7 Nguyên Do Làm Vợ Chồng Không Muốn Nói Chuyện Với Nhau

Khi vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau cũng là lúc hôn nhân đang đứng trên bờ vực thẳm. Muốn cứu vãn mối quan hệ thì cả hai cần ngồi lại với nhau để xác định nguyên nhân và tìm ra giải pháp cải thiện.

vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau
Vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau là dấu hiệu cho thấy hôn nhân đang dần rạn nứt

Vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau do đâu? 7 Nguyên nhân phổ biến

Giao tiếp là phương tiện để biểu đạt suy nghĩ, mong muốn và tình cảm. Duy trì việc giao tiếp là yếu tố quan trọng để xây dựng và phát triển một mối quan hệ.

Thông thường, mối quan hệ chỉ rơi vào trạng thái im lặng khi cả hai xuất hiện mâu thuẫn. Tuy nhiên, một vài cặp vợ chồng gặp phải tình trạng không muốn nói chuyện với nhau ngay cả khi không giận hờn. Những cặp vợ chồng này thường chỉ giao tiếp khi cần thiết, lời nói và ngữ điệu hoàn toàn không có sự quan tâm hay yêu thương.

Vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau là dấu hiệu cho thấy cuộc hôn nhân của bạn đang xảy ra vấn đề. Khách quan mà nói, các cặp đôi hiếm khi giữ được tình cảm mặn nồng và sâu đậm như khi còn yêu nhau. Trải qua thời gian dài chung sống, tình nghĩa vợ chồng được vun đắp và nuôi dưỡng. Lúc này, tình yêu có thể phai nhạt nhưng thứ nuôi dưỡng mối quan hệ là sự thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ.

Tuy nhiên, không ít cặp đôi bước vào cuộc sống hôn nhân rất mặn nồng nhưng sau đó tình cảm lụi tàn nhanh chóng, cả hai ít giao tiếp và thậm chí không muốn nói chuyện với nhau. Nếu chỉ nhìn ở bên ngoài, cuộc hôn nhân của họ trông có vẻ bình yên và đầm ấm nhưng ít ai biết rằng mầm mống của sự rạn nứt đã được hình thành.

Để cứu vãn hôn nhân, cả hai nên tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp cải thiện việc vợ chồng không muốn nói chung với nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:

1. Khác biệt về suy nghĩ, quan điểm sống

Khác biệt về suy nghĩ và quan điểm sống có thể khiến cả hai không muốn trò chuyện cùng nhau. Thực tế, sự khác biệt là một phần giúp cuộc sống hôn nhân trở nên thú vị và nhiều màu sắc hơn. Tuy nhiên, khác biệt quá lớn đôi khi là lý do tạo ra khoảng cách giữa hai người.

vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau
Khác biệt quá lớn về suy nghĩ và quan điểm sống có thể là nguyên nhân khiến vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau

Suy nghĩ, quan điểm sống quá khác biệt khiến cả hai khó có thể chia sẻ với nhau về những vấn đề trong cuộc sống. Bởi khi trò chuyện, đối phương sẽ không hiểu được suy nghĩ và cảm nhận của bản thân. Để tránh mâu thuẫn, nhiều cặp đôi quyết định không chia sẻ hay nói quá nhiều về quan điểm cá nhân.

Về lâu dài, vợ chồng sẽ không muốn nói chuyện với nhau. Cả hai chỉ trò chuyện khi thực sự cần thiết và một ngày đôi khi chỉ nói với nhau vài câu. Những cặp đôi này thường ít cãi vã, không có sự gian dối và phản bội xuất hiện nhưng không hề hạnh phúc.

2. Không ai chịu lắng nghe ai

Một nguyên nhân khác khiến cho các cặp vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau là không ai chịu lắng nghe ai. Cái tôi quá lớn khiến hai người không thể dung hòa trong suy nghĩ và quan điểm sống. Khi chỉ chăm chăm thể hiện cái tôi, cả hai sẽ khó có thể xây dựng một cuộc trò chuyện đúng nghĩa.

Thay vì cảm nhận được sự chia sẻ và thấu hiểu, những cặp đôi chỉ nhận được sự mệt mỏi, bực dọc sau mỗi lần trò chuyện. Do đó, theo thời gian, họ sẽ không còn có nhu cầu giao tiếp với nhau.

vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau
Không ai lắng nghe ai khiến các cặp đôi thường xuyên cãi vã và giảm dần nhu cầu giao tiếp

Giao tiếp được ví như nguồn nước nuôi dưỡng một cái cây xanh tốt. Cuộc hôn nhân thiếu đi sự chia sẻ và giao tiếp giống như một cái cây đang chết dần chết mòn mặc dù bên ngoài trông có vẻ chắc chắn và vững chãi. Nếu không có giải pháp cải thiện, cuộc hôn nhân chắc chắn sẽ đi đến bờ vực đổ vỡ.

3. Do sự vô tâm trong hôn nhân

Sự vô tâm trong hôn nhân có thể là nguyên nhân làm cho hai vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau. Vô tâm có thể xảy ra ở chồng, vợ hoặc cả hai. Khi một trong hai người vô tâm, những cuộc giao tiếp sẽ dần thưa thớt và họ chỉ trao đổi khi thực sự cần thiết.

Hôn nhân hay những mối quan hệ khác đều phải được vun đắp từ hai phía. Sự vô tâm từ một trong hai người sẽ đẩy hôn nhân đến bờ vực thẳm. Khi nhận thấy đối phương vô tâm, không ít người đã cố gắng trò chuyện và đề nghị họ thay đổi. Tuy nhiên, người vô tâm ít khi lắng nghe, họ chọn cách sống vô trách nhiệm, thờ ơ.

Trước người bạn đời vô tâm, bạn trở nên cô độc trong chính cuộc hôn nhân của mình. Thay vì cố gắng cứu vãn, nhiều người chọn cách im lặng và chỉ giao tiếp khi thực sự cần thiết. Thông thường, những cặp vợ chồng này đều sẽ đi đến quyết định ly hôn sau một thời gian chung sống.

4. Do cả hai kết hôn khi không có tình yêu

Hiện tại, vẫn còn khá nhiều cặp đôi kết hôn khi không có tình yêu do sự sắp xếp của gia đình. Nhiều người chấp nhận lấy người mình không yêu chỉ vì mất lòng tin vào tình yêu. Mặc dù tình yêu chưa bao giờ là đủ để xây dựng hôn nhân nhưng nếu thiếu đi yếu tố này, cả hai sẽ không bao giờ trở thành vợ chồng đúng nghĩa.

Tình yêu là yếu tố cần để xây dựng cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Khi có tình cảm với đối phương, cả hai mới có nhu cầu chung sống lâu dài. Tình yêu cũng giúp cả hai học cách thấu hiểu, chia sẻ, đồng cảm và rộng lượng với những khuyết điểm của bạn đời.

Nếu không có tình yêu, bạn sẽ chỉ nhìn thấy những khuyết điểm của đối phương và không có động lực để xây dựng tổ ấm. Do đó, việc thiếu giao tiếp trong hôn nhân là điều dễ hiểu.

5. Do một trong hai người ngoại tình

Ngoại tình cũng có thể là nguyên nhân khiến cho hai vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau. Khi có mối quan hệ bên ngoài, một trong hai người sẽ không toàn tâm toàn ý cho gia đình. Họ né tránh bạn đời, ít chăm sóc con cái và nhà cửa.

vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau
Khi một trong hai người ngoại tình, hai vợ chồng sẽ ít gần gũi và giảm dần tần suất trò chuyện

Khi ngoại tình, đàn ông hay phụ nữ đều bị hấp dẫn bởi người thứ 3. Họ có xu hướng so sánh nhân tình với bạn đời và bị choáng ngợp bởi sự mới mẻ mà mối quan hệ này mang lại. Trong khi đó, cuộc sống hôn nhân “cũ kỹ” khiến họ cảm thấy mệt mỏi và thậm chí là chán ghét. Với tâm lý này, họ thường không có nhu cầu giao tiếp với bạn đời và hay lảng tránh khi đối phương muốn “gần gũi”.

6. Có quá nhiều vấn đề không thể giải tỏa

Cuộc sống hôn nhân có quá nhiều vấn đề có thể khiến cả hai ngột ngạt, mệt mỏi và không muốn nói chuyện với nhau. Thực tế, hôn nhân khác xa với mối quan hệ yêu đương. Hôn nhân không đơn thuần là câu chuyện của hai người mà còn bao gồm nhiều yếu tố khác như con cái, tài chính, gia đình,…

vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau
Quá nhiều vấn đề không được giải tỏa khiến hôn nhân đi vào ngõ cụt và cả hai không muốn trò chuyện cùng nhau

Nhiều cặp vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau vì mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, các vấn đề từ gia đình hai bên, tài chính khó khăn, bất đồng trong cách nuôi dạy con cái,… Trước những vấn đề này, chỉ có tình yêu là không đủ để cả hai vượt qua. Nếu không giải quyết hết mọi khúc mắc, sự rạn nứt trong hôn nhân sẽ lớn dần cho đến một ngày cả hai không còn muốn giao tiếp, tình cảm trở nên phai nhạt và tàn úa theo thời gian.

7. Bạo lực gia đình khiến vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau

Vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau có thể do bạo lực gia đình. Nhiều người vẫn lầm tưởng các hành vi gây tổn thương thể chất mới là bạo lực. Tuy nhiên, sự im lặng trong một mối quan hệ cũng có thể là biểu hiện của bạo hành hay cụ thể hơn là bạo hành lạnh.

Bạo hành lạnh là tình trạng một trong hai người tỏ ra thờ ơ, không quan tâm và giảm giao tiếp với người còn lại. Họ có thể giữ sự im lặng trong nhiều ngày và chỉ nói chuyện khi thực sự cần thiết. Bạo hành lạnh được sử dụng để gây sức ép tinh thần và khiến nạn nhân phải đối mặt với các cảm xúc tiêu cực như đau khổ, cô độc, buồn bã, bi quan,…

Hiện tại, không ít người sử dụng bạo hành lạnh để trừng phạt vợ hoặc chồng của mình. Sự im lặng kéo dài gây ra cảm giác ngột ngạt, bức bối khiến đối phương phải dằn vặt và đau khổ kéo dài.

Cuộc hôn nhân có sự xuất hiện của bạo hành dù ở hình thức nào cũng đều để lại tổn thương sâu sắc. Khi bạo hành lạnh diễn ra, hai vợ chồng sẽ không còn muốn nói chuyện với nhau. Họ gần như không chia sẻ, không ân ái và cũng không cãi vã. Tuy nhiên, chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu mối quan hệ của họ thực sự đã không còn cách cứu vãn.

Hậu quả của thiếu giao tiếp trong hôn nhân

Như đã đề cập, giao tiếp là yếu tố không thể trong một mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ vợ chồng. Hôn nhân thiếu giao tiếp là một cuộc hôn nhân “mục ruỗng”. Thoạt nhìn bên ngoài, nhiều người lầm tưởng đây là một gia đình hạnh phúc và ấm êm. Đúng là hôn nhân của bạn có thể không cãi vã, không gian dối, mâu thuẫn và chưa bao giờ đề cập đến ly hôn nhưng cũng không hề hạnh phúc.

khi chồng không muốn nói chuyện với vợ
Hôn nhân thiếu giao tiếp sẽ dẫn đến sự xa cách, cô đơn và kết quả là đi đến quyết định ly hôn

Thiếu giao tiếp trong hôn nhân khiến cả hai cô độc trong chính căn nhà của mình. Ngày ngày thứ mà bạn phải đối mặt là sự cô đơn, buồn tẻ, bức bối và chán nản. Cuộc sống trông có vẻ êm đềm này thực chất là dấu hiệu cho thấy một cơn “giông bão” đang kéo đến phá vỡ cuộc hôn nhân đã mục ruỗng từ lâu. Nếu không nỗ lực cứu vãn, quyết định ly hôn là việc sớm muộn sẽ xảy ra.

Vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau phải làm sao?

Một cuộc hôn nhân hạnh phúc không bắt nguồn từ những thứ to lớn mà được nuôi dưỡng từ những điều vụn vặt trông có vẻ bình thường. Trong đó, giao tiếp thường xuyên chính là chất xúc tác giúp cả hai gắn bó và thấu hiểu nhau hơn.

Bản chất của hôn nhân là sự chia sẻ và thấu hiểu. Vì vậy, khi hai vợ chồng ít giao tiếp, nên tìm ra giải pháp để có thể thoải mái chia sẻ với nhau những niềm vui và khó khăn trong cuộc sống. Giống như những mối quan hệ khác, hôn nhân sẽ chết dần nếu cả hai không cùng vun vén và chăm sóc.

Dưới đây là một số giải pháp giúp bạn cải thiện tình trạng ít giao tiếp trong hôn nhân:

1. Chủ động nhận lỗi

Mâu thuẫn sâu sắc, khó hóa giải là nguyên nhân khiến cho các cặp vợ chồng xa cách và ít giao tiếp. Để hàn gắn mối quan hệ, một trong hai người nên chủ động nhận lỗi. Bạn không nhất thiết phải nhận hết lỗi lầm về mình nhưng để mâu thuẫn xảy ra, tất nhiên một phần lỗi thuộc về bạn.

Chủ động nhận lỗi sẽ giúp chấm dứt những mâu thuẫn và xung đột kéo dài. Khi nhận thấy thiện chí của bạn, bạn đời cũng sẽ thay đổi tích cực và nỗ lực xây dựng tổ ấm. Hôn nhân cần rất nhiều thứ, trong đó luôn cần sự nhường nhịn và vị tha. Vì vậy, đừng quá cứng nhắc khi xảy ra mâu thuẫn. Hãy cố gắng hóa giải những khúc mắc để vợ chồng có thể hiểu hơn về nhau và bình thường hóa vấn đề giao tiếp.

2. Khéo léo hơn khi giao tiếp

Thực tế, nhiều người khá vụng về trong cách ăn nói. Lời nói của họ đôi khi không thực sự ác ý nhưng lại khiến người nghe hiểu nhầm và vô tình làm tổn thương nhau. Thật khó để có thể hòa hợp hoàn toàn với một người có cá tính khác biệt. Tuy nhiên, bạn có thể cải thiện mối quan hệ hôn nhân bằng cách giao tiếp khéo léo và tinh tế.

khi chồng không muốn nói chuyện với vợ
Khéo léo trong giao tiếp giúp cả hai luôn hạnh phúc và muốn chia sẻ cùng nhau mọi vui buồn trong cuộc sống

Khi giao tiếp với nhau, cả hai nên chú ý ngữ điệu và ngôn từ. Bạn không nhất thiết phải trò chuyện quá lịch sự với bạn đời nhưng phải thể hiện sự tôn trọng và quan tâm trong lời nói. Chỉ qua cách giao tiếp, bạn có thể bày tỏ mọi thành ý, sự chân thành và quan tâm của mình dành cho đối phương.

Khéo léo trong giao tiếp sẽ giúp cả hai tránh được những mâu thuẫn và xung đột không đáng có. Ngoài ra, cách xử sự tinh tế cũng sẽ giúp bạn đời tin tưởng và càng thêm yêu bạn.

3. Học cách lắng nghe, chia sẻ

Một trong những lý do khiến cho nhiều cặp vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau là cái tôi quá lớn và không ai lắng nghe ai. Để trở nên hòa hợp hơn, hãy học cách lắng nghe và chia sẻ. Thay vì phàn nàn quá nhiều về đối phương, bạn hãy tự hoàn thiện và thay đổi bản thân. Trước sự thay đổi tích cực từ bạn, đối phương cũng sẽ nhìn nhận lại bản thân và chủ động cải thiện các khuyết điểm.

Trong bất cứ một mối quan hệ nào, lắng nghe cũng là yếu cố cần thiết để tạo nên một trò chuyện đúng nghĩa. Thay vì tập trung nêu lên quan điểm của bản thân, hãy lắng nghe suy nghĩ và quan điểm sống của đối phương. Lắng nghe là cách để bạn thể hiện sự tôn trọng bạn đời, đồng thời hiểu hơn về tâm lý và tính cách của đối phương.

Hôn nhân đúng nghĩa thực ra chỉ là khi bạn than vãn hay nói những chuyện không đầu không đuôi nhưng vẫn có người lắng nghe và sẻ chia. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc không nằm ở sự bình yên “giả dối” mà là sự thấu hiểu, chấp nhận và tôn trọng. Khi thời gian qua đi, cả hai không còn giữ được tướng mạo như thuở xuân thì, chỉ có trao đổi và tâm tình những thứ vụn vặt hằng ngày mới giúp hôn nhân duy trì bền vững.

Ngoài việc lắng nghe, bạn cũng nên chủ động chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống với vợ/ chồng. Trong cuộc sống hôn nhân, sự thành thật và chia sẻ sẽ giúp cả hai xây dựng lòng tin với nhau. Đây là yếu tố để các cặp vợ chồng vun đắp một gia đình hạnh phúc đúng nghĩa.

4. Chấp nhận sự khác biệt

Trong cuộc sống cũng như hôn nhân, có những vấn đề không thể phân định rạch ròi đúng hay sai mà chỉ đơn giản là sự khác biệt. Để hôn nhân hòa hợp và ấm êm, bạn nên học cách chấp nhận sự khác biệt. Thay vì cố gắng bảo vệ quan điểm của mình và khăng khăng muốn đối phương thừa nhận, hãy tôn trọng ý kiến của bạn đời cũng như yêu cầu họ tôn trọng quan điểm của bạn.

Chấp nhận sự khác biệt giúp cả hai học cách tôn trọng nhau, cho nhau cuộc sống riêng tư ngoài những giây phút dành cho gia đình. Khi học được cách chấp nhận, cả hai sẽ tránh khỏi tranh cãi và mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày.

Tuy nhiên, việc chấp nhận khác hoàn toàn với sự thờ ơ và không quan tâm. Chấp nhận là khi bạn vẫn muốn lắng nghe suy nghĩ và quan điểm của đối phương. Đồng thời có nhu cầu được nói ra suy nghĩ, cảm xúc của chính mình.

5. Biết cách giữ lửa hôn nhân

Khi bước vào cuộc sống hôn nhân, tình yêu sẽ khó có thể mãnh liệt và nồng nàn như thuở còn yêu nhau. Tuy nhiên, tình yêu của cả hai sẽ sâu đậm hơn nếu biết cách giữ lửa. Giữ lửa hôn nhân sẽ giúp cả hai luôn hướng về nhau và nghĩ đến nhau đầu tiên khi đạt được thành công hay phải đối mặt với thất bại.

khi chồng không muốn nói chuyện với vợ
Giữ lửa hôn nhân giúp cho tình yêu của cả hai được nuôi dưỡng và đứng vững trước những sóng gió của cuộc đời

Nhiều cặp vợ chồng vì lo cơm áo gạo tiền và phát triển sự nghiệp mà quên mất nuôi dưỡng tình yêu với đối phương. Tình cảm phai nhạt rất khó để bồi đắp trở lại khi cả hai chung sống quá lâu.

Để tình yêu của cả hai luôn được nuôi dưỡng, bạn phải học cách giữ lửa hôn nhân. Hãy bắt đầu bằng cách quan tâm, chia sẻ cùng bạn đời niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống. Tôn trọng và cho đối phương không gian riêng để có thể gặp gỡ bạn bè, chăm sóc bản thân và mở rộng các mối quan hệ. Cả hai cũng nên dành cho nhau những hành động lãng mạn để tình yêu luôn được tươi mới.

6. Tìm gặp chuyên gia tâm lý

Khi không thể hóa giải mâu thuẫn và cải thiện giao tiếp trong hôn nhân, các cặp vợ chồng nên tham vấn tâm lý để tránh phải đi đến quyết định đáng tiếc. Chuyên gia tâm lý sẽ giúp cả hai nhìn nhận lại vấn đề mà bản thân và đối phương đang gặp phải, đồng thời khuyến khích vợ, chồng cùng nhau chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc một cách thành thật.

Trị liệu tâm lý giúp vợ chồng thấu hiểu nhau hơn và cùng tìm ra giải pháp để giải quyết những khúc mắc, mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày. Khi trị liệu tâm lý, chuyên gia cũng sẽ giúp cả hai thay đổi cách giao tiếp và ứng xử để gia tăng sự hòa hợp trong mối quan hệ. 

Nếu hôn nhân đang có dấu hiệu rạn nứt, hai người không tìm được tiếng nói chung, đừng ngần ngại tìm gặp chuyên gia. Phương pháp tâm lý trị liệu sẽ giúp chữa lành tâm bệnh và thân bệnh, hồi phục sức khỏe và tâm lý một cách tự nhiên và không cần sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

Hy vọng qua những chia sẻ trên, bạn đọc đã hiểu hơn về các nguyên nhân khiến hai vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau và cách cải thiện thiếu giao tiếp trong hôn nhân. Nếu tình trạng không được cải thiện, nên tìm gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.

Tham khảo thêm:

  • 9 Dấu hiệu tình cảm vợ chồng phai nhạt và hết yêu nhau
  • Khi nào nên ly hôn? 10 Dấu hiệu bạn nên chấm dứt hôn nhân
  • [Bỏ túi] 10 cách làm chồng yêu vợ nhiều hơn chị em nên nằm lòng

Từ khóa » Học Cách Chia Sẻ Với Chồng