Sự Tích Thập Bát La Hán - Thư Viện Hoa Sen

SỰ TÍCH THẬP BÁT LA HÁN

Lời Nói Đầu

blankThập Bát La Hán tượng trưng cho tín ngưỡng đặc thù dân gian. Cuộc đời của các Ngài siêu nhiên kỳ bí nhưng rất mực gần gũi chúng sanh.

Tranh tượng Bồ-tát trình bày một thế giới trang nghiêm hương hoa nhã nhạc. Tranh tượng La-hán trình bày những nét sống động của các bậc Thánh hết sức hồn nhiên phụng hiến năng lực của mình.

Tập tiểu truyện về 18 vị La-hán được thực hiện nhân dịp thiền viện Thường Chiếu khánh thành La Hán Đường vào tháng chạp năm Ất Dậu (01-2006), để giúp các huynh đệ hiểu thêm về các vị La-hán, tăng trưởng niềm tin của mình đối với Phật pháp. Đó là ước vọng của chúng tôi.

TV. Viên Chiếu cuối năm Ất DậuNhư Đức

Tài liệu tham khảo:- Tài liệu của Thường Chiếu- Từ điển Phật học huệ Quang- Từ điển Phật học Đoàn Trung Còn- Từ điển La-hán - Đạo Luận dịch- Trưởng Lão Tăng Kệ - HT. Minh châu dịch

1. La-hán Thác Tháp

lahan-1Tên của Ngài là Tô-tần-đà (Subinda). Thường ngày, Ngài tu tập rất tinh nghiêm, giúp người nhiệt tình nhưng ít thích nói chuyện. Tôn giả ít khi đi theo đức Phật ra ngoài, Ngài chỉ ở yên nơi tịnh xá đọc sách hoặc quét sân. Có người phê bình cách nói chuyện của Ngài không hay, đức Phật biết được an ủi:

- Này Tô-tần-đà! Nói chuyện hay hoặc dở không liên quan gì đến vấn đề giác ngộ. Mọi người chỉ cần y theo lời ta dạy mà thực hành, dù không nói câu nào cũng thành tựu sự giải thoát.

Đúng thật là Tôn giả hiếm khi lãng phí thời gian vào việc tán gẫu, chỉ dành trọn thời gian tọa thiền nên chứng quả A-la-hán rất sớm.

Đương thời vua nước Án-đạt-la muốn xây dựng một tịnh xá u tịch tại núi Hắc Phong, nhưng tìm không ra những tảng đá lớn. Tôn giả chỉ cần vận thần thông trong một đêm, mang đến vô số đá rất lớn từ bên kia sông Hằng. Quốc vương lại muốn tạo một pho tượng thật lớn bằng vàng tôn trí trong tịnh xá nhưng kho lẫm quốc gia không đủ cung ứng. Tôn giả chỉ cần nhỏ vài giọt nước xuống mấy phiến đá, chúng đều biến thành vàng. Quốc vương vui mừng gọi thợ giỏi nhất, đến lấy vàng đúc tượng để nhân dân chiêm lễ.

Năm trăm năm sau Phật diệt độ, Tôn giả nhiều lần hiện thân tại nước Kiện-đà-la để giáo hóa. Hình tượng Ngài được tạo với bảo tháp thu nhỏ trên tay, tháp là nơi thờ xá-lợi Phật, giữ tháp bên mình là giữ mạng mạch Phật pháp, vì thế Ngài được gọi là La-hán Nâng Tháp.

Theo Pháp Trụ Ký, ngài Tô-tần-đà là vị La-hán thứ tư, thường cùng 700 vị A-la-hán phần nhiều trụ ở Bắc Câu Lô châu.

2. La-hán Thám Thủ

lahan-2Hình tượng đưa hai tay lên rất sảng khoái của một vị La-hán sau cơn thiền định. Ngài tên là Bán-thác-ca (Panthaka), Trung Hoa dịch: Đại lộ biên sanh. Ngài là anh của Châu-lợi-bàn-đặc. Tương truyền hai anh em đều sanh ở bên đường, khi mẫu thân trở về quê ngoại sinh nở theo phong tục Ấn Độ.

Bán-thác-ca lớn lên là một thanh niên trí thức, nhân mỗi khi theo ông ngoại đi nghe Phật thuyết pháp, bèn có ý định xuất gia. Được gia đình chấp thuận, Ngài gia nhập Tăng đoàn, trở thành một vị Tỳ-kheo tinh tấn dõng mãnh, chẳng bao lâu chứng quả A-la-hán. Nhớ đến em mình là Châu-lợi-bàn-đặc. Ngài trở về hướng dẫn em xuất gia. Rất tiếc, thời gian đầu thấy em mình quá dốt nên Ngài khuyên em hoàn tục. Đó cũng là vì tình thươngtrách nhiệm nên Tôn giả đối xử như thế, hoàn toàn không phải giận ghét.

Về sau, khi Châu-lợi-bàn-đặc chứng Thánh quả, chính Tôn giả Bán-thác-ca là người mừng hơn ai hết. Cả hai anh em dẫn nhau về pháp đường, đại chúng cảm động tán thán ngợi khen, Đức Phật dạy:

- Này Bán-thác-ca và Châu-lợi-bàn-đặc, khó ai được như hai anh em các ông, vừa cùng xuất gia học đạo, vừa tận trừ phiền não lậu hoặc, chứng quả A-la-hán. Sau này hai ông nên đồng tâm hiệp lực lưu lại nhân gian để hoằng dương Phật pháp.

Hai tôn giả vâng lời Phật nên thường tùy hỷ hóa độ chúng sanh.

Theo Pháp Trụ Ký, Tôn giả Bán-thác-ca là vị La-hán thứ mười, Ngài thường cùng 1.100 vị A-la-hán trụ ở Tất-lợi-dương-cù-châu.

3. La-hán Khai Tâm

lahan-3Hình tượng vạch áo bày ngực để hiển lộ tâm Phật. Ngài tên là Thú-bác-ca (Jivaka). Thú-bác-ca vốn là một Bà-la-môn nổi danh, nghe nói thân Phật cao một trượng sáu, Thú-bác-ca không tin nên chặt một cây trúc dài đúng một trượng sáu để đích thân đo Phật. Lạ thay, dù đo bất cứ cách nào, thân Phật vẫn cao hơn một chút. Thú-bác-ca tìm một cây thang dài rồi leo lên thang đo lại, kết quả cũng vậy. Đo đến mười mấy lần, không còn cây thang nào dài hơn mà thân Phật vẫn cao hơn. Lúc này ông thiệt tình khâm phục và xin quy y làm đệ tử.

Sau khi xuất gia, trải qua bảy năm khổ hạnh, Ngài chứng quả A-la-hán, vì muốn kỷ niệm nhân duyên đo Phật mà xuất gia ngộ đạo. Ngài lấy cây sào lúc trước, đi đến chỗ cũ nói:

- Nếu Phật phápchân lý ngàn đời thì xin cây sào này mọc lại và sinh trưởng ở đây.

Nói xong, Ngài cắm cây sào xuống đất. Cây sào bỗng nẩy chồi ra lá. Thời gian sau từ chỗ đó mọc lên một rừng trúc tốt tươi lan rộng cả vùng, người ta gọi nơi ấy là Trượng Lâm. Quần chúng Phật tử kéo đến chiêm bái chứng tích mầu nhiệm cây gậy đo Phật. Nơi đây rừng núi khô cằn hoang dã, thiếu nước uống nghiêm trọng, tôn giả Thú-bác-ca liền vận thần thông biến ra hai suối nước một nóng, một lạnh để mọi người tha hồ sử dụng. Hai suối này nằm cách mười dặm về phía Tây Nam của Trượng Lâm. Dân chúng vùng này mãi nhớ ơn đức của Tôn giả.

Theo Pháp Trụ Ký, Ngài Thú-bác-ca là vị La-hán thứ chín, thường cùng 900 vị La-hán trụ trong núi Hương Túy.

4. La-hán Hỷ Khánh

lahan-4Ngài tên là Ca-nặc-ca-phạt-tha (Kanakavatsa), còn gọi là Yết-nặc-ca-phược-sa. Đức Phật thường khen Ngài là vị La-hán phân biệt thị phi rõ ràng nhất. Khi chưa xuất gia Ngài là người rất tuân thủ khuôn phép, giữ gìn từ lời nói đến hành động, một ý nghĩ xấu cũng không cho phát khởi. Sau khi xuất gia, Ngài càng nỗ lực tinh tấn tu tập, nhờ thiện căn sâu dày Ngài chứng quả A-la-hán rất mau.

Ngài thường đi du hóa khắp nơi với gương mặt tươi vui và dùng biện tài thuyết pháp để chiêu phục chúng sanh. Thấy mọi người thường vô ý tạo nhiều nghiệp ác hằng ngày, tương lai bị quả khổ địa ngục nên khi thuyết pháp Ngài thường xiển hình giáo lý nhân quả thiện ác, giúp chúng sanh phân biệt rõ ràng để sửa đổi. Một lần nọ đi ngang qua thôn trang, thấy một gia đình đang giết vô số trâu dê gà vịt để làm lễ mừng thọ. Ngài ghé lại, thuyết giảng một hồi về phương pháp chúc thọ, về cách mừng sinh nhật là ngày khó khăn khổ nhọc của mẹ, nên phận làm con không được ăn uống vui chơi, trái lại nên tịnh tâm suy niệm ân đức cha mẹ, quyết chí tu tập thành tựu đạo nghiệp.

Bằng cách giảng dạy chân thật, Tôn giả suốt đời như ngọn hải đăng đem ánh sáng Phật pháp soi rọi nhân sinh.

Theo Pháp Trụ Ký, Ngài là vị La-hán thứ hai, thường cùng 500 vị La-hán trụ tại nước Ca-thấp-di-la (Kashmir).

5. La-hán Tĩnh Tọa

lahan-5Tên của Ngài là Nặc-cù-la (Nakula). Trên vách hang thứ 76 của động Đôn Hoàng có vẽ hình tượng Ngài ngồi kiết già trên phiến đá. Theo truyền thuyết, Ngài thuộc gia cấp Sát-đế-lợi sức mạnh vô song, đời sống chỉ biết có chiến tranh chém giết. Khi theo Phật xuất gia, Ngài đạt quả A-la-hán trong tư thế tĩnh tọa.

Đương thời của Tôn giả, có ngoại đạo Uất-đầu-lam-tử, công phu thiền định cao, từng biện bác với hy vọng chinh phục Tôn giả theo pháp thuật của mình. Nhưng với niềm tin chân chánh, Tôn giả khẳng định rằng chỉ có công phu tọa thiền, quán chiếu bằng trí tuệ, sức nhẫn nhục bền bỉ, nghiêm trì tịnh giới mới đạt được định lực không thối chuyển. Pháp tu luyện ngoại đạo chỉ được định lực tạm thời, không thể an trú vĩnh viễn trong pháp giải thoát, khi gặp cảnh bên ngoài quấy nhiễu sẽ bị hủy hoại.

Sau này quả nhiên Uất-đầu-lam-tử thọ hưởng sự cúng dường nồng hậu vua nước Ma-kiệt-đà, vì khởi vọng tâmtoàn bộ công phu tiêu tán, sau khi chết lại rơi vào địa ngục. Tôn giả Nặc-cù-la dùng thiên nhãn thấy rõ điều ấy, một lần nữa cảnh giác với vua Ma-kiệt-đà:

- Đó chính là pháp tu không rốt ráo của ngoại đạo, những phiền não căn bản của con người chưa được diệt trừ hết.

Vua nghe Tôn giả giải thích mới hiểu được Phật pháp chân chánh đáng quý, phát khởi niềm tin nơi Tôn giả.

Theo Pháp Trụ Ký, Tôn giả Nặc-cù-la được xếp vào vị trí La-hán thứ năm, Ngài thường cùng 800 vị A-la-hán trụ ở Nam Thiệm Bộ Châu.

6. La-hán Ba Tiêu

lahan-6Tên của Ngài là Phạt-na-bà-tư (Vanavàsin). Theo truyền thuyết khi mẹ Ngài vào rừng viếng cảnh, mưa to dữ dội và bà hạ sanh Ngài trong lúc ấy. Sau khi xuất gia với Phật, Ngài thích tu tập trong núi rừng, thường đứng dưới các cây chuối nên còn được gọi là La-hán Ba Tiêu.

Có lần, đức Phật hàng phục con yêu trong một cái đầm sâu. Cảm phục ân đức của Phật, yêu long xin Ngài lưu lại chỗ của mình để được gần gũi cúng dường. Phật dạy Ngài không thể ở một nơi lâu, nên cử năm vị Đại A-la-hán đến, đó là các vị Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Nhân-kiệt-đà, Tô-tần-đà và Phạt-na-bà-tư. Khi tôn giả Phạt-na-bà-tư đến tiếp nhận lễ vật cúng dường, Ngài thường thích tọa thiền trên phiến đá lớn bên cạnh đầm, khi thì ngồi suốt tuần, lúc ngồi cả nửa tháng.

Theo lời phó chúc của đức Phật, Tôn giả lưu tâm hóa độ vua Ca-nị-sắc-ca. Nhân dịp nhà vua đi săn, Tôn giả hóa làm con thỏ trắng dẫn đường cho vua đến gặp một mục đồng đang lấy bùn đất nặn tháp Phật. Mục đồng nói rằng Phật thọ ký 400 năm sau vua Ca-nị-sắc-ca sẽ xây tháp thờ Phật tại đây. Mục đồng ấy cũng chính là Phạt-na-bà-tư hóa hiện. Từ đó, vua trở nên bậc đại quân vương hoằng dương Phật pháp, xây chùa tháp tự viện, ủng hộ cúng dường Tăng chúng, tổ chức kiết lập kinh điển Phật giáo lần thứ tư tại thủ đô Ca-thấp-di-la. Tất cả những thành tựu này đều nhờ thâm ân giáo hóa của tôn giả Phạt-na-bà-tư.

Theo Pháp Trụ Ký, tôn giả Phạt-na-bà-tư là vị La-hán thứ mười bốn, ngài và 1.400 vị La-hán thường ở trong núi Khả Trụ.

7. La-hán Tiếu Sư

lahan-7Tên của Ngài là Phạt-xà-la-phất-đa-la (Vajraputra). Tương truyền khi còn ở thế tục, Ngài làm nghề thợ săn, thể lực rất tráng kiện, một tay có thể nâng một con voi, hoặc nắm một con sư tử ném xa hơn 10 mét. Mỗi khi muông thú chạm mặt Ngài, chúng đều hoảng sợ lánh xa. Sau khi xuất gia, Ngài nỗ lực tu tập, chứng quả La-hán. Lại có một con sư tử thường quấn quít bên Ngài, do đó Ngài biệt hiệu La-hán Đùa Sư Tử.

Về phía Bắc tịnh xá Trúc Lâm có ao Ca-lan-đà, nước trong mát có thể trị lành được nhiều bịnh, đức Phật vẫn thường đến đó thuyết pháp. Sau khi Phật diệt độ, nước ao bỗng khô cạn, ngoại đạo bèn phao tin rằng Phật pháp đã suy vi. Tôn giả Phạt-xà-la-phất-đa-la từ châu Bát-thích-noa bay đến, lấy tay chỉ xuống ao, lập tức nước đầy trở lại. Tôn giả bảo mọi người rằng:

- Nước ao cạn khô vì mọi người không có niềm tin kiên cố nơi Phật pháp. Nếu tất cả đều vâng lời Phật dạy, một lòng tin thọ phụng hành như khi Phật còn tại thế thì tôi bảo đảm nước trong ao sẽ không bao giờ cạn khô.

Mọi người nghe Tôn giả nói, ngưỡng vọng uy thần và nhiệt tâm hộ trì Phật pháp của Tôn giả nên phát khởi lòng tin Tam bảo. Từ đó nước ao luôn trong xanh và tràn đầy.

Qua câu chuyện trên chúng ta có thể thấy các bậc La-hán luôn ở tại nhân gian để xiển dương pháp Phật.

Theo Pháp Trụ Ký. Ngài là vị La-hán thứ tám, thường cùng 1.100 vị La-hán trụ ở châu Bát-thích-noa.

8. La-hán Tọa Lộc

lahan-8Ngài tên là Tân-đầu-lô-phả-đọa (Pindolabharadvaja), xuất thân dòng Bà-la-môn, là một đại thần danh tiếng của vua Ưu Điền. Ngài thích xuất gia nên rời bỏ triều đình vào rừng núi nỗ lực tu tập, sau khi chứng Thánh quả cỡi hươu về triều khuyến hóa vua, nhân đó được tặng danh hiệu La-hán Cỡi Hươu.

Nhân một hôm Tôn giả dùng thần thông lấy cái bát quý treo trên cây trụ cao của một trưởng giả, bị Phật quở trách việc biễu diễn thần thông làm mọi người ngộ nhận mục đích tu học Phật pháp. Phật dạy Tôn giả phải vĩnh viễn lưu lại nhân gian để làm phước điền cho chúng sanh, vì thế trong các pháp hội Tôn giả thường làm bậc ứng cúng. Một lần ở thời Ngũ Đại, triều vua Ngô Việt thiết trai, có một Hòa thượng lạ, tướng mạo gầy ốm, lông mày dài bạc trắng bay đến ngồi vào chỗ dành cho khách quý mà ăn uống vui vẻ. Ăn xong Ngài tuyên bố Ngài là Tân-đầu-lô. Dưới thời vua A-dục và vua Lương Võ Đế, Ngài đích thân hiện đến giáo hóa, làm tăng trưởng lòng tin. Thời Đông Tấn ngài Đạo An là bậc cao tăng phiên dịch kinh điển thường lo buồn vì sợ chỗ dịch của mình sai sót. Ngài khấn nguyện xin chư Hiền Thánh hiển lộ thần tích để chứng minh. Tối hôm đó Ngài nằm mộng thấy một vị Hòa thượng lông mày trằng nói:

- Ta là Tân-đầu-lô ở Ấn Độ, lấy tư cách là một đại A-la-hán, ta bảo chứng những kinh điển ông dịch đều rất chính xác.

Tôn giả Tân-đầu-lô là một vị La-hán rất gần gũi nhân gian, Pháp Trụ Ký xếp Ngài là vị La-hán thứ nhất, thường cùng 1.000 vị La-hán trụ ở Tây Ngưu Hóa Châu.

9. La-hán Trường Mi

lahan-9Tên của Ngài là A-thị-đa (Ajita) thuộc dòng Bà-la-môn nước Xá-vệ. Theo truyền thuyết khi Ngài mới sanh ra đã có lông mày dài rủ xuống, điều báo hiệu kiếp trước Ngài là một nhà sư. Sau khi theo Phật xuất gia, Ngài phát triển thiền quán và chứng A-la-hán.

Ngài cũng là một trong những thị giả Phật, khi chứng quả xong vẫn thường du hóa trong dân gian. Một hôm đến nước Đạt-ma-tất-thiết-đế, nhân dân nước này không tin Phật pháp, chỉ thờ quỷ thần sông núi. Thái tử nước này bệnh nặng, vua cho mời danh y trị bệnh và thỉnh giáo các nhà tu ngoại đạo. Các vị ấy bảo: “Đại vương chớ lo, bệnh của Thái tử không cần uống thuốc cũng khỏi.” Khi gặp Tôn giả A-thị-đa, vua hỏi thử thì Tôn giả bảo rằng bệnh không qua khỏi. Vua rất tức giận bỏ đi. Một tuần sau, Thái tử chết thật, vua tạm thời không tổ chức tang lễ, ngày hôm sau vua đi gặp tôn giả A-thị-đa, Ngài chia buồn với vua, còn vua khi gặp các ngoại đạo thì lại nghe chúc mừng Thái tử hết bệnh. Điều này chứng tỏ các ngoại đạo không có dự kiến đúng đắn. Nhà vua từ đó quy ngưỡng Phật pháp. Nhờ sự hoằng dương của Tôn giảPhật pháp hưng thịnh ở nước này.

Đã hơn 2.000 năm, nhưng tại Ấn Độ vẫn còn tin rằng tôn giả A-thị-đa còn đang trị bệnh cho người hay tọa thiền trên núi.

Pháp Trụ Ký xếp Ngài là vị La-hán thứ mười lăm, thường cùng 1.500 A-la-hán trụ trong Linh Thứu Sơn.

10. La-hán Hàng Long

lahan-10Ngài tên là Nan-đề-mật-đa-la (Nandimitra), Trung hoa dịch Khánh Hữu, ra đời sau Phật diệt độ 800 năm, cư trú tại nước Sư Tử.

Ngài là vị Đại La-hán thần thông quảng đại, đạo hạnh trang nghiêm. Tương truyền có một lần cả đảo Sư Tử bị Long Vương dâng nước nhận chìm, Tôn giả ra tay hàng phục rồng nọ và được tặng hiệu La-hán Hàng Long. Khi Ngài sắp thị tịch, mọi người buồn thương lo sợ vì thế gian sẽ không còn bậc La-hán. Ngài cho biết có 16 vị La-hán vâng lệnh Phật lưu trụ cõi Ta-bà để ủng hộ Phật pháp. Lời dạy của Ngài được ghi chép thành bộ “Pháp Trụ Ký”. Nói “Pháp Trụ Ký” xong, tôn giả Khánh Hữu bay lên không trung hóa hiện vô số thần biến, rồi dùng chơn hỏa tam-muội thiêu thân. Xá-lợi ngũ sắc rơi xuống như mưa, mọi người tranh nhau lượm mang về tôn thờ cúng dường.

Tuy đã thiêu thân, nhưng Tôn giả không rời nước Sư Tử, Ngài bay về động đá trên núi để tọa thiền. Thời gian thoáng chốc đã hơn 400 năm, khi Tôn giả xuất định, Ngài ôm bát xuống núi khất thực thì thấy phong cảnh đã đổi khác. Ngài nhẫm tính lại và khám phá ra mình đã toạ thiền hơn 400 năm bèn bật cười ha hả. Sau đó Ngài thường xuất hiện khắp nơi, khi thì trì bát, lúc thì giảng kinh… Mọi người vẫn còn tin rằng Ngài vĩnh viễn không rời thế gian mà luôn luôn cùng 16 vị La-hán kia tiếp tục hoằng hóa.

*Dị Bản: Tôn giả Nan-đề-mật-đa-la là vị La-hán thứ 17, do mọi người tưởng nhớ công ơn ngài nói ra Pháp Trụ Ký.

11. La-hán Bố Đại

lahan-11Tên của Ngài là Nhân-yết-đà – Nhân-kiệt-đà (Angada). Theo truyền thuyết Ngài là người bắt rắn ở Ấn Độ, xứ này nhiều rắn độc hay cắn chết người. Ngài bắt chúng, bẻ hết những răng nanh độc rồi phóng thích lên núi. Hành động ấy phát xuất bởi lòng từ cao độ, nên Ngài được xem như biểu trưng của từ bi. Sau khi đắc đạo, Ngài thường mang một túi vải bên mình để đựng rắn, cũng trùng hợp như Hòa thượng Bố Đại ở Trung Hoa.

Nhân có một người nước Ô-trượng-na muốn tạc tượng Bồ-tát Di-lặc, nhưng chưa được thấy diện mạo Bồ-tát nên không dám làm. Ông lập hương án trong vườn hoa chí thành khấn nguyện, cung thỉnh một vị Hiền Thánh đến để giúp ông. Khấn xong thì có một vị La-hán xuất hiện xưng tên là Nhân-yết-đà, đến đưa ông lên cung trời Đâu-xuất để gặp Bồ-tát Di-lặc. Tôn giả đã đưa người này lên cung trời trước sau cả thảy ba lần để chiêm ngưỡng chân tướng trang nghiêm của Bồ-tát. Tượng Bồ-tát tạo xong được bảo tồn tại thủ đô nước Ô-trượng-na, đó là nhớ công ơn của Tôn giả.

La-hán là một bậc bất sanh bất diệt, đến đi tự tại, các Ngài du hóa nhân gian dưới mọi hình thức. La-hán Bố Đạihình tướng mập mạp, bụng to, túi vải lớn bên mình như là hiện thân của Bồ-tát Di-lặc, trong câu chuyện trên đã có ít nhiều liên hệ.

Theo Pháp Trụ Ký, Ngài là vị La-hán thứ mười ba, thường cùng 1.300 vị A-la-hán trụ trong núi Quảng Hiếp.

12. La-hán Khoái Nhĩ

lahan-12Ngài tên là Na-già-tê-na (Nagasena) hay còn gọi là Na Tiên. Nagasena theo tiếng phạn nghĩa là đội quân của rồng và tượng trưng sức mạnh thiên nhiên. Ngài Na Tiên sinh trưởng ở miền Bắc Ấn là bậc La-hán nổi tiếng về tài biện luận. Đương thời của Ngài gặp lúc vua Di-lan-đà cai trị, nhà vua là người Hy Lạp vốn chuộng biện thuyết. Nghe tiếng tôn giả Na Tiên là bậc bác học đa văn nên nhà vua đích thân phỏng vấn. Cuộc vấn đạo giữa bậc đế vương và bậc Tỳ-kheo thoát tục đã để lại cho chúng ta một tác phẩm bất hủ “Kinh Na Tiên tỳ Kheo”, mà cả hai tạng Nam truyền và Bắc truyền đều lưu giữ đến nay. Nhờ sự chỉ dạy của tôn giả Na Tiêncuối cùng vua Di-lan-đà trở thành vị quốc vương anh minh hết lòng ủng hộ Phật pháp.

Có chỗ nói ngài Na Tiên chuyên tu về nhĩ căn, tranh tượng của Ngài mô tả vị La-hán đang ngoáy tay một cách thú vị. Mọi âm thanh vào tai đều giúp cho tánh nghe hiển lộ, rất thường trụ và rất lợi ích. Từ nhĩ căn viên thông phát triển thiệt căn viên thông, trở lại dùng âm thanh thuyết pháp đưa người vào đạo, đó là ý nghĩa hình tượng của tôn giả Na Tiên.

Theo Pháp Trụ Ký, Ngài cũng là vị La-hán thứ mười hai, thường cùng 1.200 vị La-hán trụ trong núi Bán-độ-ba.

13. La-hán Trầm Tư

lahan-13Ngài chính là La-hầu-la (Rahula). Sau khi theo Phật xuất gia, nhờ sự giáo dưỡng của Thế Tôn, Ngài bỏ dần tập khí vương giả và thói xấu trêu ghẹo người, nỗ lực tu tập để chứng Thánh quả. Ngài luôn khiêm cung nhẫn nhục, không thích tranh cãi hơn thua, phòng của mình bị người chiếm ở, Ngài lẳng lặng dời vào nhà xí ngủ qua đêm. Đi khất thực bị bọn côn đồ ném đá trúng đầu chảy máu. Ngài lặng lẽ đến bờ suối rửa sạch rồi tự tay băng bó. Tín chủ cúng cho Ngài một tịnh thất, ít lâu sau đòi lại đem cúng người khác, Ngài cũng bình thản dọn ra khỏi phòng.

Sau khi chứng quả A-la-hán, Ngài lặng lẽ tu tập. Đức Phật khen tặng Ngài là Mật hạnh đệ nhất và chọn Ngài vào trong số 16 La-hán lưu lại nhân gian. Với đức tánh lặng lẽ, Ngài được tặng danh hiệu La-hán Trầm Tư.

Sau Phật diệt độ, vua nước Câu-thi-na không tin Phật pháp, đập phá chùa viện, thiêu hủy kinh tượng, số người xuất gia giảm sút. Có một Hòa thượng ôm bát vào thành khất thực, nhưng cả thành chẳng ai để ý tới, khó khăn lắm Ngài mới gặp một gia đình tin Phật cúng cho bát cháo nóng. Hòa thượng hớp xong miếng cháo thở dài, thí chủ hỏi thăm thì được Hòa thượng kể lại thời Phật còn tại thế, Ngài cũng từng theo Phật đến đây khất thực, lúc ấy nhà nhà tranh nhau cúng dường, khác hẳn ngày nay. Hòa thượng tiết lộ thân thế mình chính là La-hầu-la, mấy trăm năm nay dốc lòng hoằng dương Phật pháp.

Theo Pháp Trụ Ký, Ngài là vị La-hán thứ mười một, thường cùng 1.100 vị A-la-hán trụ ở Tất-lợi-dương-cù-châu.

14. La-hán Kháng Môn

lahan-14Tên của Ngài là Chú-trà-bán-thác-ca, hay Châu-lợi-bàn-đặc (Cullapatka). Truyền thuyết Phật giáo nhắc đến Ngài như một tấm gương cần cù nhẫn nại. Vì không thông minh như anh nên khi xuất gia Ngài không tiếp thu được Phật pháp, kể cả xếp chân ngồi thiền cũng không xong. Về sau được sự chỉ dạy lân mẫn của Thế Tôn, Ngài thực hành pháp môn quét rác với cây chổi trên tay. Nhờ sự kiên trì, dốc tâm thực hành lời dạy của Phật, quét sạch mọi cấu uế bên trong lẫn bên ngoài, Ngài đã chứng Thánh quả.

Một hôm đại thần Kỳ-bà thành Vương Xá thỉnh Phật và các vị A-la-hán đến nhà thọ trai. Tôn giả Bán-thác-ca không biết em mình đã chứng quả nên không phát thẻ tham dự. Đến khi chuẩn bị thọ trai, Phật bảo Bán-thác-ca về tịnh xá xem có sót người nào. Tôn giả về Trúc Lâm thì thấy cả ngàn vị Hòa thượng đang tọa thiền rải rác trong vườn. Ngạc nhiên và dùng thiên nhãn quán sát, mới vỡ lẽ ra đó là trò đùa của em mình, Tôn giả mừng rỡ xúc động, tán thán công phu của Châu-lợi-bàn-đặc.

Theo truyền thuyết, khi đi khất thực Tôn giả gõ cửa một nhà nọ và làm ngã cánh cửa cũ hư. Điều này cũng gây bối rối! Về sau, Phật trao cho Tôn giả một cây gậy có treo những chiếc chuông nhỏ để khỏi phải gõ cửa nhà người. Nếu chủ nhân muốn bố thí thì sẽ bước ra khi nghe tiếng chuông rung. Cây gậy gõ cửa trở thành biểu tượng của Tôn giả, và là hình ảnh quen thuộc trong sinh hoạt Phật giáo.

Theo Pháp Trụ Ký, Tôn giả là vị La-hán thứ mười sáu, cùng với 1.600 vị A-la-hán thưòng trụ tại núi Trì Trục.

15. La-hán Kỵ Tượng

lahan-15Tên của Ngài là Ca-lý-ca (Kalica), trước khi xuất gia làm nghề huấn luyện voi. Khi Tôn giả chứng quả A-la-hán, đức Phật bảo Ngài nên ở tại quê hương mình (Tích Lan) để ủng hộ Phật pháp.

Phật đến Tích Lan thuyết kinh Lăng Già, Tôn giả cũng là một trong số đệ tử đi theo. Đức Phật sắp rời đảo, vua Dạ-xoa cung thỉnh đức Phật để lại một kỷ niệm tại đảo để làm niềm tin cho hậu thế. Thế Tôn ấn dấu chân của mình trên một ngọn núi, nơi đó trở thánh Phật Túc Sơn, và bảo tôn giả Ca-lý-ca gìn giữ thánh tích này. Phật Túc Sơn nổi tiếng khắp nơi, mọi người đua nhau chiêm lễ. Trải qua thời gian nó bị chìm vào quên lãng, con đường dẫn lên núi bị cỏ hoang phủ kín. Trong dịp vua Tích Lan là Đạt-mà-ni-a-ba-á bị kẻ địch rượt đuổi nên chạy trốn vào hang núi, Tôn giả hóa thành một con nai hoa rất đẹp dụ dẫn nhà vua lên núi để hiển lộ lại dấu chân Phật. Sau nhiều triều đại kế tiếp, Phật Túc Sơn lại không người viếng thăm. Tôn giả một phen nữa hóa thành thiếu nữ bẻ trộm hoa trong vườn của vua. Khi bị bắt, thiếu nữ chỉ tay lên ngọn núi phủ sương mờ, bảo rằng mình hái hoa cúng Phật ở trên ấy. Phật Túc Sơn từ đó khắc sâu hình ảnh trong lòng người, mỗi năm đến ngày 15 tháng 3 âm lịch, quần chúng kéo nhau đi lễ bái thành tích rằm rộ không ngớt.

Theo Pháp Trụ Ký, Tôn giả Ca-lý-ca là vị La-hán thứ bảy, cùng với 1.000 vị A-la-hán luôn thường trụ tại Tăng Già Trà Châu (Tích Lan).

16. La-hán Quá Giang

lahan-16Tên của Ngài là Bạt-đà-la (Bhadra). Bạt-đà-la còn gọi là Hiền, vì mẹ Ngài hạ sanh Ngài dưới cây Bạt-đà, tức là cây Hiền.

Theo truyền thuyết, Tôn giả rất thích tắm rửa, mỗi ngày tắm từ một lần đến mười lần, và như vậy rất mất thời gian đồng thời trễ nải công việc. Chẳng hạn khi mọi người thọ trai, Ngài lại đi tắm, khi lên ăn thì cơm rau đã hết. Nhiều buổi tối, Ngài lén đi tắm khi mọi đang tọa thiền. Thậm chí ngủ giữa đêm cũng thức dậy đi tắm, có khi một đêm tắm năm, sáu lần ! Việc này đến tai đức Phật, Thế Tôn kêu Tôn giả đến bên, chỉ dạy cách tắm rửa thiết thực, nghĩa là ngoài việc tẩy rửa thân thể còn phải tẩy rửa cấu uế trong tâm, gột sạch các tham sân phiền não để cả thân tâm đều thanh tịnh.

Tiếp nhận lời Phật dạy, Tôn giả hành trì theo ý nghĩa đích thực của việc tắm rửa, siêng năng gột rửa tâm nên chẳng bao lâu chứng quả A-la-hán. Từ đó tắm rửa là một pháp tu hữu dụng thiết thựcTôn giả thường khuyên dạy mọi người. Các tự viện Trung Hoa thường thờ hình tượng Ngài trong nhà tắm để nhắc nhở ý nghĩa phản tỉnh tư duy.

Tôn giả cũng thường dong thuyền đi hoằng hóa các quần đảo của miền đông Ấn Độ như Java, Jakarta… nên được mang tên La-hán Quá Giang.

Theo Pháp Trụ Ký, Ngài là vị La-hán thứ sáu, thường cùng 900 vị A-la-hán trụ tại Đam-một-la-châu.

17. La-hán Phục Hổ

lahan-17Tên của Ngài là Đạt-ma-đa-la (Dharmatrata), người ở núi Hạ Lan tỉnh Cam Túc. Thuở nhỏ Đạt-ma-đa-la đến chùa, rất thích chiêm ngưỡng hình tượng 16 vị La-hán thờ trong điện. Sư phụ cũng hay kể cho cậu bé nghe những chuyện thần kỳ của các vị La-hán, dần dần trong tánh linh trẻ thơ in đậm hình ảnh các Ngài, thậm chí khi ngủ cũng mơ thấy.

Một hôm trong khi chiêm lễ, Đạt-ma-đa-la bỗng thấy các hình tượng La-hán cử động, vị thì quơ tay, vị thì chớp mắt như người thật. Ngỡ mình hoa mắt, Đạt-ma-đa-la định thần nhìn kỹ lại, lần này thấy rõ hơn, một số vị còn cười tươi tắn. Từ đó Đạt-ma-đa-la càng thêm siêng năng lễ kỉnh, và ngày nào cũng được chứng kiến các kỳ tích cảm ứng. Đạt-ma-đa-la theo hỏi một vị La-hán cách tu tập để được trở thành La-hán. Ngài chỉ dạy cậu nên siêng năng tọa thiền, xem kinh, làm các việc thiện. Đạt-ma-đa-la phát tâm tu hành, thực hiện lời dạy của bậc La-hán nên chẳng bao lâu chứng quả.

Thành một A-la-hán thần thông tự tại. Ngài thường du hóa trong nhân gian, giảng kinh thuyết pháp, gặp tai nạn liền ra tay cứu giúp. Tôn giả ba lần thu phục một con hổ dữ đem nó về núi cho tu, đi đâu thì dẫn theo. Bên cạnh hình tượng Ngài người ta vẽ thêm một con hổ, Ngài thành danh La-hán Phục Hổ.

La-hán Hàng Long và La-hán Phục Hổ là hai vị được đưa thêm vào danh sách Thập Lục La-hán, để trở thành một truyền thuyết vĩnh viễn được tôn thờ.

18. La-hán Cử Bát

lahan-18Tên của Ngài là Ca-nặc-ca-bạt-ly-đọa-xà (Kanakabharadvaja). Ngài là vị Đại đệ tử được đức Phật giao phó giáo hóa vùng Đông Thắng Thần Châu.

Quốc vương nước Tăng-già-la ở Nam Hải không tin Phật pháp, Tôn giả Ca-nặc-ca tìm cách hóa độ. Một sớm mai, khi đang cầm gương soi mặt, quốc vương giật mình kinh sợ vì trong gương không có mặt mình mà có hình dàng vị đại sĩ Bạch Y. Đây là do phép thần biến của Tôn giả. Theo lời khuyên của quần thần, nhà vua cho tạc tượng Bồ-tát Quan Thế Âm để thờ phụng và từ đó hết lòng tin Phật.

Ngài Huyền Trang khi sang Ấn Độ, trụ tại chùa Na-lan-đà nghe kể câu chuyện sau: Sau khi đức Phật Niết-bàn vài trăm năm sau, quốc vương nước Ma-kiệt-đà làm lễ lạc thành ngôi chùa Đại Phật, thỉnh mấy ngàn vị Hòa thượng đến cúng dường. Khi mọi người bắt đầu thọ trai, bỗng nhiên có hai vị Hòa thượng từ không trung bay xuống. Cả hội chúng kinh ngạc, vua hỏi lai lịch thì một vị xưng là Tân-đầu-lô ở Tây-cù-đa-ni châu, một vị xưng là Ca-nặc-ca ở Đông Thắng Thần Châu. Vua vui mừng thỉnh hai Tôn giả chứng minh trai phạn. Thọ trai xong, hai vị cười nói:

- Này các vị, 16 La-hán chúng tôi sẽ mãi mãi lưu lại thế gian, cùng tu tập với tất cả Phật tử chí thành đời sau.

Tôn giả Ca-nặc-ca thường mang một cái bát sắt bên mình khi du hành khất thực, nên được gọi là La-hán Cử Bát.

Theo Pháp Trụ Ký ngài là vị La-hán thứ ba, thường cùng 600 vị A-la-hán trú tại Đông Thắng Thần Châu.

(Thiền Viện Viên Chiếu)

La-hán Tự

Hân KhởiHạnh Huệ dịch(Tạp chí Phổ Môn số 251)

Vừa đến Giang Tây, liền kiếm La-hán Tự.

La-hán Tự phát xuất từ Cám Châu cũ. Đời nhà Thanh rất nổi danh. Người ta đồn rằng mười tám La-hán nhà Phật từng đích thân đến chốn này, để lại dấu vết rực rỡ. Trong bút ký, tiểu thuyết đời sau có ghi chép khá nhiều.

Nói về sự tích mười tám La-hán.

Ngoài thành phủ Cám Châu cũ có hai chùa, một là Xuất Thủy Tự, một là Hương Tích Tự. Hai chùa cách nhau hơn mười dặm, mà khí tượng lại khác xa. Trong khuôn viên của Xuất Thủy Tự có một cái mội nước cốt, nước giếng trong vắt ngọt ngào. Năm mội nước, nổi lên năm đóa hao sóng, hình thái giống hoa sen. Theo truyền thuyết là do năm con rồng hóa thành, nên gọi là Ngũ Long Tuyền. Chùa ấy cũng gọi là Ngũ Long Tự. Mội nước này rất có linh khí, có nhiều người đến trước thắp hương lễ Phật rồi mang ít nước trở về. Người ta đồn một hớp là bịnh lành. Cũng có người đàn bà không con, uống nước này bèn sanh một trai hay một gái. Việc nhiều, hấp dẫn thiện nam tín nữ trong khoảng vài trăm dặm. Ngũ Long Tự mỗi ngày người qua kẻ lại đông đúc náo nhiệt, muôn người chen lấn, khói hương nghi ngút xông tận trời cao. Người đối mặt nhau nói chuyện nghe chẳng rõ. Lại có một vị Khâm sai đại thần, đích thân đến chùa lễ Phật xin nước, và đựng hơn mười lọ nước lớn chở về kinh thành dâng lên Hoàng thượng. Nghe nói Hoàng thượng uống xong, thân thể mạnh khoẻ, trăm bịnh đều tiêu, do đó rất đẹp lòng, bảo rằng một ngôi chùa lại có nước trị bịnh thần kỳ, thật là ít có, liền viết ba chữ lớn Xuất Thủy Tự. Từ đây Ngũ Long Tự đổi thành Xuất Thủy Tự. Có lai lịch này rồi, Xuất Thủy Tự danh nổi như cồn, thiện nam tín nữ mỗi ngày rộn rịp không chịu nổi, Xuất Thủy Tự chỉ đành quy định thiện nam tín nữ lễ Phật lấy nước, nhất luật không được vượt quá nửa giờ, cũng chính là một giờ bây giờ. Mỗi một lần năm trăm người tiến vào, sau nửa giờ năm trăm người toàn bộ ra khỏi chùa, lại cho năm trăm người đợt thứ hai. Như thế từ sáng đến chiều cũng chỉ có thể tiếp đãi năm sáu ngàn người. Nhưng có rất nhiều người không cách nào vào chùa. Vì thế trong chùa lại quy định nửa giờ cho hai đoàn vào. Một ngày tiếp đãi vạn người. Nhưng cũng chẳng đủ, lại phải kéo dài giờ tiếp đãi đến nửa đêm. Xuất Thủy Tự có tín chúng lớn lao như thế, kinh tế dồi dào tự nhiên cũng chẳng cần nói. Người biết tình hình nói rằng Xuất Thủy Tự một ngày thu cả đấu vàng. Tiền bạc quá nhiều bèn sửa chùa. Xuất Thủy Tự mỗi năm càng rộng lớn, mỗi năm càng phồn hoa, mỗi năm càng giàu đẹp. Tăng hành khước toàn quốc nếu đến Cám Châu, ai cũng tìm đến Xuất Thủy Tự xin ở.

Hiện tại nói về Hương Tích Tự. Hương Tích Tự tọa lạc tại thôn Thành Điền. Hương Tích Tự là chùa cổ, theo truyền thuyết do Tùy Văn Đế xây dựng. Cũng vì duyên cớ của Xuất Thủy Tự mà chùa này vắng khách hành hương đã lâu, điện đường lâu năm không sửa chữa, chỉ đành để nó đổ nát, nơi nơi vách sụp tường nứt, Phật hoại tăng tàn, cỏ dại lấp đường.

Vừa mới lập xuân, một hôm trời chiều chạng vạng trước Xuất Thủy Tự xuất hiện mười tám tên ăn mày. Lúc này bầu trời mây đen dần phủ, gió lạnh hiu hiu. Bọn ăn mày y phục vốn đã mỏng manh, lại thêm quá sức lam lũ, khó mà chống cự nổi cái lạnh. Họ xin tăng nhân trong chùa cho ở nhờ một đêm, xin được một phần cơm nóng. Tăng trong chùa thấy đám ăn mày áo mặc chẳng đủ, cáu bẩn đầy người, liền không cho tá túc, đuổi họ ra. Ăn mày cứ năn nỉ mãi, nhưng vẫn chẳng được… Trong lúc nói chuyện, trên trời tuyết lại rơi, màu trời đen kịt. Bọn ăn mày nói, không cho ở nhờ thì thôi, bố thí cho cơm nóng canh nóng được không?

Bọn ăn mày không rời cửa chùa, làm trở ngại sự tham quan, đành báo lên trên. Trong chùa lại chạy ra mười mấy ông thầy, vị đứng đầu mắng bọn ăn mày:

- Đây là cửa Phật, là đất Thánh. Làm sao chứa được bọn ăn mày đòi cơm dơ dáy các ngươi? Mau mau ra khỏi cửa Phật.

Bọn ăn mày nói trời đã tối rồi, lại tuyết rơi, nên cho chúng tôi ở một đêm sáng sớm mai rời ngay, sẽ tìm chỗ mà đi.

Ông thầy đó một mặt đuổi xua, một bên trách mắng:

- Ở đây không có chỗ cho các ngươi, muốn ở thì đến chùa Hương Tích mà ở.

Mười mấy thầy đuổi đuổi xô xô, đẩy bọn ăn mày ra ngoài nửa dặm. Bọn ăn mày bỗng dưng ngước mặt lên trời cười thật to, múa hát mà đi.

Hồn nhiên mà đichừ tùy duyên độ ngườiTừ bi để lòngchừ bổn phận thầy tăngCông danh lợi dưỡngchừ vốn thuộc nghiệp maNhân quả rõ ràngchừ Phật tại một tâm.

Mười tám tên ăn mày ẩn vào đêm đen, các tăng nhân trở về chùa Xuất Thủy Tự, thấy bên cửa chùa đông nghịt người vây quanh. Nhóm tăng nhân xen vào xem, chỉ thấy trên bức tường trắng cạnh cửa viết một câu:

Xuất thủy chẳng xuất tăng,Chỉ lưu một tăng đốt nhang đèn.

Tăng nhân thất kinh, lập tức sai người chùi đi. Lại càng lạ, ngày cả khi cạo lớp vỏ tường đi, mất chữ đó vẫn rõ rõ ràng ràng. Trụ trì vội vã mời thợ đập bỏ bức tường, xây bức mới tô quét lại. Qua một đêm, mấy chữ nguyên xi đó lại rõ ràng xuất hiện trên vách. Trụ trì lại đập bức tường này cùng với cửa lớn không xây tường nữa, đổi lại làm bằng cửa gỗ sơn màu đen. Lòng nghĩ mấy chữ đó là chữ đen, dù có hiện lên, trên cửa đen cũng không cách gì hiện được. Chẳng dè cách một đêm, mấy chữ đó lại biến thành màu trắng, so với chữ trên bức tường trắng trước lại rõ ràng hơn, càng bắt mắt hơn. Rồi Ngũ Long Tuyền nước cũng đục ngầu, mùi hôi bốc lên. Ai uống phải nó cũng trên thổ dưới tả, cả tăng trong chùa muốn uống nước cũng phải đi gánh từ giếng trong thành.

Tiếp đó trong chùa việc tai họa xảy ra liên miên. Trước tiên là một vụ án mạng. Dưới hương án của Đại hùng bảo điện, phát hiện hai đầu người một nam, một nữ trong bao bố đen. Kế đó bọn giặc bị bắt ở kinh thành cung khai ba năm trước trong lúc bị quan quân vây bắt, tên thủ lãnh của chúng đã lọt lưới, xuất gia tại Xuất Thủy Tự, cạo đầu làm tăng rồi. Lần này nhà vua nổi cơn thịnh nộ, nghiêm lệnh cho hữu ty điều tra Xuất Thủy Tự. Quan viên địa phương lập tức đến lục soát chùa, bao nhiêu của cải tích chứa nhiều năm đem sung công nhập vào quốc khố hết. Gần cả ngàn tăng không còn lý do được cúng dường, lại thêm một ngày bị ba lần kinh động, liền rần rần thu xếp hành trang, lên đường đi nơi khác. Điền sảng miếu đường to lớn lại bị quan phủ thu làm doanh trại quân lính. Chỉ lưu lại Đại hùng bảo điện, để tăng nhân còn lại làm Phật sự. Do vì sự cúng dường quá khó khăn, không bao lâu chỉ còn một ông thầy già bịnh hoạn ốm yếu, cô đơn linh đinh lo việc hương hỏa cho chùa. Xuất Thủy Tự bị tiêu mất.

Lại nói về chùa Hương Tích.

Chùa Hương Tích có ba vị tăng. Chùa chiền tuy cũ nát, nhưng điện Phật và chỗ ở lại sạch sẽ thanh tịnh. Đây là do sức thanh tịnh mà được chứ không do tiền bạc. Trong chùa, đất trống trồng một ít rau cải, để phụ thêm. Ngoài chùa có vài mảnh ruộng xấu. Ba vị tăng ra sức lao tác, lo phần ẩm thực. Chùa tuy nghèo nàn, ba vị tăng lại ưa thích bố thí làm lành. Mỗi lần có người gặp nạn, hoặc ăn mày, đều cực lực quan tâm. Như thế về sau tuy không có thiện nam tín nữ, mà người cầu xin bố thí lại như nước nhỏ mà dòng dài chảy mãi. Ba người hằng ngày bèn trên tuyết thêm sương, càng thêm gian nan. Có lúc hết gạo củi, ba người liền nhập thất, ngồi thiền một lần nửa tháng hai mươi ngày, chân chính lấy thiền duyệt làm thức ăn.

Lại nói chiều hôm ấy, trong tuyết bay bời bời, ba vị tăng đã sớm tu khóa chiều, ngồi thiền xong. Chợt có mười tám ăn mày đến. Ba vị Hòa thượng thấy vẻ đói lạnh bức bách của mười tám người, liền vội vàng đứng lên. Mau mau đốt một đống củi để mười tám người ấm thân trước đã. Sau đó đốt đuốc thông. Một người xuống bếp làm cơm, hai người đi gở bản cửa các phòng. Ba người dồn vào một phòng, nhường phòng ốc trong chùa lấy ra mười tám bản cửa, gom rơm làm nệm. Ba vị tăng lại đưa ra bốn nệm bông. Đêm lạnh như thế bốn cái nệm bông làm sao giữ ấm mười tám người? Sau khi thương nghị, ba người liền đem cái giường duy nhất của chính mình ra nhường. Năm nệm bông chỉ đủ cho năm người, còn mười ba người thì làm sao đây?

Lão Hòa thượng Trụ trì tuổi quá bảy mươi liền chỉ thị cho một tăng ở nhà lo cơm nước, chính mình với vị tăng kia đêm khuya đi hóa duyên.

Hai người xông gió đội tuyết tiến vào thành, mọi nhà đều cửa đóng then gài, đèn đuốt tắt hết. Hai người không thể làm kinh động quá nhiều nhà, liền đến phủ của Quán sát họ Vương.

Lại nói vị Vương Quán sát vì trời lạnh tuyết lớn, đã đi ngủ sớm rồi. Lúc người nhà thông báo, Vương Quán sát chính đang nằm mộng, thấy mười tám La-hán giáng lâm xuống phủ đệ, chói lọi huy hoàng. Các La-hán tay nâng một biển vàng vuông, trên biển khắc tám chữ lớn: Lạc thiện hảo thí tất hữu hậu phước (Vui làm lành ham bố thí ắt sẽ có phước về sau). Người nhà thông báo, người tiểu thiếp nằm bên cạnh dậy trước, lay Quán sát tỉnh giấc. Quán sát nghe nói có Hòa thượng đêm khuya đến mượn mền nệm, rất kinh ngạc, liên tưởng đến giấc mộng vừa rồi, thầm cho là lạ lùng, Liền mũ áo bước ra, thấy Hòa thượng, hỏi ra mới biết có mười tám khách hành hương đến chùa. Quán sát lại thêm một lần ngạc nhiên, tỉnh hẳn cơn mê, vội sai người gom góp mười ba mền bông. Đem một chiếc xe bò chở mền đi.

Hai vị tăng về đến chùa, mười tám ăn mày đều đã ngủ. Để ngừa lạnh, vị tăng ở nhà đã đốt lửa tại mỗi phòng. Vì đề phòng lửa tắt, vị tăng đi tuần xem xét không ngừng, thêm củi bớt lửa. Bây giờ có mền, ba người liền đến từng giường đắp cho các ăn mày. Rồi tắt lửa các phòng, trở về phòng mình.

Hòa thượng Trụ trì ngồi nhìn bồ đoàn, thở phào một hơi dài, cười nói:

- Tính lại làm xong mọi việc, ta lại mất công toi đêm nay.

Hai Hòa thượng cũng cao hứng, liền tính chuyện cơm cháo sáng mai.

Trong chùa không có nhiều lương thực đã lâu. chỉ còn chưa được một thăng gạo, hai vắt mì. Thăng gạo no được sáu người, hai vắt mì cũng có thể no được bốn người. Còn tám người nữa kiếm đâu ra? Lúc này mà vào thành làm phiền Vương Quán sát, thì không ổn thỏa. Ba người suy tính một hồi. Lão hòa thượng Trụ trì nói, nếu như thêm một ít rau rác, gom nấu một nồi cháo có đủ cho mười tám người ăn không?

Nghĩ lại chỉ có một lối này. Ba người liền đốt đèn ngồi thiền.

Gió lạnh thổi lùa cửa sổ giấy, tiếng nghe phần phật. Lửa trong nhà dần dần tàn lụi, Lão hòa thượng hé mắt, thêm vài lẻ củi vào lửa, nhè nhẹ thổi hai cái. Trong lửa tàn lại bốc lên một làn khói xanh. Lão hòa thượng lại cúi mình, thổi một hơi dài. Tro củi trong tàn lửa bừng lên, sáng khắp cả nhà. Trong tiếng thổi lửa phù phù, mồi lửa bốc lên. Lão hòa thượng lắng nghe động tĩnh bên ngoài, tiếng sa… sa… biết tuyết rơi nhiều. Ông nghĩ, ngày mai sau khi ăn sáng, ba người phải vào thành hóa duyên. Nhưng mười tám người mỗi bữa cần ba thăng gạo, thêm ba người của họ là bốn thăng. Một ngày hai bữa là tám thăng. Đây là số lượng không nhỏ, đi đâu kiếm ra lương thực nhiều như thế?

Lão hòa thượng gặp khó rồi.

Ngay lúc Lão hòa thượng đang suy tới nghĩ lui, một mặt coi sóc củi lửa, một mặt nhớ lại xem các cư sĩ trong thành có nhà nào hơi giàu khá. Cuối cùng Lão hòa thượng than một tiếng, xem lại đành phải dựng da đầu lên mà tìm Vương Quán sát một lần nữa.

Tiếng gà đã gáy. Lão hòa thượng thêm vài nhánh củi vào lò, nhắm mắt ngồi một chặp, thấy giấy cửa sổ đã có một chút mờ mờ trắng, liền đứng lên nhẹ nhẹ mở cửa. Gió lạnh tuyết rơi nhất tề thốc vào phòng. Trong ánh sáng mờ của chiếc đèn lồng, thấy tuyết bay tới tấp. Sân chùa tuyết dày nửa thước. Hòa thượng Trụ trì đóng cửa lại, ngồi lên bồ đoàn một lần nữa, kéo trong lò mấy cành củi ra bảo hai thầy kia, trời muộn rồi chúng ta đi thôi!

Ba tăng nhân cầm cuốc ra cửa phòng, đạp trên tuyết dày đến gần đường, theo lỗ hổng của tường viện hướng về mấy mẫu ruộng xấu mà đi. Mùa này, đất đai đã chẳng có gì, thật là có mấy phần đất có một chút hồng trong tuyết. Nhưng trong đất một mảnh tuyết trắng phau phau. Ba người cầm cuốc, hắt lớp tuyết phủ. Vừa vung cuốc, bên tai ba người văng vẳng một tiếng từ xa vọng đến:

- Đừng cuốc nữa, chúng ta đi đây!

Ba người ngạc nhiên quay đầu, bầu trời đã có một chút ánh sáng. Trên tuyết trắng phau phau, trong màng tuyết mang mang, chỉ thấy một đoàn bóng đen, bay vùn vụt như chim hồng, từ trong chùa phiêu dật về phương xa.

Ba người trong nhất thời ngây người ra nhìn. Một lát sau, Hòa thượng Trụ trì mới sực tỉnh lại. Không phải là mười tám người đã đi ư?

- Chúng ta trở về xem trước đã! - Hòa thượng Trụ trì nói.

Ba người không về theo lối cũ mà hướng về cửa chính của chùa mà đi. Đó là đường đi của đoàn bóng đen. Kỳ quái là trong ngoài cửa chùa, không có một dấu chân. Đất tuyết bằng phẳng tĩnh lặng. Ba người lấy làm lạ lùng, sáu mắt nhìn nhau. Hòa thượng Trụ trì thất kinh nói chẳng ra lời, chỉ phất tay vào chùa.

Ba người chảy thẳng vào chỗ ở của ăn mày, chỉ thấy trên mặt đất tro củi dồn đống, trên giường chẳng có bóng người. Hòa thượng Trụ trì áo não nói:

- Chúng ta hôm qua quên bảo họ, sáng nay dùng cơm rồi hãy đi. Trời tuyết lớn thế này, bọn họ có thể đi đâu chứ?

Hai vị tăng chỉ biết kinh ngạc không thôi.

Ba người ăn sáng xong, liền muốn đi ngủ. Lúc này trong thành, Vương Quán sát dẫn người đến. Nguyên do Vương Quán sát cả đời chỉ sanh bảy cô con gái, không có được một đứa con trai. Điều này trở thành một khối tâm bịnh của Vương Quán sát. Tối hôm qua cho mượn mười ba mền bông rồi, lúc đi ngủ lại, bèn thấy mười tám La-hán lại chói lọi huy hoàng hiện đến trước mặt. Một vị La-hán nói: “Ngươi vốn một đời không có con trai, nghĩ ngươi tối nay có một niệm lành, sẽ ban cho ngươi một đứa con. Từ nay về sau đừng khởi việc ác, nếu niệm niệm hướng thiện, thành tâm hộ pháp thờ Phật, con ông có thể đảm bảo không việc gì, tương lai môn đình rực rỡ.” Nhân vì trong một đêm mà hai lần mộng thấy La-hán, Vương Quán sát trong lòng chấn động kinh hãi, liền sáng sớm đội tuyết cỡi xe đến chùa Hương Tích.

Ba vị tăng tiếp đón Vương Quán sát, kể lại tình huống mười tám tên ăn mày mà ngủ nhờ đêm qua. Một hàng người liền đến chỗ của ăn mày ngủ xem xét. Ba vị tăng thu thập mền nệm định trả về cho Vương Quán sát. Rũ rơm ra, trên tấm bản cửa rõ ràng in một bức tượng La-hán linh động như sống. Ba vị tăng và nhóm người của Vương Quán sát cả kinh, vội vàng lật hết mười bảy giường cỏ còn lại, chỉ thấy trên mỗi tấm bản cửa đều rõ ràng in một tượng La-hán và bên gối của mỗi giường đều có để lại một cuốn kinh. Cầm lên xem chính là kinh La-hán. Vương Quán sát kính cẩn quỳ xuống, miệng niệm “A Di Đà Phật”, khẩn đầu lạy không ngớt, vì tượng mười tám La-hán này giống hệt La-hán mà ông ta thấy trong mộng.

Vương Quán sát tự nhiên không lấy lại mền, cả bò và xe cũng bố thí luôn, rồi ngay đó bàn bạc với ba vị tăng, ông sẽ bỏ tiền, bỏ lương ra, mau mời thợ y theo hình La-hán trên bản cửa, đúc thành tượng. Đồng thời xây dựng lại Đại Điện La-hán Đường làm chỗ thờ La-hán. Từ đây đổi Hương Tích Tự thành La-hán Tự.

Sự tích mười tám La-hán đến Hương Tích Tự, theo gió xuân bay khắp một vùng đất một trăm dặm. Tiếng tăm của Hương Tích Tự chợt như mầm lúa ra khỏi đất, tại trong lòng người ta đón gió mà lớn lên. Thiện nam tín nữ nghe gió mà đến, tiền vật bố thí chất chồng như núi. Để kỷ niệm sự tích mười tám La-hán đến chùa, giữ gìn lại phòng cũ của Hương Tích Tự, khai đất mới, đất cây cùng dựng. Chẳng qua nửa năm, bên cạnh Hương Tích Tự hoàng tàn đổ nát, một La-hán Tự lộng lẫy huy hoàng bạt đất mà nổi lên. Điều lạ lùng nhất là ngày tượng La-hán được đúc xong, những hình La-hán trên bản cửa bỗng biến mất. Tiếp đó lại xây dựng Tàng kinh lâu, đem kinh La-hán chất vào đó, tăng nhân cư sĩ gần xa, đến tìm xem không có ngày rảnh.

Tiểu thiếp của Vương Quán sát đến ngày Đông chí sanh được một con trai, rất vui sướng, đem gia đình, đến La-hán Tự để hoàn nguyện. Thuận tiện xin quy y với Hòa thượng trụ trì, làm cư sĩ, đồng thời thỉnh một bộ kinh La-hán, rước về nhà, bọc gấm, kính cẩn trì tụng. Hôm sau lại lấy ra tụng thì đã mất. Vương Quán sát sợ hãi tay chân cuống cuồng, mắt trợn miệng đớ ra, mặt trắng bệt như tờ giấy, bèn tụ họp cả nhà, đi kiếm tứ tung, mà không dấu vết. Vương Quán sát chẳng dám chần chờ, vội đến La-hán Tự, tạ tội trước mười tám La-hán, lại đến Tàng kinh các tạ tội. Tiến vào trong Tàng kinh các, Hòa thượng Trụ trì và Vương Quán sát cùng phát hiện bộ kinh Vương Quán sát thỉnh, vẫn y nguyên tọa lạc trên giá kinh, cả gấm bọc của Vương Quán sát, thậm chí kiểu cách, ngay lệch cùng với cái Vương Quán sát đích thân làm không khác một mảy. Vương Quán sát kinh hãi mồ hôi tuôn ướt mặt, sợ sệt quỳ xuống dập đầu rồi dập đầu phát thệ trọn đời làm Hộ pháp cho La-hán Tự. Về sau con ông lớn lên, đậu Tiến sĩ, Vương Quán sát bảo cho con biết cậu ta là đứa bé mà mười tám La-hán đưa đến, dặn con kế thừa nghiệp cha, trọn đời làm Hộ pháp cho La-hán Tự. Rồi thì cậu ta lại vì chùa La-hán tạo ra vô số công đức.

La-hán Tự hưng long rồi. Hòa thượng thành trụ trì. Tuy chùa giàu đủ nhưng Ngài vẫn ở phòng cũ Hương Tích Tự hồi đó. Mấy mẫu ruộng xấu xí kia, Ngài cũng đích thân dẫn tăng chúng cày cấy. Tâm thích thiện, ưa bố thí cũng y hệt thời Hương Tích Tự.

Ba năm sau cũng vào mùa đông lạnh, lại gặp tuyết lớn bay tới tấp. Một vị lão tăng đến La-hán Tự, xưng tên muốn gặp Hòa thượng Trụ trì.

Người đến chính là Hòa thượng Trụ trì cũ của Xuất Thủy Tự.

Tục ngữ nói: “Hòa thượng đầu biến địa lưu” - đầu Hòa thượng trôi khắp đất (?). Gặp Hòa thượng Trụ trì, nguyên Trụ trì Xuất Thủy Tự liền cúi lạy, Lão hòa thượng Trụ trì chẳng dám chậm trễ cũng dập đầu nghinh đón. Hai người đứng lên rồi, nguyên Trụ trì Xuất Thủy Tự mới tự báo lai lịch, nghiên cứu kỹ chi tiết hưng khởi của La-hán Tự, nghe sự tích mười tám ăn mày rồi, nguyên Trụ trì Xuất Thủy Tự than dài một tiếng, nín thinh hồi lâu, mới nói:

- Hương Tích Tựcủa quý thầy cùng với Xuất Thủy Tự chúng tôi tuy gần trong gang tấc, tôi lại chưa hề bước chân qua, chỉ nghe đồ đệ nói hoài, cười nhạo Hương Tích Tự hư hoại. Tôi cũng chỉ cười, thực tại có ý hý hửng mừng thầm. Lúc đó Xuất Thủy Tự nhổ một sợi lông cũng có thể giúp nhiều cho Hương Tích Tự, mà lão nạp tôi lại không hề có một chút ý này. Nhưng Xuất Thủy Tự ngày một giàu có thì tâm Phật của Tăng chúng ngày một tiêu ma. Cuối cùng chỉ còn có tâm tiền, mất sạch tâm Phật. Mỗi ngày đốt hương lễ lạy, tụng kinh niệm Phật, cho đến khóa sớm khóa chiều trong cốt tủy cũng đều vì muốn lừa gạt tín chúng, cầu lấy tiền tài. Nhìn thấy mười tám ăn mày, liền ghét bỏ bần cùng dơ dáy, không một mảy may có lòng lân mẫn hướng thiện. Nhìn không ra mười tám người áo đơn trời lạnh, lại gặp đêm tối, nếu đuổi họ đi, sống chết thế nào? Tôi mấy năm nay hành khước bên ngoài, ăn gió nằm sương, vào khắp danh sơn, chùa lớn. Khắp nơi nghe nói có La-hán Tự nổi danh thiên hạ, tôi lại chẳng tin. Lão nạp này ở Cám Châu mấy mươi năm, chưa hề nghe nói có La-hán Tự. Chỉ là La-hán Tự danh vang mỗi ngày như sấm rót vào tai, năm nay mới trở về Cám Châu, muốn coi đầu đuôi ra sao. Vừa bước vào địa giới Cám Châu, mới biết La-hán Tự là Hương Tích Tự ngày xưa. Lão hòa thượng tức là Phật sống ở đời. Lão tăng vạn dặm hành khước, lại chẳng biết Phật sống ngay trước mắt. Đến nay nghĩ lại thật là hổ thẹn muôn bề.

Hòa thượng Trụ trì La-hán Tự nói:

- Lão tăng đâu dám nhận hai chữ Phật sống. Một đời xuất gia chỉ là muốn rửa sạch ba chữ tham sân si mà thôi. Ít đi một chút ngã chấp, trừ đi tướng ngã nhân, tu được tâm địa một mảnh trời xanh, muôn dặm không mây. Chỉ thế mà thôi, thực tại khó theo kịp bóng dáng đại đức của tiền bối.

Có một chút này đã đủ rồi - Hòa thượng nguyên Trụ trì Xuất Thủy Tự nói – Tôi đến La-hán Tự đã im lặng xem xét nhiều ngày. Vì khí tượng ngày nay của La-hán Tự, lão Phật sống lại ở phòng cũ này, ngày ngày canh tác. So với lão nạp năm đó hào hoa thật là như trời với đất. Hạc rừng không lương thực trời đất mênh mông. Bất kể bề ngoài giàu nghèo, trong lòng lão Phật sống không lương thực. Hồi đó Lão tăng là để ngoại duyên nắm chặt hết nội duyên, mất hết bổn tâm, để tâm kim tiền đè chết tâm Phật, do đó mới kinh động chư vị La-hán. Tôi nghĩ rằng các vị La-hán giáng lâm đến Xuất Thủy Tự cũng là vì muốn cứu vớt chúng tôi nhảy ra khỏi hầm lửa, lại không dè chúng tôi thuốc lại chẳng cứu được như thế, ngược lại bị tăng nhân chùa tôi ác ý đuổi xô. Lúc đó nếu có người nói với tôi, tôi cũng chẳng cho là đúng. Mỗi ngày tín chúng vạn người vào ra, mười tám người có đáng chi? Đợi đến lúc có chữ trên tường vôi ngoài cửa chùi chẳng đi, tôi mới suy nghĩ ra có chỗ chẳng ổn. Như nay Xuất Thủy Tự điêu tàn chỉ còn có một thầy hương đăng.

- Bất luận làm cái gì, không chấp trước mới tốt.

- Chỉ có một câu này của lão Phật sống, đã là đến thẳng tâm Phật.

- Lão Trụ trì nói đùa!

- Không phải. Lão Phật sống một tâm lúc ở Hương Tích Tự và một tâm ở La-hán Tự bây giờ, không biến đổi mảy may, trong sáng thanh tịnh, một hạt bụi chẳng nhiễm, đây há là việc mọi người dễ dàng làm được. Tôi trở về lần này, cũng chỉ vì muốn được ở La-hán Tự, làm một vị tăng tầm thường, theo hầu bên cạnh lão Phật sống, tu hành lại từ đầu, nếu ngày nào khai ngộ được chút ít, cũng chẳng uổng một phen xuất gia, một đời làm tăng vậy.

- Lão Trụ trì Xuất Thủy Tự lưu lại chùa, trụ ở phòng cũ bên cạnh Lão Hòa thượng Trụ trì La-hán Tự. Lão hòa thượng Trụ trì đêm không nằm ngủ, điều này khiến Trụ trì Xuất Thủy Tự rất là khâm phục. Ban ngày, La-hán Tự để lại hai ba tăng tiếp xúc với thiện nam tín nữ, mở trai phạn lớn tiếp tế người nghèo khổ. Còn các vị tăng khác thì tĩnh tâm trong thiền phòng, trang nghiêm tu trì. Nguyên Trụ trì Xuất Thủy Tự trải qua một phen khổ nhọc, kiên định được tâm Phật, dũng mãnh tinh tấn. Cuối cùng đã cùng với Hòa thượng Trụ trì La-hán Tự song song thành Chánh quả. Chẳng qua, đây đã là một chuyện sau rồi.

Từ khóa » Sự Tích 500 Vị La Hán