7 Cách Nâng Cao Kiến Thức Của Bạn (bên Cạnh Việc đọc Sách)

Bài học cuộc sống

0 Comments

7 cách nâng cao kiến thức của bạn (bên cạnh việc đọc sách)

Thành công không đơn thuần đến từ IQ của bạn. Nó đến từ chiến lược và thái độ của bạn. Và nếu bạn muốn có được những kiến thức và kỹ năng để chiến thắng, bạn phải học.

Sách là thứ tốt nhất - và rẻ nhất - để bạn nâng cao kiến thức của mình. Tuy vậy, không phải ai cũng có thời gian để đọc một cuốn sách mỗi tuần. Cũng không phải ai cũng thích làm điều đó. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn ngừng học.

Hãy cùng tìm hiểu 7 cách thức bạn có thể nâng cao kiến thức của mình mỗi ngày bên cạnh việc đọc sách nhé!

More...

Sống trong sự bảo bọc của bố mẹ hơn 18 năm, kiến thức của Tú, cả đời sống và kĩ năng, được trau dồi và tăng vọt trong những năm sinh viên và cho đến ngày nay. Những kinh nghiệm sống và kĩ năng chuyên môn được phát triển nhờ sự tiếp xúc với những người xung quanh, và bên cạnh đó, là sách và Internet.

Những kiến thức tác giả dành ra 10, thậm chí là 30-40 năm trải nghiệm cuộc đời để rút ra, nay gói gọn trong 300 trang sách. Lật qua mỗi chương, lại hiểu thêm một chút về sự đời. Đọc qua vài cuốn, lại giàu thêm kĩ thuật, kĩ năng. Sách dạy Tú nhiều điều.

Đôi khi bạn lại không đủ thời gian đọc sách mỗi ngày

Khi càng về những năm sau đại học, rồi ra trường đi làm, thời gian dành cho sách ngày càng ít đi, thay vào đó là công việc, đam mê, các mối quan hệ, và gia đình. Tự nhiên có một giai đoạn Tú cảm thấy như mình không phát triển nữa. Vì thiếu cập nhật kiến thức mới.

Thế là Tú lại tìm cách nhồi thêm kinh nghiệm của những người thành công trong lĩnh vực của họ vào đầu mình. Ngồi nhâm nhi ly nước đọc một quyển sách dường như không đủ thời gian, Tú liền thay bằng các hình thức khác. May nhờ công nghệ hiện nay, những việc này tiện gọn hơn nhiều.

7 cách nâng cao kiến thức của bạn (bên cạnh việc đọc sách)

Kiến thức và niềm vui mang lại không khác cảm giác đọc sách, nhưng những cách này có thể tích ghép với các hoạt động khác trong ngày để viện cớ “không có thời gian” không tồn tại được nữa. Bạn hãy tìm hiểu và áp dụng nhé:

1. Học một khoá học online

Cá nhân Tú thấy cho dù có đọc sách, bạn vẫn cần các khoá học online, đặc biệt khi bạn muốn học thêm một kĩ năng mới. Sách thường cho bạn các lý thuyết, quy luật và chiến lược, thiên về phần “what”; còn khoá học thì mang lại phần từng bước hướng dẫn, các thao tác thực hành, thiên về phần “how”. Thế nên, sự kết hợp giữa 2 cái là một điều tuyệt vời.

Hiện nay, có rất nhiều chủ đề có các khoá học online, bạn có thể xem vào một thời điểm trong ngày (kiểu mỗi ngày học một bài ấy), hoặc như Tú, mỗi khi có thời gian với điện thoại, thì có thể mở coi tiếp tục khoá học đang theo (thay vì lãng phí thời gian check Facebook hehe). Đặc biệt, nếu bạn biết tiếng anh, bạn có thể học trên Udemy, có app ngay trên điện thoại đó.

Khi học online, bạn nhớ tìm hiểu kĩ về phần nội dung học, cũng như những gì bạn sẽ nhận được trong khoá học. Bởi vì chúng ta đang tìm cái "how", nên khoá học tốt cần phải có các bài thực hành hoặc chiến lược cụ thể cho mục đích bạn muốn đạt được.

Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng bạn sẽ nhận được hỗ trợ của giảng viên, bởi vì trên hành trình rèn luyện một kỹ năng mới bạn rất cần một người đồng hành tận tâm. Kiến thức miễn phí thì rất nhiều, nhưng chính kinh nghiệm, sự đúc kết và hỗ trợ của giảng viên là điều mình trả tiền cho các khoá học. Hãy tận dụng thông minh nhé!

2. Nghe sách nói

Cách này cực kì hữu hiệu cho những ai thường di chuyển. Tú không biết lái xe máy hay xe hơi, nhưng không bao giờ ngại đi chuyển ngoài đường cả. Mỗi khi đi làm, hay trên đường đi đâu đó, Tú thường gọi grab hoặc nhờ người quen chở. Khi đang trên xe, điều hay nhất là bạn có thể tận dụng thời gian này để nghe một cuốn sách nói.

Tú thường dùng thời gian này đề nghe những quyển sách nặng về lý thuyết hay một tư duy mới, bởi đây là thời điểm mà Tú không phải để ý gì cả (tất nhiên vẫn nhìn đường xá tẹo) và có thể tập trung lắng nghe sách nói. Nhưng nếu bạn là người điều khiển phương tiện, bạn nên chọn những sách nói nhẹ nhàng hơn để đỡ mất tập trung.

Một thời điểm khác đó là khi tập thể dục, chạy bộ hoặc treadmill ấy, thì bạn cũng có thể vừa chạy vừa nghe. Kiểu vừa luyện óc vừa luyện bo đì, bao hiệu quả:))

Để tiện nghe sách nói, bạn có thể mua một cái tai nghe bluetooth để đỡ vướng víu dây nhợ. Nếu bạn không có quá kén âm thanh, vì đa phần nghe sách nói cũng không quá ảnh hưởng ấy, thì bạn có thể mua cái tai nghe bluetooth giống Tú, chỉ khoảng hơn 100k mà xài bền phết:

Sử dụng bluetooth headphone để nghe khi di chuyển.

Để download sách nói, đơn giản bạn chỉ cần dùng các website như khosachnoi.com, Kho sách nói (app Android và iOS), YouTube, Audible (sách nói Tiếng Anh), hoặc google "sách nói"/ "audio book" của quyển sách bạn thích là được. Mà sách nói Việt Nam chưa quá phổ biến nên có thể bạn không tìm được sách quá mới đâu nha. Những cuốn kinh điển rồi thì dễ hơn nhiều.

3. Xem Video về chủ đề bạn yêu thích

Cái này thì không cần giải thích rồi. Đơn giản là thay vì ngồi coi clip linh tinh (chó đánh mèo, vợ chửi chồng, nghệ sĩ hớ hênh,...) bạn có thể dành thời gian ấy để coi clip về chủ đề hay kĩ năng mình thích nhiều hơn.

Đây là cách rất tốt để học được các mẹo nhỏ từ những người thành công đi trước. Nếu đó là chủ đề bạn thích, thì bạn lại vừa giải trí được khi học nữa, quá tiện luôn rồi! Chính bản thân Tú đã sử dụng Youtube để học về planner, bullet journal, brush lettering, thậm chí là các kĩ năng cá nhân và giao tiếp xã hội nữa, nói chung là muôn vàn luôn.

Cái hay của xem video là bạn có thể học rất nhiều mẹo nhỏ áp dụng được ngay, như Tú áp dụng brush lettering vào bullet journal của mình nè:

Học bullet journal.

4. Nói chuyện với người thành công về điều bạn muốn đạt được

Chuyện trò là một trong những cách để ‘trộm lấy’ kiến thức và kinh nghiệm của người đã đi trước một cách nhanh-gọn-lẹ. Bên cạnh việc tiếp xúc với những người trong vòng quan hệ thông thường của bạn, hãy tìm cách làm quen và trò chuyện với những người thành công đi trước trong lĩnh vực bạn quan tâm để tăng nguồn kiến thức của mình.

Điều quan trọng là bạn đừng nói chuyện với người không có kinh nghiệm trong việc họ làm, hoặc chỉ có kinh nghiệm không thành công về lĩnh vực bạn muốn biết. Kiểu như hỏi chuyện đầu tư chứng khoán mà lại tìm một doanh nhân thành công vậy, có thể họ là bậc thầy trên thương trường nhưng chưa chắc họ am hiểu cách đạt lợi nhuận cao trong chứng khoán. Vậy nên, thường những câu trả lời bạn có không thật sự đưa bạn đến thành công bạn muốn (vì họ chưa có những trải nghiệm đó mà).

Nói tóm lại, muốn giỏi cái gì thì đi học từ người đã giỏi cái đó, và hãy nghe lời họ khuyên.

Một điều cần lưu ý nữa đó là: Không phải ai giỏi cũng có khả năng truyền đạt cách đạt được điều đó. Bởi khi bạn nói chuyện với một người, bạn đang bước vào thế giới quan của người ấy. Một số cách thức giúp họ thành công có thể không phù hợp với bạn, hoặc đơn giản là bạn không thể làm giống họ 100% được. Ví dụ như có người dành 20 tiếng/ ngày để chạm tới đam mê của mình, nhưng chưa chắc hiện tại của bạn cho phép bạn đầu tư nhiều thời gian đến thế.

Vậy nên hãy nhớ, tôn trọng và tiếp thu ý kiến của người đi trước, nhưng nhớ chọn lọc và thích nghi chúng với cuộc sống của bạn.

5. Làm một project nhỏ

Học đi đôi với hành. Bởi nếu chỉ đọc sách, coi clip này, nghe người nọ khuyên, cái bạn biết – dù sâu và rộng đến thế nào – cũng chỉ là “người ta nói”. Khi bạn thật sự trải nghiệm, bạn sẽ hiểu nhanh hơn và rõ hơn, biến nó thành một kinh nghiệm thực của bạn, những kĩ năng và giá trị thực cho bạn.

Tại một thời điểm, bạn chỉ nên có tối đa 3 projects. Lý tưởng nhất là chỉ có một. Vì khác với các cách trước, bạn tiếp thu kiến thức một cách khá bị động (bên ngoài cho gì bạn nhận nấy), khi tự tay làm, bạn phải bỏ công sức và tâm huyết hơn để chủ động tìm kiếm các câu trả lời. Vậy nên đừng ôm đồm quá, không thì một sở thích có thể sẽ biến thành một gánh nặng đó.

Nếu bạn chưa có ý tưởng nào cho project thì cách đơn giản nhất là “28 day challenge” cho một kỹ năng bạn đang muốn luyện tập, hoặc làm một thành phẩm nào đó (như photoshop một bức hình để học kỹ năng PS, chạy một chiến dịch MKT để học về FB ad chẳng hạn)

Đây chính là cách để một cô-bé-gà-mờ-26-tuổi học từ Facebook Ad, xây dựng website (chính là Genie Academy này nàyyy), làm video, học Mind map, Sketchnote, đan móc len, và rất nhiều thứ khác một cách thú vị và hiệu quả.

Học Final Cut Pro

6. Quan sát và Đặt câu hỏi ‘Vì sao?’

Cái này nghe thì đơn giản nhưng lại không nhiều người làm, đó là quan sát những người thành thạo thực hiện như thế nào. Nhớ là phải chọn những người đã thành thạo hoặc có thành quả trong việc bạn muốn học nhé. Quan sát xem họ làm gì, nói gì và có tâm thế thế nào trước, trong và sau khi thực hiện kĩ năng ấy.

Một điều quan trọng nữa khi quan sát là hãy đặt câu hỏi “vì sao” họ làm vậy. Đây là để bạn hiểu được cách suy nghĩ của họ, điều mà bạn khó nắm bắt được nếu chỉ qua quan sát. Còn khi đặt câu hỏi vì sao mà bạn không trả lời được, thì đơn giản là hãy đến hỏi họ thôi. Hì:)

Chắc bạn cũng đã để ý đây chính là cách trẻ nhỏ học hỏi, vì vậy nên lượng kiến thức các bé tiếp thu vào phải nói là có tốc độ kinh khủng. Khi lớn lên, vì lý do nào đó chúng ta lại ít hướng ra quan sát con người và thế giới bên ngoài, mà tập trung quá nhiều vào bản thân mình. Đôi khi tốt, nhưng đôi khi đó lại là lý do chúng ta không vui vẻ và phát triển nhanh như những đứa bé.

7. Reflect - Chiêm nghiệm

Điều cuối cùng Tú muốn nói tới, đó là học từ con người của bạn trong quá khứ. Ai trong chúng ta cũng đã trải qua rất nhiều sự việc, góp phần trở thành bạn của ngày hôm nay. Hơn thế, bạn vẫn có thể phát triển nhanh hơn nữa bằng cách chiêm nghiệm lại những điều chúng ta đã trải qua và bài học rút ra từ đó.

Bạn vừa tức giận và lớn tiếng? Hãy ngồi viết lại hoặc suy nghĩ về nguyên nhân và làm sao trong tương lại bạn luôn giữ được bình tĩnh.

Bạn sợ hãi và trốn tránh một thử thách mới? Hãy ngồi viết lại hoặc suy nghĩ về sự việc và đề ra cách thức để bạn không còn bỏ chạy khi cơ hội đến nữa.

Bạn vừa có một bài thuyết trình xuất sắc? Hãy ngồi viết lại hoặc duy nghĩ về cảm xúc và những bước bạn đã thực hiện để nhân rộng thành quả này của mình.

Bằng việc chiêm nghiệm lại bản thân mỗi ngày, bạn sẽ chợt nhận ra có rất nhiều điều thật sự bạn đã biết. Và khi bạn nhận ra điều đó, đầu óc bạn lại được mở ra một chân trời rộng mới.

Bạn có thể không đọc sách, nhưng đừng quên học hỏi mỗi ngày

Vậy đó, sách là nguồn tri thức vô giá khi đúc kết hàng chục năm kinh nghiệm của những người thành công vào từng trang giấy. Nhưng nếu bạn “không có thời gian đọc sách” hay không thích việc ngồi một chỗ lật vài trang sách và nhâm nhi một tách trà, vẫn có rất nhiều cách để bạn có thể học hỏi không ngừng trong mỗi ngày hoạt động.

Học, học nữa, học mãi.

Và biến kiến thức thành sức mạnh và giá trị của bản thân nhé.

Có thể bạn cũng thích:

Rèn luyện mindful (chánh niệm) qua một bài tập nhỏ

Rèn luyện mindful (chánh niệm) qua một bài tập nhỏ

Mục tiêu là gì? (và vì sao nhiều người không hạnh phúc với mục tiêu của mình)

Mục tiêu là gì? (và vì sao nhiều người không hạnh phúc với mục tiêu của mình) {"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"} Đóng hộp thoại

Phiên làm việc đã hết hạn

Hãy đăng nhập lại. Trang đăng nhập sẽ được mở trong cửa sổ mới. Sau khi đăng nhập, bạn có thể đóng cửa sổ và quay lại trang hiện tại.

>

Từ khóa » Cách Có Kiến Thức Rộng