70 Năm Hành Trình Của ý Chí, Niềm Tin Và Khát Vọng - TYM

Với truyền thống tốt đẹp, vẻ vang và bản lĩnh chính trị vững vàng cùng sự năng động, sáng tạo của gần 35 vạn cán bộ ngân hàng hôm nay, ngành Ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới, góp thêm những trang sử hào hùng vào dòng chảy lịch sử của Ngành, xứng đáng với niềm tin, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho ngành Ngân hàng thân yêu của chúng ta.

Ngày 6/5/1951, khi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp bước sang giai đoạn quyết định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, đặt nền móng cho sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay. Sau 70 năm xây dựng và trưởng thành với biết bao tâm huyết, trí tuệ, bản lĩnh vượt qua gian khó, kể cả mất mát hy sinh trong chiến tranh và sau khi hòa bình lập lại của các thế hệ cán bộ ngân hàng, ngành Ngân hàng Việt Nam đã đạt được những kết quả hết sức vẻ vang và rất đáng tự hào, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà cũng như trong công cuộc đổi mới, phát triển, hội nhập của đất nước. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chia sẻ cùng Thời báo Ngân hàng về những chặng đường lịch sử này.

70 nam hanh trinh cua y chi niem tin va khat vong
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú

Ông có thể chia sẻ những dấu ấn nổi bật trong hành trình phát triển của Ngành gắn với diễn biến lịch sử phát triển của đất nước, dân tộc?

Sự ra đời của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam là một bước ngoặt lịch sử, là kết quả nối tiếp của quá trình đấu tranh, xây dựng hệ thống tiền tệ, tín dụng độc lập, tự chủ, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, thay đổi về bản chất trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng ở nước ta.

Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, các hoạt động của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã góp phần rất quan trọng củng cố hệ thống tiền tệ độc lập, tự chủ của đất nước, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, tăng cường lực lượng kinh tế quốc doanh. Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, để huy động toàn bộ sức người, sức của cho kháng chiến, thời gian này đã có những “ngân hàng không khóa” và những “kho tiền nằm trong nhân dân”. Có lẽ chỉ Việt Nam mới có được những ngân hàng và kho tiền độc đáo và rất an toàn như thế, thể hiện ý chí và tinh thần dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong kháng chiến chống Mỹ, hoạt động của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tập trung vào việc góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa miền Bắc và chi viện cho miền Nam. Trong giai đoạn này, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được đổi tên thành Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vào ngày 21/01/1960; Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam được thành lập vào ngày 26/04/1957 và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam thành lập vào ngày 01/04/1961 nhằm đáp ứng yêu cầu mở rộng thanh toán quốc tế, tăng cường xuất nhập khẩu, tiếp nhận và thanh toán viện trợ, bảo đảm thanh toán quốc tế thông suốt phục vụ đời sống sản xuất, chiến đấu.

Năm 1968 đã có 452 cán bộ ngân hàng lên đường chi viện cho chiến trường miền Đông Nam Bộ (B68) khi tuổi đời còn rất trẻ; đã có 68 cán bộ ngân hàng sang giúp đỡ nước bạn Lào anh em (1968-1975). Các cán bộ ngân hàng kiên trung đã không quản ngại gian khổ và cả mất mát, hy sinh, vừa tham gia đánh địch trên mặt trận kinh tế, tài chính tiền tệ; vừa trực tiếp tham gia chiến đấu cùng các lực lượng vũ trang đấu tranh, giải phóng đất nước. Thời kỳ ấy, cùng những chiến sĩ ngân hàng kể cả ngoài Bắc và trong Nam hoạt động bí mật và bằng mưu trí dũng cảm, sáng tạo đã tạo nên “Con đường tiền tệ” huyền thoại và lập nhiều chiến công, kỳ tích, tuy thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng, chi viện nguồn lực tài chính cho chiến trường miền Nam, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta. Ngành Ngân hàng, đặc biệt là các thế hệ đi sau luôn trân trọng biết ơn và tự hào về những gì mà các thế hệ ngân hàng đi trước đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, giải phóng dân tộc và thống nhất nước nhà.

Sau khi đất nước thống nhất, trong giai đoạn khôi phục kinh tế sau chiến tranh (1975-1985), NHNN Việt Nam đã thực hiện thanh lý hệ thống ngân hàng của chế độ cũ ở miền Nam, thành lập bộ máy hoạt động thống nhất trên toàn quốc; thu hồi tiền cũ ở cả hai miền Nam – Bắc và phát hành tiền mới nhằm thống nhất tiền tệ trong cả nước. Trong giai đoạn này, hệ thống ngân hàng đã tập trung huy động vốn, cung ứng tín dụng, tiền mặt và phương tiện thanh toán để nhanh chóng khắc phục hậu quả và hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục nền kinh tế. Trong hoạt động tiền tệ và chu chuyển dòng vốn lúc này cũng đã cho thấy rất cần vốn cho sản xuất và lưu thông hàng hóa. Cũng trong giai đoạn này, mặc dù gặp vô vàn khó khăn, gian khổ, thiếu cán bộ ngân hàng chi viện cho các tỉnh phía Nam, nhưng thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, hơn 500 cán bộ ngân hàng đã lên đường sang giúp nước bạn Campuchia (1979-1989) để khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh.

Bước sang thời kỳ đổi mới, thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để kinh tế đất nước từ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI năm 1986 của Đảng đến nay, ngành Ngân hàng đã từng bước đổi mới và hoàn thiện về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động cũng như công tác quản lý và điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng. Trong vòng 4 năm từ 1986-1990, NHNN đã thí điểm từng bước và tháng 3/1988, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định 53-HĐBT thực hiện tách chức năng quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng kinh doanh tiền tệ, tín dụng, chuyển hoạt động ngân hàng sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa và hình thành hệ thống ngân hàng 2 cấp.

Tháng 5/1990, hai pháp lệnh Ngân hàng là Pháp lệnh NHNN Việt Nam, Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính ra đời đã xác định rõ hành lang pháp lý cho hoạt động của NHNN và các loại hình ngân hàng chuyên doanh và sau này là các NHTM, TCTD. Từ đó đến nay, ngành Ngân hàng đã khởi xướng, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp với yêu cầu và thực tiễn phát triển của đất nước, nhờ đó đã góp phần quan trọng đẩy lùi và kiềm chế lạm phát, từng bước ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, huy động và cung ứng chủ yếu nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển nền kinh tế; phát triển dịch vụ thanh toán, ngày càng đa dạng các loại hình dịch vụ ngân hàng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, ngành Ngân hàng mở rộng hợp tác song và đa phương trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Có thể khẳng định, trong chặng đường 70 năm qua, ngành Ngân hàng luôn đồng hành và đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và công cuộc đổi mới, phát triển, hội nhập của đất nước. Những thành tựu lớn lao đó đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. NHNN Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng (năm 2006), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1996, năm 2011 và năm 2016) và nhiều phần thưởng cao quý khác. Các tổ chức tiền tệ đặc biệt của ngành Ngân hàng phục vụ kháng chiến (N2683, B29 và C32) đã vinh dự được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; nhiều đơn vị trong Ngành được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; hàng ngàn tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Những thành tựu và kết quả to lớn đó sẽ tạo nền tảng vững chắc để các thế hệ cán bộ ngân hàng đi sau kế thừa và phát triển.

Kể từ khi chuyển đổi thành mô hình 2 cấp, NHNN thực hiện song hành hai chức năng vừa là cơ quan của Chính phủ, vừa là NHTW của nước CHXHCN Việt Nam. Đây là sự khác biệt giữa NHNN Việt Nam với NHTW các nước trên thế giới. Ông có thể nói rõ hơn lý do vì sao NHNN Việt Nam có mô hình đặc thù này và hiệu quả của nó trong thời gian qua?

Kể từ khi thành lập vào năm 1951 cho đến 1988, hệ thống ngân hàng được tổ chức, vận hành theo mô hình ngân hàng một cấp là sự phù hợp cần thiết với cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp và trong điều kiện đất nước vừa giành độc lập, phải tập trung mọi nguồn lực cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và khắc phục hậu quả sau chiến tranh, kiến thiết và xây dựng đất nước.

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986 do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, trước đòi hỏi cần phải tháo gỡ, cởi trói những ràng buộc của cơ chế cũ, mô hình ngân hàng một cấp đã trở nên lỗi thời và không còn phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi đổi mới, phát triển kinh tế mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra. Vì vậy, từ năm 1988, hệ thống ngân hàng chính thức chuyển sang mô hình hoạt động hai cấp, tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và chức năng kinh doanh tiền tệ, hoạt động ngân hàng của hệ thống các ngân hàng thương mại.

Thông thường vai trò của NHTW các quốc gia trên thế giới chủ yếu là đảm bảo ổn định tiền tệ, an toàn hệ thống, kiểm soát lạm phát. Khác với NHTW các nước, NHNN Việt Nam còn là cơ quan ngang bộ, thuộc tổ chức, bộ máy của Chính phủ Việt Nam, thực hiện đồng thời cả hai chức năng điều hành chính sách tiền tệ quốc gia và quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng. Theo đó, ngoài nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ, NHNN Việt Nam còn có nhiệm vụ quan trọng là xây dựng cơ chế chính sách, thúc đẩy khai thác các nguồn lực vốn bằng tiền trong xã hội phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình chính sách, an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh… theo chủ trương của Đảng, Nhà nước trong từng giai đoạn, từng thời kỳ. Đây chính là sự khác biệt riêng có của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang thực hiện với tính ưu việt lấy lợi ích của người dân làm mục đích và không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Vì vậy, trong quá trình quản lý điều hành, NHNN luôn phải đảm bảo hài hòa giữa 2 chức năng là cơ quan của Chính phủ và là NHTW của nước CHXHCN Việt Nam để góp phần làm đậm thêm tính nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa và thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững theo đúng định hướng mà Đảng ta đã đề ra.

Với mô hình 2 cấp ngày càng hoàn thiện, hệ thống ngân hàng ngày càng phát triển mạnh mẽ về quy mô, mạng lưới, loại hình sở hữu, tiện ích, dịch vụ ngân hàng và thực hiện tốt hơn vai trò huyết mạch của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trong đó 4 NHTM Nhà nước luôn đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt thị trường tiền tệ, ngân hàng và là trụ cột hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tính đến nay dư nợ cho vay nền kinh tế của hệ thống các TCTD đạt hơn 9,2 triệu tỷ đồng (vượt rất xa so với mức 10,1 nghìn tỷ năm 1991), bằng 140% GDP, góp phần quan trọng cung ứng đủ vốn phục vụ đầu tư và cơ cấu lại nền kinh tế.

Sự lớn mạnh của hệ thống các TCTD đã được các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế và tổ chức xếp hạng quốc tế đánh giá cao. Theo Brand Finance Banking 500, đến năm 2020, Việt Nam đã có 9 ngân hàng nằm trong bảng xếp hạng 500 thương hiệu ngân hàng lớn nhất toàn cầu.

70 nam hanh trinh cua y chi niem tin va khat vong

Theo ông, đâu là yếu tố quyết định cho những thành tựu to lớn của ngành Ngân hàng trong suốt 70 năm qua?

Tôi cho rằng, để ngành Ngân hàng có được những thành tựu to lớn như ngày hôm nay, ngoài yếu tố quan trọng là sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, thì yếu tố mang tính quyết định chính là sự cống hiến hết mình và bản lĩnh, trí tuệ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành.

Từ những ngày đầu thành lập đầy gian khổ và thiếu thốn, lúc nào cũng có thể đối mặt với hiểm nguy, thậm chí là hy sinh, nhưng những người cán bộ ngân hàng thời kỳ đó bằng lòng quả cảm, niềm tin son sắt với Đảng và Bác Hồ đã làm nên những “ngân hàng không khóa” và “con đường tiền tệ huyền thoại”, có một không hai trên thế giới. Trong 2 cuộc kháng chiến đó, có hàng vạn những tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong phong trào thi đua yêu nước của ngành Ngân hàng, hàng trăm cán bộ ngân hàng đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên nhiều mặt trận, cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho tổ quốc.

Sau hòa bình lập lại và bước vào thời kỳ đổi mới, các thế hệ cán bộ ngân hàng đi sau tiếp tục không quản ngại khó khăn, sẵn sàng đương đầu với thử thách, phát huy cao độ bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần sáng tạo và đổi mới tư duy, không ngừng nỗ lực xây dựng hệ thống ngân hàng ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, tiến gần hơn đến các thông lệ, chuẩn mực quốc tế và thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong quá trình vận động và phát triển đi lên đó, cũng đã có tập thể, cá nhân mắc sai lầm, vì lợi ích cá nhân, sự cám dỗ của đồng tiền để rồi vi phạm khuyết điểm. Nhưng đó chỉ là thiểu số trong lớp lớp thế hệ cán bộ ngân hàng kiên trung, tâm huyết và có trách nhiệm với Đảng, Nhà nước, với dân tộc, với Ngành và với nghề, đã và đang cống hiến trọn đời cho sự nghiệp của ngành Ngân hàng thân yêu. Chúng ta mãi mãi trân trọng, biết ơn, lưu giữ và có trách nhiệm viết tiếp những trang sử vàng của các thế hệ đó suốt 70 năm qua.

Bài hát “Em đi làm tín dụng” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay vẫn là hình ảnh của hàng vạn bước chân cán bộ ngân hàng vượt suối, băng đèo, cần mẫn mang nguồn vốn đến với các đối tượng chính sách ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng còn khó khăn, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.

Cho đến ngày hôm nay, gần 35 vạn cán bộ trên khắp mọi miền đất nước vẫn tiếp tục truyền thống thành quả của các thế hệ cha anh, sẵn sàng đối mặt với rủi ro thách thức của những khó khăn phức tạp, cám dỗ trong nền kinh tế thị trường; sẵn sàng vượt qua gian khổ, thiếu thốn của những vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo,… sẵn sàng, chủ động thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới… nhiều lĩnh vực nghiệp vụ ngân hàng rất thầm lặng nhưng rất trách nhiệm trong hoạt động tín dụng, kiểm ngân, kho quỹ, thanh toán… vẫn đang hàng ngày được những cán bộ ngân hàng thực thi với tất cả nhiệt huyết, say mê. Có thể khẳng định, tất cả các cán bộ ngân hàng hôm nay trên tất cả các lĩnh vực, từ NHTW đến NHTM, từ Trung ương đến địa phương đã và đang tiếp tục phát huy cao độ những phẩm chất tốt đẹp, ý thức đạo đức nghề nghiệp để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, tạo bước phát triển đột phá, cùng cả hệ thống chính trị phấn đấu đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo ông, NHNN cần phải làm gì để tiếp tục trở thành động lực cho đất nước trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ở trong và ngoài nước?

Những thành tựu đạt được sau 35 đổi mới và chủ trương, định hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới là động lực và cơ hội cho sự phát triển đi lên của đất nước, trong đó có ngành Ngân hàng trong thời gian tới. Tuy nhiên, bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi và diễn biến nhanh chóng, phức tạp với thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, trong khi yêu cầu đổi mới và phát triển của đất nước ngày càng cao, phức tạp và đi vào chiều sâu. Đối với ngành Ngân hàng, khó khăn, thách thức càng lớn hơn khi phải thích ứng với xu thế phát triển nhanh và mạnh trên nền tảng công nghệ hiện đại từ những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trong giai đoạn phát triển mới, ngành Ngân hàng với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế cần phải khơi dậy khát vọng, ý chí phấn đấu và phát huy sức mạnh thời đại để tạo ra các bước phát triển đột phá mới. Trong đó cần chú trọng một số vấn đề trọng tâm sau:

Thứ nhất, cần xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của đất nước đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra, trong đó cần xác định rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 2045 cho cả NHNN và hệ thống các TCTD.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế và tổ chức, bộ máy phù hợp với xu hướng phát triển mới của thế giới và điều kiện Việt Nam để đảm bảo có hành lang pháp lý đồng bộ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và nâng cao hiệu quả, đảm bảo an toàn hoạt động cho các TCTD.

Thứ ba, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo cán bộ ngân hàng hôm nay có đủ bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết đáp ứng yêu cầu phát triển mới của Ngành, của đất nước, đặc biệt là nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại.

Thứ tư, đặc biệt quan tâm đến công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD, phát triển ngân hàng số và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong hoạt động ngân hàng, phấn đấu ngày càng có nhiều TCTD có quy mô và hiệu quả hoạt động ngang tầm với khu vực và vươn lên ngang tầm Châu Á.

Thứ năm, đẩy mạnh triển khai Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng sinh kế cho người dân và phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Thứ sáu, tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống tốt đẹp, vẻ vang và bản lĩnh chính trị vững vàng cùng sự năng động, sáng tạo của gần 35 vạn cán bộ ngân hàng hôm nay, ngành Ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới, góp thêm những trang sử hào hùng vào dòng chảy lịch sử của Ngành, xứng đáng với niềm tin, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho ngành Ngân hàng thân yêu của chúng ta.

Trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc Thường trực!

Nguồn: Thoibaonganhang.vn

Share

Từ khóa » Sự Ra đời Của Tiền Tệ Việt Nam