7 Nguyên Nhân Gây Nhức Mắt Bạn Không Ngờ Tới • Hello Bacsi

Nhức mắt là cụm từ dùng để mô tả cảm giác khó chịu xảy ra ở trên bề mặt hoặc sâu bên trong mắt. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến cả hai bên mắt, hoặc đôi khi chỉ là bị nhức 1 bên mắt (nhức mắt trái hoặc nhức mắt phải).

Thông thường, nhức mỏi ở trên bề mặt mắt có thể là do chấn thương hoặc tác động của dị vật. Trong khi đó, nguyên nhân gây đau nhức hốc mắt đôi khi liên quan đến một số vấn đề sức khỏe khác nghiêm trọng hơn.

Các nguyên nhân gây nhức ở trên bề mặt mắt

Nhức mỏi ở trên bề mặt mắt có thể do một số nguyên nhân phổ biến dưới đây:

1. Dị vật làm nhức mắt

Đây là nguyên nhân thường gặp nhất khiến mắt bị nhức. Hiện tượng bị nhức mắt chỉ đơn giản là do có vật gì đó rơi vào mắt. Dị vật trong mắt có thể là lông mi, bụi bẩn, lớp trang điểm hoặc vụn kim loại, sạn vô cơ (cát, hạt đá nhỏ), mùn cưa,… 

Ngoài cảm giác mắt đau nhức, dị vật mắc kẹt ở giác mạc còn có thể gây kích ứng, đỏ và chảy nước mắt. Nhìn mờ và nhạy cảm với ánh sáng cũng có thể xảy ra ở một số người.

2. Mòn giác mạc

Giác mạc là một lớp mô trong suốt nằm phía trước nhãn cầu. Nó mỏng và rất dễ bị trầy xước cho các tác động từ bên ngoài. 

Mặc dù hầu hết các trường hợp trầy xước giác mạc đều không nghiêm trọng và sẽ tự lành trong vòng 24 giờ, nhưng chúng sẽ khiến bạn có cảm giác đau nhức mắt rất khó chịu, đồng thời mắt cũng trở nên nhạy cảm với ánh sáng và chảy nước mắt.

Vết xước sâu hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng mắt nghiêm trọng và thậm chí là loét giác mạc nếu không được điều trị. Chúng ta thường không thể tự phân biệt được vết xước nhỏ và vết mài mòn sâu, vì thế bạn nên đi gặp bác sĩ nhãn khoa nếu cảm giác khó chịu bất thường ở mắt.

3. Nhức mắt do khô mắt

nhức mỏi mắt

Một nguyên nhân rất phổ biến khác mỏi mắt nhức mắt là khô mắt. Thông thường cảm giác khó chịu do chứng khô mắt sẽ xảy ra từ từ và chậm hơn so với đau nhức mắt do dị vật hoặc mài mòn giác mạc. Đôi khi khô mắt có thể dẫn đến mòn giác mạc do không có đủ nước trên bề mặt mắt để giữ cho giác mạc ẩm và trơn.

4. Viêm kết mạc

Kết mạc là lớp màng niêm mạc che phủ phần củng mạc (lòng trắng) của nhãn cầu và phía trong của mi mắt. Lớp niêm mạc này có thể bị viêm do dị ứng hoặc nhiễm trùng. Mặc dù mắt đau nhức thường nhẹ, nhưng tình trạng viêm sẽ gây ngứa, đỏ và chảy dịch trong mắt. Vì vậy, viêm kết mạc còn được gọi là đau mắt đỏ.

5. Mắt bị nhức do chấn thương

Bỏng giác mạc có thể gây ra tình trạng đau nhức mắt nghiêm trọng. Những vết bỏng này thường là hậu quả của việc tiếp xúc trực tiếp với hóa chất hoặc các nguồn sáng cường độ cao, chẳng hạn như mặt trời hoặc hồ quang điện phát ra trong quá trình hàn kim loại (đau mắt hàn).

6. Viêm bờ mi

Các tuyến dầu trên bờ mí mắt bị viêm nhiễm do vi khuẩn sẽ dẫn đến viêm bờ mi cùng một loạt các biểu hiện như nhức mỏi mắt, sưng đỏ mí mắt, giảm thị lực,…

7. Kích ứng kính áp tròng

Những người đeo kính áp tròng qua đêm hoặc không vệ sinh kính đúng cách rất dễ bị nhức mắt do kích ứng hoặc nhiễm trùng.

Các nguyên nhân gây đau nhức hốc mắt

Đau nhức hốc mắt không chỉ là những cảm giác khó chịu thông thường, đôi khi còn có thể liên quan đến một số bệnh lý khác. Các trường hợp dưới đây có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau nhức hốc mắt:

Chứng đau nửa đầu

đau nhức hốc mắt

Nhức mắt đau đầu là hai dấu hiệu thường thấy nhất ở những bệnh nhân mắc chứng đau nửa đầu. Trong trường hợp này, tình trạng nhức mỏi hầu như chỉ xuất hiện ở một bên mắt, kèm theo đó là cảm giác đau ở một vài vị trí khác trên cùng một bên đầu. Cơn đau đầu và bị nhức 1 bên mắt có thể kéo dài từ vài giờ cho đến vài tuần lễ, sau đó tự động biến mất. Mặc dù hiếm, nhưng đôi khi người bệnh có khả năng phải chịu đựng các cơn đau này vĩnh viễn.

Viêm xoang

Nhức mắt là bệnh gì? Đau nhức hốc mắt do nguyên nhân viêm xoang có thể ảnh hưởng đến cả hai mắt, tuy nhiên mức độ thường ít nghiêm trọng hơn so với chứng đau nửa đầu. Do xoang mũi và hốc mắt là hai khu vực có cấu trúc liên quan chặt chẽ với nhau, nên bất kỳ sự viêm nhiễm nào ở xoang mũi cũng có thể gây ra áp lực đối với mắt.

Viêm dây thần kinh thị giác

Bạn cũng có thể gặp phải triệu chứng mắt bị đau nhức nếu dây thần kinh kết nối mặt sau của nhãn cầu với não (còn được gọi là dây thần kinh thị giác) bị viêm. Tình trạng viêm này có thể liên quan đến bệnh đa xơ cứng, bệnh nhiễm trùng hoặc các bệnh tự miễn khác.

Cảm giác đau nhức thường tăng lên khi cử động mắt, bên cạnh đó người bệnh cũng bị giảm thị lực và giảm khả năng nhận biết màu sắc. Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến mù lòa.

Glôcôm (cườm nước)

Bệnh lý này là một tình trạng tổn thương thần kinh thị giác do áp suất bên trong mắt tăng lên. Các triệu chứng cườm nước thường không rõ ràng và còn tùy thuộc vào loại bệnh mà người bệnh mắc phải. Nhưng nhìn chung, hầu hết trường hợp sẽ có biểu hiện buồn nôn, đỏ mắt và đau đầu nhức mắt. 

Nếu không được điều trị đúng cách, glôcôm có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian và có khả năng dẫn đến mù lòa.

Ngoài các nguyên nhân kể trên, đau đầu nhức mắt cũng có thể là biểu hiện của một số vấn đề như viêm mạch máu, chấn thương xuyên thấu ở mắt do tai nạn, hội chứng thị giác màn hình,…

Nhức mắt phải làm sao? Cách làm giảm nhức mắt hiệu quả

điều trị nhức mỏi mắt

Cảm giác mỏi mắt và khó chịu ở mắt luôn khiến chúng ta mệt mỏi và nôn nóng muốn chữa khỏi, tuy nhiên, không nên vì thế mà tự ý quyết định biện pháp chữa trị. Vậy, bị đau nhức mắt phải làm sao? Bạn nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa để tìm ra nguyên nhân và được chỉ định cách điều trị phù hợp nhất, đặc biệt là khi kèm triệu chứng đau đầu.

Bị nhức mắt nên làm gì? Một số biện pháp điều trị có thể được thực hiện bao gồm:

  • Nghỉ ngơi. Đây chính là việc đầu tiên cần làm vì việc nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại, máy tính hoặc ti vi sẽ khiến mắt mỏi nhiều hơn. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn nghỉ ngơi và tránh ánh sáng trong ít nhất một ngày. Đồng thời, bạn cần tạm ngưng đeo kính áp tròng, hãy sử dụng kính gọng nếu có tật khúc xạ.
  • Chườm ấm. Đắp khăn ấm lên mắt có thể làm giảm các biểu hiện sưng, đỏ, đau trong một số trường hợp bị viêm.
  • Loại bỏ dị vật. Nếu nguyên nhân nhức mắt là do dị vật hoặc hóa chất, bạn cần phải rửa thật kỹ mắt bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý để đẩy trôi dị vật hoặc chất kích ứng ra ngoài.
  • Sử dụng thuốc. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc phù hợp, có thể là thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng dị ứng dùng đường uống, tra mắt hoặc nhỏ mắt. Nếu cảm giác nhức mỏi mắt dữ dội và gây cản trở cuộc sống hàng ngày, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau để kiểm soát cơn đau nhức.
  • Phẫu thuật. Một số trường hợp tổn thương do dị vật hoặc vết bỏng phải cần đến phẫu thuật để điều trị, tuy nhiên điều này rất hiếm xảy ra. Ngoài ra, đối với những người mắc bệnh tăng nhãn áp, có thể cần sử dụng biện pháp phẫu thuật laser để cải thiện hệ thống dẫn lưu nước trong mắt. 

Hi vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về chứng mắt bị nhức 1 bên hoặc cả 2 và biết khi bị nhức mắt phải làm sao. Nhức và bị đau 1 bên mắt là một tình trạng không đáng lo ngại nếu xác định được nguyên nhân và điều trị thích hợp. Vì vậy, khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nào ở mắt, tốt nhất là bạn đi khám ngay. Bên cạnh đó, bạn cũng nên thăm khám mắt định kỳ.

Từ khóa » Khó Chịu ở Mắt Là Bệnh Gì