đủ những tiện ích họ cần đối với một sản phẩm nào đó, nói một cách dễ hiểu hơn thì đó là khách hàng của bạn đang hoàn toàn thoải mái với những gì họ đang có và chẳng ai lại cần một loại bột giặt “sạch hơn” nếu loại họ đang dùng đã đủ để đem lại những bộ quần áo sạch sẽ thơm tho cho cả gia đình!

Sự thật này như một gáo nước lạnh dội thẳng vào các nhà quản lý marketing khi mà mỗi năm các doanh nghiệp liên tục chi ra hàng trăm triệu đô la để quảng bá những sản phẩm mới, với mẫu mã mới của mình. Những feature mới giúp tăng hiệu năng liên tục được sử dụng làm thông điệp quảng cáo tới người tiêu dùng nhưng khả năng thu hút sự chú ý của những thông điệp này lại chẳng mấy tác dụng. Nhất là ở Việt Nam khi mà đa số các doanh nghiệp vẫn đang quảng cáo một cách dàn trải, hay thậm chí là kiểu quảng cáo ăn theo của một loạt thương hiệu “me-too brand", mà chưa tập trung nhấn mạnh được giá trị cốt lõi để khách hàng ghi nhớ.

Hệ quả tất yếu của việc lựa chọn tính năng hay feature của sản phẩm làm cái neo định vị cho thương hiệu trong tâm trí khách hàng chính là với mỗi một sản phẩm bất kì, số lượng đặc tính mà doanh nghiệp có thể thêm mới hay thay đổi là có hạn, và khi đã sử dụng hết những thông điệp quảng cáo về tính năng mới của một dòng sản phẩm nào đó, thì nước cờ cuối cùng để doanh nghiệp tiếp tục cạnh tranh và thu hút khách hàng chính là việc chấp nhận giảm giá cho sản phẩm. Đối với những doanh nghiệp theo dạng “me-too" mà tôi đã nhắc ở phía trên, sản phẩm của họ dần đi vào trong quên lãng và không được người tiêu dùng lựa chọn, tiền của đầu tư dây chuyền sản xuất, vận hành, mặt bằng dần trở thành công cốc thậm chí chúng còn chưa được vận hành hay sử dụng hết công xuất.

Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết về việc tìm ra một hướng đi mới cho các nhà quản trị marketing doanh nghiệp. Liệu có thực sự chúng ta đã hết cách quảng bá sản phẩm và thu hút khách hàng? Hãy đừng quá lo lắng vì câu trả lời là “không", vấn đề ở đây là do chúng ta quá tập trung sửa chữa những thứ hiển nhiên bên ngoài mà bỏ quên việc tìm hiểu và sửa chữa nguồn gốc của vấn đề ở sâu bên trong. Một người mẹ, không tìm loại bột giặt có thể giúp họ thắng giải giặt giũ của khu phố, thứ họ cần là một sản phẩm có thể giúp họ thể hiện tình thương, sự quan tâm của mình với gia đình. Một sản phẩm để họ hoàn thành vai trò của một người phụ nữ đảm đang, một người mẹ hiền bằng việc đem lại những bộ áo quần trắng sạch và lưu giữ mùi hương phảng phất nhẹ nhàng cho cả gia đình.

=> Kỷ nguyên Số: Khi trải nghiệm làm nên thương hiệu

Ngoài nhu cầu về chức năng khi sử dụng một sản phẩm nào đó của khách hàng (hay còn lại là “nhu cầu lý tính") như việc bạn lựa chọn một chiếc xe ô tô thì bắt buộc nó phải có khả năng chở bạn (và thêm 3 người nữa) từ điểm A tới điểm B. Thì khách hàng còn cần thoả mãn cả những nhu cầu cảm xúc ẩn sâu bên trong tâm trí họ nữa. Và đây chính là mảnh đất màu mỡ nhất cho việc xây dựng định vị thương hiệu mà phần lớn các doanh nghiệp đang chưa thực sự biết các tận dụng.

Tại Beau, chúng tôi tin rằng để thiết kế được một chiến lược thương hiệu hiệu quả và giúp doanh nghiệp kết nối được giá trị của mình tới khách hàng đòi hỏi việc nghiên cứu tường tận khách hàng tiềm năng mà doanh nghiệp mong muốn cung cấp sản phẩm cho. Việc nghiên cứu này không chỉ để hiểu được nhu cầu họ đặt ra cho một sản phẩm hay dịch vụ nhất định mà còn là xây dựng một cái nhìn toàn diện - 360 độ về việc con người họ như thế nào, tính cách họ ra sao, thậm chí ngay cả món ăn yêu thích hay thể loại nhạc họ yêu thích là gì.

img1

Một khách hàng thích ăn Pizza tại một chuỗi đồ ăn nhanh sẽ khác hẳn với một vị khách khác thích ăn tại một nhà hàng Pizza theo phong cách Napoli. Chưa nhắc đến độ tuổi hay giới tính, nhưng chỉ việc sở thích về đồ ăn (ở đây là Pizza) có thể cho ta biết rằng trong khi vị khách thích ăn Pizza tại chuỗi sẽ có phong cách sống nhanh hơn, có lối sống phóng khoáng và hướng ngoại hơn. Thì đối với vị khách thích nhà hàng theo phong cách Napoli, họ là những người sống nội tâm, coi trọng những giây phút riêng tư với vài người bạn thân hoặc người bạn đời của mình tại những không gian ấm cúng, khép kín hơn.

img1Và chúng tôi không phải là những người duy nhất có góc nhìn như vậy về vấn đề định vị thương hiệu. Hãy cùng chúng tôi phân tích một vài chiến lược định vị thương hiệu nổi tiếng thế giới để có cái nhìn trực quan hơn về cuộc chiến định vị thương hiệu này và hiểu được các doanh nghiệp đã và đang giải quyết nhu cầu không chỉ về mặt lý tính mà cả về cảm xúc cho khách hàng như thế nào!

Xem thêm: Vũ Khí Cho Cuộc Chiến Quảng Bá Thương Hiệu Của Các Doanh Nghiệp

sd

SIMPLE “Easy Banking”

Vào những năm đầu của thế kỷ 21 khi cuộc xu hướng bank 3.0 lên cao trào, các ngân hàng truyền thống có rất nhiều chi nhánh nhưng lại tỏ ra khá chậm chạp để số hoá ngân hàng, và việc tạo ra các ứng dụng di động hết sức khó khăn. Simple ra đời không có bất kỳ chi nhánh nào, họ tập trung vào việc xây dựng cho mình những ứng dụng tuyệt vời vào thời điểm mà các ứng dụng ngân hàng đều đều không hướng đến trải nghiệm người dùng. Họ tập trung hướng đến nhóm khách hàng trẻ, những người có am hiểu về công nghệ và có ít thời gian đến các ngân hàng. Điều này giúp Simple tạo ra một xu hướng mới cho các ngân hàng thế kỷ 21.

Dự đoán thị trường xe oto 2020

JETBLUE

Khi các hàng không khác của nước Mỹ như Delta quyết định ngưng phục vụ đồ ăn nhẹ và giảm số phòng nghỉ chân cho hành khách thì JetBlue bước vào thị trường cung cấp dịch vụ hàng không với ưu điểm nổi trội là cung cấp miễn phí đồ ăn nhẹ cùng với những phòng nghỉ chân rộng rãi cho hành khách. Mặc dù họ không có chuyến bay quốc tế hoặc chương trình phi quân sự thường xuyên, họ đã đột nhập vào thị trường tập trung các dịch vụ thân thiện, đồ ăn nhẹ và phòng nghỉ chân. Thông điệp thương hiệu của họ được thúc đẩy để truyền đạt sự hiếu khách và vui vẻ trong việc bay, trong khi các hãng hàng không lớn như Delta tiếp tục đẩy thông điệp của họ tới những khách doanh nhân. Nhờ đó, thương hiệu của JetBlue được định vị khá chắc chắn trong tâm trí người tiêu dùng.

CHIPOTLE

Trong một bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như vậy, thay vì tập trung xây dựng cho mình một hình ảnh công nghiệp, chuyên nghiệp với khả năng phục vụ về mặt sản lượng và dịch vụ tốt, Chipotle Mexican Grill, chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh chỉ mới được thành lập từ năm 1993 và có mặt tại các quốc gia như Mỹ, Canada, Anh, Đức và Pháp đã chọn cho mình một hướng đi rất riêng với khao khát tạo ra sự khác biệt và biến nó thành xu hướng mới trong nhận thức của người tiêu dùng. Chipotle Mexican Grill, với lời cam kết “Thực phẩm sạch” (“Food With Integrity”) và sứ mệnh thay đổi thói quen ăn uống và suy nghĩ của người tiêu dùng về thức ăn nhanh thông qua việc đem lại nguồn thực phẩm sạch, tươi ngon và có lợi cho sức khoẻ cho người tiêu dùng đã ngày càng được ưa thích khi mà các món ăn nhanh đang bị chỉ trích gây ra bệnh béo phì cho người dân. Thương hiệu của Chipotle đã được định vị một cách chắn chắn trong tâm trí khách hàng.

Tesla

Chắc hẳn chẳng ai còn xa lạ với những cái tên như Model S hay Model X trên thị trường ô tô, chẳng tính riêng gì thị trường xe điện (EV). Được lần đầu tiên giới thiệu vào năm 2012, với mẫu xe Model S ước lượng sẽ được giao bán trên thị trường với bản mặc định chưa được nâng cấp có giá lên tới gần 75 ngàn đô la. Thậm chí còn nhỉnh hơn cả một vài chiếc Sedan dòng E-class của Mercedes một thương hiệu lâu đời trong ngành công nghiệp ôtô đến từ Đức. Chẳng ai nghĩ rằng có ngày một chiếc ô tô điện lại có giá đắt hơn chiếc xe vốn đại diện cho đẳng cấp của giới thượng lưu như Mercedes và chắc hẳn Elon Musk hay bất kì ai đưa ra quyết định định giá chiếc ô tô điện của họ đã chẳng đủ tỉnh táo để suy nghĩ kĩ về việc này.

Nhưng thực tế chứng minh điều ngược lại và dù có vẻ như Tesla đã đưa ra những quyết sách điên rồ nhưng đằng sau đó là những nghiên cứu thị trường và tính toán rất phức tạp nhằm đảm bảo sự thành công cho sản phẩm và được thị trường đón nhận. Vào năm 2013, khi những đơn hàng đầu tiên bắt đầu được giao đến tay người tiêu dùng, Model S là chiếc xe điện đầu tiên giúp hãng sản xuất leo lên vị trí dẫn đầu dẫn đầu về doanh số bán hàng theo tháng trên hầu hết các quốc gia. Tính đến tháng 9/2018 doanh số bán hàng toàn cầu của Model S đã lên tới 250 nghìn chiếc một năm. Chỉ tính riêng ở Mỹ, con số này là khoảng 140 nghìn xe.

Nếu so sánh Model S với những mẫu xe điện khác được ra đời cùng thời điểm, khoảng cách về giá cả còn lớn hơn rất nhiều. Chiếc xe hybrid chạy nhiên liệu điện và xăng kết hợp Prius Plug-In Hybrid đến từ Toyota có giá bán lẻ chỉ từ 25 nghìn đô la. Một lựa chọn cao cấp hơn đến từ BMW đó là chiếc BMW i3 giá cũng chỉ rơi vào khoảng 40 nghìn đô la. Một sự chênh lệch đáng kể so với Model S. Để giải thích cho sự khác biệt này và lý do nào khiến Tesla Model S vẫn thành công cho dù giá của chúng đắt hơn gấp ít nhất là gấp rưỡi so với những đối thủ trong phân khúc xe điện, hãy cùng nhìn qua kiểu dáng thiết kế của những mẫu mã xe điện được ra đời cùng thời điểm với Model S.

img1

Có thể dễ dàng nhận thấy điểm chung của các sản phẩm oto điện ra đời cùng thời với Model S chủ yếu là các dòng hatchback với thiết kế nhỏ gọn (compact), ngôn ngữ thiết kế mà các nhà sản xuất áp dụng có phần tròn trịa, hiền lành và thân thiện hơn nhiều so với thiết kế của chiếc Model S. Từ lâu các nhà sản xuất ô tô đã bám vào những tính chất như thân thiện hay trẻ trung để xây dựng hình mẫu cũng như là thương hiệu cho sản phẩm xe điện của họ. Điều này cũng tương đối dễ hiểu khi khách hàng của họ chủ yếu là đối tượng trẻ hay những bà nội chợ với mục đích sử dụng xe cộ không quá phức tạp việc chỉ đi lại trong thành phố nơi họ sống kết hợp tính chất cố hữu của xe điện đó là thân thiện với môi trường, không quá nhanh, tiết kiệm chi phí (giá vận hành rẻ) và phần nào đó bị giới hạn về quãng đường di chuyển.

Thế nhưng đối với những khách hàng mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào nỗ lực bảo vệ môi trường, nhưng lại không muốn đánh đổi trải nghiệm hay tự giới hạn phạm vi sử dụng phương tiện của mình, những người đam mê tốc độ, hay những vị doanh nhân thành đạt, họ lại chẳng có một sản phẩm xe điện nào có thể giúp họ thể hiện quan điểm về việc bảo vệ môi trường nhưng cũng vừa thể hiện được bản thân. Tesla Model S chính là lời giải giúp thoả mãn toàn bộ những nhu cầu trên.

Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng tại các quốc gia phát triển, tầng lớp thượng lưu ngày càng có xu hướng quan tâm đến những vấn đề về môi trường (hay còn được gọi là Environmentalism). Trong cuốn sách “Environmentalism of the Rich", tác giả Peter Dauvergne - giáo sư tại đại học British Columbia cho biết, khi hiểu biết về các vấn đề môi trường được tăng cao trong xã hội nhờ truyền thông và các chính khách. Khách hàng thuộc vào giới thượng lưu đang có xu hướng thay thế những sản phẩm cũ hay thương hiệu lâu đời bằng những lựa chọn mới thân thiện với môi trường, những sản phẩm thông minh hơn hay sạch hơn như một các chung tay để bảo vệ môi trường và cắt giảm khí thải nhà kính. Việc sử dụng những sản phẩm này không chỉ là cách để họ thể hiện quan điểm của cá nhân về vấn đề môi trường mà còn là một hình thức để khẳng định địa vị xã hội.

img1

Đây cũng chính là nền tảng tâm lý khách hàng giải thích cho sự thành công cho Tesla ngày hôm nay. Khi đặt một chiếc Tesla cạnh với một chiếc xe thể thao của Porsche hay Audi, sẽ thật khó để chỉ ra được chiếc nào là xe điện nếu cứ giữ quan điểm cũ về dòng xe thân thiện môi trường như đã được nhắc tới phía trên. Chiếc Tesla được nhà sản xuất ứng dụng phong cách thiết kế mạnh mẽ và cũng không kém phần sắc sảo, chẳng thua kém những chiếc sport car khác trên thị trường.

Còn nếu nói về hình ảnh nhận diện của thương hiệu Tesla, không phức tạp hay dài dòng, logo của thương hiệu tạo ra cảm giác về công nghệ nhưng lại không hề bị cứng hay khô khan khi được cân bằng với những nét vát tinh tế thường được thấy ở những thương hiệu thời trang hay hàng xa xỉ.

Ta có thể thấy chiến lược định vị mà Tesla theo đuổi không chỉ dừng lại ở giá của sản phẩm, mà nó còn lan rộng ra toàn bộ điểm chạm hình ảnh và truyền thông khác để tạo nên một hệ sinh thái về trải nghiệm cho người dùng, và không thể phủ nhận được việc hiểu rõ tâm lý và nhu cầu của khách hàng chính là nền tảng quyết định để xây dựng nên một chiến lược định vị thành công.

BP (British Petroleum)

Một trong những nỗ lực tái định vị lại thương hiệu và giành vị thế cạnh tranh trên thị trường thành công nhất thuộc về BP (British Petroleum). Tập đoàn này đã liên kết với Landor Associates vào năm 2000 để tái xây dựng hình ảnh thương hiệu cũng như định vị thương hiệu trong tâm trí khách hàng toàn cầu. Trong bối cảnh mà hàng loạt cuộc sát nhập được diễn ra và biến vị thế của BP trở thành tập đoàn dầu khí lớn thứ 3 thế giới. Nhân cơ hội này CEO Lord John Browne của BP từ 1995 tới 2007 đã đặt ra mục tiêu cho doanh nghiệp mình cho tới năm 2010 là cắt giảm lượng khí thải chỉ còn 10% bằng cách cung cấp những sản phẩm nhiên liệu sạch và tiên tiến hơn. Để giải thích cho quyết định này hãy cùng nhìn vào xu hướng tâm lý của khách hàng.

Xem thêm: Tái định vị thương hiệu – Thay đổi hay là chết?

Với ví dụ về Tesla phía trên cho thấy rằng xu hướng sống xanh và sống sạch xuất hiện với đối tượng khách hàng thượng lưu - thu nhập cao (upper class) tuy nhiên một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng làn sóng này còn xuất hiện ở đối tượng khách hàng đại chúng sớm hơn nhiều. Những năm 70-80 tại Mỹ đã xuất hiện xu hướng tiêu dùng có ý thức (conscious consumption) trong bộ phận thanh thiếu niên của các gia đình trung lưu. Họ được gắn cho cái mác là một thế hệ “nổi loạn" thường tham gia những cuộc biểu tình vì hoà bình hay phản đối những tập đoàn công nghiệp “độc ác”- “tham lam" và gián tiếp tiếp tay cho những cuộc chiến trên. Điều này cũng không quá khác xa so với định nghĩa mà công chúng dành cho những doanh nghiệp xăng dầu như BP. Những nghiên cứu này đã phần nào giúp ta dự đoán về tương lai của thị trường khi số lượng người tiêu dùng quan tâm đến những vấn đề xã hội và môi trường sẽ ngày càng tăng và thực sự bùng nổ khi bước sang thế kỉ 21, khi thế hệ thứ 2 hay thậm chí thứ 3 của những gia đình có xu hướng tiêu dùng có ý thức ra đời.

img1

Khác với những kẻ cố hữu khác trong lĩnh vực xăng dầu, BP đã kịp đưa ra những định hướng thay đổi định vị để đón đầu và đi trước làn sóng tiêu dùng của thị trường. Bộ nhận diện “helios" hình bông hoa hướng dương thay cho chiếc khiên đã giúp nhấn mạnh định hướng phát triển mới của thương hiệu. Ngoài ra còn là một loạt những khoản đầu tư vào năng lượng sạch, năng lượng mặt trời đến từ đội ngũ quản trị để tái khẳng định quyết tâm cắt giảm khí thải nhà kính của mình. BP đã dần chuyển mình từ một phần của vấn đề khí hậu trên Trái Đất, một doanh nghiệp “tham lam" đang phá huỷ môi trường sống và trở thành “một phần của giải pháp", thay thế những định kiến tiêu cực bằng giá trị “sạch" - “xanh", khác biệt hoàn toàn so với những đối thủ của mình trên thị trường.

img1

Hiệu quả của những bước đi trên được thể hiện rõ nét qua doanh số và mức độ phát triển của doanh nghiệp, cụ thể là doanh số bán lẻ toàn cầu tăng tới 23%, trong giá trị thương hiệu tăng tới 7 tỷ đô la trong khi giá trị thương hiệu từ các đối thủ cạnh tranh đều giảm, tỷ lệ gia tăng doanh thu hàng năm được ước tính từ 5-10% nhiều hơn so với toàn thị trường.

MUJI

Một thương hiệu khác không còn quá xa lạ với đối tượng khách hàng trẻ tuổi tại Việt Nam đó là Muji, một thương hiệu bán đồ gia dụng đến từ Nhật Bản. Thương hiệu này có một chiến lược định vị nghe qua có vẻ sẽ cảm thấy kì cục đó là “No-brand Brand" vì phần lớn sản phẩm và Muji tung ra thị trường đề không được gắn kèm với logo thương hiệu hay cũng rất nhỏ và thường nằm ở chỗ khó nhìn. Chắc hẳn khi nghe tới đây ai trong chúng ta cũng đặt câu hỏi về việc liệu điều này có làm ảnh hưởng tới nhận diện của thương hiệu hay không khi không ít doanh nghiệp để giải quyết mối lo này đã và đang cố gắng chèn logo của mình vào bất cứ điểm chạm nào và to nhất có thể. Câu trả lời cho vấn đề này thực chất phức tạp hơn việc in logo của bạn to ra hay nhỏ lại trên sản phẩm sẽ có lợi nhất cho thương hiệu.

Trước khi đi vào giải đáp câu hỏi trên, hãy cùng phân tích qua về khách hàng của Muji. Thương hiệu này đang tập trung hướng tới đối tượng khách hàng là những người trẻ thuộc thế hệ millennials từ 20-35 tuổi. Những nghiên cứu và tìm hiểu đã chỉ ra rằng khách hàng của thế hệ này đang dần hướng tới một phong cách sống tối giản, tinh gọn lại cuộc sống. Một nghiên cứu cho thấy có tới 78% khách hàng trong nhóm này sẵn sàng chi trả cho trải nghiệm thay vì những giá trị vật chất phù phiếm, và mối quan tâm của họ là những sản phẩm thân thiện môi trường, được sản xuất có chuẩn mực đạo đức, và có giá trị bền vững.

img1

Nắm bắt được điều này, Muji đã vạch ra một chiến lược định vị đặc biệt và khác hẳn những đối thủ của mình trên thị trường và được thể hiện qua toàn bộ điểm chạm của thương hiệu. Từ bộ nhận diện cho tới thiết kế cửa hàng bán lẻ của mình, hay cả những ấn phẩm in ấn quảng cáo đều mang đậm tính tối giản, được ứng dụng những màu sắc trung tính gần gũi với thiên nhiên. Khi nhìn vào không chỉ một mà toàn bộ điểm chạm của thương hiệu này hay thậm chí được đắm mình vào không gian mà thương hiệu tạo nên tại những cửa hàng của mình, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được một sự yên bình và thanh tịnh lạ thường, tách biệt với những bộn bề rối ren của cuộc sống. Đây cũng chính là giá trị mà Muji cung cấp cho khách hàng của họ, không chỉ dừng lại ở những đồ gia dụng, trang trí nhà cửa.

img1

Thành công của Muji bắt đầu từ đầu những năm 2000 tuy nhiên phải thực sự bùng nổ trong vài năm gần đây khi doanh nghiệp này mở rộng ngoài thị trường Châu Á. Làn sóng sống tối giản thực sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây nhờ được truyền thông và những influencer nổi tiếng toàn cầu như Marie Kondo ủng hộ và lăng xê, thì càng ngày càng nhiều người biết và hưởng ứng phong cách sống này. Nhờ vào đó mà doanh số và tỷ lệ phát triển của Muji cũng tăng vọt, năm 2017 tổng giá trị hàng hoá bán ra của doanh nghiệp là 3,1 tỷ đô la (108% so với năm 2016) và trong 4 năm gần đây tỷ lệ phát triển theo các năm giữ ở mức 114%/ năm.

Quay trở lại câu hỏi vậy logo to hay bé trên sản phẩm của bạn là tốt thì câu trả lời là sẽ tuỳ vào hoàn cảnh và mục đích của bạn. Đối với Muji, khi sản phẩm của họ phần lớn sẽ chỉ để phục vụ cho mục đích sử dụng của gia chủ và được để tại chính căn hộ nơi họ sinh sống, việc để một logo quá to cũng không tạo ra quá nhiều sự khác biệt trong việc nhận diện thương hiệu. Nhưng khi nhà sản xuất giấu logo của chính họ đi trong những sản phẩm họ làm ra, đã phần nào tăng được tính trải nghiệm của khách hàng và giúp họ thỏa mãn được nhu cầu sử dụng một sản phẩm không quá nặng về vấn đề thương hiệu hay quá phức tạp, rối rắm trong thiết kế.

Tạm Kết

Vài ví dụ kể trên đã phần nào minh chứng được luận điểm của chúng tôi về việc nắm bắt được nhu cầu lý tính của khách hàng thôi là chưa đủ, khi sức mạnh đằng sau những chiến lược định vị thành công đều nằm ở sự thấu hiểu tâm lý và cảm xúc của khách hàng từ đó thiết kế nên một chiến lược định vị gần sát nhất với suy nghĩ cũng như đem lại cho khách hàng những trải nghiệm mà họ tìm kiếm. Beautique mong muốn qua mỗi một dự án, đều có thể được đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng tạo dựng, thiết kế nên những chiến lược định vị thành công và mang lại những giá trị bền vững.

Phần tiếp theo của chủ đề này, chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ góc nhìn đã được đúc kết lại qua quá trình quan sát những chiến lược định vị thành công đến từ những thương hiệu trong nước, hãy cùng đón xem!

Bài viết Beautique (Còn tiếp)

Từ khóa » Ví Dụ Về Tái định Vị Sản Phẩm