500 Pho Tượng La Hán ở Chùa Bái Đính | .vn

500 tượng đá La Hán này do bàn tay các nghệ nhân tài hoa nhất của làng nghề đá xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư chế tác. Những người thợ ở đây cho biết: Khó nhất vẫn là làm tượng Phật. Mà làm tượng Phật, tạo đường nét của dáng và mặt là khó nhất vì "nhất dáng, nhì diện". Cũng là ngồi, nhưng dáng ngồi phải vững và oai nghiêm. Mặt tượng phải thể hiện được cái hồn linh thiêng của Phật...

Khi tạc 500 vị La Hán đá, điều khó khăn lớn nhất là không có mẫu tượng. Họ chỉ có một tập sách "Ngũ Bách La Hán" bằng tiếng Trung Quốc do Nhà xuất bản Yên Sơn, Bắc Kinh phát hành năm 1991, trong đó có viết rất ngắn gọn về lai lịch 500 La Hán, bên cạnh có phác thảo (ký họa) sơ lược từng vị. Những nét vẽ này chỉ thể hiện được dáng hình (chủ yếu là ngồi) của các vị La Hán, không thấy rõ được lông mày, mắt, mũi, miệng, tai và đặc biệt là không toát ra được nội tâm của các vị La Hán. Vì vậy, phải cần đến những nhà điêu khắc ở Hà Nội. Các nhà điêu khắc theo các phác thảo trong sách, đọc thêm những dòng giới thiệu sơ lược lai lịch từng vị La Hán để tạo dựng khuôn mẫu. Đầu tiên, họ phải nặn tượng bằng đất (âm bản), sau đó dùng chất nhựa giãn nở đàn hồi tốt làm dương bản cho các tượng với tỷ lệ 1/3 cấp số theo không gian 3 chiều. Mẫu mỗi tượng trung bình có chiều cao 0,80 m. Các nhà điêu khắc đã sáng tạo mẫu 500 vị La Hán trong một năm (2004) mới xong. Họ đã sáng tạo và thổi hồn vào 500 mẫu tượng La Hán.

Ninh Bình là tỉnh có nhiều dãy núi đá trùng điệp, đặc biệt núi Thiện Dưỡng (trước là núi Thiên Dưỡng) ở xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, sắc đá xanh biếc, trước đây người ta lấy đá làm nghiên mài mực nho rất trơn, mịn. Theo sử nhà Minh, trong số 21 núi có tiếng ở Việt Nam, núi ấy là một. Cho nên để chạm khắc đá tạo dựng 500 vị La Hán, các thợ đá xã Ninh Vân đã lấy đá ở núi Thiện Dưỡng.

Trên 500 khối đá, mỗi khối đá nặng khoảng 5-6 tấn được đưa về xưởng. Chỉ riêng công việc này đã là một kỳ công. Có đá rồi, tùy theo mẫu tượng, người thợ đá tiến hành đục dáng sản phẩm. Đục thô xong mới đến đục chi tiết. Công đoạn này vô cùng quan trọng, làm sao cho 500 tượng La Hán đá phải giống mẫu, đẹp và có hồn. Những người có tay nghề cao, trình độ kỹ thuật tinh xảo và tính cẩn thận, mới làm được việc này.Chỉ một sơ suất nhỏ là đá sẽ vỡ hoặc mẻ, hỏng tượng, không hàn gắn được.

Người thợ đá Ninh Vân đã sáng tạo 500 tượng La Hán lần thứ hai, thổi hồn vào đá. Sức tưởng tượng và sáng tạo của họ vô cùng phong phú, từ lông mày, mắt nhìn, nhân trung đều thể hiện đường cong theo đường nét của hoa sen. Nếp áo cà sa cũng thể hiện đường gân của lá sen. Có thể nói, đây chính là 500 vị La Hán đá của Việt Nam do người Việt Nam sáng tạo, dĩ nhiên có dựa vào phác thảo của Trung Quốc. Vì vậy 500 tượng La Hán đá này có thể không giống 500 tượng La Hán của Trung Quốc về chi tiết. Mỗi pho tượng đều có dáng hình, phong độ, thần thái, tâm trạng khác nhau, nhưng đều có nét chung là thể hiện chí khí bất diệt, cao cả của nhà truyền đạo...

Tượng đá ở chùa Bái Đính Ảnh: Vũ Đức Phương

Đã 4 năm (2004 - 2008), xưởng đúc tượng La Hán đá của ông Phạm Viết Hoàn và ông Hoàng Đình Từ ở xã Ninh Vân lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt, chỗ này một nhóm thợ đang phác thảo tượng trên khối đá, chỗ kia đục đẽo chi tiết, mài đá cho nhẵn lỳ. Họ xoay trần cùng đá, "bạc đầu" với La Hán. Có khi họ phải "hít bụi tạc hình" để tỉa tót những chi tiết tinh xảo trên nét mặt La Hán. Để có một tượng La Hán, một thợ chính và một thợ phụ phải làm trong 3 tháng mới xong.

Những người thợ làng đá không chỉ là một nhà điêu khắc, một họa sỹ, mà họ còn là một thi sỹ. Phải có cảm hứng, tâm hồn bay bổng, lòng yêu kính Phật thì mới thổi luồng sinh khí vào đá được. Từ những khối đá sù sì, qua bàn tay của những người thợ khéo đã thành 500 vị La Hán. 500 vị La Hán đều to, cao, cả bệ cao đến 2,5 m, khác nhau về hình dáng, khuôn mặt, từ mắt, mũi, tai, miệng, gò má…, không tượng nào giống tượng nào chính là 500 tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá tài hoa của người thợ đá Ninh Vân.

Lã Đăng Bật

Từ khóa » Sự Tích 500 Vị La Hán