Quốc Tế Hóa đồng Tiền Và Sự Hình Thành Trung Tâm Tài Chính Tiền Tệ ...

1. Tác động của chính sách Quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (NDT) đến khu vực và Việt Nam

1.1 Đồng tiền quốc tế hóa và vị thế đồng NDT của Trung Quốc

Một đồng tiền được gọi là quốc tế hóa khi có tiềm lực, được sử dụng rộng rãi bởi các chính phủ và khu vực tư nhân cả ở trong và ngoài nước với đầy đủ 3 chức năng cơ bản của tiền tệ, gồm: phương tiện cất trữ giá trị; phương tiện trao đổi/thanh toán và đơn vị hạch toán/thanh toán. Theo đó, trong hơn một thập niên gần đây, đồng NDT của Trung Quốc đã từng bước được khu vực hóa (trong nội bộ châu Á) và đang hướng tới quốc tế hóa ngày một rộng hơn. Trên thực tế, tháng 11/2015, Hội đồng quản trị Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã tuyên bố, đồng NDT của Trung Quốc đã đáp ứng được tiêu chuẩn có thể sử dụng tự do và sau đó được đưa vào giỏ tiền SDR (quyền rút vốn đặc biệt) để tính giá trị sức mua bình quân của đồng tiền quốc tế từ ngày 1/10/2016. Theo đó, NDT đã trở thành một trong 5 đồng tiền dự trữ toàn cầu, gồm: USD, Euro, đồng Yên, đồng Bảng Anh và NDT. Tỷ trọng NDT chiếm 10,92% trong giỏ tiền tệ SDR, tương đương với tỷ lệ của đồng Yên Nhật. Đối với chức năng là phương tiện trao đổi, đồng NDT đã được sử dụng trong khu vực công tại nhiều nước châu Á và châu Phi ở cả khu vực công và khu vực tư nhân. NDT đã là đồng tiền dùng trong thanh toán thương mại; cho vay ngân hàng và phát hành trái phiếu đang được lưu chuyển ở một vài nước, trong đó đồng NDT đang chiếm tới 60% tổng tiền mặt lưu chuyển ở Mông Cổ và là đồng tiền trao đổi phổ biến thứ 2 ở Hồng Kông. Các biến số khác có khả năng ảnh hưởng tới các nước có sử dụng NDT ngoài Trung Quốc, bao gồm: dữ trữ ngoại hối bằng NDT, trái phiếu NDT, thị trường ngoại hối. Đối với các lực lượng tham gia thị trường tài chính, việc khu vực tư nhân/doanh nghiệp có thể cất trữ, vay hoặc gửi tiền bằng NDT cũng giúp đa dạng hóa rủi ro cho cả dân chúng, doanh nghiệp và ngân hàng, giảm phụ thuộc quá mức vào đồng USD, có thể giảm nhẹ chênh lệch cán cân giữa các đồng tiền. Một rổ cơ cấu dự trữ ngoại tệ mới khi có sự tham gia của đồng NDT cũng giúp ngân hàng trung ương (NHTW) giảm nhẹ rủi ro ngoại hối, giảm áp lực căng thẳng thường có trên thị trường USD.

Để thực hiện mục tiêu quốc tế hóa đồng NDT, Trung Quốc đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp khác nhau, chủ yếu tập trung trong 4 lĩnh vực chính, gồm: dùng trong thương mại quốc tế; khuyến khích đầu tư nước ngoài bằng đồng NDT; ký kết các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với các nước đối tác và phát triển thị trường giao dịch đồng NDT trên phạm vi quốc tế. Đến nay, Trung Quốc đã ký thỏa thuận hoán đổi với 29 nước và vùng lãnh thổ. Mặc dù giá trị của các thỏa thuận này hiện còn rất thấp, nhưng đây là một tiền đề quan trọng cho mục tiêu quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc bởi việc ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ sẽ khơi thông khả năng dùng đồng NDT trong thanh toán ngoại thương và trong dự trữ ngoại hối giữa các nước đối tác. Nhờ đó, hiện nay đã có hơn 50 NHTW các nước có sử dụng NDT trong dự trữ ngoại hối. Mặc dù vậy, tỷ trọng của đồng NDT trong tài khoản dự trữ ngoại hối của các NHTW toàn cầu hiện vẫn còn ở con số rất khiêm tốn, mới chiếm khoảng 1,2% trong khi đó đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ ngoại hối toàn cầu lớn nhất với tỷ trọng 63,5%, tiếp sau là đồng Euro với 20%(1).

Dù đã được IMF đưa vào giỏ SDR, song đồng NDT trên thực tế vẫn chưa được sử dụng rộng rãi trong thương mại và trên các thị trường tài chính quốc tế lớn, vì thế chưa đáp ứng đủ các tiêu chí của một đồng tiền quốc tế. Để thúc đẩy quốc tế hóa đồng NDT, Trung Quốc còn cần phải thực hiện việc tự do hóa hoàn toàn tài khoản vốn, theo đuổi chính sách tỷ giá linh hoạt và tự do hóa lãi suất ngân hàng. Đây là những điều kiện rất khó đối với Trung Quốc bởi những thay đổi chính sách như vậy rất có thể sẽ dẫn tới các xáo trộn trong nền kinh tế và thậm chí làm giảm đà tăng trưởng cao của Trung Quốc. Trong khi đó, nếu không tự do hóa tài khoản vốn, không có sự chuyển đổi tự do đồng NDT thì thị trường đồng NDT ở nước ngoài sẽ không hình thành đầy đủ. Không có một thị trường đồng NDT ở nước ngoài, cũng có nghĩa là Trung Quốc không đạt được mục tiêu quốc tế hóa đồng NDT ngay cả khi đã được nằm trong giỏ SDR của IMF. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy chỉ khi có mức độ phát triển cao của thị trường tài chính cùng với sức mua cao và ổn định của đồng tiền quốc gia mới là những nhân tố đóng vai trò thiết yếu để thúc đẩy đồng tiền của quốc gia đó trở thành đồng tiền quốc tế. Thị trường tài chính Trung Quốc hiện nay tuy có nhiều ngân hàng nhưng lại thiếu sự phát triển theo chiều sâu và chưa có một thị trường vốn đầy đủ. Điều này là một trong các nguyên nhân của tình trạng hoạt động tín dụng phi ngân hàng vẫn đang nở rộ và không kiểm soát được trong thị trường tài chính Trung Quốc.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam. Việc Trung Quốc thực hiện mục tiêu quốc tế hóa đồng NDT sẽ có tác động nhiều tới kinh tế Việt Nam, gồm cả những tác động bất lợi và cũng có những tác động có lợi cho nước ta, đặc biệt là trong hai lĩnh vực ngoại thương và đầu tư.

- Đối với hoạt động ngoại thương:

Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc từ lâu đã mang đặc điểm: xuất hàng thô - nhập hàng tiêu dùng, hàng nguyên liệu công nghệ, máy móc thô sơ và nhiều năm qua Việt Nam luôn nhập siêu rất lớn những mặt hàng trên từ Trung Quốc. Quá trình quốc tế hóa đồng NDT sẽ có tác động tích cực trong dài hạn và gây ra một số khó khăn rất lớn trong ngắn hạn với ngoại thương của Việt Nam, cụ thể:

Khi Trung Quốc phấn đấu đạt mục tiêu quốc tế hóa đồng NDT, đồng NDT sẽ tiếp tục phải tăng giá so với đồng tiền nước ta (VND) vì hai nguyên nhân: Thứ nhất, tỷ giá VND/NDT đã liên tục tăng trong thời gian qua. Thứ hai, các nước muốn quốc tế hóa đồng tiền đều phải thực hiện việc tự do hóa tỷ giá hối đoái. Một trong các nguyên nhân Trung Quốc phải giữ cho giá của đồng NDT liên tục tăng so với đồng USD cũng là nhằm đưa giá trị đồng NDT gần cân bằng với giá trị thực tế trên thị trường, tạo bước đệm cho việc thả nổi tỷ giá khi thời cơ đến. Như vậy, trong ngắn hạn, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam sẽ trở nên đắt đỏ hơn và có lợi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc nhưng Trung Quốc lại không phải là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam mà lâu nay đang là thị trường nhập khẩu chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc. Nhiều năm qua, có một thực trạng là Việt Nam xuất siêu ở khắp nơi trên thế giới lấy ngoại tệ mạnh về để nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Do đó, quốc tế hóa đồng NDT thực chất sẽ làm cho các doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong ngắn hạn khi các doanh nghiệp chưa kịp điều chỉnh hợp đồng, chưa cải tạo được “đường mòn” cũ và chưa tìm được nguồn nhập khẩu nguyên liệu công nghệ thay thế.

Trong dài hạn, đây là cơ hội cho Việt Nam thực hiện hai mục tiêu: Cải thiện thâm hụt cán cân thương mại với Trung Quốc để cải tạo “đường mòn” và tìm nguồn hàng nhập khẩu thay thế, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như bấy lâu nay.

- Đối với hoạt động đầu tư:

Quốc tế hóa đồng NDT sẽ phần nào làm giảm lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trong thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do đồng NDT phải tăng giá, lãi suất trong nước của Trung Quốc có thể sẽ phải tăng cao hơn, lương và các chi phí khác của Trung Quốc cũng sẽ tăng. Do vậy, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc thu hút các dòng dịch chuyển FDI đã và lẽ ra chảy vào Trung Quốc.

Bên cạnh đó, quốc tế hóa đồng NDT cũng sẽ đi kèm việc Trung Quốc thực hiện tự do hóa tài khoản vốn. Với lãi suất trong nước tăng cao, lợi nhuận của việc đầu tư giảm đi, nhiều DN Trung Quốc cũng có thể sẽ lựa chọn đầu tư ra nước ngoài. Kết hợp với việc Việt Nam gia nhập CPTPP, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam có thể sẽ gia tăng trong thời gian tới.

1.2 Một số đề xuất về chính sách tiền tệ của Việt Nam với quá trình quốc tế hóa đồng NDT

Một là, Việt Nam cần rà soát và kiểm soát các dự án đầu tư FDI đã và sẽ vào Việt Nam, đặc biệt là các dự án đầu tư FDI từ Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) bằng đồng NDT. NHTW cần cẩn trọng và tính toán việc dùng đồng NDT làm đồng tiền dự trữ ngoại hối, đồng thời các cơ quan chức năng nên xem xét kỹ lưỡng trong phê duyệt các dự án đầu tư FDI đến từ Trung Quốc. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến từ Trung Quốc đóng góp ngân sách không lớn, tiến độ triển khai dự án chậm, công nghệ thấp, phải bổ sung chỉnh sửa nhiều lần, sử dụng nhiều diện tích đất, thu hút ít lao động người Việt Nam và tạo rác thải lớn.

Hai là, trong quá trình quốc tế hóa, đồng NDT sẽ tăng giá cũng đồng nghĩa với việc các hàng hóa nhập về từ Trung Quốc trở nên đắt đỏ, việc nhập khẩu máy móc, nguyên liệu từ Trung Quốc phải giảm mạnh để điều chỉnh căn bản các vết xe đổ trên “đường mòn” cũ. Việc này liên quan trực tiếp đến việc chủ động tính toán lượng dự trữ ngoại hối là đồng NDT tại NHNN ở mức phù hợp.

Ba là, Việt Nam đang nhập khẩu nhiều loại mặt hàng nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc công cụ sản xuất… từ Trung Quốc. Đây là các đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp. Khi đồng NDT lên giá, giá thành nhập sẽ cao lên, gây khó khăn cho sản xuất trong nước, do đó cần có những điều chỉnh chủ động, phù hợp về chính sách và định hướng thị trường mới cho các mặt hàng này để ứng phó với quá trình đồng NDT lên giá.

Bốn là, vì quá trình quốc tế hóa đồng NDT sẽ tăng giá do đó các DN Việt Nam cần định hướng rõ việc nên giảm tiến tới chấm dứt các thỏa thuận vay và nhận viện trợ của Trung Quốc bằng đồng NDT.

2. Cơ cấu, xu hướng các Trung Tâm Tài Chính ở châu Á

2.1 Vị thế, cơ cấu và xu hướng phát triển các TTTC ở khu vực châu Á

Hiện nay, trên thế giới hầu hết các nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường đều nhất thiết phải có trung tâm tài chính (TTTC) của mình để kết nối không chỉ với nền kinh tế nội mà với cả các quan hệ kinh tế với nước ngoài. Thậm chí ở nhiều quốc gia đã có đồng thời nhiều TTTC đủ mọi qui mô quốc nội và quốc tế. TTTC là địa điểm tập trung nhiều công ty trong các lĩnh vực: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quản lý tài sản và các công ty phụ trợ. Bản thân thị trường tài chính luôn kéo theo các dịch vụ hỗ trợ làm cho TTTC trở nên đa dạng và chuyên nghiệp, bao gồm: các trung gian tài chính (như: ngân hàng, công ty thông tin tín dụng); các tổ chức đầu tư (như Trung tâm quản lý đầu tư, Quỹ hưu trí, Công ty bảo hiểm, Quỹ phòng hộ); Các nhà phát hành nợ (như: các công ty chứng khoán, công ty tài chính và Chính phủ). Các TTTC cũng bao gồm nhiều tổ chức là các công ty chuyên ngành cung cấp các dịch vụ tài chính, như các trung tâm môi giới mua bán, sáp nhập từng phần, toàn phần hoạt động của công ty; các tổ chức dịch vụ tài chính phụ trợ như: các đơn vị xếp hạng tín dụng, các công ty Luật, công ty dịch vụ tư vấn pháp lý, dịch vụ kế toán... Tại các TTTC phải được trang bị cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc hiện đại, thuận tiện bên cạnh hệ thống thị trường thương mại hàng hóa, dịch vụ phát triển và có một cơ sở pháp lý đặc thù, minh bạch, được hỗ trợ bởi một hệ thống chính trị càng ổn định càng phát huy hiệu quả tốt.

Để xác định qui mô của hàng ngàn TTTC hiện có, hiện nay thế giới có 2 chỉ số cơ bản để xếp hạng các thủ đô tài chính quốc tế là: Global Financial Centres Index – GFCI (của Anh) và International Financial Centres Development Index- IFCDI (của Mỹ và Trung Quốc). Trong đó, GFCI xuất hiện trước IFCDI và đã là thước đo năng lực cạnh tranh của các thủ đô tài chính thế giới từ năm 2007. Chỉ số GFCI được tính toán dựa trên đánh giá hoạt động của 29.000 TTTC cỡ lớn trên toàn cầu cùng với 100 chỉ số từ các tổ chức uy tín như Ngân hàng Thế giới (World Bank), OECD, Cơ quan tình báo kinh tế (EIU). Báo cáo về GFCI được thực hiện đều đặn vào tháng 9 và tháng 3 hằng năm. Theo báo cáo tháng 3/2016, thế giới có 10 thủ đô tài chính hàng đầu có chỉ số GFCI từ 700 trở lên, gồm: 01.London (GFCI 800) - Anh; 02.New York (GFCI 792) - Mỹ; 03.Singapore (GFCI 755); 04. Hong Kong (GFCI 753); 05.Tokyo (GFCI 728) - Nhật Bản; 06.Zurich (GFCI 714) - Thụy Sĩ; 07.Thủ đô Washington (GFCI 712) - Mỹ; 08.San Francisco (GFCI 711) - Mỹ; 09.Boston (GFCI 709) - Mỹ và 10.Toronto (GFCI 707) - Canada. Theo đó, riêng nước Mỹ có tới 4/10 thủ đô tài chính lớn nhất toàn cầu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các công ty thương mại và ngân hàng đầu tư ở thành phố New York và châu Âu đang phải cố gắng duy trì lợi nhuận trong bối cảnh bất ổn kinh tế gắn liền với cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng tồi tệ trong khu vực đồng Euro. Mặt khác, các nhân viên ngân hàng, giao dịch viên tại Mỹ và châu Âu cũng đang phải đối mặt với hạn chế khắc nghiệt về các hoạt động tài chính gắn với rủi ro khách quan mang tính khu vực ngày càng gia tăng, có nguy cơ giảm lợi nhuận trong hiện tại và cả trong tương lai. Ngược lại, các ngân hàng, các TTTC tại châu Á lại không bị ảnh hưởng nhiều từ cuộc khủng hoảng tài chính đó và đang được hưởng lợi nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế khá vững chắc bởi thị trường hàng hóa bùng nổ trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kể cả trong bối cảnh hơn một năm thế giới chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID - 19 cho đến nay. Tại châu Á đang nổi lên nhiều TTTC tầm cỡ quốc tế và đang phát triển rất mạnh, như Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Tokyo, Đài Loan (Trung Quốc), Seoul, Thượng Hải, Bangkok..., trong đó, Hong Kong đang đứng ở vị trí số một. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia áp dụng với Hong Kong mới đây(2), tình trạng bất ổn chính trị tại Hương Cảng đã gia tăng khiến nhiều doanh nghiệp tìm cách rút khỏi thành phố này. Trên thực tế, giá thuê văn phòng tại các quận chính ở Hong Kong đang biến động giảm. Nếu quan hệ Mỹ - Trung không có dấu hiệu cải thiện, Hong Kong có thể sẽ mất đi vị thế tài chính hàng đầu khu vực. Trong bối cảnh đó, Singapore là thành phố được hưởng lợi nhiều nhất nhờ các điều kiện về ngôn ngữ, thời tiết, môi trường và mật độ giao thương tương tự Hong Kong, nhưng địa chính trị ổn định hơn có thể sẽ là thành phố soán ngôi đứng đầu của Hong Kong. Ngoài ra, Đài Loan cũng đã và sẽ là một địa chỉ thu hút các doanh nghiệp rút khỏi Hong Kong. Thậm chí nhiều doanh nghiệp Mỹ còn ưu tiên Đài Loan hơn Singapore không chỉ bởi nhiều mối quan hệ gắn bó qua thời gian mà còn vì vị thế địa lý gần gũi. Tokyo (Nhật Bản) cũng là một thành phố tài chính lớn đe dọa vị thế TTTC lớn nhất châu Á của Hong Kong. Nguyên Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã từng công khai quảng bá thế mạnh của Tokyo như một TTTC thay thế vai trò của Hong Kong. Thành phố Seoul của Hàn Quốc cũng xứng tầm như một ứng cử viên đủ sức thay thế Hong Kong... Tóm lại tại châu Á, nhiều Thủ đô tài chính và TTTC quốc tế cỡ lớn đã và đang ngày càng phát triển bền vững hơn, thậm chí đe dọa cả vị thế của các cường quốc TTTC toàn cầu như Mỹ và Anh.

2.2 Một số gợi ý cho Việt Nam

Đến thời điểm đầu năm 2021, Việt Nam đang có 4 trung tâm kinh tế lớn và Thủ đô Hà Nội đại diện ở 3 miền của đất nước, gồm: TP. HCM - Trung tâm của các tỉnh Đông Nam bộ; TP. Cần Thơ - Trung tâm của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; TP Đà Nẵng - Trung tâm của các tỉnh miền Trung, Tây nguyên; TP. Hải Phòng - Trung tâm các tỉnh đồng bằng Bắc bộ; TP. Hà Nội - Trung tâm chính trị, kinh tế và đầu não các bộ ngành của cả nước. Trong các thành phố và trung tâm kinh tế nói trên, có thể khẳng định TP. HCM là địa danh phù hợp nhất để sớm hình thành TTTC cấp khu vực. Hiện nay mật độ tập trung các tổ chức tài chính trên địa bàn TP HCM cao nhất so với cả nước. Chỉ tính riêng hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng đã có tới 2.138 đơn vị, trong đó có 50 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 31 ngân hàng thương mại cổ phần trong nước và 4 ngân hàng quốc doanh. Sau 20 năm vận hành và phát triển, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) cũng đã trở thành thị trường giao dịch cổ phiếu, trái phiếu của các DN niêm yết quy mô lớn và các sản phẩm chứng chỉ quỹ, quỹ hoán đổi danh mục (ETF), chứng quyền có bảo đảm. Tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu tại HoSE đã đạt trên 2,8 triệu tỉ đồng, chiếm trên 90% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cả nước, tương đương 57% tổng sản phẩm nội địa (GDP). TP HCM có vị trí chiến lược nằm giữa hai khu vực kinh tế Đông Nam Á và Đông Bắc Á đang phát triển rất mạnh, múi giờ của TP. HCM lại không trùng với ít nhất 21 TTTC lớn nhất thế giới giúp các giao dịch, di chuyển, hội họp không trùng lắp; Sân bay Long Thành dự kiến sớm triển khai và Tân Sơn Nhất đang được mở rộng, thị trường chứng khoán (TTCK) thành phố đang ngày càng sôi động với nhiều sản phẩm mới tương đồng các sản phẩm trên TTCK quốc tế là những nhân tố hết sức thuận lợi để TP. HCM sớm trở thành TTTC cấp khu vực và triển vọng phát triển rộng hơn trong thời gian không lâu. Với những điều kiện nói trên, đề nghị Chính phủ sớm có kế hoạch cụ thể để xây dựng TTTC Đông Nam Á tại TP HCM.

Để TP. HCM có TTTC cấp khu vực thì Nhà nước, TP. HCM và các định chế tài chính trên địa bàn còn cần phải phấn đấu, khắc phục rất nhiều điểm yếu và phải tạo lập nhiều điều kiện mang tính bắt buộc về thể chế minh bạch, về cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại nhằm thu hút nhà đầu tư, thu hút bạn hàng để đủ sức chào đón sự ra đời một TTTC khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Việt Nam. Những thế mạnh và qui mô hiện có của TP. HCM như đã nói dù sao vẫn chỉ là “vua xứ nhà”. Nếu so với qui mô về đầu mối giao dịch, thể chế và điều kiện hạ tầng để phát triển thành TTTC ở khu vực châu Á thì Việt Nam và TP. HCM còn cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để khắc phục yếu kém, tạo lập chính sách mới, cơ cấu thị trường mới, cơ sở hạ tầng công nghệ mới, bao gồm:

- Về qui mô: thông tin từ TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) cho biết: TP. HCM hiện mới đứng thứ 55 về thu hút thương mại và thứ 128 về quy mô kinh tế của các thành phố trên thế giới. Về nội lực, TP. HCM dù đang chiếm hơn một nửa số DN lớn của cả nước, đang đóng góp 1/4 tổng thu ngân sách, vốn huy động, dư nợ cho vay của cả nước... nhưng tỷ lệ ngân sách được giữ lại so với doanh thu ngày càng giảm khiến cho địa phương không có đủ động lực để phát triển ngang tầm năng lực thực của thành phố. Các chính sách thuế và phí đều ở tầm quốc gia nhưng chưa tạo điều kiện cho sự phát triển năng động của thị trường tài chính của TP. Đây là những vấn đề cần khắc phục. Theo đó, Nhà nước cần sớm ban hành các chính sách và cơ chế đặc thù dành riêng cho TP. HCM để tạo nguồn lực hình thành và vận hành TTTC cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Việt Nam.

- Mục tiêu phát triển TP. HCM trở TTTC của khu vực đã có từ khoảng 20 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, trong khi Thượng Hải của Trung Quốc khởi động sau nhưng đã sớm về đích. Do đó, cần phải tập trung nguồn lực cho TP. HCM trở thành TTTC cấp khu vực. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và cơ chế sử dụng ngân sách chỉ như những năm qua thì TP. HCM muốn có qui mô kinh tế bằng hoặc vượt TTTC Đài Loan hiện nay sẽ còn phải cần tới 15 đến 20 năm nữa. Vì vậy, việc tạo nguồn thông qua tạo môi trường, cơ chế thu hút nhà đầu tư, bạn hàng và đặc biệt là tạo cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại cho TTTC cấp khu vực có thể vận hành suôn sẻ cho một qui mô giao dịch lớn thì chúng ta sẽ có TTTC đúng nghĩa sớm hơn ngay cả khi nhu cầu về qui mô kinh tế chưa đạt tới mức cần thiết.

- Tiền Việt Nam chưa có khả năng chuyển đổi ở ngoài lãnh thổ và tài khoản vốn chưa được tự do hóa cũng là những cản trở quá trình trở thành TTTC quốc tế của Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây không phải là rào cản lớn nhất, nhưng không thể không tính đến các chính sách về tự do hóa tài khoản vốn và thái độ kiên quyết chống lạm phát, bảo vệ sức mua của đồng nội tệ phải ổn định vững chắc, tạo niềm tin về sức mua trong hiện tại và tương lai.

Việt Nam đang có nhiều điều kiện khách quan thuận lợi để xây dựng một TTTC cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương bên cạnh các TTTC tại 2 TP lớn của đất nước là Hà Nội và TP. HCM. Chúng ta có thể hy vọng sẽ sớm hình thành được một TTTC cấp khu vực tại Việt Nam khoảng 10 năm nữa. Trong bài phát biểu tại diễn đàn mang tên: “TP. HCM có thể thành TTTC thế giới” được tổ chức tại TP. HCM ngày 18/10/2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã nhận định: “TP. HCM đã là trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất cả nước, nhưng muốn vươn ra khu vực và thế giới thì còn cần nhiều sự hợp sức và chính sách hỗ trợ từ các Bộ ngành”. Tôi cho rằng đây là một ý kiến mang tính định hướng rất chính xác. Nếu chúng ta nỗ lực phấn đấu khắc phục những yếu kém và tạo hạ tầng chính sách đặc thù, hạ tầng công nghệ hiện đại, thu hút được nhà đầu tư có uy tín, thu hút các bạn hàng quốc tế mở tài khoản thanh toán mới… thì sẽ đủ sức khởi đầu cho một TTTC cấp khu vực sớm ra đời và phát triển tại TP. HCM.

Nguồn:

(1) Tạp chí Tài chính điện tử, số ra ngày 24/3/2018 bài: “Vị thế của đồng NDT trong kho dự trữ toàn cầu”

(2) Tạp chí Tài chính điện tử, số ra ngày 3/7/2020, bài: “liệu Hong Kong có duy trì được vị trí TTTC toàn cầu”

Bài viết đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 8/2021

Từ khóa » Sự Ra đời Của Tiền Tệ Việt Nam