Làm Thế Nào để Tiếp Thu được Nhiều Kiến Thức? | Đọt Chuối Non
Có thể bạn quan tâm
Chào các bạn,
Làm thế nào để tiếp thu được nhiều kiến thức? Chúng ta có thể thấy sự khác biệt rất rõ giữa mọi người. Hai sinh viên ra trường cùng bằng cấp, nhưng sau một thời gian thì kiến thức 2 người khác nhau hoàn toàn, một người thì vẫn cứ tù mù, trong khi người kia thì thông thái ra bội phần, và người tù mù lại có thể là người ra trường với hạng cao hơn. Hai người cùng vào làm một hãng, cùng một lúc, cùng một loại công việc, một người thì lên vù vù, một người thí cứ ì ạch một chỗ. Điều gì đã xảy ra?
Có nhiều cách để lý giải hiện tượng này trong thực tế, nhưng hai điểm quan trọng nhất để lý giải là, thứ nhất, khả năng làm việc chung với mọi người và, thứ hai, khả năng tiếp thu kiến thức. Và hai điều này, thực ra liên hệ mật thiết với nhau.
Chúng ta nghĩ là cứ học nhiều, như là đọc sách nhiều, thì có nhiều kiến thức. (Học ở đây nói theo nghĩa hẹp—ngồi xuống giở sách ra học hay nghiên cứu điều gì đó). Chúng ta thường nghĩ rằng tiếp thu kiến thức là tích cực nhồi kiến thức vào đầu, như là mang từng bao gạo vào kho gạo cho đầy. Đó đúng là một cách tiếp thu kiến thức. Nhưng cách đó vừa chậm vừa mệt (Vác mấy bao tạ nhất định là phải mệt, phải không các bạn. 🙂 ).
Thực ra, kíến thức như ánh sáng mặt trời, chiếu tự nhiên trên vạn vật. Tâm trí là căn nhà dưới ánh mặt trời. Chỉ cần mở toang hết các cánh cửa lớn nhỏ thì ánh sáng ùa vào tràn ngập, chiếu sáng từng ngõ ngách tăm tối trong nhà. Cách tiếp thu kiến thức như vậy vừa nhanh, vừa nhẹ, vừa dễ, vừa hiệu lực, phải không các bạn?
Tiếp thu kiến thức không phải là ì ạch khiêng kiến thức vào nhà kho, mà là mở toang mọi cánh cửa để kiến thức ùa vào. Hai cách tiếp thu này khác nhau, và có thể làm cho kiến thức của hai người khác nhau như 100 và 1 đó các bạn. Không thể xem thường được.
Nhưng điều gì là các cánh cửa tâm trí? À, câu này trả lời thì hơi mệt, vì danh sách thì quá dài. Chúng ta cần nghiên cứu một cách nhớ ngắn gọn hơn. Câu trả lời ngắn nhất và đầy đủ nhất là “cái tôi”, nhưng lại quá trừu tượng, cho nên ta cần phải cụ thể hóa “cái tôi” trong một vài thí dụ điển hình. Nói chung là: Tất cả những gì liên hệ đến việc định hình “Tôi”—định hình bạn là ai—đều là các cánh cửa có thể đóng kín tâm trí mù lòa hay mở rộng cho ánh sáng trí tuệ.
Ví dụ:
• Bằng cấp: Tôi đã có tiến sĩ, chỉ người có tiến sĩ trở lên mới có gì đáng cho tôi chú tâm nghe.
• Tuổi tác: Tôi đã thất thập cổ lai hi, con ruồi bay qua là biết ruồi đực hay ruồi cái. Mấy đứa con nít nói bậy bạ phiền quá.
• Danh tiếng: Tôi đức cao danh trọng, mấy người vô danh tiểu tốt sao cứ lép nhép hoài?
• Tiền bạc: Tôi đã thành triệu phú, mấy bà hàng rong thì biết gì mà bàn luận?
• Kinh nghiệm: Tôi đã làm việc này 20 năm rồi, có gì phải biết nữa?
• Địa vị: Tôi là lãnh đạo cao cấp trong chính phủ, mấy chú biết gì mà láp nháp? • Thái độ: Toàn là một đám lăng nhăng; kẻ sĩ thông thái thức thời về quy ẩn.
• Nơi chốn: Học phải có nơi, như trường học hay thư viện, không phải là tất cả mọi nơi, và nhất định không phải là ngoài đường ngoài chợ.
• Giờ giấc: Học phải có giờ học, không phải là tất cả mỗi phút mỗi giây trong ngày.
• Con người: Học là phải có thầy giỏi hẳn hoi, không phải là bất kỳ ai trên đời cũng có cái gì đó mà mình có thể học.
• Vạn vật: Phải học với thầy có bằng cấp kinh nghiệm; mưa nắng, con đường, cây cỏ, chó mèo, có gì học được?
• Thứ bậc: Học từ thầy chứ làm sao học ngược từ học trò được?
• Gốc gác: Mấy chàng ở Lào Cai thì có gì để học? Dân Trung kỳ (hay Bắc kỳ hay Nam kỳ) thì có gì để học?
• Tôn giáo: Mấy người mê tín dị đoan thì có gì để học? Dân Công giáo Hố Nai thì có gì để học? Dân Hòa Hảo thì có gì để học? Dân Hồi giáo thì toàn là khủng bố, có gì để học?
• Đủ rồi: Tui biết bao nhiêu đó đủ rồi, không cần biết thêm gì hết.
• Thông thái: Cả thiên hạ say chỉ mình ta tỉnh.
Danh sách này có thể dài vô tận, các bạn ạ. Nhưng nói vắn tắt thì: Tất cả những gì giúp ta định hình, định danh, định tính chính mình, đều là những cánh cửa của tâm trí. Nếu chúng ta cứ mở toang chúng ra, thì ánh sáng trí tuệ sẽ ùa vào.
Người ta hay nói “Học một biết mười”, có chuyện đó không các bạn? Thưa có. Nếu các cánh cửa của tâm trí của bạn mở toang, bạn nhìn một chuyện, có thể hiểu ra đến 10 chuyện, trong khi những người khác cũng nhìn sự kiện đó chỉ thấy có 1 chuyện hay ½ chuyện mà thôi.
Và ở đầu bài chúng ta có nói đến khả năng làm việc chung với mọi người như là một yếu tố, bên cạnh yếu tố tiếp thu kiến thức, để lý giải cho thành công, nhưng trong bài ta chẳng nói gì đến điểm này cả. Tại sao? Thưa, lý do là nếu ta mở toang hết các cánh cửa của tâm trí, thì ta sẽ làm việc tốt với tất cả mọi người. Người khiêm tốn và rộng mở như thế luôn luôn rất giỏi về làm việc nhóm (teamwork). Làm việc tốt với mọi người là hệ quả đương nhiên của sự mở rộng tâm trí. Mở rộng các cánh cửa của tâm trí vừa giúp ta tiếp thu kiến thức, vừa giúp ta làm việc tốt với mọi người.
Chúc các bạn một ngày vui vẻ.
Mến,
Hoành
© copyright TDH, 2009 www.dotchuoinnon.com Permission for non-commercial use
Share this:
- More
Related
Từ khóa » Cách Có Kiến Thức Rộng
-
10 Cách đơn Giản Giúp Bạn Hiểu Biết Hơn - Đời Sống - Zing News
-
Cách để Trở Thành Người Hiểu Biết - WikiHow
-
7 Cách Nâng Cao Kiến Thức Của Bạn (bên Cạnh Việc đọc Sách)
-
15 Thói Quen Mỗi Ngày Sẽ Giúp Bạn Ngày Càng Thông Minh Hơn - Genk
-
Bạn đã Gia Tăng Kiến Thức Và Vốn Hiểu Biết Của Mình Thế Nào?
-
Kiến Thức Là Gì? Khái Niệm Kiến Thức Là Gì Mới Nhất? - Luật Hoàng Phi
-
Làm Thế Nào để Có Kiến Thức Xã Hội Rộng - Christmasloaded
-
7 Bước Đột Phá Kiến Thức Mọi Lĩnh Vực
-
Kiến Thức Là Gì Và Cách Học Tập Kiến Thức Hiệu Quả Nhất - Vieclam123
-
Đây Là Những Cách Học Giúp Não Bộ Mở Rộng Kiến Thức Sâu Sắc Và ...
-
Tri Thức Và Tầm Hiểu Biết Sâu Rộng - 2.2 Phương Pháp Phỏng Vấn
-
Có Hiểu Biết Sâu Rộng được Gọi Là Gì - Học Tốt